Sức hút của dòng phim gia đình

Về nhà đi con là cụm từ khóa được cư dân mạng tìm kiếm nhiều nhất, trong suốt bốn tháng ròng rã chiếm sóng giờ Vàng kênh VTV1. “Bộ phim quốc dân” - như cách gọi đầy yêu mến của khán giả màn ảnh nhỏ đã bất ngờ trở thành hiện tượng truyền thông, khi hiệu ứng đám đông mà nó lan tỏa nằm ngoài sự tiên liệu của chính ê kíp sản xuất. Nhưng thật ra, Về nhà đi con chỉ là thành công nối dài của dòng phim khai thác đề tài gia đình, vốn đã được người xem nồng nhiệt đón nhận trong một vài năm gần đây.

Những gương mặt tạo nên sức hấp dẫn cho bộ phim Về nhà đi con.
Những gương mặt tạo nên sức hấp dẫn cho bộ phim Về nhà đi con.

Thành công từ những “lần đầu tiên”

Là tác phẩm mở màn cho khung giờ phim 30 phút trên VTV1, Về nhà đi con cũng là phim truyền hình đầu tiên có thời lượng mỗi tập rất ngắn nhưng lại được phát sóng liên tục năm ngày trong tuần. Và đây cũng là lần đầu, Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC) chọn cách “làm lại” (remake) một tác phẩm, cũng do chính đơn vị này sản xuất từ sáu năm trước mang tựa đề Khi đàn ông góa vợ bật khóc. Với diễn xuất chân thực và xúc động của diễn viên Công Lý, cảnh “gà trống nuôi con” của người cha với ba cô con gái đã từng đạt tỷ suất người xem (rating) khá cao trong năm 2013. Lựa chọn này ban đầu được coi là mạo hiểm và có gì đó không logic cho lắm. Nhưng nhiều khán giả chia sẻ, mối quan tâm ban đầu của họ với phim xuất phát từ sự tò mò, xem hai bản có gì khác nhau?

Số lượng 85 tập phim chưa phải quá dài, nếu so sánh với những series phim truyền hình nước ngoài hàng trăm tập vẫn ngày ngày được trình chiếu trên nhiều kênh sóng. Nhưng đây cũng là một thử thách lớn với đội ngũ làm phim Việt, khi dạng phim kiểu này từ trước tới nay dễ rơi vào cảnh “đầu voi đuôi chuột”, hấp dẫn được ít tập đầu rồi nhanh chóng đuối sức, hụt hơi. Vì thế, việc co ngắn thời lượng xem ra lại là một áp lực tích cực khi nội dung, tình tiết, cao trào, thắt nút của mỗi tập buộc phải tính toán sít sao, để mỗi tập phim kết thúc giống như món ngon đang dở miệng.

Đây cũng là bộ phim đầu tiên làm theo kiểu cuốn chiếu, vừa quay vừa làm hậu kỳ và phát sóng. Điểm mạnh của hình thức sản xuất này nằm ở chỗ ê kíp sản xuất, căn cứ vào những luồng ý kiến phản hồi nóng hổi, trực tiếp mỗi ngày có thể điều chỉnh nội dung kịch bản, cập nhật những câu thoại thú vị để nhanh chóng đáp ứng mong mỏi của người xem.

Về nhà đi con cũng là một bộ phim đầu tiên được hoạch định chiến lược truyền thông bài bản và quy chuẩn đến thế. Chưa tác phẩm nào được “phủ sóng” dày đặc trên truyền thông đa phương tiện, từ các loại hình báo chí truyền thống tới mạng xã hội, từ sóng truyền hình tới các ứng dụng trên nền tảng số... như bộ phim này. Hiệu ứng mà phim đạt được là giấc mơ của mọi đơn vị sản xuất nội dung, về cả chất lẫn lượng.

Sức hút của dòng phim gia đình ảnh 1

Cảnh trong phim Sống chung với mẹ chồng.

Với rating rất cao và tăng dần đều theo thời gian lên sóng, chỉ xét riêng những trailer hé lộ nút thắt kịch tính trong tập sau (với thời lượng ngắn ngủi chỉ hơn một phút) cũng thu hút lượng views không tưởng. Trailer tập 62 đã lọt Top10 YouTube Trending chỉ sau 12 giờ ra mắt. Với những tập gần đây, mỗi trailer đều đặn thu hút từ 3,5 đến 4 triệu lượt xem. Nhờ cơn sốt Về nhà đi con, ứng dụng VTVGo đã nhanh chóng vượt ngưỡng “nút vàng YouTube”, với 1,3 triệu lượt đăng ký. Đó là còn chưa kể số lượng bài viết phân tích nội dung, phỏng vấn nghệ sĩ đổ bộ trên các tờ báo và trang tin điện tử mỗi ngày. Với những hình ảnh cùng clip hậu trường, vô tình hoặc cố ý bị rò rỉ. Với những hé lộ úp mở trên mạng xã hội của từng thành viên đoàn phim. Vì thế, không chỉ đạt rating cao trong thời gian phát sóng chính thức, ứng dụng xem phim trực tuyến cũng thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Phim càng hấp dẫn càng hút quảng cáo. Phải chịu đựng tám phút quảng cáo trong vỏn vẹn nửa tiếng xem phim, có khán giả hóm hỉnh bình luận: “Đang xem quảng cáo được phát kèm Về nhà đi con”. Với biểu giá mới nhất áp dụng từ ngày 1-7, TVAd có thể thu về 60 triệu đồng cho 10 giây và 120 triệu đồng cho mỗi spot 30 giây. Tính ra, mỗi tập phim mang lại cho nhà đài khoản tiền không nhỏ.

“Gia đình là thứ tồn tại duy nhất”

Không hẹn mà nên, trong khi bộ phim điện ảnh Hàn Quốc Điều cha mẹ chưa nói đang lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả màn ảnh lớn thì đông đảo công chúng cũng từng ngày khóc cười đồng cảm cùng Về nhà đi con trên màn ảnh nhỏ. Ngoái đầu nhìn lại, những bộ phim truyền hình được nồng nhiệt đón nhận trong thời gian gần đây đều chọn những mỗi quan hệ gia đình làm chủ đề khai thác. Như hiện tượng Sống chung với mẹ chồng năm 2017. Như hai tác phẩm Cả một đời ân oán (VTV) và Gạo nếp gạo tẻ (HTV) của năm 2018. Cùng lúc với Về nhà đi con, khán giả cũng được thưởng thức Nàng dâu order. Và khi “bộ phim quốc dân” kết thúc, Hoa hồng trên ngực trái sẽ là món mới mà công chúng được thưởng thức, trong mâm cỗ thịnh soạn “phim gia đình”. Có thể nói, đây cũng là dòng chủ lưu của phim truyền hình nước nhà trong vài năm trở lại đây. Có cầu thì ắt có cung, mà nhu cầu thưởng thức dòng phim này của khán giả hiện nay thì dường như không có giới hạn.

Dưới góc nhìn của đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa, “với phần đông người châu Á, đề tài gia đình luôn có sức hút đặc biệt. Dù xã hội thay đổi ra sao, đề tài này vẫn có giá trị muôn thưở’. Dễ hiểu tại sao, phần đa những bộ phim gia đình thành công cũng đều được Việt hóa trên nền kịch bản gốc của các quốc gia châu Á. Sống chung với mẹ chồng từ tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc. Cả một đời ân oán làm lại từ Cô dâu bạc triệu của Đài Loan (Trung Quốc). Gạo nếp gạo tẻ có phiên bản gốc Hàn Quốc Wang’s Family... Nhưng không thể phủ nhận khâu Việt hóa thành công, chất lượng nội dung và nghệ thuật ngày một nâng cao cùng sự đầu tư kỹ lưỡng về phục trang, bối cảnh, lời thoại, dựng phim... đã giúp chúng trở thành “hiện tượng” với khán giả Việt Nam.

Dòng chảy hối hả của cuộc sống dễ khiến con người thời hiện đại bị cuốn theo dòng xoáy mưu sinh. Gấp gáp sống, gấp gáp đuổi theo vô vàn cái đích của đời người, mối dây gắn kết mỗi thành viên, mỗi thế hệ trong gia đình ngày một trở nên lỏng lẻo. Vì thế, niềm vui và nỗi buồn, nụ cười và nước mắt, thất bại và thành công, khổ đau và hạnh phúc của từng nhân vật, từng mảnh đời trên phim rất dễ chạm tới trái tim người xem. Bởi ai cũng thấy thấp thoáng bóng dáng mình trong đó.

Nói như nhân vật ông trùm Phan Quân của Người phán xử, “gia đình là thứ duy nhất tồn tại. Những thứ khác, có hay không, không quan trọng”, dòng chảy phim gia đình hồi sinh mạnh mẽ trong thời gian gần đây mang lại một hiệu ứng tích cực với đông đảo công chúng. Trên hết, sau những mâu thuẫn muôn đời (giữa mẹ chồng - nàng dâu, con chung - con riêng, vợ cũ - chồng mới), sau những rào cản thế hệ tưởng như không thể gỡ bỏ trong mỗi gia đình, dư vị đậm đà mà những bộ phim để lại vẫn là tình yêu thương, là những giá trị muôn đời của mái ấm. Những giá trị nhân văn cốt lõi mà mỗi con người không thể và cũng không được phép đánh mất.

Như một quy luật, dòng phim nào cũng sẽ có đỉnh cao và sẽ có lúc thoái trào. Phim gia đình cũng vậy. Nhưng trong lúc chờ đợi dòng phim mới ra đời, khai thác những mối quan hệ gia đình vẫn sẽ chiếm thế thượng phong, ít ra là trong vài năm tới. Bởi khán giả vẫn hồ hởi đón chờ. Mà người xem còn thích thì nhà sản xuất chẳng tội gì không chiều, chắc chắn thế.