Cha tôi và kho sách cũ

Nhà ở vùng ngoại ô xanh mướt mát bóng cây. Thư viện nhỏ trên tầng hai, với hàng nghìn cuốn sách cũ có ban-công rộng quay ra sân. Phía trước sân là con kênh xanh của làng. Ðó là nơi cha tôi đọc sách, làm việc và gặp gỡ những người bạn vong niên, nghỉ hưu trong khu phố. Trước sân, hai cây cau cao chót vót trồng từ ngày ông bà mới sinh ra cha tôi. Cây khế ngọt đầy quả cũng vươn đến tầng hai, chim sâu, vành khuyên thường về trú ngụ. Nơi cha ngồi uống trà, đọc sách bao giờ cũng có lồng chim cảnh, một vài chậu nhài, dành dành hoặc nguyệt quế. Ðó là những loài hoa có bông nhỏ, mầu trắng tinh tuyền và hương thơm dễ chịu. Cha bảo, trong không gian như thế, hương hoa quyện với vị trà, vẻ đẹp của con chữ và tiếng chim sẽ tạo hứng khởi trong lòng và giúp tinh thần thư thái.

Gia đình tôi coi thư viện không chỉ là kho tri thức, mà còn là nơi gắn kết các thành viên. Nhờ đó anh em chúng tôi, các thành viên gia đình, họ hàng được bồi bổ tri thức, tâm hồn, hướng lòng sống bác ái và nhân nghĩa. Cha tôi là linh hồn của kho sách, thư viện gia đình. Cha đã chăm sóc, nâng niu từng cuốn sách, có những cuốn dày cả nghìn trang. Cha cũng luôn bổ sung những cuốn sách giá trị mà ông và những người bạn ham đọc sưu tầm hoặc tìm thấy. Ở Hà thành thường diễn ra những phiên chợ hoặc đại hội sách cũ. Cha thường đến những nơi đó để tìm mua cuốn mà mình thích. Có những cuốn sách quý được mang đến trao đổi hoặc người chủ không biết giá trị thật của nó nên đã bán đi. Cha bảo, ở đời có ba thứ quý, là bạn cũ, rượu cũ và sách cũ. Giá trị của sách chẳng bao giờ cũ. Ngay cả những cuốn đã sờn mòn, mất góc, hỏng gáy nhưng giá trị tri thức và giá tiền mua cao gấp nhiều lần cuốn sách mới được xuất bản.

Cũng chẳng ít lần tôi theo cha đi tìm mua sách cũ để làm giàu thêm kho tàng gia đình. Ở đó tôi gặp nhiều bạn trẻ đam mê sách. Càng đọc, tôi nhận ra một điều, khi chạm tay, giở đọc những cuốn sách cũ và quý, chúng ta có thể lắng nghe được tiếng rì rầm của lịch sử trên chất liệu giấy in, cách sắp xếp các con chữ, mẩu giấy "đính chính" hay sự phát triển của ngôn ngữ tiếng Việt thông qua cách hành văn. Mỗi lần đọc một cuốn sách cũ, tôi có cảm giác như đang tiếp cận quá khứ của một ai đó. Ðó cũng là sự hưng phấn rất khó diễn tả mà sách cũ mang lại.

Thư viện gia đình đã có từ thời ông nội tôi. Ông nội đã truyền kho sách cho cha. Cha lại truyền tinh thần ham đọc cho chúng tôi. Từ tấm bé chúng tôi đã biết thủ thỉ, lắng nghe sách nói, sách kể và tinh thần của sách ngấm vào trong từng bước đi của bậc học, cuộc sống. Có người nói ham đọc cũng có gene. Tôi không rõ điều đó đúng hay sai, nhưng chắc chắn sự ham đọc có tính lan truyền. Rằng người này có thể làm lan truyền tình yêu sách cho người kia. Sách có thể nói chuyện với người này, và cũng lại nói với người kia bằng cách riêng của mỗi cuốn.

Theo cách giải thích của cha, thư viện là linh hồn của gia đình, đã làm nên con người nho nhã và học thức của cha. Kho sách cũng góp phần làm nên sự thành đạt của những đứa con cha hằng yêu quý. Cũng từ kho sách, cha sống an vui tuổi già, thường cùng những người bạn vong niên đàm đạo về văn chương, thế sự hay về những cuốn sách quý.

Chục năm qua, việc trao đổi, mua bán sách cũ khá sôi động trên không gian mạng. Cha tôi cũng tự học hỏi, kết nối, tham gia các diễn đàn và từ đó, chọn được nhiều cuốn sách ưng ý. Nhờ công việc ấy, cha mạnh khỏe, minh mẫn hơn. Qua biết bao năm đi đó đây, công tác, tôi hiểu rằng không phải ai cũng may mắn như mình, sống trong một kho tàng và biết trân quý, tìm được những giá trị từ kho tàng ấy. Một kho tàng không thể mua được bằng tiền.