Giọt mật đồng bãi

Tôi sinh ra bà ngoại đã không còn nữa. Hằng ngày, tôi gặp khuôn mặt hiền hậu của bà qua bức ảnh đen trắng cũ mờ bảng lảng như sương khói bên sông. Mỗi độ đầu hè, khi ngoài bờ sông mía đã lên xanh ngắt, tiết trời trở ấm nắng với những cơn mưa rào xanh mát thì cũng là lúc ông ngoại gọi chúng tôi về chuẩn bị làm giỗ cho bà.

Lần nào giỗ bà, bên cạnh những món ăn quen thuộc ông ngoại tôi cũng nấu chè mật mía. Ông bảo ngày xưa bà rất thích món này. Bao đời nay bãi sông quê trồng mía, người làng sống được nơi khúc sông hẻo lánh này là nhờ cây mía. Cuối mùa thu hoạch, những cây mía to đẹp đã được xe buôn chuyến chở đi, người làng lại đi nhặt những cây xấu người ta không nhận về nấu mật. Mật mía chế biến hoặc làm gia vị được rất nhiều món, nhưng với bà ngoại thì mật mía nấu với nếp quê sẽ tạo ra món chè ngon nhất. Sự hòa quyện ấy tượng trưng cho vị ngọt ngào của dòng phù sa, cái dẻo thơm của sự gắn bó giữa đất đai sông nước và con người. Khi còn sống, bà là người yêu đồng đất, sông nước quê hương nên với bà, những gì được trồng trọt thu hái từ đất này là những thức tuyệt vời nhất. Bà ngoại ra đi vào những ngày hiu hắt đói, hạt gạo, giọt mật đã cạn từ độ giêng hai. Năm nào giỗ bà, ông cũng nhắc lại những điều đó, đôi mắt mông lung nhìn sương khói ngoài bãi sông.

Một bên là làng mạc, một bên là bãi bồi của dòng sông Hồng nặng niềm xứ sở, đường làng ở giữa mặc nhiên là chốn để chúng tôi nô đùa, nghịch ngợm, tụ tập nhau. Sau những cơn mưa đầu hạ, con đường sùi sụt ướt, bước chân người qua lại in hằn. Lũ trẻ chúng tôi chơi trò ướm đặt chân mình vào những dấu chân để lại trên đường, thử xem mình đã lớn đến mức nào. Cũng chỉ là một trò chơi trẻ con mà trong vô thức những dấu chân để lại ấy lại làm nên bao nhiêu hình dung, mơ ước khác. Tôi tự thấy mình đã lớn lên khi một lần chợt nghĩ, con đường đất này cũng đã in hằn dấu chân của bà ngoại tôi tần tảo đi về từ nhiều năm trước, nhờ vậy tôi hình dung về bà gần gũi hơn. Đường làng như là gạch nối giữa quê quán với con người, giữa người thời trước và con cháu đời sau.

Rồi ông ngoại tôi cũng khuất bóng. Mẹ gọi điện nhắc tôi về giỗ bà từ hai tuần trước. Mẹ sợ tôi quên bởi công việc bộn bề. Tôi nhắc mẹ tìm mua mật mía vị ngọt đằm, năm ngoái mua phải mật nấu hơi quá lửa, chè không đỏ và thiếu vị ngọt hậu. Tôi nhớ trước đây, năm nào phải mật quá lửa ông lại bảo: Bà mày cứ khó tính vậy thôi, chứ tháng ba ngày tám này, giọt mật còn quý hơn thoi vàng con ạ.

Tôi về trước sông quê, mía vẫn ngút ngàn bên bãi vắng, vẫn thắp lên những hy vọng về một mùa thu hoạch ngọt ngào. Ông bà tôi hẳn sẽ vui lắm khi biết chúng tôi bây giờ không còn phải trải qua những mùa đói mòn đói mỏi như xưa. Nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ lại những giọt mật đỏ đượm của vùng đồng bãi, giọt mật nhắc về quê hương nguồn cội, nhắc về tình thân con người. Những giọt mật, như không chỉ được chắt ra từ thân mía, mà còn từ sự hào phóng, rộng lượng của đồng bãi.