Mùi rừng

Có những khoảnh khắc mà tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ quên trong suốt những cuộc hành trình trên khắp dải đất hình chữ S của chúng ta. Chúng đáng nhớ có thể chỉ đơn giản vì sẽ không bao giờ lặp lại nữa. Như là người ta phải ở đó vào đúng thời điểm đó, với những sự kiện vô cùng sinh động và đầy ắp hơi thở cuộc sống của muôn loài diễn ra trong đúng lúc ấy. Thậm chí chỉ buổi sáng và buổi chiều, hoặc nhiều hơn là hôm sau đã khác đi rồi.

Minh họa | LÊ THIẾT CƯƠNG
Minh họa | LÊ THIẾT CƯƠNG

Cây nấm ấy không còn nữa, chiếc lá ấy đã rụng, quả chín ấy đã theo một chú chim bay đi... Sự biến chuyển không ngừng và bất quy luật luôn mang đến những cảm xúc kỳ diệu.

Đầu giờ chiều hôm ấy tôi từ trong rừng sâu đi ra. Chúng tôi đã bắt đầu đi từ sáng sớm, rất sớm, lúc mặt trời còn chưa lên và gà thì vừa cất tiếng gáy. Những con dốc dài và trơn đến nỗi tất cả phải xuống đẩy xe để nó không trôi tuột về phía sau. Ngôi làng của người Dao nằm tít trên cao kia, phía sau những quanh co của con đường vừa mở, lưng chừng một ngọn núi. Từ nơi họ ở sẽ nhìn xuống những thửa ruộng bậc thang và một con suối rất dài, rất trong.

Họ dẫn chúng tôi vào rừng.

Bấy giờ là tháng Ba.

Bạn có biết rằng vào tháng Ba rừng luôn đầy hương sắc không? Hàng trăm loài hoa cùng nở một lúc. Chúng biến những vạt rừng già xanh thẫm trở nên quyến rũ tột cùng bởi màu sắc và mùi hương. Bạn chỉ việc đứng yên, nhắm mắt, hít những hơi thở thật sâu. Trong tiếng gió rất khẽ và một chút hơi xuân lạnh giá còn vương lại bạn sẽ không thể gọi tên được các mùi hương của hoa rừng đang ngập trong không gian bởi chúng quá mức phong phú, quá mức ngọt ngào, quá mức tinh khôi.

Và tháng Ba kỳ diệu ấy đã mang đến vùng đất này một điều kỳ diệu hơn: Sự trở lại của những đàn ong.

Không ai dám chắc đã bao nhiêu năm qua, vài thập kỷ hay một thế kỷ, đàn ong này có một thói quen: Cứ tháng Ba chúng kéo về làm tổ, tháng Tám chúng bay đi. Và chúng chỉ làm tổ ở trên những vách đá nằm rất sâu trong khu rừng ấy. Những cái tổ dài hàng mét, đen thui, nặng trĩu. Hàng trăm tổ như vậy, đu đưa lúc lỉu trên vách đá dựng đứng. Điều đáng nói là không ai động đến chúng cả, có lẽ đó là lý do để chúng năm nào cũng về làm tổ, đi khắp các cánh rừng hút mật, cuối năm, trước khi mùa đông ùa đến lại rời đi. Người Dao ở đây không lấy mật ong. Thứ duy nhất họ hưởng lợi từ đàn ong chính là số sáp ong chúng bỏ lại. Họ làm những cái thang bằng tre rất dài, dựng sát vách đá để leo lên khi lấy sáp ong. Mà sáp ong ấy thì để làm gì chứ? Để vẽ những họa tiết trên... váy áo của phụ nữ Dao. Chỉ có vậy thôi.

Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao ở đây, nếu tính cả xà tích, vòng bạc... thì có thể lên đến 60-70 triệu đồng. Vải được dệt thủ công từ sợi cây lanh. Người ta làm cho sáp ong nóng chảy rồi dùng nó vẽ họa tiết lên rồi mang đi nhuộm mầu chàm. Nhuộm xong, phơi khô, phần nào có nét vẽ sáp ong thì phần đó sẽ có mầu trắng gần như nguyên thủy của vải lanh. Đó chính là cách người ta tạo ra họa tiết.

Tôi nghĩ rất nhiều, rất lâu về điều này.

Rốt cuộc thì người phụ nữ có vai trò thế nào trong một gia đình dân tộc Dao? Rốt cuộc thì bộ trang phục truyền thống của họ có ý nghĩa gì lớn hơn là việc dùng để che kín cơ thể và làm đẹp? Rốt cuộc thì vì sao cả một ngôi làng hàng trăm hộ gia đình lại kính cẩn với đàn ong như vậy trong suốt nhiều thế hệ? Nói kính cẩn là bởi hằng năm, sau khi thu hoạch sáp ong và trước khi bắt đầu một vụ ong mới họ đều tổ chức một lễ tạ ơn. Tạ ơn thần linh và tạ ơn đàn ong vì đã chọn cánh rừng này làm nơi trú ngụ suốt hàng thế kỷ qua.

Tất cả những điều này, khi tôi hỏi một bà lão có hàm răng lấp lánh bởi một chiếc răng bịt vàng, bà chỉ cười, lắc đầu. Bà lắc đầu có thể vì không hiểu câu hỏi bằng tiếng Kinh, cũng có thể bà không muốn trả lời. Nhưng khi từ rừng ra tôi cũng thấy rằng mình không nhất thiết phải có bằng được mọi câu trả lời.

Rừng luôn mang trong lòng nó những bí ẩn giản dị mà lớn lao.

Lại nói khi chúng tôi đi vào rừng. Băng qua những thửa ruộng, vườn cây. Băng qua một con suối, leo ngược lên dốc núi bên kia suối và đi vào sâu hơn nữa, cao hơn nữa. Không khí ẩm ướt và tinh khiết, gió trong vắt và nước mưa từ đêm trước đọng trên lá như thủy tinh. Quả mâm xôi chín lúc lỉu khắp nơi. Bọn trẻ chăn trâu chắc phải chán lắm không thèm đụng đến nữa nên chúng ê hề ra thế. Đã lâu lắm tôi mới nhìn thấy những bụi mâm xôi chi chít quả chín như vậy. Dù bị giục phải đi nhanh kẻo sẽ về rất muộn, tôi vẫn kịp vặt và ăn đến đẫy bụng. Thực ra là tôi đang ăn ký ức tuổi thơ ngọt ngào đấy thôi.

Cứ đi, mải miết. Leo dốc rồi lại tụt dốc. Hành trình lãng mạn mỗi lúc một trở nên mệt mỏi vì có người phải tụt lại phía sau, ngồi thở. Tôi thì vẫn đủ sức để nhận thấy những ngọn dương xỉ bên vách núi sát lối mòn, chúng mập mạp một cách kỳ lạ và có mầu đỏ ối. Chúng giống những con cuốn chiếu hơn. Dương xỉ luôn mọc ở nơi ẩm ướt và cả khu rừng này mướt mát nhờ ẩm ướt.

Đi vào rất sâu, rất sâu, khi những tán lá ken dày tít trên cao đủ che kín cả bầu trời để giữa trưa mà ánh sáng chỉ lờ mờ đủ soi tỏ mặt người, thì vách đá của đàn ong hiện ra. Ở kia, ngay kia, bên kia con suối. Chúng tôi phải bước đi rất khẽ để không gây một tiếng động đáng kể nào. Hàng triệu, hoặc hàng tỷ con ong, đầu óc lơ mơ của tôi không đủ sức hình dung con số 1 tỷ nó lớn cỡ nào, nhưng chúng đang cùng lúc đập cánh khiến cho cả không gian yên ắng của rừng bị phá vỡ một cách quyết liệt và lỳ lợm.

Một đàn ong có thể đốt chết một con trâu, người ta nói vậy. Và hàng trăm đàn ong đen thui kia có thể đốt chết cả đàn trâu của làng. Thế nên, đừng dại gì mà chọc cho chúng nổi giận. Đây không khác gì một khu rừng cấm. Vào những tháng mà đàn ong trú ngụ, làm mật, người ta sẽ không chặt phá cây cối, không đốt nương ở gần, thậm chí không hút thuốc lào thuốc lá khi đi vào rừng. Trâu bò cũng không chăn thả ở đây.

Tôi đứng ngẩn ra nhìn đàn ong với một sự kính cẩn cũng vừa chợt đến. Sự kính cẩn dành cho niềm tin như một tín ngưỡng của người Dao dành cho khu rừng, bao gồm cả đàn ong khổng lồ kia.

Bà Dao với hàm răng đen có một chiếc bịt vàng đã từ nhà ra ruộng lúc chúng tôi từ rừng về. Bà chống cuốc đứng dưới ruộng nhìn lên, nở một nụ cười vừa vàng óng vừa đen nhức trông rất hài hước:

- Có thấy không?

Tôi hiểu là bà hỏi bọn tôi có gặp đàn ong không. Tôi gật đầu mỉm cười lại:

- Thấy nhiều luôn bà ạ.

Vừa trả lời bà xong thì tôi kịp nghĩ ra, không phải bà không nói được tiếng Kinh. Là bà không thích nói, thế thôi.

Tôi ngoái lại thì bà đã đang tiếp tục bập những nhát cuốc xuống thửa ruộng ướt lép nhép.

Rừng đang lùi lại sau lưng và để lại dấu ấn của nó trên cổ chân tôi với chi chít những vết vắt cắn toé máu. Tôi có cảm giác rằng, trong khi mọi thứ đều đổi thay, biến chuyển, xê dịch, tiến hóa, thế chỗ và bị thế chỗ... thì rừng là nơi ổn định nhất. Những con vắt nhỏ tí xíu ngo ngoe thoăn thoắt trên những thảm lá rừng hoai mục ẩm ướt, chúng chưa hề lớn lên một chút nào kể từ 40 năm trước, khi tôi là một đứa bé len lỏi trong rừng, cho đến bây giờ. Những cái cây chưa từng thay đổi mùi hương. Chúng bất biến và vĩnh cửu, đến mức nhắm mắt lại khi vò nát một chiếc lá trong tay thì tôi vẫn cảm thấy nó có đúng cái mùi còn lưu lại trong ký ức của mình.

Tôi ước gì rừng sẽ được tĩnh lặng là chính nó, mãi mãi.