Mấy kỷ niệm về "cây chính luận" của báo Đảng

Mồng 5 Tết Nhâm Dần, tôi đến thăm và chúc Tết anh Trần Kiên, nguyên Phó Tổng Biên tập thường trực, nguyên Bí thư Đảng ủy Báo Nhân Dân (nhiệm kỳ 1969-1974). Tôi vui mừng được biết, ngày 8/2, anh tròn tuổi 95. Tuổi cao, sức khỏe giảm, là quy luật của tạo hóa, nhưng trí tuệ anh vẫn minh mẫn, giọng nói vẫn vang âm, sôi nổi.

Nhà báo Trần Kiên (bên trái) và tác giả.
Nhà báo Trần Kiên (bên trái) và tác giả.

Lớp hậu sinh chúng tôi ở báo Đảng rất tự hào về những "cây chính luận" xuất sắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam, như Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Đăng, Quang Đạm, Trần Kiên… Những năm 90 của thế kỷ 20, tôi đã có nhiều lần ngồi ở thư viện của báo, tìm trong kệ sách lưu giữ những bài xã luận, bình luận của nhiều cây bút, thì có thể nói, Trần Kiên có số lượng bài khá đồ sộ (thời chống Mỹ, cứu nước, có năm, anh viết gần 200 bài). Với cương vị là Trưởng ban Miền nam; sau khi nước nhà thống nhất là Trưởng ban Quốc tế, tình hình thời sự và nhiệm vụ chính trị của đất nước đòi hỏi anh phải viết nhiều, viết nhanh, viết liên tục, đáp ứng sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trước những vấn đề nóng, cấp bách và nhạy cảm. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy cần có tài năng - mà thể loại chính luận là "vũ khí" đặc biệt của báo chí, cần thể hiện sinh động, thuyết phục khi đề cập những chủ trương, đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Anh chị em trong Ban Thư ký thường trao đổi với nhau: "Tối nay sẽ được về nhà sớm hơn vì anh Trần Kiên viết xã luận". Ai cũng biết trong thời chiến, những bài xã luận, bình luận thường viết muộn nhất vì phụ thuộc tình hình trong ngày, nên luôn là loại bài cuối cùng của số báo chuyển đi nhà in. Có hôm Tổng Biên tập Hoàng Tùng duyệt xã luận đã cho "phá sản" một số bài và tự mình viết lại, thì bài càng muộn hơn. Với bài của Trần Kiên, Tổng Biên tập thường hài lòng vì chữa ít hoặc hầu như không sửa… Có những bài cực kỳ quan trọng, sau khi duyệt xong, Tổng Biên tập yêu cầu trình đồng chí Trường Chinh cho ý kiến. Rất mừng là những bài như vậy, đồng chí Trường Chinh đều ghi ở góc bài: "Đồng ý". Dịp được tháp tùng đồng chí Trường Chinh đi Cuba, sau loạt bài phản ánh chuyến thăm, đồng chí Trường Chinh nói với Thư ký: "Trần Kiên là cây bút chính luận có tư duy chặt chẽ, bài viết thuyết phục".

Trong hơn bảy thập niên viết báo, anh có nhiều kỷ niệm về Bác Hồ, nhất là khi làm phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Liên Xô (từ năm 1958 đến năm 1963). Có lần đi cùng xe với Bác đến dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô ở Điện Kremlin, Bác hỏi: Chú có thạo tiếng Nga không, anh trả lời: "Dạ thưa Bác, cháu chỉ thông thạo tiếng Pháp, còn tiếng Nga thì tự học ạ". Bác thân tình căn dặn: "Tiếng Nga cũng là tiếng khó, nhất là về ngữ pháp. Chú cần dành thời gian dài đi về nông thôn ở với một gia đình; qua giao lưu, sinh hoạt là dịp rất tốt để nâng cao trình độ tiếng Nga; đồng thời có thêm "tư liệu sống" viết báo cho sinh động". Tôi hỏi anh về kỷ niệm sâu sắc khi được gặp Bác Hồ, anh nói có nhiều điều rất đáng nhớ. Anh kể: Hồi kỷ niệm ngày sinh của nhà văn Lev Tolstoy, Bác viết bài đăng trên báo Văn học Nga, nhan đề: "Tôi là người học trò nhỏ của L.Tôn-xtôi". Bài viết rất hay, anh vội dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt và gửi về đăng Báo Nhân Dân. Vài hôm sau, Bác Hồ sang thăm Liên Xô. Gặp Bác ở Đại sứ quán ta tại Mát-xcơ-va, Bác hỏi Trần Kiên: "Sao chú cắt bài của Bác?". Anh toát mồ hôi, xin với Bác được kiểm tra lại bản dịch. Đúng là anh đã sơ suất không kiểm tra kỹ việc dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt, để sót một câu trong bài của Bác. Anh làm bản tự kiểm điểm nhận lỗi với Bác. Sau đó, đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác, cho biết: Bác bảo: "Biết lỗi thì thôi". Câu nói ngắn gọn của Bác thể hiện sự độ lượng, bao dung.

Mấy kỷ niệm về

Học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949. Trong ảnh: Nhà báo Trần Kiên (tên đi học là Hoàng Kiên Trung) đứng ngoài cùng, bên phải. Nguồn: BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM 

Trong "gia tài" đồ sộ về các bài chính luận, nhiều đồng nghiệp mong anh nên tuyển chọn để xuất bản sách, anh đều từ chối khéo; trong khi đó, anh thường xuyên đọc các bài báo, các cuốn sách của đồng nghiệp và có lời nhận xét khích lệ. Anh từ chối các cuộc phỏng vấn của nhiều báo, đài về báo chí, nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6).

Là một trong những học viên xuất sắc của Lớp báo chí mở đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng (năm 1948), anh được nhận giải nhất của Lớp học, nhưng dịp khánh thành Bia di tích Lớp học ở huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), Truyền hình Thái Nguyên xây dựng bộ phim tư liệu về Lớp học, mời anh kể đôi điều tâm đắc nhất, anh nói thân tình: "Nên chọn người khác, như chị Lý Thị Trung là xứng đáng". Với anh, điều tâm niệm thường xuyên là cố gắng làm tốt phận sự của Đảng phân công; dù là phóng viên hay khi là người quản lý và phụ trách nhiều ban, như ban Tân văn, ban Miền nam, ban Quốc tế, ban Nội chính, ban Nhân Dân chủ nhật (thời kỳ đầu thành lập) và nhiều bộ phận khác của báo… Tại Đại hội Đảng bộ Báo Nhân Dân (nhiệm kỳ 1969-1974), anh xin rút khỏi danh sách đề cử, nhưng Đại hội vẫn tín nhiệm bầu anh vào Ban Chấp hành và cử làm Bí thư Đảng ủy. Khi làm Tổng Biên tập, đồng chí Hữu Thọ phải thuyết phục nhiều lần, anh mới nhận cương vị Phó Tổng Biên tập thường trực. Không phải vì ngại vất vả, mà thật sự anh chỉ muốn cử những người trẻ tuổi hơn anh để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kế nghiệp…

Với riêng tôi, anh vừa là người anh, vừa là người thầy tình sâu nghĩa nặng. Sau khi tôi nhận nhiệm vụ Phó Trưởng ban Thư ký-Biên tập, anh mấy lần đề nghị Tổng Biên tập Hoàng Tùng điều động tôi về làm Phó Trưởng ban Quốc tế. Chính trong thời gian ba năm công tác tại đây, dưới sự quan tâm chỉ dẫn, giúp đỡ tận tình của anh, tôi có bước trưởng thành vững chắc trong tác nghiệp thể loại chính luận. Những bài xã luận, bình luận của tôi qua cách sửa của anh, đã thật sự "nâng tầm". Và đó cũng là cơ sở để sau này, trên cương vị Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, tôi đã tự mình viết nhiều bài xã luận, bình luận, chuyên luận và nhiều thể loại khác với sự tự tin, được nhiều đồng nghiệp khích lệ.

Nhân dịp anh tròn tuổi 95, tôi chúc anh trường thọ, trí tuệ sung mãn, mãi là tấm gương sáng về nghiệp vụ báo chí và phong cách sống bình dị, khiêm nhường đối với thế hệ làm báo hậu sinh hôm nay.

Hà Nội, ngày 6/2/2022