Email lúc 0 giờ:

Người của công chúng

Bạn thân mến,

Minh họa | LÊ TRÍ DŨNG
Minh họa | LÊ TRÍ DŨNG

Chẳng hiểu vì sao các diễn viên, ca sĩ, người mẫu... mặc nhiên được coi là người của công chúng, trong khi thực tế nghĩa này rộng và cũng “chặt” hơn khá nhiều. Đại để thì họ có thể là bất cứ ai miễn được số đông biết đến theo nghĩa tích cực và bằng những cống hiến tích cực chứ không phải tẩm ướp qua các chiêu trò pi-a (PR) tinh vi hoặc xấu xí.

Xưa, người của công chúng thường mặc định là “sướng” vì có nhiều người ưu ái, chiều chuộng. Nay, thì chính họ lại hay than “khổ” vì nhất cử nhất động đều bị công chúng săm soi (chủ yếu đời tư) và phán xét. Là người của công chúng bây giờ hóa ra không dễ! Than khổ vậy nhưng ít thấy ai từ chối, bởi vì cái danh người của công chúng vẫn mang lại vô vàn lợi thế (và cả lợi ích) mà người bình thường không dễ có được! Ngẫm ra, sướng - khổ là một cặp phạm trù ít chịu rời nhau và nó thế nào đa phần do bản thân ta quyết định.

Câu chuyện NSND Lan Hương vì lý do sức khỏe đã quyết định rời tàu HQ 996 không đi Trường Sa vào phút chót đã gây sóng dư luận bởi lẽ chị là người của công chúng. Nếu chỉ vì nguyên nhân sức khỏe thì tôi cho rằng “Em bé Hà Nội” đã có một quyết định đúng đắn và dũng cảm. Cách đây hai năm, tôi từng vinh dự đi trên chính con tàu này, được trải nghiệm sự chật chội, tiếng ồn và mùi dầu mỡ trong khoang tàu ở vị trí nhận phòng của NSND Lan Hương. Với người không đủ sức khỏe sẽ không thể trụ nổi một chuyến đi dài ngày trên biển trong điều kiện như thế. Nói dại, nếu có ai đó đổ bệnh thì việc chạy chữa, cấp cứu sẽ là bài toán không hề đơn giản với cả con tàu. NSND Lan Hương có thể lường trước được phản ứng của dư luận, nhưng chị đã vì lợi ích chung can đảm chấp nhận sự thật khắc nghiệt đó! Và như thế, hình ảnh ”Em bé Hà Nội” không sợ đạn bom qua bộ phim cùng tên vẫn sẽ được bảo toàn trong lòng người hâm mộ. Nhìn ra thế giới, nữ diễn viên điện ảnh người Mỹ Angelina Jolie trở thành đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc vì chị xinh đẹp và nổi tiếng. Người phương Đông nói, phụ nữ quý sắc đẹp hơn cả tính mạng. Vậy mà, chị đã công khai bệnh ung thư vú và việc giải phẫu cắt đi đôi bầu ngực để cổ vũ những người đang phải đối mặt với căn bệnh thế kỷ này. Điều đó không làm mất đi hình ảnh đẹp của Angelina Jolie, mà ngược lại, chị còn trở thành biểu tượng của lòng can đảm, khiến công chúng càng khâm phục, ngưỡng mộ hơn.

Tuy nhiên, cũng cần phải đề cập đến khả năng thứ hai mà cộng đồng mạng xã hội tỏ ra nghi ngờ (và không phải là không có cơ sở): NSND Lan Hương sau khi nhận phòng, thấy điều kiện ăn ở quá kham khổ đã từ chối một chuyến đi mà nhiều người có mơ cũng không được. Nếu như vậy thì thật đáng tiếc và đáng trách khi bạn là người của công chúng, được gửi gắm sứ mệnh đến với những chiến sĩ ngày đêm canh gác nơi đảo xa. Dư luận rồi sẽ qua đi nhưng lương tâm người nghệ sĩ sẽ chẳng bao giờ yên tĩnh nữa.

Bạn ạ,

Lẽ thường, ngưỡng mộ, kỳ vọng bao giờ chẳng đi kèm với đòi hỏi cao; nổi tiếng, thành đạt thì thường gây sự tò mò, khắt khe phán xét. Người ta nói vui rằng, ở nước Mỹ luật sư chạy theo xe cứu thương, còn truyền thông chạy theo người nổi tiếng. Đó là thực tế xã hội khi nhu cầu giải trí và nhu cầu được bảo vệ cá nhân bình đẳng như nhau. Là người của công chúng, bạn cần ý thức vị trí xã hội và sức ảnh hưởng của mình. Những người của công chúng đích thực phải biết giữ mình, khiêm nhường, đúng mực. Họ cần tỉnh táo tránh để rơi vào tình huống nhạy cảm, còn khi không may bị vướng vào rồi thì phải bình tĩnh, chân thành, phục thiện trong ứng xử. Bởi vì, dù là ai thì trước hết mỗi chúng ta đều là con người; có thành công thì cũng có thất bại, có vấp ngã thì cũng có đứng dậy. Cách ứng xử này công chúng rất cần nhận được ở người của công chúng. Nếu không, người của công chúng chỉ còn là người của... đám đông.