Hợp tác làm phim và cung cấp dịch vụ sản xuất phim

Để cánh cửa thật sự rộng mở

“Thời đại của những ngăn cấm vật lý đã qua rồi. Thay vào đó, sự phát triển của công nghệ và internet giúp phim ảnh có thể được xem ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào theo nhu cầu khán giả. Là những người làm luật, chúng ta hãy nghĩ nhiều hơn theo hướng làm sao để Việt Nam trở thành điểm đến thân thiện cho các nhà làm phim quốc tế, thay vì cần làm gì để quản lý và kiểm soát họ”.

Ba di sản thiên nhiên thế giới nối tiếng của Việt Nam trở thành bối cảnh tuyệt đẹp cho bộ phim bom tấn Kong Skull Island.
Ba di sản thiên nhiên thế giới nối tiếng của Việt Nam trở thành bối cảnh tuyệt đẹp cho bộ phim bom tấn Kong Skull Island.

Đó là chia sẻ đầy trách nhiệm của đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh), trong phiên thảo luận trực tuyến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) diễn ra ngày 28/10 vừa qua. Nhưng để Việt Nam trở thành phim trường được giới làm phim nước ngoài ưu tiên chọn lựa, để hành lang pháp lý thông thoáng cùng những chính sách ưu đãi giúp thu hút ngày càng nhiều dự án quốc tế sử dụng dịch vụ sản xuất phim do chúng ta cung cấp là một bài toán khó đang đợi chờ Luật Điện ảnh (sửa đổi) tìm ra lời giải thấu đáo.

Thế mạnh và sức hút của Việt Nam

Hình thức hợp tác sản xuất không hề xa lạ với đội ngũ làm phim trong nước. Nhiều tác phẩm điện ảnh áp dụng mô hình này đã gặt hái thành công, với những giải thưởng trong nước và quốc tế như Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Hà Nội-Hà Nội (với đối tác Trung Quốc) hay Mùa len trâu, Thời xa vắng (với đối tác Pháp)... Đó là còn chưa kể tới khá nhiều loạt phim truyền hình dài tập hấp dẫn, đạt tỉ suất người xem khá cao nhờ được triển khai theo mô hình hợp tác sản xuất như Mùi ngò gai, Lẵng hoa tình yêu, Tuổi thanh xuân (với đối tác Hàn Quốc) hay Người cộng sự, Khúc hát mặt trời (với đối tác Nhật Bản)...

Việt Nam cũng trở thành một phim trường hấp dẫn được nhiều dự án quốc tế lựa chọn. Nhiều năm về trước, ấn tượng mạnh mẽ từ những bộ phim điện ảnh nổi tiếng như Người tình (L’amant), Đông Dương (Indochine), Người Mỹ trầm lặng (The quiet American)... đã biến nhiều địa danh trở thành những điểm đến không thể bỏ qua của du khách quốc tế trong hành trình khám phá dải đất hình chữ S.

Năm 2016, 3 di sản thiên nhiên thế giới của Viêt Nam đã trở thành phông nền cho quái thú Kong trở lại màn ảnh. Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Tràng An-Tam Cốc-đầm Vân Long... phô diễn vẻ đẹp trong hơn 70% bối cảnh của siêu phẩm Kong: Đảo Đầu lâu. Năm 2015 trước đó, cảnh sắc mê hồn của Hang Én (Quảng Bình) cùng những hòn đảo trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng trở thành xứ sở thần tiên cho cậu bé Peter Pan bay lượn trong bộ phim bom tấn Pan và vùng đất Neverland.

Để cánh cửa thật sự rộng mở -0
Ấn tượng mạnh mẽ từ bộ phim nổi tiếng Người tình đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến được đông đảo du khách quốc tế lựa chọn.

Có thể nói, thế mạnh và sức thu hút của cái tên Việt Nam với đội ngũ làm phim quốc tế là điều không thể bàn cãi. Trong Hội thảo Dự án cộng đồng điện ảnh Hàn Quốc-ASIAN, một châu Á trong phim, nhà sản xuất Michael Lake từng chia sẻ: “Hiện nay, điện ảnh Mỹ đang có xu hướng quay tiền kỳ tại châu Á, thay vì 60% tại Mỹ như trước đây. Được thiên nhiên ưu đãi quá nhiều cảnh đẹp, lại có lợi thế nhân công rẻ nên nếu phát triển được đội ngũ nhân sự chất lượng cao thì chắc chắn Việt Nam sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của chúng tôi”.

Những rào cản cần nhanh chóng tháo gỡ

Theo thống kê của Cục Điện ảnh, chỉ trong giai đoạn 2015 -2020 đã có 179 kịch bản hợp tác, liên doanh sản xuất, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện tại nước ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể đạt bước phát triển đột phá để tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có mà thiên nhiên ban tặng, bởi hàng loạt nguyên nhân đã được các chuyên gia chỉ rõ, trong khuôn khổ Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức ngày 7/9 vừa qua.

Bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chỉ ra khâu vướng nhất chính là quy định yêu cầu thẩm định kịch bản. Việc yêu cầu phải có “kịch bản phim bằng tiếng Việt” trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép (như quy định tại Điều 14, Luật Điện ảnh sửa đổi) dễ làm nản lòng mọi đối tác muốn sử dụng dịch vụ làm phim. Theo lý giải của bà Hòa: “Các đạo diễn nước ngoài thường có sự độc lập, toàn quyền sáng tạo nên không thể chấp nhận việc can thiệp, yêu cầu chỉnh sửa kịch bản của bất cứ ai.

Dự án lớn quay tại nhiều nước, bối cảnh thực hiện tại Việt Nam chỉ chiếm một phần mà đòi hỏi thẩm định toàn bộ kịch bản là điều họ rất khó chấp nhận”. Bởi thế, bà đề xuất “cởi bỏ nút thắt, xem xét bỏ yêu cầu tiền kiểm về kịch bản và chuyển sang cơ chế hậu kiểm phân loại phim khi phổ biến tại Việt Nam để phù hợp với cam kết quốc tế của Chính phủ tại cơ chế giám sát định kỳ phổ quát đối với việc xóa bỏ các hình thức kiểm duyệt trước trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa”.

Thêm nữa, “nhiều nhà làm phim quốc tế từng chia sẻ rằng việc xin phép sử dụng bối cảnh mất nhiều thời gian, với rất nhiều thủ tục phức tạp. Việc thông quan nhập khẩu khối lượng trang thiết bị, đạo cụ rất lớn cùng số lượng thành viên đoàn làm phim đông đảo gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, năng lực cung cấp dịch vụ làm phim và hậu cần còn chưa đồng đều, chưa đạt tới trình độ chuyên nghiệp nên chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá trong hợp tác làm phim”. Bà Hòa còn khuyến nghị bổ sung, “việc quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương giám sát việc thực hiện dự án theo văn bản thẩm định kịch bản của Bộ VHTTDL là khó khả thi, tạo thêm gánh nặng cho các bên và vô hình chung tạo thêm rào cản cho chính các công ty cung cấp dịch vụ nên dễ tạo ra sự nhũng nhiễu, không minh bạch”.

Với góc nhìn của đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải, môi trường làm phim càng bớt rào cản thì càng thu hút được nhiều đối tác chọn Việt Nam làm điểm đến. “Trong Điều 14 quy định riêng về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có đề cập tới những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Cần lưu ý rằng, các nhà làm phim nước ngoài có quan điểm sáng tác riêng, nếu quá cứng nhắc trong nội dung sẽ dễ gây hiểu lầm, đôi khi mất đi cơ hội hợp tác với những dự án kinh phí lớn. Thủ tục ở ta hiện vẫn bị các nhà làm phim nước ngoài coi là khá phức tạp, nên lược bỏ bớt”.

Điểm mấu chốt giúp cánh cửa thật sự rộng mở được TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam chỉ rõ: “Chính sách quan trọng nhất để thu hút các hãng phim nước ngoài chính là ưu đãi sản xuất phim”. Dự thảo Luật cũng đã đưa ra một số ưu đãi về thuế bao gồm: giảm - khấu trừ - hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế dựa trên chi phí của đoàn làm phim tại Việt Nam trong Điều 42. Tuy vậy, bà Lan cho rằng, thủ tục rõ ràng, thuận lợi và có chính sách ưu đãi hấp dẫn về thuế, về số phần trăm trả lại chi phí chi tiêu tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế là điều cần được quy định cụ thể trong bộ luật sửa đổi.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Phương Hòa chỉ ra thực trạng “chưa hề có bất kỳ chính sách ưu đãi hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm thu hút và hỗ trợ các đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam” đã đẩy chúng ta vào thế bất lợi hơn trong việc cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Khi ngay cả các cường quốc điện ảnh cũng đã xây dựng chính sách ưu đãi dưới nhiều hình thức đa dạng như miễn phí bối cảnh quay, hoàn tiền mặt với chi phí sản xuất, miễn giảm thuế...

Thí dụ, Pháp miễn giảm thuế và áp dụng chế độ nhập khẩu dành riêng cho đạo cụ phim trường giúp giảm 50% chi phí sản xuất cho các đoàn phim quốc tế. Hàn Quốc tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho các cảnh quay tại đây. Malaysia hoàn tiền lên tới 30% chi phí sản xuất, Thái Lan hoàn thuế 15% cho đoàn chi tiêu trên 50 triệu bath và thêm 5% nếu sử dụng nhân công địa phương cũng như quảng bá hình ảnh tích cực về nước mình...

Hợp tác và cung cấp dịch vụ sản xuất phim là lĩnh vực rất quan trọng để thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, giúp nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm phim cùng các ngành dịch vụ liên quan. Đó cũng là lĩnh vực tạo được nguồn thu, giúp điện ảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, giúp quảng bá hữu hiệu hình ảnh đất nước cùng con người Việt Nam ra thế giới và cuối cùng là góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch nước nhà.

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, để “Việt Nam trở thành điểm đến thân thiện cho các nhà làm phim quốc tế” như đại biểu Trần Thị Vân mong mỏi. Trách nhiệm nặng nề đang đặt lên vai những người làm luật, để đáp ứng được yêu cầu của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: “Luật Điện ảnh phải tạo ra được hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là ngành văn hóa nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế hội nhập”.