Tiếng lòng của người giữ lửa

Trong Lời thưa vào đầu, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh khiêm nhường: “Tôi trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tạo điều kiện xuất bản tập thơ Tiếng quê - Tập thơ mới này gồm các bài sáng tác từ 2020 đến nay, được ra mắt vào dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”...

Tiếng lòng của người giữ lửa

Với khoảng thời gian không dài, tập hợp được cuốn sách gần 200 trang, hầu hết là thơ, chứng tỏ Nguyễn Hồng Vinh vẫn còn nguyên vẹn nhiệt huyết của người giữ lửa, vẫn viết, vẫn làm việc mặc dù ông hoàn toàn có quyền được buông lỏng, nghỉ ngơi... Thơ thực ra không phải là phương tiện để tác giả lập danh, cũng không hẳn cái nợ đeo đẳng trói buộc giống nhiều thi nhân khác. Làm thơ cũng không phải đặc quyền của bất cứ cá nhân hay nhóm khu biệt nào khác, nhất là ở xứ sở yêu thơ đã thành bản sắc. Với Nguyễn Hồng Vinh, sau một sự nghiệp báo chí bề thế, từng đảm nhiệm các trọng trách cao; khi đã bước ra khỏi chốn quan trường, gác được sang bên những bổn phận trách nhiệm, ông mới khởi nghiệp ở lãnh địa mới. Hoặc có thể ông viết từ lâu, nhưng vì lý do này lý do khác chưa công bố. Vậy nên cảm giác Nguyễn Hồng Vinh coi thơ là nơi chốn để ông trải lòng mình, một lựa chọn để ông gửi gắm những suy tư trăn trở về đời, về người, về quê hương đất nước, về cuộc sống đang ào ào chuyển động từng ngày..., tất cả lại được thể hiện bằng cách thức thuần phác, dung dị nhất: Giữa thời cơ chế thị trường/ Thắc thỏm lo âu nước lũ/ Con đê niềm tin bị vỡ/ Đất này có còn mùa xuân? (Con đê niềm tin). Nguyễn Hồng Vinh làm thơ, đến với thơ hồn nhiên và tận hưởng, nồng nhiệt tâm trạng của người đang được sống cho mình, được là mình mà không phải ngại ngần e dè những ràng buộc trước sau: Tôi vừa qua Tây Nguyên mùa mưa/ Lòng quặn thắt, nhìn rừng lim bị phá/ Gốc cây cưa như máu nhỏ đến giờ… Đi nhiều trải nghiệm nhiều, ông luôn gửi gắm vào thơ những nỗi niềm thế sự, dù đôi khi đó chỉ như những thủ thỉ tâm tình thường thốt ra trong mỗi khắc giờ: Vào năm Tân Sửu/, Hà Nội có thêm cây cầu thứ mười/ Vắt qua sông Hồng thăng trầm năm tháng/ Mười cây cầu đi qua một dòng sông/ Trăm kỳ tích đọng trong lòng dân Việt...

Nguyễn Hồng Vinh tự bạch, Tiếng quê chính là tiếng lòng của ông với “cha mẹ, tổ ấm gia đình, với quê hương Hồng Quang (huyện Nam Trực, Nam Định), với bạn bè thân thiết, với Đất nước, với chế độ mới, đã và đang truyền tình yêu thương và niềm tin cho tôi để nuôi dưỡng sự đam mê vừa viết báo, vừa làm thơ”. Đam mê làm thơ, làm thơ sung sức ở ngưỡng tuổi đã qua thời thanh xuân từ rất lâu, thơ đúng là cách thức để Nguyễn Hồng Vinh tri ân cuộc đời, tri ân con người, chân thành và tha thiết: Mảnh vườn ơi, nơi chưng cất tứ thơ/ Gói kỉ niệm bao điều thầm kín/ Chẳng ngôn từ nào chứa hết điều em muốn/ Ơn lắm mảnh vườn đã nuôi dưỡng hồn thơ...