Phát huy thế mạnh, tận dụng tốt các cơ hội

Giá trị xuất khẩu gỗ liên tục gia tăng trong những năm gần đây tạo động lực rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ. Tuy nhiên những biến động lớn từ thị trường cũng như những điểm yếu nội tại là thách thức không nhỏ trên con đường phát triển bền vững của ngành. Ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp... góp phần giải đáp những thắc mắc này.

Phát huy thế mạnh, tận dụng tốt các cơ hội

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách, tổ chức Forest Trends: Đẩy mạnh liên kết giữa hộ trồng rừng và các cơ sở chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gỗ rừng trồng

Ngành gỗ hiện đang là một trong những ngành kinh tế phát triển năng động nhất của Việt Nam. Ẩn chứa đằng sau sự thành công của ngành gỗ là vai trò hàng triệu nông hộ trồng rừng, những người tạo ra nguồn cung gỗ nguyên liệu rừng trồng hợp pháp dồi dào cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Liên kết giữa các hộ trồng rừng và công ty chế biến gỗ xuất khẩu là một trong những khâu then chốt cho sự phát triển của ngành, cần được đẩy mạnh trong tương lai.

Theo Cục Kiểm lâm, hiện Việt Nam có 4,3 triệu ha rừng trồng, trong đó có 3,53 triệu ha là rừng sản xuất. Nông hộ có vai trò then chốt giúp nâng cao độ che phủ rừng và tạo nguồn cung gỗ rừng trồng hợp pháp (gỗ sạch) cho ngành chế biến. Hiện có khoảng 1,1 triệu hộ gia đình tham gia trồng rừng, với diện tích khoảng 1,7 triệu ha. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nguồn cung gỗ rừng trồng hằng năm lên tới khoảng 48 triệu m3 quy tròn, với 50% trong đó là từ hộ.

Gỗ rừng trồng của hộ hiện đang được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành dăm, ngành sản xuất ván, chế biến đồ gỗ và một số sản phẩm khác. Đến nay, nhiều người quan niệm rằng khoảng 70-80% lượng gỗ rừng trồng của hộ là gỗ nhỏ và đi vào ngành chế biến dăm phục vụ xuất khẩu; phần còn lại (20-30%) là gỗ lớn được sử dụng chế biến đồ gỗ xuất khẩu vào sản xuất các loại ván, hay còn gọi là chế biến sâu. Theo quan niệm này, ngành dăm phát triển đã không khuyến khích được hình thành rừng gỗ lớn, từ đó làm hạn chế sự phát triển của ngành chế biến sâu, hạn chế việc tạo ra giá trị gia tăng cao cho nguồn gỗ rừng trồng của hộ gia đình. Dựa trên luồng quan điểm này, các cơ chế chính sách hiện tại đang đi theo hướng hạn chế sự phát triển của ngành dăm.

Tuy nhiên, cách hiểu này chưa hoàn toàn đúng. Ngành dăm phát triển là bởi ở những nơi có diện tích rừng trồng lớn nhưng năng lực chế biến sâu nhỏ và ngược lại. Thí dụ, vùng Bắc Trung Bộ có diện tích rừng trồng chiếm gần 21% tổng diện tích rừng trồng cả nước, tuy nhiên chỉ có khoảng 13% tổng số doanh nghiệp chế biến sâu hiện diện trong vùng. Tương tự, vùng Đông Bắc có diện tích rừng trồng hơn 36%, tuy nhiên số doanh nghiệp chế biến sâu ở đây chỉ chiếm 11,5% tổng doanh nghiệp chế biến sâu trong cả nước. Trong bối cảnh nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng từ hộ dồi dào, số lượng doanh nghiệp chế biến sâu ít, các hộ không có sự lựa chọn nào khác là bán gỗ cho các cơ sở chế biến dăm.

Kênh thu mua gỗ rừng trồng của hộ hạn chế, đặc biệt ở các vùng có nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng dồi dào, đã không hình thành được môi trường cạnh tranh trong khâu mua gỗ. Điều này làm giá gỗ nguyên liệu thấp và giá trị kinh tế mà rừng trồng đem lại cho các hộ nhỏ. Đẩy mạnh liên kết giữa hộ trồng rừng với các doanh nghiệp chế biến theo hướng tạo môi trường khuyến khích đầu tư chế biến sâu vào các vùng sẵn có về nguyên liệu và đa dạng hóa sản phẩm từ rừng trồng sẽ trực tiếp góp phần nâng cao giá trị cho nguồn gỗ rừng trồng của hộ. Điều này cũng sẽ giúp cân bằng lại việc mất cân đối vĩ mô giữa các vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu. Khuyến khích phát triển chế biến sâu vào các địa phương có diện tích rừng trồng lớn đòi hỏi Nhà nước và chính quyền địa phương cần có chính sách đột phá. Các cơ chế chính sách này không chỉ cần trọng tâm vào việc đẩy mạnh liên kết giữa hộ trồng rừng và doanh nghiệp chế biến sâu mà còn cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi về thuê đất, thuế và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Vận hành các cơ chế chính sách này sẽ giúp đẩy mạnh liên kết giữa hộ và doanh nghiệp chế biến sâu, góp phần phát triển bền vững ngành gỗ trong tương lai.

Phát huy thế mạnh, tận dụng tốt các cơ hội -2

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng (Bình Định): Tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do

Có thể nói các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, giúp doanh nghiệp gỗ Việt tiệm cận vị trí "mắt xích" quan trọng trong các chuỗi cung sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng toàn cầu, thúc đẩy tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ giữa Việt Nam và nhiều khu vực, nhiều quốc gia. Trước những cơ hội và thách thức từ các Hiệp định Thương mại tự do mới, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định có một số kiến nghị:

Thứ nhất, xem xét cho phép khu vực tư nhân, các Hiệp hội ngành gỗ có đủ năng lực được thực hiện xã hội hóa các khâu xác minh, chứng nhận tuân thủ đúng các quy định và tiêu chuẩn của Chính phủ, bộ, ngành dựa trên nền tảng gắn kết các cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan chức năng địa phương, xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu lớn, tin cậy phục vụ công tác quản lý giám sát và định hướng phát triển ngành, góp phần tuân thủ Hệ thống phân loại doanh nghiệp và cấp phép FLEGT theo Luật Lâm nghiệp và VPA/ FLEGT. Thứ hai, đẩy nhanh việc ban hành Danh mục các quốc gia và vùng lãnh thổ tích cực và Danh mục loại gỗ rủi ro để hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ có kế hoạch giao dịch với nhà cung cấp gỗ xuất khẩu nước ngoài, tuân thủ theo quy định kiểm soát gỗ nhập khẩu tại Nghị định 102/2020/NĐ-CP vừa ban hành.

Thứ ba, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước tham gia thực hiện chính sách mua sắm công của Chính phủ, bảo đảm nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước cho đồ gỗ nội thất và sản phẩm gỗ hợp pháp trước làn sóng đầu tư nước ngoài và sản phẩm hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam. Thứ tư, đổi mới chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động tại các khu vực làng nghề, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Thứ năm, cho phép các doanh nghiệp lâm nghiệp, doanh nghiệp chế biến, sản xuất đồ gỗ và sản phẩm gỗ tiếp cận dòng vốn vay ODA lãi suất thấp để có thêm nguồn vốn tín dụng hình thành, phát triển các chuỗi liên kết vùng, liên kết nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn và chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu quy mô lớn, nhất là trong Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản dự kiến ban hành sắp tới...

43543543513-1605015950252.jpg

Tiến sĩ Trần Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam): Chủ động nguồn cung gỗ cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu gắn với quản lý rừng bền vững

Vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ tăng nhanh, trong đó có đóng góp không nhỏ từ nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước, ước tính khoảng 70-80%. Để đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ những thị trường khó tính, các sản phẩm hầu hết phải được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (QLRBV). Nguồn nguyên liệu trong nước cho đến nay hầu hết từ rừng được cấp chứng chỉ của FSC (Hội đồng Quản trị rừng thế giới) hoặc gỗ nhập khẩu có chứng chỉ. Tuy nhiên, với những tiêu chí khá nghiêm ngặt về QLRBV, trong một thời gian dài gần 20 năm, Việt Nam chỉ cấp chứng chỉ được cho hơn 200 nghìn ha, chiếm khoảng 10% diện tích rừng trồng trong nước. Hầu hết diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ là của các chủ rừng có năng lực quản lý rừng và tài chính tốt, còn lại phần lớn diện tích rừng chưa được cấp chứng chỉ đang được quản lý bởi doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình có năng lực hạn chế, trong khi đó việc cấp chứng chỉ rừng đòi hỏi trình độ quản lý rừng và chi phí cho cấp chứng chỉ khá cao.

Nhận thấy những hạn chế đó, cùng với chủ trương thúc đẩy quyết liệt thực hiện QLRBV của Chính phủ, từ năm 2017 - 2019, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS). Hệ thống VFCS đã được xây dựng theo hướng đáp ứng với các yêu cầu về QLRBV của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC và là thành viên của PEFC để được sử dụng nhãn mác của PEFC cho các sản phẩm được cấp chứng chỉ. Như vậy, gỗ được khai thác từ các diện tích rừng được cấp chứng chỉ VFCS cũng được thừa nhận tuân thủ các quy định của tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế về tính pháp lý, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội và được chấp nhận, lưu thông rộng rãi ở thị trường quốc tế. Với việc vừa đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế và luật pháp quốc gia về QLRBV và phù hợp điều kiện sản xuất thực tiễn trong nước, VFCS được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy nhanh chóng thực hiện QLRBV và cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam.

Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang thúc đẩy mạnh việc thực hiện QLRBV và cấp chứng chỉ rừng VFCS, trong đó chú trọng liên kết các chủ rừng nhỏ với các doanh nghiệp chế biến gỗ để thực hiện QLRBV và cấp chứng chỉ rừng, tạo vùng nguyên liệu có chứng chỉ ổn định cho các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Như vậy, chứng chỉ rừng VFCS sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, nâng tầm thương hiệu gỗ Việt, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ rừng, doanh nghiệp chế biến gỗ bán sản phẩm hàng hóa của mình trên thị trường quốc tế.

Một điều cần chú ý nữa trong chủ động nguồn cung nguyên liệu chế biến gỗ là phải nâng cao năng suất rừng và chất lượng gỗ. Việc chú trọng quản lý và sử dụng giống tốt, áp dụng các quy trình lâm sinh thích hợp trong trồng và nuôi dưỡng rừng, áp dụng công nghệ tốt trong gia công chế biến sẽ góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

25-1605015949746.jpg

Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Lâm Việt (Bình Dương): Hiểu rõ thị trường, đầu tư công nghệ hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm

Trong những năm qua, Công ty Lâm Việt luôn giữ vững nhịp độ tăng trưởng 15 - 20% đạt giá trị xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ hàng chục triệu USD mỗi năm, với Anh và Mỹ là thị trường chiếm tới 85% giá trị xuất khẩu doanh nghiệp. Mặt hàng xuất khẩu chính là đồ gỗ trong nhà và đồ gỗ ngoài trời. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Lâm Việt cũng rơi vào tình thế khó khăn khi sản xuất cầm chừng, 50% số lao động phải nghỉ việc và giảm thời gian làm việc.

Từ kinh nghiệm của gần 20 năm phát triển, công ty luôn nỗ lực nghiên cứu thị trường để tìm ra cơ hội phát triển ổn định. Sau tháng 4 và 5 nguồn cung đứt gẫy, các đơn hàng đình trệ, vào tháng 6 thị trường có dấu hiệu hồi phục và thậm chí tăng trưởng. Nguyên do là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, người dân Mỹ có xu hướng ở nhà nhiều hơn, nên có nhu cầu sửa sang nhà cửa, sắm sửa đồ gỗ thay thế. Đặc biệt sản phẩm gỗ nhà bếp như tủ bếp và phụ kiện liên quan tới nhà bếp được đặt hàng rất nhiều để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và quây quần của người dân Mỹ. Mặt khác, sự dịch chuyển các đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam khiến cầu tăng cao. Như vậy, vấn đề bây giờ chỉ ở chỗ sản phẩm của mình có đạt được tiêu chuẩn chất lượng của thị trường "khó tính" này hay không, các nhà máy có vận hành theo đúng quy chuẩn, từ hệ thống quản trị đến các yêu cầu về môi trường, lao động... hay không mà thôi.

Lâm Việt luôn xác định đổi mới công nghệ sản xuất là giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Trong 5 năm từ 2012-2017, chúng tôi đã xây dựng phần mềm quản trị ERP cho công ty. Khi bắt đầu đưa vào sử dụng năm 2017 công ty đã giảm được tới 50% nhân viên văn phòng và ở hầu hết các khâu khác từ quản lý sản phẩm, sản xuất, đến tiếp thị bán hàng... Nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cắt giảm chi phí, công ty đã lắp đặt hàng loạt thiết bị hiện đại như hệ thống máy CNC, máy sơn tự động, xây dựng nhà xưởng sản xuất trị giá hàng chục tỷ đồng; xây khu nhà ở cho công nhân đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn lao động của thị trường Anh và Mỹ, cũng như tiếp tục tập trung sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế. Đến nay tình hình sản xuất của công ty đã đi vào ổn định và khả năng từ giờ đến cuối năm sẽ giữ vững được nhịp độ tăng trưởng. 

Hà My - Vũ Thành