Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

NDO -

Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ dị ứng trước khi tiêm và nên lưu bệnh nhân lại theo dõi với thời gian lâu hơn sau khi tiêm nếu bệnh nhân đã từng bị dị ứng, sốc phản vệ với tiêm vaccine mũi 1. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Câu hỏi: Sau khi tiêm vaccine Covid-19 mũi 1, tôi nhanh chóng bị xỉu đi, tê lưỡi và phải nằm ở cấp cứu 1 ngày. Vậy tôi có nên tiêm vaccine mũi 2 hay không?

Trả lời:

Dị ứng vaccine là phản ứng bất thường của cơ thể khi tiếp xúc với vaccine. Các triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện nhanh trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với nguyên nhân nghi ngờ, nhưng cũng có thể xuất hiện rất chậm từ vài giờ, vài ngày thậm chí vài tuần sau đó. Bệnh cảnh lâm sàng của dị ứng vaccine cũng rất đa dạng, từ mức độ nhẹ đến nặng, có thể ảnh hưởng đến một cơ quan nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan cùng lúc.

Dị ứng nhanh có thể nhẹ như là mày đay phù Quinck viêm da v.v..  nhưng cũng có thể nặng như xuất hiện phản vệ mà nặng hơn nữa là sốc phản vệ với các triệu chứng hoa mắt chóng mặt ngất xỉu, suy hô hấp, trụy tim mạch có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Dị ứng chậm cũng rất đa dạng như bệnh huyết thanh, viêm mạch, rối loạn tế bào máu, tổn thương da nặng như DRESS, Stevens Johnson, Lyell v.v…

Theo tài liệu Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế quy định trường hợp không nên tiêm vaccine Covid-19 là người có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine cùng loại (lần tiêm trước) và có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Trong khi đó, người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác cần được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng.

Trong quá trình khám sàng lọc trước tiêm chủng, nhân viên y tế phải hỏi tiền sử dị ứng rõ ràng của người dân, bao gồm:

- Từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào.

- Tiền sử dị ứng nặng, bao gồm cả phản vệ.

- Tiền sử dị ứng với vaccine và bất kỳ thành phần nào của vaccine.

Theo tổ chức Dị ứng Thế giới (WAO), nếu bệnh nhân dị ứng nhẹ với vaccine khi tiêm lần 1, thí dụ như chỉ có phản ứng dị ứng tại chỗ tiêm hoặc có các triệu chứng nhẹ như mày đay, ban đỏ ngứa thoáng qua hoặc các triệu chứng dị ứng này đáp ứng tốt với kháng histamine thì không cần đổi vaccine khác.

Bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục tiêm vaccine của lần 1, tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ dị ứng trước khi tiêm và nên lưu bệnh nhân lại theo dõi với thời gian lâu hơn sau khi tiêm. Nếu bệnh nhân có triệu chứng phản vệ, đặc biệt là sốc phản vệ, nên hội chẩn bác sĩ chuyên khoa Dị ứng trước khi đưa ra quyết định có cần đổi vaccine khác hay không.

Chiến dịch tiêm vaccine nhanh, an toàn, hiệu quả cho toàn dân