Để khát vọng "Việt Nam hùng cường" thành hiện thực!

Trong nhiều nghị quyết được Đảng và Nhà nước ban hành trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng thì Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân được các doanh nghiệp và xã hội đón nhận tích cực vì nó đáp ứng đúng và trúng những vấn đề cấp bách đặt ra từ nền kinh tế nước ta.

"Đối thoại 2045" diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Hiếu
"Đối thoại 2045" diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Hiếu

Thành công nổi bật của năm 2020 được thế giới đánh giá cao là Việt Nam vừa thực hiện xuất sắc các biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19, vừa đồng thời có những giải pháp thiết thực và quyết liệt để phục hồi và phát triển nền kinh tế, đã bảo đảm tốc độ tăng trưởng 2,91% trong khi hầu hết các nền kinh tế ở khu vực và thế giới đều ở tốc độ âm. Trong thành công quan trọng đó, có sự đóng góp tích cực của khu vực kinh tế tư nhân - một động lực quan trọng của nền kinh tế nước ta. Cùng với các thành phần kinh tế của đất nước, các doanh nghiệp tư nhân đã vượt lên nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, nêu cao tình yêu Tổ quốc, ý thức trách nhiệm xã hội, số đông các doanh nghiệp, doanh nhân đã có nhiều sáng kiến, đưa ra các khẩu hiệu thể hiện sự tâm huyết đối với công cuộc xây dựng và phát triển Tổ quốc hùng cường, như "Doanh nghiệp phát triển cùng đất nước"; "Vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người"; "Cho cuộc sống bừng sáng", v.v. Đó cũng là phương hướng, mục tiêu hành động, tạo cho các doanh nghiệp sức sống mới, quyết tâm mới.

Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng các doanh nghiệp, trong nhiệm kỳ qua, Thủ tướng Chính phủ đã cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành chức năng tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với hàng trăm đại diện doanh nghiệp; theo đó, sau mỗi cuộc gặp mặt, nhiều rào cản đã từng bước được tháo gỡ; nhiều cơ chế, chính sách được sửa đổi, bổ sung - tất cả nhằm tạo điều kiện cao nhất cho đà phát triển của kinh tế tư nhân. Ngày 6-3-2021 vừa qua - mở đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tổ chức cuộc gặp mặt với các doanh nhân, trí thức tiêu biểu trong cả nước với chủ đề "Đối thoại 2045". Trong 4 giờ tọa đàm, hàng chục lượt ý kiến cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm được nêu lên, tập trung vào năm vấn đề cơ bản: vấn đề con người trong chuyển đổi số; vai trò của thể chế là "bà đỡ" cho doanh nghiệp; tạo cơ hội, giải phóng nguồn lực trong dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh kết nối hạ tầng; giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa... Sau khi lắng nghe, Thủ tướng khẳng định: Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị; tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh; đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm các bộ trưởng cần cam kết bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách. Cần chú ý hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cổ vũ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chú trọng khơi dậy khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Thúc đẩy tính tự chủ, sự cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Coi trọng hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đội ngũ trí thức có vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp sức tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, nhất là việc ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động...

Vậy là, sự kết hợp giữa nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan ngày càng được thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo ra thuận lợi mới, thời cơ mới, động lực mới - cơ sở quan trọng để hiện thực hóa khát vọng "Việt Nam hùng cường" vào năm 2045!

Hồng Vinh