Vẫn đợi ngày bình yên

Các cuộc đụng độ dữ dội và đẫm máu đã tạm lắng, trên những đường phố Thủ đô Tripoli (Libya). Song, không ai dám chắc, đến bao giờ lửa xung đột lại bùng lên, khi chưa hề có phương thức khả thi nào nhằm tháo gỡ những mâu thuẫn âm ỉ, trong nội tại quốc gia Bắc Phi ấy.
0:00 / 0:00
0:00

Ít nhất, như Bộ Y tế Libya công bố, có 23 người đã thiệt mạng cùng hơn 140 người bị thương, trong các cuộc đụng độ giữa hai chính quyền đối địch ở Libya (trong hai ngày 26 và 27/8).

Tình hình căng thẳng đến mức độ ngày 29/8, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), ông Moussa Faki Mahamat, phải lên tiếng kêu gọi các bên tham chiến ở Libya lập tức chấm dứt các hành động thù địch. Ông nhấn mạnh rằng bảo đảm an ninh cho dân thường là nghĩa vụ của chính quyền Libya, và do đó, kêu gọi tất cả các bên thực hiện nghiêm chỉnh luật nhân đạo cũng như luật nhân quyền của châu lục và quốc tế.

Đại diện cho AU, ông cũng nhắc lại cam kết mạnh mẽ về việc tăng cường hỗ trợ hòa bình và hòa giải dân tộc ở Libya, đồng thời khuyến khích các bên hợp tác chặt chẽ hướng tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng bền vững.

Song, vấn đề là, liệu sẽ có ai hưởng ứng những lời kêu gọi ấy?

Libya đã lại rơi vào trạng thái bế tắc về mặt chính trị từ nhiều năm qua, mà điểm mấu chốt, không gì khác, lại là tính không khoan nhượng của các bên có tham vọng quyền lực.

Đang song song tồn tại ở đất nước này là hai chính quyền, xuất hiện từ những khúc quanh hỗn loạn cũng như những khoảng trống quyền lực mà "Mùa xuân Arab" để lại, từ đầu thập niên trước. Một chính quyền do Quốc hội Libya hậu thuẫn, có "trụ sở" đặt tại thành phố Tobruk ở miền đông, và một chính quyền nữa "đóng đô" ở Tripoli, được gọi là Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU), thành lập trong tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc hậu thuẫn sau một làn sóng bạo lực trước đó.

Hồi tháng 2, Quốc hội Tobruk chỉ định ông Fathi Bashagha, cựu Bộ trưởng Nội vụ, làm Thủ tướng mới thay thế Thủ tướng GNU là ông Abdul Hamid Dbeibah. Tuy nhiên, ông Dbeibah tuyên bố từ chối chuyển giao quyền lực cho bất kỳ chính phủ nào, ngoại trừ một chính phủ dân cử.

Ngày 25/8, ông Dbeibah kêu gọi Chủ tịch Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya (HCS) Khalid Al-Mishri và Chủ tịch Quốc hội Libya thông qua cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử quốc gia. Đáp lại, xung đột bạo lực bùng lên ngay ở trung tâm Tripoli, với những cuộc đấu súng, những thứ vũ khí hạng nặng, và cả những vụ nổ. Ước tính, có khoảng sáu bệnh viện đã bị tấn công, trong khi các xe cứu thương không thể tiếp cận các khu vực xảy ra đụng độ để làm nhiệm vụ.

Bộ Y tế Libya thẳng thừng gọi tình trạng đó là "tội ác chiến tranh". Song, họ cũng không có cách nào ngăn chặn được những tấn thảm kịch. Họ chỉ có thể chờ đợi lửa xung đột lắng dịu.

Nắng dịu, chứ không phải là bị dập tắt. Bởi lẽ, khi những nguyên tắc cơ bản về lập pháp chưa đạt được đồng thuận từ các phía, sẽ rất khó để thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc, cho dù đất nước ấy đã bị tàn phá hơn 10 năm qua.

Tháng 12 năm ngoái, có một cơ hội đã bị bỏ lỡ, khi cuộc bầu cử toàn quốc đã được lên kế hoạch cho Libya lại bị đình hoãn vô thời hạn, cho đến tận bây giờ. Nguyên nhân của sự đổ vỡ này là chuyện hai phía không thể thống nhất về cơ sở hiến pháp dành cho các cuộc bầu cử tổng thống cũng như các cuộc bầu cử quốc hội. Hay nói cách khác, hai phía không tìm được tiếng nói chung trên tiến trình phân chia quyền lực, nhằm đạt được một giải pháp khiến tất cả đều có thể hài lòng.

Và cứ thế, cuối cùng, vẫn lại là bạo lực lên tiếng, thay cho những cuộc thương thảo. Để bóng ma của một cuộc xung đột vũ trang toàn diện, một cuộc nội chiến đích thực vẫn lẩn khuất ở chân trời, đe dọa những phận người…