Nguyễn Ngọc Hạnh và những câu thơ không làm...

Trong đời của bất kể thi sĩ nào đều có những khi họ không làm nhà thơ, không cố tình làm thơ. Và trong thời điểm đó, họ sẽ có được một đôi câu thơ hay, làm nên những câu thơ đặc biệt đến mức... bình thường mà ngỡ như ai cũng có thể viết ra được, nhưng đó lại là những câu thơ được người đọc nhớ lâu dài. Ai cũng thế, sự nghiệp thơ giả sử có một trăm bài thì 99,9% là thơ làm được.

Ký họa chân dung nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Chuyện những câu thơ làm được và những câu thơ không thể làm được nó vượt qua hay dở, vượt qua niêm luật, cũ mới, chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ. Những câu thơ “không làm được” đều do may mắn, tình cờ ngẫu nhiên và gần với sự tự nhiên, thậm chí chính là tự nhiên, “một câu thơ hay tự nhiên như lời nói” (Thanh Tâm Tuyền). Tức là cái giây phút ấy nhà thơ không có ý định làm thơ, như lá rụng mưa rơi không cố ý, không có ý gì, không cần giải thích.

Nguyễn Duy chẳng hạn, trong bài Tặng vợ: Có đồng xu nhỏ rơi ngõ chợ/ Em nhặt về nuôi đỡ những ngày con. Nguyễn Đình Toàn: Cỏ buồn ngón chân/ và cơn gió rét/ Que diêm bật lên. Trần Mộng Tú: Cha giống tấm bản đồ cũ/ con ngửi mùi đất quê nhà. Ngô Minh đi thăm phố Kim Ngọc ở thành phố Vĩnh Yên: Lần đầu tiên nước mắt được đặt tên. Nguyễn Đăng Đức: Tôi về phố Hiến mùa chưa nhãn...

Và tôi muốn nhắc đến câu thơ Phơi cơn mưa lên chiều của Nguyễn Ngọc Hạnh. Anh làm thơ đã gần nửa thế kỷ, đã in nhiều tập thơ, Khi xa mặt đất (Nxb Đà Nẵng, 1997), Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh (Nxb Hội Nhà văn, 2012), Phơi cơn mưa lên chiều (Nxb Hội Nhà văn, 2018). Anh còn là người giữ vườn cho Trang thơ báo Đà Nẵng cuối tuần suốt tám năm liền với những lời bình và giới thiệu thơ về nhiều tác giả trong và ngoài nước mà Biển bắt đầu từ sóng (Nxb Đà Nẵng, 2020) dày hơn 500 trang của 108 tác giả là tuyển thơ đặc biệt do chính anh tuyển chọn.

Nguyễn Ngọc Hạnh là một nhà thơ “toàn tòng” đúng nghĩa. Ngót năm mươi năm làm thơ, làm nhà thơ với khá nhiều những bài, những câu đọng lại trong trí nhớ người đọc như Ai bày ra giữa chợ quê/ Cây đòn gánh cong đời mẹ/ Chiếc nón cong vành dâu bể/ Cho đời con được thẳng ngay. Hoặc bài Làng có câu kết Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi, câu thơ này được độc giả coi là logo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Còn nhiều nhiều nữa những bài, những câu hay, tuy nhiên dù thế nào thì đó vẫn là làm thơ.

Có thể là cực khó nhưng vẫn làm được. Tôi chỉ nói về sự khác nhau giữa thơ-làm và thơ-không làm chứ không hề muốn coi loại nào hơn loại nào. Đương nhiên thơ-không làm thì vô cùng hiếm. Mượn ý của Lão Tử để giải thích về thơ-không làm sẽ chính xác hơn, thơ-không làm là loại thơ làm mà không làm, làm như không. Như không, không là tự nhiên, là gốc, là ban đầu. Không mới sinh ra hai (âm và dương), rồi mới sinh ra bốn (thái âm, thái dương, thiếu âm, thiếu dương).

Làm như không hiểu rốt ráo là vừa làm thơ mà lại phải vừa không làm, còn những ai khăng khăng làm thơ hoặc khăng khăng không làm thơ đều hỏng. Trong cái này có cái kia, trong âm có dương và ngược lại, có có không không, vừa có vừa không. Tôi đem chuyện này kể với Nguyễn Quang Thiều, anh ấy bảo thơ-không làm là loại thơ “không nghĩ ra được”.

Những mùa chưa nhãn là nhãn bỏ danh từ để lần đầu nhãn được làm tính từ, hoặc nuôi đỡ những ngày con là lo toan tần tảo vất vả của người vợ nhưng đẹp vì cái nhìn ân tình của người chồng..., chỉ không làm thơ thì mới viết được thế, nghĩ ra sao được? Nguyễn Ngọc Hạnh phơi cơn mưa lên chiều cũng là câu thơ “không nghĩ ra được”, Cỏ cây/ và chỗ em ngồi/ là sân ga nhỏ... hay Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi cũng vậy, là câu thơ không làm được, không nghĩ ra được.

Cả một đời thơ, nửa thế kỷ làm thơ có được đôi ba câu thơ -

không làm như thế là quý giá. Mong và chúc Nguyễn Ngọc Hạnh “không làm thơ” để có thêm những câu thơ như thế.

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh:

Làng

Làng tôi ở ven sông

Bốn bên núi bốn bề yên ắng

Chưa hiểu hết mưa nguồn

Tôi đi về phía biển

Qua bao nhiêu phường phố

Thuộc hết những tên đường

Người trên phố hàng cây và gió

Đều nhận ra tôi dáng dấp làng quê

Cái làng ấy ra đi cùng tôi

Mà tôi nào hay biết

Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết

Con sông quê bóng núi cứ chập chờn

Xưa tôi sống trong làng

Giờ làng sống trong tôi.

Phơi cơn mưa lên chiều

Phơi cơn mưa lên chiều trôi

Như tóc em bay lưng trời

Cứ thong thả thế không cần vội

Mưa rơi chầm chậm cùng tôi

Cứ thản nhiên rơi

Thản nhiên trôi

Đừng khép hoàng hôn tôi mờ mịt

Đừng lấp đầy đêm hao khuyết

Xa mờ nửa mảnh trăng treo

Lấp ló chân trời cô tịch

Về đâu bến đợi trầm luân

Yêu hết một đời cạn kiệt

Thà rơi như là chiều buông

Thà em mây bay về nguồn

Chân trời xa khuất mờ sương

Nơi ấy quê nhà mong đợi

Mây trôi về phía vô thường

Thà tôi phiêu dạt dặm trường

Thà cứ yêu người lận đận

Mưa ơi hãy rơi chầm chậm

Ngày tôi bay ngang qua đời...