Hát vè - Nét văn hóa đặc sắc của trẻ Việt

NDO - Vè là thể loại tự sự dân gian bằng văn vần, có cơ sở từ lối nói vần vè của nhân dân, chủ yếu nhằm phản ánh kịp thời và cụ thể những chuyện về người thật, việc thật ở từng địa phương, những sự kiện có ý nghĩa trong đời sống nhân dân. Người lớn đặt vè và hát vè để chế giễu tệ nạn; hay ca tụng những thành tích xây dựng làng xã, ca ngợi những người anh hùng v.v... Còn vè trẻ em thì hồn nhiên, ngộ nghĩnh, phù hợp với tính cách và thế giới quan của tuổi thơ đầy thú vị của các em.

Thiếu nhi luôn gần gũi và gắn bó với các loài vật, với cỏ cây hoa lá. Bởi vậy thế giới loài vật và các loại cỏ cây, hoa lá luôn ánh lên trong những câu vè của các em đầy sinh động và hấp dẫn.

Ở vùng núi non trùng điệp, hay vùng trung du, đồng bằng cây cối tốt tươi, các em hát vè về các loài vật bằng sự quan sát tinh tế và hồn nhiên. Ðây là lời hát vè về chim chóc: 'Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè chim chóc/ Hay moi hay móc/ Là con thằng chài/ Lông lá thật dài/ Là con chim phướn/ Rành cả bốn hướng/ Là con bồ câu/ Giống lặn thật sâu/ Là con cồng cộc...; Có nơi các em hát có vẻ dàn trải hơn, nhịp điệu cũng khác: 'Nghe vẻ nghe ve nghe vè cầm thú:/ Hay quyến hay dụ là con chim quyên/ Nết ở chẳng hiền là con chim còng cọc/ Làm ăn mệt nhọc là con chim le le/.../ Chim ăn xó hè là con chim lảnh lót/ Cầm sào mà vọt là con chim công/ Ðỏ mỏ xanh lông là con chim trĩ/ Ðánh nhau binh vị là con chim bò sau/ Có sách cầm màu là con chim thầy bói/ Không ai cưới hỏi là con chim bông lông/ Ở góa không chồng là te te hoành hoạch/ Dạ bền tơ sắt là con chim chìa vôi/ Có đẻ không nuôi là con chim vịt/ Ngồi buồn kể các món chim/ Nó ăn nó lớn nó tìm nhau đi/ Dòng dọc nó khéo lại khôn/ Con cú lót ở đầu cồn con cù/ Chim khách nó đã đem tin:/ Nó kêu thì có chị em tới nhà/ Quà quạ cũng như người ta:/ Rủ nhau đi tắm đàng xa mới về'. Còn ở vùng mênh mang sông nước, cá tôm thật nhiều, các em lại có những lời vè dí dỏm: 'Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè loài cá/ No lòng phỉ dạ/ Là con cá cơm/ Không ướp mà thơm/ Là con cá ngát/ Liệng bay thoăn thoắt/ Là con cá chim/ Hụt cẳng chết chìm/ Là con cá đuối/ Lớn năm nhiều tuổi/ Là cá bạc đầu/ Ðủ chữ xứng câu/ Là con cá đối/ Lở mai tàn tối/ Là cá vá hai/ Trắng muốt béo dai/ Là cá úc thịt/ Dài lưng hẹp kích/ Là cá lòng tong/ Ốm yếu hình dong/ Là con cá nhái/ Thiệt như lời vái/ Là con cá linh...' (Vè cá); Về loài tôm các em hát vè: 'Ðầu lớn chôm bôm/ Là con tôm tít/ Bắt người ăn thịt/ Là con tôm hùm/ Ăn ở bụi lùm/ Là con tôm cỏ/ Bắt bỏ vào trỏ/ Là con tôm lươn/ Gánh đất lấp đường/ Là con tôm đất/ Vô chùa lạy Phật/ Là con tôm tu ...'. Thế giới loài vật trong lời hát vè của thiếu nhi thật phong phú, đa dạng. Ðến bây giờ, dù đã lớn tuổi, nhưng khi nghe các em hát vè, tôi như được quay về với thế giới tuổi thơ, với những lời ca dân dã: 'Ve vẻ vè ve / Cái vè loài vật/ Trên lưng cõng gạch/ Là họ nhà cua/ Nghiến răng gọi mưa/ Ðúng là cụ cóc/ Thích ngồi cắn trắt/ Chuột nhắt, chuột đàn/ .../ Rền rĩ kéo đàn/ Ðúng là anh dế/ Suốt đời chậm trễ/ Là họ nhà sên/ Ðêm thắp đèn lên/ Là cô đom đóm/ Gọi người dậy sớm/ Chú gà trống choai/ Ðánh hơi rất tài/ Anh em chú chó/ / Mặt hay nhăn nhó/ Là khỉ trên rừng/ Ðồng thanh hát cùng/ Ve sầu mùa hạ/ .../ Loài vật hay quá/ Bạn kể tiếp nghe ...'.

Thiên nhiên, cỏ cây hoa lá cũng cũng đi vào thế giới của những lời hát vè thật đằm thắm. Những ai yêu thiên nhiên, yêu cỏ cây, hoa lá, hẳn sẽ ngân rung cùng nhịp hát vè của các em hát: 'Tháng giêng nắng lắm/ Nước biển mặn mòi/  Vác mai đi xoi/ Là bông hoa giếng/ Hay bay hay liệng/ Là hoa chim chim/ Xuống biển mà chìm/ Là bông hoa đá/ Bầu bạn cùng cá/ Là đá san hô/ Hỏi Hán qua Hồ/ Là bông hoa sứ/ Gìn lòng nắm giữ/ Là hoa từ bi/ Ăn ở theo thì/ Là hoa bầu ngọt/ Thương ai chua xót/ Là hoa sầu đâu/ Có sông không cầu/ Là hoa nàng cách/ Ði mà đụng vách/ Là hoa mù u/ Cạo đầu đi tu/ Là bông hoa bụt/ Khói lên nghi ngút/ Là hoa hắc hương/ Nước chảy dầm đường/ Là hoa mồng tơi/ Rủ nhau đi cưới/ Là hoa bông dâu/ Nước chảy rạch sâu/ Là hoa muống biển/ Rủ nhau đi kiện/ Là hoa mít nài/ Gái mà theo trai/ Là hoa phát nhũ/ Ðêm nằm không ngủ/ Là hoa nở ngày/ Ban chẳng lìa cành/ Là bông hoa cúc/ Nhập giang tùy khúc/ Là bông hoa chìu/ Ở mà lo nghèo/ Là hoa đu đủ/ Ði theo cậu chủ/ Là hoa mầng quân/ Ðánh bạc cố quần/ Là bông hoa ngỗ/ Ngồi mà choán chỗ/ Là hoa dành dành/ Giận chẳng đua tranh/ Là bông hoa ngải/ Bắt đi tha lại/ Là hoa phù dung/ Ăn ở theo đường/ Là bông hoa thị/ Theo mẹ bán bí/ Là hoa hanh hao ...' (Vè hoa).

Do đặc tính là thích khám phá, tinh nghịch, thông minh, nên trong lời ăn, tiếng nói của các em có sự ngộ nghĩnh, đáng yêu. Học từ vốn truyện cổ, thiếu nhi có những bài vè nói láo và vè nói ngược rất mộc mạc, thơ ngây và gợi cảm. Người lớn nhiều khi cũng phải tròn xoe con mắt và không nhịn được cười khi nghe các em hát: 'Láo thiên láo địa/ Láo từ ngoài Sịa láo vô/ Ngồi buồn nói chuyện láo thiên/ Lúc mới hai tuổi tôi có đi khiêng ông Trời/ Ra đồng thấy muỗi bắt dơi/ Bọ hung làm giỗ có mời ông voi/ Nhà tôi có một củ khoai/ Xắt ra bảy thúng hẳn hòi còn dư/ Nhà tôi có một cây từ/ Bới lên một củ nó hư cả vườn/ Tôi vừa câu được con lươn/ Cái thịt làm chả, cái xương đẽo chày/ Nhà tôi có một cối xay/ Ðầu cong bịt bạc, đầu ngay bịt vàng/ Nhà tôi có một cái ang/ Ðựng lúa bảy làng mà hãy còn lưng/ Nhà tôi có một củ gừng/ Bới lên một củ nửa chừng đòn xeo/ Nhà tôi có một con mèo/ Khi nào hết chuột lên đèo bắt nai/ Nhà tôi có một cái chai/ Ðựng bảy thùng mắm và hai thùng dầu/ Cha tôi có một bộ râu/ Bứt ra một sợi câu con cá chình/ Nói ra các bạn đừng khinh/ Thiên hạ nói láo, phải mình tôi đâu' (Vè Nói láo).

Cũng như những khúc đồng dao, những câu hát vè - nhất là hát vè trẻ em đã góp phần quan trọng để giáo dục về nhận thức, về đạo đức, nhân cách và bồi dưỡng về trí tuệ, thể lực, thẩm mỹ; hay luyện phát âm, vốn từ vựng, hay đơn giản là giữ nhịp cho thao tác trong các trò chơi, v.v. cho các em. Cộng đồng và các ngành chức năng - nhất là ngành giáo dục, nên chăng sưu tầm và phổ biến những khúc đồng dao và những bài vè hay, có ý nghĩa cho thiếu nhi...਍