Đô thị phát triển nối dòng


 Thời bố mẹ tôi (các cụ sinh ra cùng thế kỷ trước) gọi nơi phố xá là thành thị. Khác làng, thành thị là nơi nhà nhà sát kề, hợp thành phố, gom hàng - làm hàng - bán hàng, giao dịch - giao tiếp - giao thiệp, hóa lịch thiệp. Thời nay, ngôn ngữ hành chính gọi thành thị là thành phố, các nhà chuyên môn gọi là đô thị. Ấy vậy, đôi khi vẫn vang vọng: thành thị, thị thành, thị dân... cái hồn cái sắc những chốn đô hội, người chưa đông, sống thư thả.
 

Sắc màu mùa xuân.ảnh | Nguyễn Đức Vũ
Sắc màu mùa xuân.ảnh | Nguyễn Đức Vũ

Thành phố - đô thị nào mà chẳng có độ tuổi ngắn dài. Dài, thì tạo thành lịch sử và tích lũy vật chất lẫn tinh thần. Dài, thì ắt đậm đặc hơn những sự khác biệt giữa chốn đô thị này với đô thị khác. Đô thị nặn đắp khuôn mặt riêng, còn cư dân, tâm tính riêng. Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Lạt... chẳng ai giống ai. Những đô thị nhỏ, chậm mở mang hơn, như Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn Tây, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Long Xuyên, Hà Tiên... chẳng nơi nào giống nơi nào.
 
 Thành phố kế thừa các đời trước, mà không có di chúc, những gia tài - quỹ kiến trúc đô thị. Thời nay, văn minh hơn, giàu có lên, nhu cầu gia tăng và thẩm mỹ biến đổi, sự đào thải cái quỹ có phần lạc hậu ấy là lẽ tự nhiên. Phá bỏ đi những gì không đủ sức trụ vững hoặc không còn phù hợp, lấy chỗ xây dựng mới, hiệu quả hơn... Từ những lý do ấy, có những thành phố mạnh tay ruồng bỏ những “tàn tích” của quá khứ. Sau những cuộc cải lão hoàn đồng ấy, mới vỡ lẽ, thành phố mình đánh mất đi khuôn mặt và phai mờ đi cái hồn sắc, kết tụ từ thủa nào. Nó trở nên giông giống những nơi khác.
 
 Các đô thị lớn nhỏ và già dặn ở ta, ít hoặc nhiều, đang trải qua giai đoạn đào thải để phát triển và đào thải gây mất mát, như thế.
 
 Trong các quỹ kiến trúc đô thị, bên cạnh những gì buộc đào thải và những gì vẫn cần giữ lại, hiện hữu những thành phần khác có giá trị khác nhau, nhất thiết cần được bảo lưu, trong và cho công cuộc phát triển. Đó là những công trình có giá trị lịch sử - văn hóa - kiến trúc và nghệ thuật cần được công nhận là di tích và bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa. Đó là những cấu trúc đô thị, hình thành trong một giai đoạn hoặc trong suốt quá trình phát triển đô thị, đặc trưng bởi sự liên kết không gian và tính chất kiến trúc, bởi sự bảo lưu nếp sống cộng cư đô thị, được mệnh danh là những di sản đô thị. Khu phố cổ và khu phố thời Pháp thuộc ở Hà Nội là những thí dụ. Các di sản đô thị này chỉ có thể duy trì, khi kết hợp nhuần nhuyễn và khả thi bảo tồn - cải tạo và phát triển. Ngoài ra, trong quỹ kiến trúc đô thị ở Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh, ở Đà Lạt... hiện hữu hàng trăm, hàng nghìn những tòa nhà và những ngôi nhà cũ, có giá trị về kiến trúc, về lưu niệm và về cảnh quan đô thị, nhất thiết cần giữ lại, tuy nhiên không theo Luật Di sản, bảo tồn bất biến. Chúng cần được đưa vào danh mục đặc biệt để bảo vệ, nể trọng trong mọi kế hoạch và quy hoạch phát triển. Các đô thị cũ còn được sở hữu những di sản mềm, đó là các khung cảnh đô thị, cấu thành bởi sự hòa quyện giữa thiên nhiên nhân văn hóa và cơ ngơi do con người tạo tác nên. Gọi là di sản “mềm”, còn bởi dễ suy xuyển hơn cả.
 
 Thủ đô Hà Nội sở hữu đầy đủ những loại hình di sản đô thị ấy. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh thắng hồ Hoàn Kiếm... là những thí dụ thành công về bảo tồn và phát huy giá trị. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long thách đố hơn cả trong việc phát lộ những giá trị thị giác, trong việc duy trì tương xứng tầm vóc mà nó tiềm ẩn. Ưu tiên trên mọi ưu tiên phải là công cuộc khai quật có hệ thống và bảo quản tại chỗ các di chỉ, tránh suy xuyển, bảo quản các di vật và mở bảo tàng cung cấp tri thức đầy đủ hơn về lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Chỉnh trang và xanh hóa, biến khu di tích thành Công viên khảo cổ học, khả thi và tương ứng hơn cả với vị trí một di tích độc nhất vô nhị của nền văn minh Đại Việt. Chớ nên nôn nóng với việc khôi phục. Thử nghĩ tới việc nối thành chuỗi và mảng với quảng trường Ba Đình, với khu Chủ tịch phủ, với Bách Thảo, vươn mạnh ra Hồ Tây, tới sông Hồng. Con sông Hồng, khó trị, nên để lại hai triền sông xanh, như sông Hương ở Huế. Khu phố cổ không thể bảo tồn cứng nhắc, mà nên duy trì tự nhiên bằng cách bảo tồn đi liền cải tạo và hiện đại hóa. Cái vùng lõi tạo nên khuôn mặt, không đâu có của Thủ đô chớ nên chọc thủng bởi những cao ốc - tủ kính. Hà Nội vốn dĩ đẹp đến trìu mến không bởi những tuyệt tác kiến trúc, mà chính bởi sự uyển chuyển của một cơ thể đô thị vừa tầm con người cả kiến trúc cũng thanh lịch.
 
 Hà Nội sở hữu những di sản, thì Huế là Đô thị - di sản duy nhất ở nước ta. Cho đến hôm nay Huế vẫn là một cơ thể đô thị gắn kết thành một thể: kinh thành, quần thể kiến trúc cung đình, các cấu trúc phố phường và thôn làng nội và ven thị, các đường phố thời Tây trên bờ Nam sông Hương... tất tật hòa quện và bao quanh bởi khung cảnh của đất trời, như một tuyệt tác của thuật phong thủy và của nghệ thuật kiến tạo đô thị phong cảnh. Các cụ ta, xây dựng kinh đô, chắc hẳn không tâm tưởng rằng hẳn nó sẽ mang hình ảnh đô thị mà con cháu hôm nay mơ tưởng, đô thị xanh, sinh thái. Công cuộc bảo tồn di sản kiến trúc cung đình có vẻ trong tầm tay. Công cuộc giữ gìn và tiếp nối những truyền thống văn hóa xứ Huế có triển vọng, bởi chúng bền chắc trong cộng đồng dân cư. Lo hơn cả là làm sao kìm nén tham vọng bành trướng đô thị, mở mang mà vẫn khôn ngoan nối tiếp dòng chảy cuộc đời đô thị. Huế - duy nhất giữa các thành phố ở ta, hiếm hoi trên cả thế giới. Ai đó muốn biến nơi đây thành phố đi xe đạp. Tôi thì ao ước, Huế mãi mãi là nơi sống thư thả, như là một sự xa xỉ thời nay ở chốn cung đình xưa.
 
 Đà Lạt duy nhất ở nước ta rõ ngày sinh tháng đẻ, duy nhất được xây dựng theo một quy hoạch xuyên suốt, duy nhất được định hướng phát triển thành đô thị nghỉ mát. Núi và rừng là cái nền để các con đường và các công trình kiến trúc khoan thai lồng cấy vào. Bầu không khí thanh lọc bởi rừng thông cùng quỹ kiến trúc không gây sự tương phản mà ngược lại, đã gắn cho đô thị trẻ trung này cái thương hiệu không phải các đô thị già dặn hơn đã có. Sinh thời, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đau đáu ý tưởng chuyển trung tâm tỉnh về Đức Trọng. Ông muốn Đà Lạt vừa giữ lại thương hiệu, vừa mở mang theo hướng đô thị nghỉ mát, an dưỡng và du lịch. Đà Lạt đang nhanh chóng trở thành một thành phố hiện đại và sầm uất. Chỉ còn một lựa chọn: cộng sinh trong sự cân bằng. Mọi sự phát triển nên, dứt khoát nên, tránh gây tổn thương và xộc xệch hóa cái cơ ngơi đô thị, hợp khối thiên nhiên và kiến trúc mang tên Đà Lạt.
 

Đô thị phát triển nối dòng -0
Chiều Đại nội Huế. Ảnh | Nguyễn Phúc Bảo Minh 

 Từ đầu những năm 80 thế kỷ trước, chúng tôi có hạnh phúc khởi xướng công cuộc nghiên cứu và xây dựng những kế hoạch đầu tiên bảo tồn đô thị cổ Hội An. Ngay từ đầu, canh cánh: làm thế nào bảo toàn cái cơ ngơi cổ xưa trọn vẹn và quá mảnh dẻ này, cái văn hóa sống sâu đậm và cũng mỏng manh này. Qua bốn thập niên, đô thị cổ Hội An, may mắn xiết bao, vẫn bảo tồn được, trở thành nam châm thu hút du lịch, mở mang gấp bội, song vẫn là mình. Nó có cái may hơn Đà Lạt, trung tâm tỉnh đặt ở Tam Kỳ. Ước vọng, Hội An sẽ đi theo con đường đô thị - thị trấn, phồn vinh từ vốn liếng di sản, từ ruộng đồng và biển khơi. Một đô thị xưa cũ khai mở những hy vọng về một chốn đô thị muôn thủa.
 
 Có thể viết theo hướng suy ngẫm trên về thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vũng Tàu, Mỹ Tho... Các đô thị ở ta, có tích lũy tài sản vật chất chưa hẳn lớn, song không kém phần đặc sắc.
 
 Nói về di sản đô thị không chỉ từ quan điểm bảo tồn di sản văn hóa, mà là sự đụng chạm vào đại cục triết lý sinh tồn thời nay, công cuộc đại tái cân bằng, không thể trì hoãn, giữa đào thải và phát triển, giữa phát triển và tài nguyên đất trời, giữa con người và xã hội, ngay cả con người với mình. Bước vào thập niên thứ ba, thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ ba, tự nhiên bị cuốn vào suy ngẫm về dòng chảy liên hoàn cho các đô thị, vẫn là - tổ người thời nay.