Vẫn là khâu tổ chức thực hiện!

NDO - Thiết nghĩ, mỗi chúng ta cần nhớ lại lời căn dặn của Bác Hồ: “kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”. Suy cho cùng, tổng hòa mọi biện pháp chính là vấn đề tổ chức thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao. Trong khâu tổ chức thực hiện, việc kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Vẫn là khâu tổ chức thực hiện!

Đề cập vấn đề này, có một số cán bộ hay tặc lưỡi: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Trên thực chất đó là những người ngại khó, ngại khổ, hay tìm cách ngụy biện cho việc họ không làm; hoặc làm sai, gây ra hậu quả xấu.

Vụ cháy ở Bình Dương mới đây cướp đi hơn 30 mạng người là câu chuyện thời sự, cần được suy ngẫm mọi lẽ, bởi đây là thảm họa vô cùng thương tâm, buộc các cơ quan chức năng phải nghiêm túc xem xét một cách hệ thống các chủ trương, quy định cụ thể về sự vận hành các quán karaoke đã được cấp phép hoạt động. Cần nhấn mạnh rằng, đây không phải là vụ cháy đầu tiên ở một nơi hoạt động văn hóa giải trí. Đã có nhiều vụ việc tương tự diễn ra ở miền bắc, miền trung, miền nam; và sau khi đó, đã có một loạt hành động điều tra, kiểm tra, nhắc nhở, rút kinh nghiệm...

Ngay sau vụ cháy quán karaoke An Phú, Bình Dương liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy khác tại TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một trong ngày 9 và 10/9, tuy nhiên nhiều người đã may mắn thoát nạn. Cùng ngày 10/9, một vụ cháy lớn tại xưởng chăn đệm ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) làm 3 mẹ con bị bỏng nặng và không qua khỏi. Còn tại TP Hồ Chí Minh, hàng trăm cư dân sống tại chung cư Diamond Riverside (đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8) hoảng hốt khi nghe tiếng chuông báo cháy nên đưa gia đình của mình xuống sảnh để lánh nạn thời điểm tối 10/9...

Vậy vì sao các vụ việc đau lòng, gây hoảng loạn dư luận vẫn liên tiếp diễn ra? Phải chăng các hoạt động nêu trên chỉ mang tính hình thức, đối phó? Phải chăng các cơ quan hữu quan khi xem xét có phần “dàn xếp”, “nương tay”, nhất là đối với cơ quan ra quyết định cấp phép hoạt động? Một điều hiển nhiên dễ thấy là, nếu trước khi xem xét để cấp phép, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chủ nhân bố trí hệ thống phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định; nếu không bảo đảm các yếu tố bắt buộc đó thì dứt khoát chưa cấp phép. Rõ ràng là, ngay khâu đầu tiên đã bị buông lỏng và tùy tiện; đến lúc xảy ra sự cố thì có hiện tượng đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau!...

Chúng ta xót xa khi nghe những câu “tổng kết” mang yếu tố văn nghệ dân gian, vừa dí dỏm, vừa đau lòng: “ông Tỉnh chỉnh ông Huyện; ông Huyện nện ông Xã; ông Xã đá ông Thôn; ông Thôn dồn ông Xóm; ông Xóm tóm người Dân”. Vậy là cuối cùng, mọi việc đổ lên đầu Dân! Dân thực thi công việc theo chủ trương của cấp có thẩm quyền, nhưng khi thất bại thì Dân gánh chịu hậu quả, thiệt thòi. Câu chuyện cháy quán karaoke ở Bình Dương mới đây, giúp các cơ quan chức năng tự soi xét trách nhiệm của mình: trách nhiệm giáo dục nhân dân nâng cao nhận thức để tự giác hành động; trách nhiệm xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; trong đó cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Chỉ có như vậy, mới có thể ngăn chặn tức thời những hành vi tiêu cực đã và đang diễn ra, như nạn găm hàng (việc một số đại lý bán xăng dầu vừa qua kêu hết hàng, nhưng thực chất chờ tăng giá); nạn chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng; việc ì ạch trong giải quyết hỗ trợ an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách ở một số nơi, v.v.

Trước tác động tiêu cực của những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, chúng ta vẫn bảo đảm tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội... - đó là cố gắng to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện ở mọi lĩnh vực, chắc chắn đất nước ta sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.