Vẫn chờ… cơ chế!

Năng lượng tái tạo được quan tâm trong quy hoạch điện VIII.
Năng lượng tái tạo được quan tâm trong quy hoạch điện VIII.

Đối diện nguy cơ phá sản là tình cảnh mà các nhà đầu tư dự án điện gió đang gặp phải khi buộc phải dừng hoạt động. Trong đơn kiến nghị lần hai vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan, chủ đầu tư các dự án nhà máy điện gió Nhơn Hội, điện gió Nam Bình 1, điện gió Cầu Đất và điện gió Tân Tấn Nhật cho hay, các dự án này đều đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt và có chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình trước ngày 31/10/2021, có giấy phép hoạt động điện lực, đã hòa lưới trên hệ thống điện quốc gia và được ghi nhận trên dữ liệu điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tuy nhiên, tác động của những yếu tố khách quan như dịch Covid-19, thời tiết bất thường… khiến cho việc thử nghiệm kỹ thuật-khâu cuối trong quy trình công nhận vận hành thương mại (COD) - đã không kịp thực hiện trước ngày 31/10/2021, đồng nghĩa không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) theo Quyết định 39/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió. Chỉ ra việc thử nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khách quan như thời tiết, con người, doanh nghiệp cho rằng, cần áp dụng một cách linh hoạt trước hoặc sau COD, trong trường hợp dự án đã hoàn thành toàn bộ phần xây lắp, có chứng nhận nghiệm thu công trình, đáp ứng đầy đủ điều kiện về xây dựng. Thêm nữa, đối với các dự án điện gió, việc không hoàn thành thử nghiệm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo trì, bảo dưỡng thiết bị.

Thời gian qua, có doanh nghiệp đã phải năm lần gửi thư kêu cứu để được đóng điện hòa lưới trở lại, điều buộc phải có để hoàn thiện quy trình thử nghiệm nội bộ. Tuy vậy, hết lần này đến lần khác, điều các doanh nghiệp nhận được vẫn là yêu cầu phải chờ hướng dẫn mới sau khi Quyết định 39 hết hiệu lực. Kể từ tháng 11/2021 đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn mới nào được ban hành. Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét cho các nhà máy được tiếp tục các thử nghiệm và được công nhận COD theo Quyết định 39 hoặc xem xét gói hỗ trợ tổng thể với các dự án gặp khó do dịch Covid-19. Đồng thời, sửa đổi các quy định trong ngành điện với quy trình COD như hiện hành cho phù hợp, linh hoạt hơn. Việc áp dụng cứng nhắc có thể làm giảm tính minh bạch, tăng rủi ro cho nhà đầu tư là điều các chủ đầu tư quan ngại.

Tuy vậy, đến nay, sau năm tháng cơ chế ưu đãi giá với điện gió không còn hiệu lực, Bộ Công thương vẫn đang xây dựng dự thảo cơ chế giá điện cho điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Bộ cũng khẳng định, việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT không còn phù hợp, cần có cơ chế mới, nên nhiều khả năng các dự án này đều sẽ không được hưởng ưu đãi giá FIT cũ.

Cũng liên quan đến cơ chế, mới đây, một số doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời tại Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Long An, Gia Lai vừa gửi thư kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công thương về việc cần sớm ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời và cho các dự án đã có trong quy hoạch được tiếp tục triển khai với kế hoạch phát điện trong giai đoạn 2021-2025.

Năng lượng luôn cần phải đi trước một bước, để kích hoạt nền kinh tế trở lại sau đại dịch đòi hỏi bảo đảm đủ điện năng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Nhà đầu tư đang đợi cơ chế, và nhà xây dựng chính sách cũng cần vận hành bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.