Tình anh em

Ngày nhỏ, nhà ở dưới quê có sân vườn rất rộng. Trong vườn trồng nhiều loại cây ăn quả mít, mận, ổi, khế, dừa... Hằng ngày, anh em trai hay rủ nhau kiếm quả chín hái ăn và vui đùa trong sân. Những đêm trăng, thường chơi trò năm mười, cút kiếm...

Minh họa | TRẦN XUÂN BÌNH
Minh họa | TRẦN XUÂN BÌNH

Anh chị em ở chung trong nhà vui vẻ như ba người bạn. Sáng dậy sớm, anh chị em cùng nhau ăn sáng, rồi ai nấy ra ngoài đường lo công việc của mình. Trưa về, mỗi người một tay, dọn dẹp nhà cửa, lặt rau, nấu cơm. Lúc ngồi ăn, anh chị em trò chuyện vui vẻ. Đều đặn ngày nào cũng vậy. Buổi trưa hôm đó cũng như bao ngày, anh chị em đang ăn cơm, bỗng dưng chú Út ngập ngừng nói:

- Thưa anh chị, em muốn ra ngoài thuê nhà, ở riêng...

Anh Hai sa sầm nét mặt, bỏ chén cơm xuống bàn:

- Sao thế? Vợ chồng anh làm gì em buồn?

Chị dâu cũng ngạc nhiên nhìn chồng, rồi quay sang em hỏi:

- Hay chị có lỡ lời gì không?

Chú Út:

- Dạ không! Chẳng là em muốn vừa học, vừa làm, muốn có cuộc sống tự lập...

Anh Hai và chị dâu bất ngờ, im lặng không biết xử trí sao. Không khí bữa ăn bỗng nhiên chùng xuống, khó thở.

Trong gia đình, anh Hai vốn tính tình bộc trực, hễ gặp chuyện không phải là lớn tiếng la mắng với em, nhưng anh là người sống tình cảm, hết mực vì gia đình và rất yêu thương em. Ngược lại, chú Út lại là người ít nói, sống nội tâm, anh la đúng hay sai gì cũng im lặng. Chú có tính bướng ngầm, việc gì đã quyết là làm. Những năm gần đây chú Út lớn rồi, anh Hai xem như là bạn chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, mỗi lần em sai, anh không lớn tiếng với em như ngày xưa nữa.

Suốt cả buổi chiều làm việc, anh Hai luôn bực bội trong lòng. Đêm về anh trằn trọc, lo lắng cho em không ngủ được. Anh nghi ngờ, hỏi vợ: “Có khi nào chú Út bị bạn bè xúi giục, lôi kéo ra ngoài ở để tiện chơi bời không?”. Chị dâu lắc đầu: “Em nó hiền lành, ham học, có lối sống lành mạnh. Trưa học về phụ anh chị cơm nước, chiều học về sớm lo lau dọn nhà cửa, rồi lại ôm sách vở học bài. Em nghĩ chắc không có đâu!”. Anh Hai: “Vậy thì sao, nó...?”. Chị dâu: “Em cũng không biết. Thôi khuya rồi, có gì mai mình hỏi lại Út lần nữa!”.

Sáng dậy, như thường lệ anh chị em ngồi ăn cơm, anh Hai nghiêm túc hỏi:

- Em thật sự muốn ra ngoài ở?

Chú Út:

- Dạ vâng, anh chị à! Chỉ là em muốn sống tự lập thôi. Em đã thuê nhà rồi, tuần sau em dọn đi!

Nhà có hai anh em trai. Anh Hai lên phố học đại học, rồi lấy vợ, mua nhà, lập nghiệp ngoài thành phố. Kể ra đơn giản thế, nhưng với anh Hai là cả một quá trình phấn đấu. Những năm tháng ấy, cha mẹ bán miếng đất ruộng mua cho anh chiếc xe máy để tiện bề đi học. Anh tính chạy thêm xe ôm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ngày đầu tiên, anh mới chạy xe ra ngã ba, ngồi đợi chưa được năm phút có khách đến đi liền. Anh chưa rành đường, nhưng may gặp người khách tốt bụng, không những không la mà còn tận tình chỉ dẫn. Lúc trở về, bỗng nhiên có ba người đàn ông đi xe máy chạy tới chặn trước mặt: “Ê, chú em, địa bàn này là của tụi anh. Chú thông cảm đi chỗ khác nhé!”. Anh rướn cổ cãi: “Bộ con đường này của tụi ông làm à?”. Một người nổi nóng, gạt chân chống xe bước xuống tính lao vào đánh anh. Nhưng có người cầm tay kéo lại, can: “Mặt non choẹt, chắc là sinh viên”, rồi quay sang bảo anh: “Chỗ này là đội xe thồ tự quản của tụi anh, em đi chỗ khác đi. Nếu không bị đánh đó, đi đi em...”. Nhìn ba người đàn ông mặt đen sẫm, hung tợn, còn mình lẻ loi nơi phố thị, anh sợ hãi bỏ đi. Từ đó, anh không dám nghĩ đến chuyện chạy xe ôm nữa.

Anh làm thêm nhiều việc khác như dạy kèm, bán cà-phê, bỏ báo, phụ nhà hàng tiệc cưới. Mặc dù vất vả, nhưng anh rất vui là đã làm ra được tiền, đỡ đần phần nào cha mẹ đang khó khăn ở quê. Có một việc mà anh nhớ mãi, nó ám ảnh theo năm tháng. Đôi khi nửa đêm đang ngủ, bỗng giật mình, thảng thốt, mồ hôi toát ra đầm đìa. Ấy là lần anh đi làm gia sư cho một gia đình giàu có, hai vợ chồng chủ nhà tuổi trung niên, có hai con, bề ngoài trông rất mẫu mực. Từ lâu anh từng đọc truyện, xem phim nói việc sinh viên đi dạy kèm bị bà chủ nhà gạ gẫm, nhưng ở gia đình này lại hoàn toàn khác. Vợ chồng chủ nhà đối với anh rất tốt, lúc thì xay cho ly nước trái cây, khi thì cho thức ăn mang về ăn khuya. Về phần mình anh cũng nhiệt tình dạy cho con họ, không kể thời gian. Một buổi tối, anh đến nhà dạy học như thường lệ, nhưng không thấy chị chủ nhà và cậu học trò. Ông chủ nhà nói: “Chị với mấy cháu mới về ngoại chơi”. - “Sao anh không báo trước để em khỏi đến, mất công?”. - “ Vì anh muốn nhậu với em một bữa”. Nói rồi, ông chủ nhà loay hoay bưng bia, thức ăn ra bộ bàn ghế salon ở phòng khách. Không thể chối từ sự nhiệt tình của ông chủ, anh đành ở lại. Anh không uống được nhiều bia, nhưng ông chủ cứ ép hết chai này đến chai khác. Vừa uống, ông chủ nhà vừa ngồi sát lại gần bên anh từ khi nào. Mỗi lần cạn lon, ông ta tìm cách choàng vai, khi thì bỏ tay lên đùi, nắn bóp, sờ soạng. Lúc còn tỉnh táo, anh gạt tay ông ra nhưng chỉ được một lúc rồi lại như cũ. Đến khi anh cảm thấy say, xin về thì ông chủ bất ngờ ôm chầm lấy anh, hôn lấy hôn để, rồi tìm cách... Anh cố giãy giụa. Ông chủ càng ôm chặt. Cuối cùng, anh cũng vùng thoát ra được! Đêm hôm đó về phòng trọ, anh sợ hãi, hoang mang vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Cả tuần liền anh không thể nào ngủ được. Còn tiền dạy học tháng ấy anh cũng không dám quay lại nhận. Sau này anh mới biết đó là biểu hiện của người lưỡng giới.

Giờ đây, chú Út muốn ra ngoài ở, anh Hai không đành lòng chút nào. Anh thương em, sợ em khổ, không muốn em dẫm lên bước chân cũ vất vả đã qua của mình. Anh muốn thay mặt cha mẹ, lo cho em ăn học chu toàn. Anh nhớ lại, những ngày đầu chú Út đậu đại học lên phố, anh vui mừng đưa em đi nhận trường, nhận lớp, dẫn em tham quan khắp nơi rồi đưa về nhà, bảo: “Từ nay, em phải ở với vợ chồng anh. Em chỉ cần cố gắng học hành cho thật tốt, không phụ lòng cha mẹ, còn lại mọi thứ để anh lo”. Nói rồi, anh dắt em vào căn phòng đã chuẩn bị sẵn giường nệm, chăn gối, tủ đồ, sách vở, vi tính, bàn học..., mọi thứ đều mới toanh. Nhìn căn phòng đầy đủ tiện nghi, chú Út xúc động vô cùng: “Em cám ơn anh!”. Từ ngày có chú Út về ở, không khí gia đình càng thêm đầm ấm. Anh là người tâm lý, thỉnh thoảng lén nhét vào túi em ít tiền tiêu vặt. Cuộc sống đang vui vẻ vậy mà giờ đây chú Út quyết ra ngoài thuê nhà ở riêng là sao? Phải chăng anh chăm lo cho em không đầy đủ? Càng nghĩ đến, anh càng thêm buồn.

Cuối cùng cũng đến ngày chú Út dọn dọn đi. Anh Hai, chị dâu nghỉ việc thuê xe dọn đồ đạc em đến nơi ở mới. Vừa im lặng khuân đồ, anh Hai vừa tức trong lòng. Anh thầm trách em, không hiểu cho mình. Cuộc sống của anh nào có thong thả gì. Vợ chồng nghèo, cưới nhau chưa lâu, dành dụm mãi mới có tiền mua đất, cất nhà. Thiếu thốn đủ thứ, phải vay tiền ngân hàng và bạn bè, nhưng anh giấu không muốn cho em biết. Những gì lo cho em là những cố gắng hết sức có thể của anh, không biết làm sao hơn được nữa! Anh nghĩ đến cha mẹ nghèo ở quê, ngoài sân vườn, chỉ có thêm bốn sào ruộng lúa nước, tiền ăn gia đình đã thiếu trước hụt sau huống hồ phải nuôi con ăn học. Ngoài làm ruộng, cha đi làm thuê mướn khắp nơi; mẹ ở nhà trồng rau, nấu rượu, nuôi heo, lúc rảnh rỗi thì đi cắt lúa mướn. Cả đời cha mẹ vất vả nuôi các con ăn học. Từ ngày lấy vợ, anh vẫn chưa giúp cha mẹ được gì nên trong lòng luôn day dứt. Lúc chú Út mới lên phố, cha gọi điện thoại cho anh: “Cha mẹ lớn tuổi không làm được nhiều nữa, là anh Hai, con ráng chăm lo cho em nhé!”. Anh vội đáp: “Cha mẹ yên tâm, cứ để con”. Giờ đây chú Út chuyển đến nơi khác, anh biết ăn nói làm sao với cha mẹ đây? Từ chỗ yêu thương, anh chuyển sang thất vọng, giận dỗi, trách em đã phụ lòng mình. Dọn đồ vào nhà cho em xong, anh Hai vội vã về ngay, không nói thêm một câu nào. Trên đường, chị dâu hiểu tâm lý chồng, bảo: “Thôi, anh đừng buồn nữa! Lúc nào rảnh, vợ chồng lại mình ghé thăm em. Cuối tuần, em sẽ nấu đồ ăn mang sang cho chú cũng được”.

Cuộc sống phố thị luôn bận rộn, ngay cả anh em bạn bè nếu không cùng công việc thì cũng ít có thời gian thăm nhau. Mấy tháng đầu, thỉnh thoảng buổi trưa đi làm về, anh Hai và chị dâu ghé xem chú Út ăn ở thế nào. Chú Út vui vẻ khoe: “Học một bữa, bữa chiều tối đi dạy kèm nhiều cua, vất vả nhưng em rất thích”. Về sau anh chị tới thăm em thưa hơn, không ít lần đến nhưng không gặp, nên dần dần không đến nữa. Về phía mình, chú Út hôm nào rảnh cũng ghé thăm anh chị, ở lại ăn cơm. Tuy anh em lâu mới gặp nhau, chuyện trò không được tự nhiên, thoải mái như ngày còn nhỏ hay những ngày đầu chú Út mới lên ở chung trong nhà. Có cảm giác tình cảm anh em cứ nhạt nhạt dần đi, dù tất cả vẫn luôn yêu thương nhau.

Thời gian lặng lẽ như nước trôi qua cầu. Mấy năm sau, học xong ra trường, chú Út về quê làm việc rồi cưới vợ, phụng dưỡng cha mẹ già. Hằng năm, vào mùa cây trái, chú Út hay gởi quà quê lên cho anh hoặc điện thoại thăm hỏi. Tuy vết thương tình cảm ngày trước đã được thời gian lâu vá lành, nhưng vẫn còn vết sẹo sâu thẳm trong lòng, không ai muốn chạm đến. Mới rồi, em dâu điện thoại lên báo chú Út bị tai nạn, anh Hai và chị dâu cấp tốc về quê. Trong bệnh viện, chú Út đang ở tình trạng nguy kịch, hôn mê mấy ngày liền. Nửa đêm ngày thứ tư, bỗng dưng chú Út hồi tỉnh dậy, thấy anh Hai ngồi bên cạnh giường, mừng lắm. Chú Út cố nắm chặt lấy tay anh, khó nhọc từng lời:

- Em xin lỗi anh!...

Anh Hai sợ em mệt, lắc đầu:

- Thôi bỏ hết đi em...

Chú Út cố gắng gượng, giải thích:

- Anh à... những ngày ở với anh, em rất hạnh phúc. Nhưng có lần lau dọn bàn tủ, em vô tình thấy giấy tờ của anh còn nợ ngân hàng và bạn bè nhiều, cuộc sống khó khăn. Em thương anh lắm. Em sợ anh chị vì em mà thêm gánh nặng, nên em...

Nói xong câu đó, chú Út nhắm mắt lại, nước mắt ứa ra từ hai bên khóe. Anh Hai cầm chặt tay em, đau nhói lòng, nước mắt rưng rưng, ngậm ngùi:

- Cái thằng!... Mình là anh em mà, tiền bạc, xá chi!...

Ở quê nhà có sân vườn rất rộng. Trong sân trồng nhiều loại cây ăn quả: Cây mít, cây mận, cây ổi, cây khế, cây dừa... Hằng ngày, anh em trai thường rủ nhau tìm kiếm quả chín hái ăn, vui đùa trong sân. Đêm trăng, anh em thường chơi trò năm mười, cút kiếm... Nay chỉ còn lại có mình anh Hai!

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Chuyện như chẳng có gì để kể trong một thời đại náo loạn và ầm ĩ đủ thứ ngày ngày. Hai anh em yêu thương nhau từ nhỏ, lớn lên mỗi người mỗi ngả với số phận riêng của mình. Những ký ức đẹp đẽ thuở ấu thơ như chỉ là một giấc mơ xa tít. Nhưng đọc xong, lòng tôi xao động lạ thường. Một ngọn lửa nhóm lên trong chiều đông buốt giá và bao chuyện phiền lòng. Hình như lâu lắm không ai kể một câu chuyện như thế. Mỗi con người trong đời sống bây giờ có quá nhiều thứ, nhưng tình anh em hay tình ruột thịt thì lại là thứ đang mất đi và rời xa trong mỗi gia đình. Với một câu chuyện như vậy, tưởng dễ kể nhưng thực ra khó vô cùng. Nếu nhà văn không chọn được chính xác ngôn ngữ cho câu chuyện, nhà văn sẽ thất bại. Lê Đức Quang đã biến sự giản dị thành nghệ thuật của truyện ngắn này và đã gieo vào lòng tôi cảm xúc đặc biệt.