Vai trò tiên phong

Trong thông điệp nhân Ngày Thành phố thế giới (31/10), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: Là khu vực tạo ra phần lớn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các đô thị phải tiên phong thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm xây dựng môi trường bền vững, bảo vệ sinh mạng và sinh kế của người dân trên khắp thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: SVITALSKYBROS
Biếm họa: SVITALSKYBROS

Ngày Thành phố thế giới (World Cities Day) năm 2022 lấy chủ đề “Hành động địa phương lan tỏa toàn cầu”, nhằm hướng sự chú ý của cộng đồng tới vai trò của việc trao quyền cho địa phương và các chương trình hành động cấp địa phương nhằm tạo ra các khu vực đô thị xanh và bền vững hơn. LHQ nhắc nhở rằng, thế giới đã đi qua nửa chặng đường thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030. Tuy nhiên, thực tế lại là bức tranh ảm đạm, khi một loạt mục tiêu quan trọng, từ xóa đói nghèo đến thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục, đều chưa đạt tiến bộ rõ rệt, thậm chí còn thụt lùi khi cả nghèo đói và bất bình đẳng đều gia tăng.

Tổng Thư ký LHQ nêu rõ, hơn 50% dân số thế giới sinh sống ở các khu vực đô thị và tỷ lệ này có thể tăng lên 70% vào năm 2050. Các thành phố đóng góp hơn 80% tổng GDP toàn cầu, song cũng chiếm tới 70% lượng khí thải carbon. Điều này đồng nghĩa các thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện và đạt được SDG.

Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng tác động mạnh đến tình trạng biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu và nền nhiệt tăng lại khiến nhiều thành phố lớn phải đối mặt các điều kiện thời tiết cực đoan chưa từng có. Nhiều thành phố đang tích cực tham gia tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, hướng đến mục tiêu đưa phát thải ròng về mức 0 và xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. LHQ khuyến nghị các chính quyền thành phố phối hợp chính phủ và các thành phố kết nghĩa trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm, hướng đến các mục tiêu khí hậu cao hơn.

Còn khoảng 87 tháng, hay hơn 2.600 ngày đếm ngược, đến hạn chót đạt được SDG mà LHQ đặt ra trong Chương trình nghị sự năm 2030. Mục tiêu có phạm vi toàn cầu, song hành động ngay từ cấp địa phương. LHQ kêu gọi các thành phố phát huy vai trò tiên phong trong chuyển đổi để bảo đảm tương lai bền vững cho thế giới.