Vạch lối, tìm đường trong khó khăn

Thời gian qua, tình hình hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp bị tác động bởi nhiều yếu tố, nhất là dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung...

Sản xuất cánh tủ bếp và tủ nhà tắm tại Công ty gỗ Tiến Đạt. Ảnh: Mai Hương
Sản xuất cánh tủ bếp và tủ nhà tắm tại Công ty gỗ Tiến Đạt. Ảnh: Mai Hương

Gian nan mùa dịch

Công ty TNHH Juma Phú Thọ là một trong những công ty sản xuất và xuất khẩu gỗ dán lớn nhất tại Việt Nam, với lượng xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 30% tổng lượng gỗ dán xuất khẩu của cả nước. Đại dịch Covid-19 ập đến khiến thị trường xuất khẩu đóng băng, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc chậm, buộc doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu phải thu hẹp quy mô sản xuất. Trước đây lượng hàng xuất của công ty vào khoảng 450 công-ten-nơ mỗi tháng, nhưng giờ đây chỉ còn chưa đầy một nửa. Lịch sản xuất phải điều chỉnh liên tục, bởi nỗi lo không xuất được sẽ không thu được tiền hàng.

Công ty chỉ là một trong số hơn 50% doanh nghiệp ngành gỗ lao đao vì đại dịch, buộc phải ngừng sản xuất một phần do thiếu đơn hàng hoặc thiếu vốn, thiếu nguồn nguyên vật liệu do đại dịch bùng phát, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. Số liệu từ các doanh nghiệp nửa đầu năm nay cho thấy ước tính khoảng 80% các đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao; có hàng nghìn công-ten-nơ hàng bị tồn tại các cảng biển ở châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc; chỉ có 7% trong số hơn 100 doanh nghiệp khảo sát hoạt động bình thường, và khoảng 7% đã ngừng hoạt động.

Cũng theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, những tháng đầu năm, ngành gỗ tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ, và mục tiêu năm 2020 đạt 12,5 tỷ USD, tăng trưởng 18% so với năm 2019 là rất khả thi. Tuy nhiên, quý II do ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, hàng chục nghìn lao động phải tạm nghỉ việc, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số nguồn tin dự báo ngành có tăng trưởng âm, nhưng ba tháng tiếp theo, tăng trưởng đã trở lại hai con số. Trước thị trường đầy rẫy biến động, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng chủ động vạch lối, tìm đường trong gian nan.

Trong lúc nhiều công xưởng sản xuất vẫn còn đình trệ, Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt (Quy Nhơn, Bình Định) ngày đêm sáng đèn. Với hơn 1.000 công nhân, gần đây sản xuất nhà máy đã phục hồi hoàn toàn với những đơn hàng nối tiếp nhau. Ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc công ty chia sẻ, cách đây hai năm, nhận định thị trường các đồ gỗ sản phẩm ngoài trời xuất khẩu châu Âu đã có những độ chững nhất định, doanh nghiệp đã có định hướng chuyển đổi công nghệ để chuyển sang sản xuất các sản phẩm về tủ bếp và tủ nhà tắm hướng tới thị trường Mỹ. Phán đoán chính xác về cơ hội đã giúp doanh nghiệp Tiến Đạt có mức tăng trưởng vượt bậc. Tính về giá trị đơn hàng, năm nay doanh nghiệp này sẽ thu về từ 20 - 22 triệu USD, gấp đôi năm 2019. Nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã nhanh nhạy nắm bắt tình hình, chủ động có những chuyển hướng tương tự.

Bắt đầu từ tháng 7-2020 khi dịch bệnh dần được khống chế, các quốc gia bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh mở cửa, nhu cầu nhập khẩu gỗ và lâm sản tăng lên đáng kể với nhiều đơn hàng đã được ký kết. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp lũy kế chín tháng vừa qua, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỷ USD, tăng 11,2 % so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tại Giao ban ngành gỗ toàn quốc ngày 25-9, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng chỉ ra triển vọng về sự phát triển của ngành gỗ thời gian tới. "Bên cạnh các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, chúng ta cũng chứng kiến những chuỗi cung ứng hoàn toàn không bị đứt gãy, thậm chí còn phát triển hơn trước giai đoạn đại dịch, điển hình như các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, ván trang trí... Điều này có nghĩa là sản phẩm chiến lược tạo cho doanh nghiệp Việt có bước bứt phá".

Xác định sản phẩm chiến lược và kiểm soát gian lận thương mại

Theo phân tích của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, qua thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19, có thể xác định rõ ràng sản phẩm chiến lược và thị trường chiến lược để làm bệ đỡ cho sự phát triển của ngành gỗ. Số liệu thống kê chín tháng đầu năm, xuất khẩu các sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm, ván trang trí đã đạt gần một tỷ USD (tăng hơn 80% so cùng kỳ năm ngoái). Chuỗi cung ứng của mặt hàng này thậm chí vẫn không bị đứt gãy ở thời điểm đại dịch. Theo tổ chức ITC, quy mô giá trị thương mại của mặt hàng này đạt gần bảy tỷ USD. Mỹ là thị trường chiếm đến 90% lượng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Đây chính là thị trường chiến lược mà nhiều doanh nghiệp ngành gỗ nước ta đang hướng tới.

Để nhanh chóng biến lợi thế thành thế mạnh của ngành gỗ Việt Nam năm nay ngay trong tháng 11, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ tiến hành thành lập chi hội tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Việc thành lập chi hội sẽ tạo ra chuỗi liên kết dọc, chuỗi liên kết ngang nhằm đạt mục tiêu tạo ra mạng lưới rộng lớn các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất mặt hàng chiến lược, cung ứng cho thị trường chiến lược để hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại thị trường Bình Định, Hiệp hội gỗ Bình Định quyết tâm cho ra đời trung tâm sản xuất tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí tại Bình Định, với sự tham gia của các doanh nghiệp có tiếng trong ngành như Tiến Đạt, Đại Thành, Khải Vy, Thanh Quý, Phú Tài. Dự định doanh số năm 2020 sẽ đạt hơn 100 triệu USD và đến năm 2022 sẽ đạt 300 triệu USD.

Để chuẩn bị cho sản xuất của doanh nghiệp tăng tốc, hiện ngành lâm nghiệp cũng có những định hướng về đa dạng hóa sản phẩm từ gỗ rừng trồng, phát huy hiệu quả chuỗi phát triển lâm nghiệp. Đặc biệt đối với sản phẩm dăm gỗ, nhu cầu thị trường vẫn rất lớn. Nguồn nguyên liệu cho dăm có thể đưa vào chế biến để tạo ra các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn như viên nén, các loại ván... Đa dạng hóa sản phẩm đầu ra từ gỗ rừng trồng không những góp phần giảm sự lệ thuộc của ngành dăm vào một loại sản phẩm (dăm), vào một thị trường (Trung Quốc), góp phần giảm rủi ro cho ngành dăm, và góp phần tạo nên một thị trường cạnh tranh về gỗ rừng trồng nguyên liệu, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho các hộ trồng rừng. Để ngành dăm đi vào ổn định, cuối tháng 10, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ thành lập và ra mắt chi hội dăm trong cả nước nhằm mục tiêu tạo ra mặt bằng giá có sự tương thích đối với thương mại quốc tế, tránh việc tranh mua, tranh bán như hiện nay làm cho thị trường dăm chìm nổi và vô cùng bấp bênh, để khách hàng chèn ép trong những năm qua.

Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã họp với Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính để xem xét kiến nghị của các doanh nghiệp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản về việc giảm thuế xuất khẩu dăm từ 2% xuống 0%. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, nếu được giảm 2% thuế dăm gỗ xuất khẩu thì tình trạng tồn đọng mặt hàng dăm gỗ sẽ không còn và có thể từ nay đến cuối năm 2020, sản lượng dăm gỗ xuất khẩu sẽ bằng hoặc vượt mức đã đạt năm trước.

Không thể phủ nhận rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra cơ hội rất lớn cho ngành gỗ mở rộng xuất khẩu, đặc biệt ở những thị trường chiến lược. Số liệu xuất khẩu từ Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng từ 43% năm 2018 trên tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, lên 50% năm 2019, và 53% vào tám tháng đầu 2020. Tuy nhiên, cơ hội cũng đồng hành với các rủi ro về gian lận thương mại. Chính phủ Mỹ đang thực hiện điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ. Trong tám tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tủ bếp từ Việt Nam sang Mỹ tăng hơn 80%, kim ngạch xuất khẩu khung ghế sofa có khung làm từ gỗ dán sang Mỹ tăng hơn 40 %... Việc kiểm soát gian lận thương mại chưa bao giờ được các doanh nghiệp trong ngành gỗ đồng lòng loại bỏ như hiện nay, bởi ý thức được đó là yếu tố quyết định sự sống còn của gỗ xuất khẩu.