Chiều 29/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết việc triển khai, thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển.
Ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013. Để triển khai xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước Việt Nam, ngày 29/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, xác lập lộ trình xây dựng Bộ pháp điển diễn ra và hoàn thành trong thời hạn 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023).
Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật cho biết, sau gần 9 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg, đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 263/271 đề mục, đạt tỷ lệ hơn 97% khối lượng Bộ pháp điển.
Qua việc pháp điển 263/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 8 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 9 nghìn văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.
Trong thời gian qua, để triển khai thực hiện Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp các bộ, ngành, ban hành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Cho đến nay, về cơ bản, các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết cũng như văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đầy đủ, bảo đảm các điều kiện pháp lý cần thiết cho việc xây dựng thành công Bộ pháp điển.
Bên cạnh đó, năm 2015, Bộ Tư pháp đã xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng Cổng thông tin điện tử pháp điển với tên miền: phapdien.moj.gov.vn. Theo đó, Cổng thông tin điện tử pháp điển là Cổng thông tin độc lập, do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) thống nhất quản lý, duy trì hoạt động.
Đây là nơi chính thức đăng tải, cập nhật, phổ biến Bộ pháp điển và là kênh giao tiếp, trao đổi thông tin về nghiệp vụ thống nhất giữa tất cả các cơ quan nhà nước có nhiệm vụ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; giữa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước với Bộ Tư pháp cũng như các cơ quan thực hiện pháp điển.
Để các cá nhân, tổ chức sớm tiếp cận, khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển ra ngoài xã hội, như: gửi đến các bộ, ngành, địa phương công văn hướng dẫn phổ biến, tuyên truyền kết quả pháp điển đến các đối tượng chịu sự tác động của các quy phạm pháp luật thuộc mỗi đề mục, chủ đề sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết phê duyệt kết quả pháp điển; gửi đến các bộ, ngành, địa phương công văn hướng dẫn tích hợp Bộ pháp điển điện tử trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình.
Đồng thời, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm tại các địa phương để tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển đến công chức, viên chức tại các sở, ban, ngành; cơ quan Thi hành án dân sự; Tòa án nhân dân; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; các trường đại học, học viện...
Tại hội nghị, các ý kiến đã chia sẻ những kinh nghiệm triển khai công tác pháp điển; đổi mới hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới chuyển đổi số trong công tác pháp điển; kiến nghị, đề xuất hoàn thiện Bộ pháp điển trong thời gian tới…