Di sản Tư liệu Thế giới: Đừng tự giới hạn tiềm năng

Khi Việt Nam chính thức có thêm hai Di sản Tư liệu Thế giới (DSTLTG) vào tháng năm vừa qua, một câu hỏi thực tế đã được nhiều người đặt ra: loại hình di sản này sẽ mang lại những nguồn lợi nào cho chúng ta, ngoài vấn đề “danh xưng tầm thế giới”?

Mộc bản triều Nguyễn thường xuyên được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Đà Lạt . Ảnh | Minh Đức 
Mộc bản triều Nguyễn thường xuyên được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Đà Lạt . Ảnh | Minh Đức 

Cần nói thêm, ở thời điểm hiện tại, chúng ta cũng đã kịp sở hữu sáu di sản thuộc loại này. Cụ thể, sau những Mộc bản triều Nguyễn (2009), Bia đá Văn Miếu (2010), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012) và Châu bản triều Nguyễn (2014), vào ngày 19-5 vừa qua, UNESCO đã chính thức vinh danh thêm hai DSTLTG mới của Việt Nam, bao gồm Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản Trường Lưu (Hà Tĩnh).



Không dễ, nếu chỉ chạy theo “vật thể”

Thực tế cho thấy: các Di sản Văn hóa hoặc Di sản Thiên nhiên (vẫn được tạm gọi là Di sản Vật thể để phân biệt với Di sản Phi vật thể) như Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng... luôn có lực hút lớn về du lịch và đủ sức tạo ra những tác động trực tiếp để phát triển kinh tế cũng như thu hút đầu tư tại địa phương. Ngược lại, ngay với loại hình Di sản Phi vật thể như ca trù, hát xoan, ví dặm..., chúng ta đã gặp khó khăn trong việc khai thác tiềm năng, chứ chưa nói tới Di sản Tư liệu (DSTL), vốn dĩ mới chỉ vào Việt Nam vài năm nay và còn khá xa lạ với cộng đồng. Bản thân các chuyên gia di sản cũng thừa nhận điều này. Thế nhưng, việc “tăng tốc” để tìm kiếm thêm các Di sản Vật thể (DSVT) tại Việt Nam lại không hề đơn giản. Bởi, theo các tiêu chí đặc thù mà UNESCO đưa ra, đây cũng là loại di sản... khó đề nghị nhất. Điển hình, trong 13 năm gần đây, chúng ta cũng chỉ có bốn lần thành công với danh hiệu này.

Di sản Tư liệu Thế giới: Đừng tự giới hạn tiềm năng ảnh 1

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh | Anh Tuấn



Và hiện tại, ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đang phối hợp xây dựng hồ sơ xin danh hiệu cho Quần thể danh thắng Yên Tử để đệ trình lên UNESCO. Nhưng, theo chia sẻ của một số thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia, việc tiếp tục chọn ra những “ứng cử viên” tiếp theo không hề dễ dàng. Bởi, để hồ sơ có tính khả thi, bản thân các di sản này phải được khảo sát, nghiên cứu rất kỹ và qua được khâu “tự phản biện”.

“Ý tưởng chỉ tập trung toàn lực vào việc xin danh hiệu cho Di sản Vật thể là không thực tế và khả thi” - TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa, nhận xét. “Về bản chất, mọi di sản đều góp phần vào phát triển bền vững và tạo ra sự đa dạng văn hóa, mang lại những giá trị quan trọng về giáo dục để xây dựng một xã hội giàu bản sắc”.

Theo một chuyên gia di sản khác, với đặc thù về khả năng “lưu giữ thông tin” của mình, DSTL lại có những thế mạnh đặc biệt cần được khai thác và phát huy trong giai đoạn hiện tại. Điển hình, trước và sau thời điểm được UNESCO tôn vinh, di sản Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam cũng liên tục được đề cập như một bằng chứng đặc biệt về việc thực thi chủ quyền tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dưới thời các vua nhà Nguyễn. Hoặc một câu chuyện ở góc độ quốc tế: Từ năm 2016, Nhật Bản đã lần đầu tiên đăng ký tham gia chương trình của UNESCO cho loại hình DSTL, ngay sau khi một quốc gia khác đệ trình hồ sơ về Thảm sát Nam Kinh lên UNESCO để xin danh hiệu.

Cần những mô hình “chuẩn”

Đáng nói, dù có những khó khăn đặc thù, việc khai thác tiềm năng của DSTL không phải là bất khả thi. Trước mắt, hai trong số này đang gắn liền với những di tích có lượng khách du lịch lớn là cố đô Huế (Thơ văn khắc trên kiến trúc cung đình) và Biệt điện Trần Lệ Xuân, Đà Lạt (hiện giữ vai trò Trung tâm lưu trữ quốc gia IV và đang bảo tồn các mộc bản triều Nguyễn). Và, ngay từ khi nhận danh hiệu, hai di sản này đã lập tức được phía quản lý tổ chức giới thiệu với du khách để tăng thêm sức hấp dẫn cho quần thể.

Di sản Tư liệu Thế giới: Đừng tự giới hạn tiềm năng ảnh 2



“Cách giới thiệu trước mắt như vậy cũng ổn, nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng đang có” - TS Lê Thị Minh Lý chia sẻ. “Bởi, du lịch bền vững cần du khách thật sự hiểu và bị hấp dẫn bởi di sản - cho dù họ là khách đại chúng hay giới nghiên cứu, là công chúng lớn tuổi hay thanh niên. Mà muốn vậy, chính chúng ta phải nhận diện được các lớp giá trị của di sản, cũng như khả năng kết nối của nó với cuộc sống hôm nay”.

Nhận định của TS Lý có thể được minh chứng bằng những ý kiến trong cuộc hội thảo về Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, được tổ chức vào cuối tháng năm vừa qua. Ở đó, với nhiều nghiên cứu độc lập của các cơ quan liên ngành, một số thông tin đặc biệt về kỹ thuật khắc, tạo mực in từ lá tre, nội dung hệ thống kinh Phật trên ván... đã lần đầu được công bố. Và đặc biệt, từ kho tri thức dân gian này, nhiều chuyên gia cũng đã nhắc tới việc đi tìm những mô hình khai thác mộc bản để phục vụ du lịch trong tương lai.

“Trước hết, cần xác định DSTL không thể áp dụng theo việc khai thác, mà chỉ hướng tới một số đối tượng cụ thể. Và hình thức du lịch cần được nghiên cứu theo hình thức trải nghiệm, làm “sống lại” cách mà người xưa đã sử dụng và khai thác loại hình này” - PGS Lương Hồng Quang, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, chia sẻ. Điển hình, theo quan điểm của ông, phía tổ chức có thể in các cẩm nang về mộc bản, thiết kế sản phẩm lưu niệm từ nguyên mẫu, tổ chức cho người xem trải nghiệm được dập mộc bản thành bản in như truyền thống, làm mực in hoặc trực tiếp nghiên cứu mộc bản tại chỗ.

Ngoài ra, một đặc điểm quan trọng của DSTL cũng từng được nhiều chuyên gia nhắc tới: Việc sử dụng các di sản này gần như đã chấm dứt trong xã hội hiện đại, trong khi những chủ thể từng sáng tạo ra nó đều đã lui về quá khứ. Do vậy, để khai thác hiệu quả, DTSL cần có những cách tiếp cận linh hoạt, mở ra những giá trị mới để phục vụ cộng đồng. Có nghĩa, vai trò của những nhà nghiên cứu mỹ thuật ứng dụng hoặc thiết kế sáng tạo cần được đề cao.

Trường hợp của Hàn Quốc, với 13 DSTLTG hiện đang sở hữu - được coi là một điển hình để chúng ta có thể tham khảo và học hỏi. Từ hơn 20 năm trước, quốc gia này đã rất chú ý tới việc quảng bá loại hình DSTL như một phần quan trọng của “Sáng kiến xây dựng thương hiệu quốc gia”. Trên cơ sở thu thập và xây dựng dữ liệu, rất nhiều sự kiện trưng bày, lễ hội kỷ niệm hay các sản phẩm văn hóa có nguồn gốc từ DSTL đã được sáng tạo để tái hiện và tôn vinh loại hình này. Ít người biết, nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc như Nàng Dae Chang Kưm hay Dong-I đều được xây dựng dựa trên những tài liệu lấy từ “Biên niên sự kiện Triều đại Joseon” - một DSTL nổi bật và từng được UNESCO công nhận.

Chiến lược “nâng tầm” danh hiệu Di sản Tư liệu

Về bản chất, Di sản Tư liệu (thuộc Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO) được chia làm hai loại. Loại thứ nhất thuộc chương trình ứng dụng chung cho mọi quốc gia trên thế giới (xét danh hiệu vào các năm lẻ) và loại thứ hai thuộc chương trình ứng dụng riêng cho từng khu vực như châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương (xét vào các năm chẵn).

Tại Việt Nam, “Mộc bản triều Nguyễn” là trường hợp duy nhất được công nhận ngay theo loại thứ nhất (năm 2009). Năm DSTL còn lại đều được công nhận theo loại thứ hai. Tuy nhiên, sau khi giành danh hiệu cấp khu vực vào năm 2011, bia đá Văn Miếu đã tiếp tục làm hồ sơ và nhận tiếp danh hiệu cấp Thế giới vào năm 2012.

Hiện tại, Ủy ban UNESCO đang có kế hoạch chuẩn bị lập hồ sơ xin “nâng tầm” hai DTSL khác là Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn kiến trúc cung đình Huế. Kết quả cuối cùng sẽ có vào năm 2017.