Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu

Mở kho báu tìm con đường riêng

Có cả thập niên quen biết, làm việc cùng cơ quan, dễ đến cả nghìn cuộc chuyện trò, công tác, ăn nhậu cùng nhau nhưng rất hiếm lần tôi thấy ông cũ kỹ, nhàn nhạt. Tất nhiên, có những chuyện hầu như cuộc nào ông cũng kể. Say mê. Hào sảng. Đau đáu. Trở trăn. Ấy là về những “đứa con tinh thần” mang tên đẹp đẽ, tản văn, thơ và trường ca. Ông luôn tự khám phá bản thân, đánh thức những điều mới mẻ như một kho báu vô tận để tìm ra con đường riêng cho thơ mình.

Ký họa chân dung nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu của họa sĩ Ðỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu của họa sĩ Ðỗ Hoàng Tường.

1 Trong Lời tựa cuốn trường ca Hoa Linh Thảo mới xuất bản quý III-2021, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu bộc bạch: “Khi ta tiếp xúc với những điều mới mẻ kỳ lạ của thế giới thì chính những điều mới mẻ kỳ lạ ấy giúp ta phát giác những điều mới mẻ kỳ lạ vốn ẩn giấu thầm kín trong ta. Chính những điều mới mẻ kỳ lạ của thế giới mới đã đánh thức những điều mới mẻ kỳ lạ trong ta thức dậy”.

Tìm con đường riêng trong thi ca chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhưng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong bài viết với tựa đề “Con đường Nguyễn Linh Khiếu” đã cho rằng: “Khi tập thơ Chùm mơ tiên cảm ra đời năm 1991 thì cũng là lúc một nhà thơ đích thực được sinh ra: Nguyễn Linh Khiếu. Cũng lúc đó một con đường trong thế giới thi ca được “khởi công” - con đường Nguyễn Linh Khiếu”. Và, với trường ca Hoa Linh Thảo mới nhất, con đường Nguyễn Linh Khiếu đã có tám “bến đậu” cho những tập thơ, tùy văn và trường ca chào đời, được đón nhận nồng nhiệt, thậm chí trái chiều cảm xúc, nghĩ suy. Đó là Chùm mơ tiên cảm (thơ, 1991), Mùa thiêng (thơ, 1995), Hoa linh (thơ và trường ca, 2000), Beijing - Lá phong vàng (tùy văn, 2018), Sa hồng (thơ và trường ca, 2018), Phồn sinh (trường ca, 2018), Dòng Thiêng (thơ và trường ca, 2019), Hoa Linh Thảo (trường ca, 2021).

Phải thú thật là tôi chưa có dịp đọc hết những bài thơ, tập thơ ông viết. Chưa đủ đầy chất liệu để cảm nhận con đường Nguyễn Linh Khiếu, nhưng tôi biết chắc ông luôn đau đáu khám phá, đánh thức bản thân mình để mỗi ngày đều tìm thấy điều mới, những bí mật giấu kín trong kho báu vô tận của mình. Đó có thể là dặc dài những câu chuyện trong chuyến công tác Tây Nguyên cùng nhau thời anh còn đương chức. Là những lần thăm phòng nhau trà nước ngày công việc cùng cơ quan. Là những cuộc nhậu tưng bừng, nghiêng ngả khi rảnh rỗi hay có việc gì đó muốn tỏ bày, tâm sự. Và trong rất nhiều lần, cùng nhiều bạn bè văn chương khác, anh đọc tâm trạng khắc khoải bài Hoa mộc miên biên giới. Lần nào cũng như lần nào. Vẫn vẹn nguyên cung bậc cảm xúc, giọng điệu ấy. Cả cái sự ngọng vần n, l đáng yêu, quen thuộc. “Chẳng hiểu sao lần nào qua biên giới/ mộc miên cũng rực đỏ triền sông/ rực đỏ vách núi rực đỏ tâm can/ mộc miên đỏ một trời biên viễn/ như máu tươi ròng rã ngàn năm”... Lần nào ông cũng kể về nguồn gốc ra đời bài thơ, cũng như sự quy chụp, gán ghép không đáng có chỉ bởi Hoa mộc miên biên giới cùng với Mưa rơi dọc Cam Ranh và Những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ đã đoạt giải Nhất cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2009. Mà những câu từ, con chữ, thông điệp cứ bời bời tâm trạng, ăm ắp thế sự: “Khuya khoắt bóng ai rình rập dưới triền sông/ có ai trồng mộc miên biên giới/ hay biên cương cây tìm đến mọc lên/ hoa cứ máu tươi suốt ngàn năm tê tái/ cây cứ sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương”.

2 Nhưng đâu chỉ có chùm thơ thế sự đoạt giải nhất ấy tạo sóng dư luận. Nhiều bài thơ, tập thơ và trường ca của Nguyễn Linh Khiếu cũng đón nhận những ý kiến trái chiều. Như trường ca Phồn sinh xuất bản năm 2018 là một điển hình. Nhưng cũng như Hoa mộc miên biên giới, dẫu Phồn sinh có những bàn ra tán vào thì nó vẫn được đón nhận nhiệt thành, được giới thiệu rộng rãi, được “mổ xẻ” công phu, kỹ lưỡng, xứng đáng với độ dài kỷ lục của nó: 712 trang in khổ 16x24 cm bao chứa 150 chương, 136.369 chữ và gần 13.000 câu thơ. Nhưng không chỉ “độ dài kỷ lục”, Phồn sinh có lẽ cũng thiết lập kỷ lục là cuốn trường ca được giới thiệu nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, dưới nhiều chiều kích, giác độ khác nhau. Lại phải thừa nhận rằng, trong số các tác phẩm của Nguyễn Linh Khiếu, tôi đọc kỹ nhất cuốn tùy văn Beijing - Lá phong vàng. Với 182 tùy văn nhỏ nhắn, xinh xắn bao chứa, hàm ý nhiều thông điệp đa tầng nấc, chứ không chỉ giản đơn là vẻ đẹp thiên nhiên - “một vẻ đẹp vĩnh biệt bi tráng” trong tiết chuyển mùa như tác giả khiêm tốn, hoặc chủ ý thừa nhận. Điều đó thể hiện rõ trong cả những tùy văn tưởng như rất đỗi bình dị đời thường như: Đôi tất, Bữa ăn, Lớp học, Buổi trưa, Ngô luộc, Giếng nước, Con thú, Sư tử đá, Cây sồi, Cỏ lau, Giọt nến, Trà Tàu, Đêm sáng, Trời trong, Cửa sổ...; những gì khó đong đếm, định lượng, như: Hảo hán, Thánh vật, Không khí, Ba vị thánh, Thời gian...; hay những vấn đề lịch sử mang tầm thế giới, thời đại như: Nobel Hòa bình, Nobel văn học, Chủ nghĩa Marx, Tian Anmen (Thiên An Môn)...

3 Xuyên suốt những tác phẩm đơn lẻ hay từng tập và gia tài đồ sộ vượt xa con số tám “kho báu” dễ đong đếm của Nguyễn Linh Khiếu đến nay thấy rõ một con đường Nguyễn Linh Khiếu như chữ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và chính tác giả thừa nhận rằng: “Mở kho báu của mình nghĩa là nhà thơ phải tự tìm con đường riêng của chính mình”. Và rất may mắn, ông đã không rơi vào tình cảnh như “không ít nhà thơ lạc lối không tìm được đường trở về”. Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: “Với những nhà thơ đã ngoài 60 tuổi, tôi thường không trông đợi gì vào sự bùng nổ của họ. Nhưng với Nguyễn Linh Khiếu, tôi phải thú thực rằng: tôi không biết ông sẽ hiện ra trong thời gian tới như thế nào. Bởi trữ lượng ngôn ngữ thi ca, cảm xúc thi ca và hàm lượng triết học của ông luôn ẩn chứa một sự bùng nổ mới. Và hơn thế, sự đắm mê sáng tạo thơ ca của ông từ Chùm mơ tiên cảm đến Phồn sinh càng ngày càng dâng lên tựa một cơn hồng thủy và không có dấu hiệu nào của sự rút xuống”.

Điều này thì tôi hết sức đồng tình, bởi ngay từ những ngày còn đương chức, ông đã khoe có nhiều tập thơ, trường ca, tản văn ở dạng bản thảo. Thế nên, chỉ trong vòng bốn năm (từ 2018 đến 2021), ông đã cho xuất bản tới năm tập tùy văn, thơ và trường ca đều thuộc dạng đình đám, gây xáo động văn đàn. Tất cả, đều hiển hiện quá trình lao động miệt mài, cần mẫn, thăng hoa nhằm mở kho báu tìm con đường riêng đã mang thương hiệu mình - con đường Nguyễn Linh Khiếu. Và tôi chắc rằng, sau trường ca Hoa Linh Thảo, sẽ vẫn là những tác phẩm đáng giá khác, trên cùng con đường mang tên mình mà nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu dày công trình bạn đọc.