Văn hóa từ chức

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể theo nguyện vọng cá nhân. Về bản chất, đây là thủ tục chấp nhận quyết định xin từ chức của một quan chức cấp bộ trưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh | Thủy Nguyên
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh | Thủy Nguyên

16 năm trước, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đào Đình Bình cũng làm đơn xin từ chức và Quốc hội đã miễn nhiệm ông không phải theo nguyện vọng cá nhân, mà vì vi phạm gây thiệt hại lớn về ùn tắc, tai nạn giao thông.

Phải chăng, đây là một bước tiến đáng được ghi nhận về văn hóa từ chức trong thời kỳ mới ở nước ta?

Những năm gần đây, không ít các quan chức cấp sở, cấp phó chủ tịch tỉnh và cấp thứ trưởng cũng đã làm đơn xin từ chức. Nhiều người cho rằng căn nguyên xin từ chức là do áp lực của công việc và chế độ trách nhiệm. Quả thực, đó chắc chắn là một phần của lý do. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ghi nhận hiện tượng này từ góc độ văn hóa.

Thực ra, văn hóa từ chức không phải là điều gì đó quá xa lạ đối với người Việt. Trong lịch sử, việc "treo ấn từ quan" thời nào cũng có. Có lẽ, đáng nói nhất là việc vua Trần Thái Tông (1218-1277) đã nhường lại ngôi cho con trai Trần Thánh Tông (1240-1290). Từ đó hình thành nên nét văn hóa nhường ngôi cho con của các đời Vua nhà Trần. Việc nhường ngôi cho thế hệ kế tiếp sau một thời gian trị vì vừa giúp nhà Trần tránh được sự bảo thủ, trì trệ không đáng có, vừa giúp đổi mới và cải thiện kịp thời sự trị vì của mình. Ngoài ra còn nhiều tấm gương "treo ấn từ quan" nổi tiếng khác. Thấy Vua Trần Dụ Tông chỉ thích vui chơi, bỏ bê triều chính và khi đệ sớ khuyên nhà vua nghiêm trị bảy kẻ nịnh thần không được trả lời, Chu Văn An (1292-1370) đã nhất quyết "treo ấn từ quan" về làng ở ẩn. Hay như trường hợp "treo ấn từ quan" của những danh nhân nổi tiếng khác như Nguyễn Trãi (1380-1442), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)…

Tại sao ở nước ta trong lịch sử hiện đại đã từng có một thời kỳ việc từ chức là rất hiếm hoi và khó khăn? Có lẽ, chúng ta cần căn cứ vào thời thế mà tìm câu trả lời.

Thời xưa, từ chức thường là những kẻ sĩ. Kẻ sĩ là những người có học vấn, có khí tiết, thà chịu chết chứ không chịu nhục, không chịu thay đổi chí hướng. Kẻ sĩ và phẩm chất của kẻ sĩ đã từng được coi trọng và tôn vinh trong xã hội phong kiến. Đó thực chất là một giá trị văn hóa. Và đó cũng là nguồn gốc văn hóa của hiện tượng "treo ấn từ quan". Đã là kẻ sĩ thì chức tước không quan trọng bằng khí tiết.

Thời thế thay đổi, dưới tác động của phong trào giải phóng dân tộc và đấu tranh cách mạng, một hình mẫu lý tưởng mới đã hình thành. Đó là hình mẫu của người chiến sĩ cách mạng. Phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng là kiên cường, bất khuất, là có ý thức tổ chức, kỷ luật và luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chức vụ trong một cuộc đấu tranh cách mạng là một nhiệm vụ được giao hơn là một đặc quyền được hưởng. Từ bỏ chức vụ bị coi là từ chối nhiệm vụ được cách mạng giao phó. Với một khuôn mẫu giá trị như vậy, văn hóa từ chức rõ ràng khó lòng được dung dưỡng.

Chúng ta đã đi qua thời kỳ đấu tranh cách mạng. Tuy nhiên, những thay đổi về mặt giá trị xảy ra chậm hơn. Chức vụ vẫn đang chính thức được coi là nhiệm vụ do Đảng và nhân dân giao phó. Từ chức vì vậy đồng nghĩa với việc từ chối sự giao phó này. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa giải thích tại sao trong một thời gian dài việc từ chức ít được xã hội hoan nghênh. Và đây cũng là nguyên nhân giải thích tại sao thủ tục cho phép từ chức ở nước ta lại khó khăn, phức tạp hơn so với nhiều nước trên thế giới. Xin từ chức là một chuyện, cho từ chức hay không lại là một câu chuyện khác.

Tuy nhiên, thời thế không ngừng thay đổi. Chức vụ trong thời bình là chức quyền nhiều hơn là chức phận. Mà như vậy thì áp lực đạo đức lên hành vi từ bỏ chức vụ đã không còn nặng nề như trước. Nước ta lại đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Quá trình tiếp biến văn hóa đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Văn hóa từ chức như một thành tựu của văn minh cũng đang được tiếp biến vào nước ta.

Với việc từ chức trở thành văn hóa, nền quản trị nhân lực công của đất nước ta chắc chắn sẽ linh hoạt và hiệu quả hơn.

Cuối cùng, con người ta ai cũng có sở thích, sở trường và sở đoản. Văn hóa từ chức sẽ góp phần giúp cho mỗi cá nhân lựa chọn công việc theo sở thích và sở trường dễ dàng hơn.