Những sắp đặt của thinh không

“Những đống muối/ như những chiếc nón khổng lồ/ úp lên ô nề xém mặt/ trắng như muối/ mặn như muối/ xót xa như muối/ gồng gánh trĩu vai/ khắc vào chiều lưng còng mặt ruộng”... Chỉ vài câu thơ gọn ghẽ, sắc nhọn, trong bài thơ ngắn “Những ô nề trên phố”, nhà thơ Hải Đường đã sắp đặt chuỗi hình ảnh sự vật thành những liên tưởng trừu tượng, có không gian rộng dài, thời gian đa chiều, có thêm cả cảm nhận chân thành của các giác quan. Rất thú vị là, trong tập thơ mới tinh vừa ra mắt Lãng mạn 4.0 (NXB Hội Nhà văn 2019) của Hải Đường, có thể chọn ra nhiều những lấp lánh xinh xẻo như thế...

Những sắp đặt của thinh không

Nhà thơ Hải Đường có lợi thế của người đi nhiều, giao tiếp nhiều, trải nghiệm nhiều. Công việc của một nhà báo đã cho ông vốn sống luôn là mơ ước của người sáng tác. Tuy vậy trong thơ, khi làm thơ, Hải Đường không câu nệ vào những gì mà mình đi, nhìn, thấy, chứng kiến..., hoặc thực tế cuộc sống chỉ được coi là cái cớ giúp ông bật ra những tứ thơ. Bởi vậy thơ ông, dẫu thiên về thế sự thì vẫn ấm áp, tình cảm, trĩu nặng tâm tư, kiểu như: “ô ruộng trũng quay vòng chóng mặt/ giờ chỉ còn trong trí nhớ mẹ ta/ khách sạn sáu Sao không nhìn thấy trời sao/ không tiếng chim reo/ không hương đồng gió nội/ tôi tìm trong gương lạ hoắc mặt mình” (Viết trong khách sạn sáu sao) hay “Mười năm/ thân cây vạn tuế sân chùa thêm mười ngấn/ cây đại già lưng chẳng thể còng thêm/ cây hạnh phúc nắng chưa tròn bóng/ lần tràng hạt nam mô vẫn một dáng ngồi”... (Mười năm)... Nhiều khi cảm giác Hải Đường không dụng ý làm thơ, ông chỉ tự nhiên làm các cuộc sắp đặt, giống những họa sĩ đương đại hay thể hiện. Khác với giới nghệ sĩ tạo hình, chất liệu của những sắp đặt thơ Hải Đường lại là biến chuyển nội tâm của chính ông được hiển thị qua con mắt nhìn đầy nhân hậu. Đó là những sắp đặt của thinh không, của một nội tâm không kém phần giông bão dẫu luôn ôn hòa, chừng mực: “Trong thế giới đồ vật ma mị/ rượu uống mãi mà không say/ vườn hoa ngổn ngang dấu giày/ bạn cũ bỗng thành lỗi mốt” (Bạn cũ)... Ở tuổi của ông, nhìn và thấy nhiều như ông, đa mang thế sự mà vẫn giữ được sự hồn hậu yêu thương như ông, cũng không hẳn nhiều bởi suy cho cùng ông đã lựa chọn “lòng nhân hơn cả bạc vàng đầy tay” để làm điểm tựa và đích đến cho thơ của mình.

Lãng mạn 4.0 mỏng mảnh, giản dị, 45 bài thơ, chưa tới 100 trang in, hầu hết là những sáng tác của Hải Đường kể từ khi ông về hưu. Với một nhà báo, hưu chỉ là sự ghi nhận vật lý về mặt hành chính, với một người làm thơ, càng không có khái niệm nghỉ hưu... Nhà báo Hải Đường vẫn đi, vẫn viết báo, ông vẫn giữ chuyên mục cho các ấn phẩm báo chí, trong đó có Nhân Dân hằng tháng. Nhà thơ Hải Đường thì dường như chưa lúc nào ngơi viết. Thơ ông mỗi lúc một thêm buồn, cái buồn thẳm sâu, trong veo, nghĩa tình, neo níu vào ngày thường bề bộn, cái buồn không thể tránh khỏi của người thấu đời, hiểu chuyện: “Trời hòa vào đất/ đất bật lên trời/ sông à sông ơi/ bùn non ru chòm sao sớm/ Xóa nhòa mọi ranh giới/ mọi chuyển động như đang đứng im/ mọi đứng im bất ngờ phát nổ/ trước trận bão ngôn từ/ lãng mạn “Bốn - Chấm - Không”.