Chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người

Nạn mua bán người (MBN) đang có chiều hướng gia tăng phức tạp, xâm hại sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của nạn nhân, tác động xấu đến đạo đức, giống nòi, lối sống, thuần phong mỹ tục, gây mất an ninh, trật tự. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em mà còn là nam giới và trẻ sơ sinh, bị lấy nội tạng, cưỡng ép kết hôn, đẻ thuê, bóc lột lao động và tình dục... Loạt bài Chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người của Nhân Dân hằng tháng chỉ rõ thực trạng nhức nhối và kiến nghị những giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống loại tội phạm này, hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống MBN 30-7.

Nhiều diễn biến phức tạp  

Trong sáu th&aacu

Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) phối hợp với tỉnh Tây Ninh tổ chức tuyên truyền phòng, chống MBN cho học sinh.
Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) phối hợp với tỉnh Tây Ninh tổ chức tuyên truyền phòng, chống MBN cho học sinh.

Nhận diện quái chiêu

Một số đối tượng tổ chức các đường dây đưa người xuất cảnh trái phép sang các nước châu Âu có dấu hiệu phạm tội MBN, chia thành nhóm nhỏ đưa người sang Trung Quốc bằng đường bộ hoặc đường hàng không, tiếp tục đi bằng đường biển nhập cảnh trái phép vào Đài Loan (Trung Quốc) lao động bất hợp pháp với mức phí từ 4.000- 6.500 USD/người. Các đối tượng cò mồi xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ sử dụng "chiêu bài" rất tinh vi là trừ tiền công môi giới vào tiền lương sau khi đưa lao động qua biên giới các tỉnh phía bắc và miền trung trót lọt (năm 2018, lực lượng Biên phòng phát hiện gần 50 nghìn lượt người); chưa kể tình trạng người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta sau đó bị đưa bán sang nước thứ ba, điển hình là vụ Ngô Thị Vân, Ngô Thị Gái đưa sáu phụ nữ Cam-pu-chia sang Trung Quốc bán làm vợ. Không ít thiếu nữ vùng cao vì nhẹ dạ cả tin đã mắc lừa khi các đối tượng gọi điện tán tỉnh, làm quen qua mạng xã hội giả vờ yêu đương hẹn hò, rủ đi chơi hay vẽ ra viễn cảnh về sự giàu sang, xa hoa của những "vùng đất hứa" để gạ gẫm lấy chồng giàu rồi khống chế, đe dọa, bán ra nước ngoài.

Tội phạm thường có tiền án, tiền sự, thậm chí từng là nạn nhân bị mua bán, thông thuộc khu vực biên giới, cửa khẩu, các đường mòn, lối mở, lợi dụng đặc điểm kinh tế khó khăn, thiếu việc làm ở nhiều địa phương; xuất cảnh thông thoáng, sơ hở trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội về an ninh trật tự; mất cảnh giác của người dân, thiếu lao động phổ thông và mất cân bằng giới của một số quốc gia có chung đường biên giới để hoạt động. Nhằm qua mặt lực lượng truy bắt, chúng không "xuất đầu lộ diện" mà liên lạc qua điện thoại, hướng dẫn nạn nhân cách di chuyển đến khu vực giáp biên rồi đưa qua biên giới lừa bán; thường dùng facebook, zalo, viber, tên giả, địa chỉ giả để che giấu nhân thân, lừa phỉnh.

Đáng báo động gần đây xuất hiện một số đường dây môi giới, đưa phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc có hoàn cảnh khó khăn sang Trung Quốc "đẻ thuê" với giá khoảng 400 -500 triệu đồng/trường hợp, lo "trọn gói" các thủ tục cho đến khi đứa trẻ được sinh ra; một đường dây bán thận xuyên quốc gia hoạt động từ tháng 5-2017 với hàng trăm nạn nhân vừa bị bóc gỡ, năm đối tượng thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Tích cực phòng ngừa

Muốn tạo chuyển biến rõ nét trong phòng ngừa trước hết phải từ thay đổi nhận thức, hành vi, do đó công tác truyền thông luôn được các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương chú trọng. Không chỉ tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin, bài phản ánh trên báo chí, việc đăng tải thông tin trên trang cá nhân, mạng xã hội, tổ chức các hội thi, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống MBN, tập trung các đối tượng có nguy cơ cao, địa bàn trọng điểm khiến hiệu quả tuyên truyền đạt được cả chiều sâu và bề rộng. Với sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên - những cánh tay nối dài phổ biến, giáo dục pháp luật, bà con tiếp thu, cập nhật được nhiều kiến thức, kỹ năng về phòng, chống MBN; hàng nghìn mô hình, câu lạc bộ lồng ghép phòng, chống MBN được nhân rộng và phát huy tạo sự lan tỏa, thu hút quần chúng chung tay phòng, chống. Minh chứng điển hình năm qua, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hà Giang chỉ đạo tổ chức 38 buổi tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống MBN, phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN cho hơn 16 nghìn lượt người; Hội LHPN, Bộ đội Biên phòng Lào Cai tổ chức tuyên truyền và thực hành diễn tập kỹ năng xử lý tình huống phòng, tránh bị mua bán cho hơn 300 cán bộ, người dân huyện Bát Xát. Đặc biệt, nhiều hoạt động phong phú hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống MBN được triển khai rộng khắp góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng, để người dân đề cao cảnh giác, không sập bẫy tội phạm.

Nhằm ngăn chặn hiệu quả, lực lượng công an (chủ công là Cảnh sát Hình sự), Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin tố giác tội phạm, tuần tra, kiểm soát và quản lý xuất nhập cảnh qua biên giới; rà soát dựng lại các đường dây, băng, ổ, nhóm nghi vấn hoạt động MBN, mở các đợt cao điểm trấn áp mạnh các đối tượng chủ mưu, môi giới, cò mồi. Trong sáu tháng đầu năm, lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, ngăn chặn 3.105 lượt người xuất cảnh trái phép, phối hợp lực lượng công an điều tra, khám phá 67 vụ, bắt 112 đối tượng MBN, nhiều vụ án được xét xử điểm, lưu động có tác dụng răn đe hữu hiệu. Với đặc thù tội phạm MBN hoạt động xuyên quốc gia, việc tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp trao đổi thông tin với các tổ chức quốc tế, lực lượng chức năng các nước (nhất là các nước láng giềng), rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, bịt kín các "lỗ hổng" chính là tác nhân nhanh chóng "hạ nhiệt" tình hình.

Nhờ phát huy hiệu quả của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài tư vấn và hỗ trợ nạn nhân MBN; sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã có 678 trường hợp bị mua bán từ đầu năm 2018 đến nay được xác minh, giải cứu, tiếp nhận, trao trả; 100% được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Những ngôi nhà Bình Yên ở Hà Nội, Nhà Nhân Ái ở Lào Cai... đã trở thành điểm tựa cho các nạn nhân hồi gia, hội phụ nữ nhiều địa phương đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho các nạn nhân vay vốn ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.

Không ít rào cản

Do công tác nắm, dự báo tình hình tại một số địa phương chưa sát, chưa cụ thể, nên kết quả phòng ngừa còn hạn chế, điều tra, xử lý tội phạm MBN còn bị động, số vụ phát hiện, đấu tranh còn ít so với tình hình thực tế (chủ yếu phát hiện qua đơn tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân). Một số trường hợp tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân còn chưa kịp thời, mức hỗ trợ thấp, thủ tục nhận tiền rườm rà. Nhiều tồn tại, bất cập cũng bộc lộ trong thực hiện triển khai kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống MBN như phối hợp trao đổi thông tin tình hình và giải quyết vụ việc MBN chưa thường xuyên; truyền thông còn dàn trải, tài liệu chưa phong phú và chưa phù hợp đối tượng tuyên truyền; chất lượng đào tạo bồi dưỡng báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cấp cơ sở chưa cao; tiến độ xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) phần liên quan đến tội phạm MBN và Luật Phòng, chống MBN còn chậm. Chính từ sự chủ quan, lơ là, chưa lường hết được nguy cơ, hậu quả do tội phạm MBN gây ra nên có bộ, ngành và địa phương còn chưa thật sự chú trọng công tác này, thiếu chương trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm chỉ đạo cụ thể; thêm nữa nguồn kinh phí còn hạn hẹp cũng là rào cản khiến cuộc chiến phòng, chống tội phạm MBN còn lắm gian nan.

Thời gian tới, dự báo vấn nạn MBN còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn càng tinh vi, xảo quyệt đòi hỏi sự chủ động, nỗ lực vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị (nòng cốt là các lực lượng chủ công) và sự chung tay của toàn xã hội. Phần lớn nạn nhân MBN thường ở vùng sâu, vùng xa, gia cảnh nghèo túng, thất nghiệp, vì vậy để phòng ngừa hiệu quả không thể thiếu giải pháp bền vững là tập trung xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho các đối tượng có nguy cơ cao, quan tâm đầu tư phát triển kinh tế- xã hội ở những địa bàn khó khăn, trọng yếu.

Trong năm 2018, cả nước xảy ra 211 vụ MBN với 276 đối tượng, 386 nạn nhân; lực lượng Công an, Biên phòng khởi tố 200 vụ, 261 bị can về tội MBN, mua bán trẻ em; Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 130 vụ, với 233 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 116 vụ, với 213 bị cáo.