Ứng phó thiên tai

Chuyên nghiệp hơn, quyết liệt hơn

Mưa lớn bất thường gây ngập lụt nặng tại Thủ đô Hà Nội ngày 29/5. Ảnh: Duy Linh

Mưa lớn bất thường gây ngập lụt nặng tại Thủ đô Hà Nội ngày 29/5. Ảnh: Duy Linh

Liên tiếp những hiện tượng thời tiết dị thường diễn ra ở nhiều địa phương trong nửa đầu năm 2022 cho thấy, biến đổi khí hậu đã, đang gia tăng nhanh chóng, tác động xấu đến mọi lĩnh vực. Những thay đổi này ảnh hưởng trực diện đời sống, sản xuất, đặt ra yêu cầu phải cấp thiết đổi mới, nâng cao năng lực, tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ trong quản trị, dự báo và phòng, chống thiên tai theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ nhằm sẵn sàng ứng phó, bảo vệ sinh mạng, sinh kế cho người dân.

Thiên tai dự báo

sẽ khốc liệt vào cuối năm

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, dự báo thiên tai ngày càng gia tăng, có xu hướng cực đoan hơn. Đợt mưa lớn kéo dài trong những ngày vừa qua gây ra tình trạng ngập lụt nặng tại nhiều đô thị phía bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội, là hiện tượng thời tiết, thiên tai bất thường, hiếm gặp tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Giai đoạn năm 2016-2020, Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan trước đây diễn ra có quy luật theo mùa. Tuy vậy, những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm có hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, trung bình trong 20 năm qua, ở nước ta mỗi năm thiên tai làm hơn 300 người chết, thiệt hại về kinh tế từ 45-50 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, thiệt hại do thiên tai tại Việt Nam giảm nhiều so năm 2020 và các năm trước, dù vậy, thiên tai đã làm 108 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 5.200 tỷ đồng. Đây là năm thiệt hại do thiên tai gây ra thấp nhất trong hàng chục năm qua. Vậy nhưng, từ đầu năm 2022 đến nay, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta ước tính đã lên tới 2.400 tỷ đồng.

Các phương tiện được huy động để giải quyết tình trạng ngập úng nặng của TP Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh

Các phương tiện được huy động để giải quyết tình trạng ngập úng nặng của TP Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh

Từ nay đến cuối năm, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, hiện tượng La Nina dự báo tiếp tục duy trì trong những tháng tới và chi phối mạnh đến diễn biến thiên tai. Lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ tháng 7 đến tháng 9. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ tháng 6 đến tháng 9.

Từ khoảng tháng 10 đến tháng 11, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng gia tăng, nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền trung. Trong năm 2022, cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng mùa mưa bão.

Bên cạnh vấn đề biến đổi khí hậu, những nguyên nhân đến từ quá trình phát triển kém bền vững cũng góp phần làm gia tăng thiệt hại do thiên tai. Trong đó, phải kể đến việc khai thác quá mức tài nguyên mà cụ thể là phát triển các hồ chứa trên thượng nguồn các dòng sông đã làm thay đổi quy luật của dòng chảy, suy giảm lượng phù sa, bùn cát về hạ du, cùng với việc khai thác cát quá mức làm gia tăng sạt lở bờ sông. Thêm vào đó, chất lượng rừng ngày càng suy giảm, nhất là rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn ven biển, làm gia tăng lũ quét, sạt lở đất và sạt lở vùng cửa sông, ven biển. Mặt khác, quá trình đô thị hóa đòi hỏi năng lực tiêu thoát nước rất lớn. Trong khi đó, việc quy hoạch đô thị không đồng bộ, không tính đến việc dành các không gian cho cây xanh, trữ nước, tiêu nước là thách thức lớn cho khu vực đô thị…
Ông Đào Ngọc Ninh, Phó Viện trưởng Tư vấn phát triển xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA).

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống thiên tai như: ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone, flycam...) trong hoạt động giám sát, thu thập dữ liệu trước, sau thiên tai; thành lập bản đồ 3D trực quan, chi tiết khu vực bị ảnh hưởng hoặc các khu vực có rủi ro cao sạt lở đất, lũ quét; nghiên cứu, từng bước phát triển hệ thống mô phỏng thiên tai, hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền thông tin về phòng, chống thiên tai; ứng dụng công nghệ xây dựng bản đồ trực tuyến trong quản lý thông tin trên môi trường internet…; từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên biệt: cơ sở dữ liệu viễn thám, cơ sở dữ liệu dân sinh kinh tế phục vụ phòng, chống thiên tai, cơ sở dữ liệu thiệt hại, cơ sở dữ liệu vận hành liên hồ chứa 11 lưu vực sông… phục vụ hỗ trợ ra quyết định; phát triển Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam (VNDMS) nhằm quản lý, hiển thị thông tin tập trung, kịp thời, trực quan phục vụ phòng, chống thiên tai.

Hệ thống định vị sét toàn cầu phục vụ việc theo dõi cảnh báo dông sét tại Việt Nam. Ảnh: Hoài Linh

Hệ thống định vị sét toàn cầu phục vụ việc theo dõi cảnh báo dông sét tại Việt Nam. Ảnh: Hoài Linh

Hiện hệ thống đã tích hợp gần 1.900 trạm đo mưa và hơn 400 trạm quan trắc gió tự động; 133 camera giám sát hồ chứa và đê điều; 67 khu neo đậu tàu thuyền và hệ thống giám sát 26.556 tàu cá. Các thông tin được cung cấp theo thời gian thực và gần thời gian thực hỗ trợ hiệu quả cho việc ra quyết định chỉ đạo, điều hành; Xây dựng bản đồ WebGis sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 500 điểm sạt lở và công trình phòng, chống sạt lở. Đây là công cụ hữu hiệu trong việc hỗ trợ ra quyết định đối với công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Bên cạnh một số tỉnh, địa phương đã triển khai tích cực, hiệu quả, huy động được nguồn lực lớn từ Quỹ Phòng, chống thiên tai cho các hoạt động phòng, chống thiên tai, mang lại nhiều hiệu quả, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vẫn có không ít những tồn tại, hạn chế.

Lắp đặt Trạm Radar thời tiết Pleiku, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Do mưa lớn, lượng đất đá trên đồi phía sau nhà người dân ở xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) bất ngờ sạt lở trong đêm 31/5 khiến ba nạn nhân tử vong. Ảnh: BTN

Chuyên gia Phần Lan kiểm tra, hướng dẫn vận hành trạm khí tượng tự động tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: Linh Hoài

Lắp đặt Trạm Radar thời tiết Pleiku, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Do mưa lớn, lượng đất đá trên đồi phía sau nhà người dân ở xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) bất ngờ sạt lở trong đêm 31/5 khiến ba nạn nhân tử vong. Ảnh: BTN

Chuyên gia Phần Lan kiểm tra, hướng dẫn vận hành trạm khí tượng tự động tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: Linh Hoài

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai mới công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo bộ chỉ số được xây dựng năm 2021. Theo đó, 10 tỉnh, thành phố thực hiện tốt, là: Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hải Phòng, Đăk Lắk, An Giang, Cà Mau và Quảng Nam. Ban Chỉ đạo cũng thẳng thắn chỉ ra các địa phương còn yếu kém là: Bắc Kạn, Bình Định, Bình Thuận, Cần Thơ, Cao Bằng, Đắk Nông, Lai Châu, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Trà Vinh.

Các tỉnh, thành phố còn lại thuộc tốp giữa. Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, được xây dựng gồm 24 tiêu chí, trong đó có 52 tiêu chí thành phần, chia thành bốn nhóm gồm: công tác tổ chức, chỉ đạo-công tác phòng ngừa thiên tai-ứng phó với thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai. Đây được xem là căn cứ để đánh giá khách quan năng lực phòng, chống thphươngi hằng năm của cấp tỉnh. Trong công tác phòng, chống thiên tai, phương châm “Bốn tại chỗ” luôn được đề cao, vì vậy việc triển khai, thực hiện ở cấp địa phương là hết sức quan trọng.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, nhiều ý kiến đại diện cho 63 tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước nhất trí, cần tăng cường đầu tư cho công tác dự báo, quan trắc nhiều hơn nữa.

Chúng ta cần tiếp tục mở rộng hợp tác đa ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn, thách thức trong quá trình ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống thiên tai, như các quy định về quản lý dữ liệu còn phân tán, trùng lắp; chưa đồng bộ dẫn đến việc chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin còn có sự khác nhau về định dạng, thể loại, khả năng chia sẻ, kết nối; một số loại sản phẩm (bản đồ, v.v.) chưa có quy định chung về định dạng nên khó tích hợp vào giải pháp công nghệ phục vụ cho công tác quản lý rủi ro thiên tai.

Khơi thông các điểm nghẽn

Để sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai xác định: phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ, giải pháp then chốt và hiệu quả. Tổng cục Phòng chống thiên tai đang đề xuất mời các nhà khoa học, chuyên gia đồng hành cùng các tỉnh miền trung để nghiên cứu giải pháp hỗ trợ vùng ngập, vùng biển; sẽ tính toán phương án chuyển đổi khu vực sản xuất lúa và kế hoạch mùa vụ thích ứng với giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo ông Vũ Xuân Việt - Chuyên gia Biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, việc ứng dụng công nghệ đóng vai trò quan trọng trong thu thập thông tin, mô phỏng và dự báo sớm các tác động, cũng như đo lường thiệt hại có thể xảy ra với từng đợt thiên tai.

Cần từng bước nâng cao năng lực quản lý thông tin, dữ liệu theo hướng tập trung, tránh sự chồng chéo; tiếp tục hoàn thiện các quy chế thu thập và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức nhằm phục vụ mục đích chung; từng bước xây dựng hệ thống quản lý thông tin, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai thống nhất từ trung ương đến địa phương; phát triển cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát thiên tai liên thông; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trong việc ứng dụng công nghệ mới, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Hệ thống cống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé đã hoàn thành giai đoạn 1. Ảnh: Lê Sen

Hệ thống cống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé đã hoàn thành giai đoạn 1. Ảnh: Lê Sen

Ths Nguyễn Hữu Thiện-chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long nêu quan điểm, nâng cao tính chủ động, đặc biệt là tính chuyên nghiệp trong ứng phó trước các tình huống thiên tai là đòi hỏi cấp thiết đặt ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng khốc liệt. Theo ông, còn những lỗ hổng ở tầm chiến lược cần được khắc phục, đó là:

Thứ nhất, cải thiện tính chuyên nghiệp. Ít nhất mỗi tỉnh phải có một vài chuyên gia giỏi, chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản trong, ngoài nước về lĩnh vực này để có tầm nhìn chiến lược làm “bộ não” tham mưu cho các ban phòng, chống thiên tai ở tất cả các cấp trong tỉnh. Từ đó, các kế hoạch phòng, chống thiên tai giảm được tính hình thức, tăng được tính thực tiễn và cơ sở khoa học. Với một vùng đặc thù như đồng bằng sông Cửu Long cũng nên có cơ quan cấp vùng về phòng, chống thiên tai với bộ phận chuyên môn giỏi để nâng cao năng lực, điều phối, lập kế hoạch chiến lược cho toàn vùng, tăng cường tính liên kết vùng cho công tác này.

Thứ hai, phòng bị thiên tai phải là một quá trình liên tục, không chỉ khi sắp có thiên tai, có công văn chỉ đạo từ trên xuống mới khẩn trương rà soát cái nọ, cái kia. Nhiều hoạt động phát triển thiếu kiểm soát vẫn đang âm thầm mài mòn khả năng tự vệ của đồng bằng sông Cửu Long trước thiên tai, hoặc gây ra “nhân tai” vẫn đang diễn ra nhưng không thuộc trách nhiệm của các ban phòng, chống thiên tai.

Xâm nhập mặn tiếp tục gia tăng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương cần chủ động tích trữ nước ngọt. Ảnh: TN

Xâm nhập mặn tiếp tục gia tăng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương cần chủ động tích trữ nước ngọt. Ảnh: TN

Đường sá, cầu cống xây dựng trái quy luật tự nhiên, các khu công nghiệp xả thải thẳng ra nguồn nước cũng có thể dẫn đến thảm họa, lấn chiếm bờ sông làm biến dạng dòng chảy, khai thác cát diễn ra khắp nơi là nguyên nhân gây sạt lở bờ sông. Vậy nhưng đến khi có thiên tai như nguy cơ sạt lở đe dọa tính mạng và tài sản người dân thì mới liên quan đến trách nhiệm của các ban phòng, chống thiên tai. Tức là các ban này phải gánh chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả, còn nguyên nhân có thể do các ngành khác quản lý lỏng lẻo mà ra.

Thứ ba, cần chú trọng công tác tái thiết sau thiên tai, không chỉ là thu dọn, sửa chữa công trình, hỗ trợ dựng lại nhà cửa mà cần chú trọng cả ba mặt kinh tế, xã hội, và môi trường, hỗ trợ tái lập lại sinh kế, phục hồi môi trường.

UAViators nỗ lực đưa công nghệ tới những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai. Ảnh: UAViators

Lắp đặt điểm đo mưa tự động tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Ảnh: TCKTTT

Công nhân Nhà máy thủy điện Nậm Na II điều tiết mực nước hồ chứa. Ảnh: Hà Dũng

UAViators nỗ lực đưa công nghệ tới những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai. Ảnh: UAViators

Lắp đặt điểm đo mưa tự động tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Ảnh: TCKTTT

Công nhân Nhà máy thủy điện Nậm Na II điều tiết mực nước hồ chứa. Ảnh: Hà Dũng

Thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều thành quả được mang lại thông qua tiến bộ của công nghệ. Tuy nhiên, theo Báo cáo Tình trạng dịch vụ khí hậu năm 2020 của WMO, cứ ba người trên thế giới thì có một người không nhận được thông báo từ hệ thống cảnh báo sớm, bởi vậy, vẫn còn nhiều điều cần phải cải thiện và chặng đường dài phải đi.

Thay đổi về tầm nhìn và mô hình quản trị là ý kiến của ông Đào Ngọc Ninh, Phó Viện trưởng Tư vấn phát triển xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA). Theo đó, để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng, chống thiên tai, chúng ta nên tập trung thực hiện các giải pháp: nâng cao năng lực quản lý thông tin, dữ liệu theo hướng tập trung, tránh sự chồng chéo; tham mưu, xây dựng quy chế thu thập và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức nhằm phục vụ mục đích chung; từng bước xây dựng hệ thống quản lý thông tin, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai thống nhất từ Trung ương đến địa phương; phát triển cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát thiên tai liên thông; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trong việc ứng dụng công nghệ mới, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Cũng theo ông Đào Ngọc Ninh, kinh phí từ ngân sách nhà nước hiện nay mới dừng ở mức xử lý tình huống, chưa căn cơ lâu dài, đôi khi thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành, chưa hỗ trợ để xử lý toàn diện cho các loại hình thiên tai theo quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai, cho nên gây khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả, phòng ngừa.

Cần thực hiện các biện pháp: trước hết, tăng cường nguồn đầu tư và dự phòng ngân sách, có cơ chế rõ ràng sử dụng ngân sách cho công tác phòng, chống thiên tai chứ không chỉ đơn thuần dự phòng cho cứu trợ khẩn cấp. Mặt khác, huy động sự tham gia của doanh nghiệp khoa học công nghệ và cộng đồng, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong công tác phòng, chống thiên tai.

Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan nhấn mạnh, các địa phương cần có trách nhiệm sát sao, mở rộng phạm vi thông tin cho người dân. Đồng thời, nâng cao hiểu biết của người dân về thiên tai, biến đổi khí hậu, cách phòng tránh. Kiến thức dự báo hoặc phòng tránh mưa bão, đối phó với những cơn lốc xoáy, mưa sét… cần phải được cụ thể hóa, phổ cập. Tin rằng, khi người dân hiểu biết nhiều hơn về cách phòng tránh, mức độ thiệt hại sẽ giảm.

Trong thời gian tới, các chuyên gia đề nghị các cấp chức năng cần sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai; đẩy mạnh xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng.

Phải rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng các chính sách xã hội hóa để động viên, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào công tác phòng, chống thiên tai. Tăng cường năng lực quốc gia và cấp tỉnh trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ để cung cấp dữ liệu kịp thời và chất lượng cho việc ra quyết định nhanh chóng, hiệu quả trong quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam.

Trạm khí tượng Hải văn Phú Quốc. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Trạm khí tượng Hải văn Phú Quốc. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Ngày xuất bản: 6/6/2022
Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, HOÀNG NGHĨA NAM, NGUYỄN ĐĂNG QUANG, NGUYỄN HỮU THIỆN, VŨ XUÂN VIỆT, DŨNG HÀ, PHAN HÒA, BA DUY
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG