Rèn quân ở lữ đoàn thép

của Hải quân nhân dân Việt Nam

Được mệnh danh là lữ đoàn thép của Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn 162 (Vùng 4) được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác số lượng lớn tàu chiến đấu, vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Với nhiệm vụ hoạt động tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng không quân, tàu ngầm để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển của địch trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, mỗi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 không quản ngại khó khăn, gian khổ; tích cực huấn luyện, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng thuần thục vũ khí, khí tài; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân.

Thượng úy Vũ Trung Kiên, Trưởng ngành vũ khí dưới nước của Tàu 015-Trần Hưng Đạo

Thượng úy Vũ Trung Kiên, Trưởng ngành vũ khí dưới nước của Tàu 015-Trần Hưng Đạo

Được học tập, rèn luyện và công tác trên những con tàu chiến đấu hiện đại nhất của hải quân mang tên các vị vua và tướng quân huyền thoại như Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Trần Hưng Đạo… chính là niềm tự hào, là động lực lớn lao để mỗi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị tàu chiến đấu mặt nước tinh nhuệ, chủ lực của Quân chủng Hải quân, nỗ lực giành thêm những chiến công trong giai đoạn mới.

Ngày 9/1/2002, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 08/2002/QĐ-BQP thành lập Lữ đoàn tàu chiến đấu mặt nước, mang phiên hiệu 162 trực thuộc Quân chủng Hải quân. Dấu mốc thời gian quan trọng ấy đã đánh dấu sự ra đời của đơn vị tàu mặt nước chiến đấu chủ lực trên hướng biển trọng điểm miền Nam Trung Bộ, quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.

KHÍ CHẤT CHỦ LỰC

Hơn 21 năm can trường bám biển, Lữ đoàn 162 luôn vững vàng với vị thế của một đơn vị tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân. Lữ đoàn là một trong những lá cờ đầu trong phong trào Thi đua quyết thắng của Vùng 4 cũng như của quân chủng, xây đắp và tô thắm thêm truyền thống vẻ vang mà các thế hệ cha anh đã hy sinh, cống hiến để tạo nên sức mạnh chiến đấu của lữ đoàn thép với nhiều chiến công anh dũng.

Trong những năm đầu thành lập, mặc dù còn chồng chất biết bao khó khăn, gian khổ, nhưng trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới, bằng tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, trách nhiệm chính trị, sự nỗ lực cố gắng không ngừng của tất cả cán bộ, chiến sĩ; cùng với sự quan tâm đầu tư giúp đỡ của cấp trên; sự phối hợp hiệp đồng của các đơn vị hải quân, Lữ đoàn 162 đã sớm ổn định cả về tổ chức, biên chế; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Phạm Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 (ngoài cùng bên trái) trong lễ ra quân huấn luyện năm 2023.

Thượng tá Phạm Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 (ngoài cùng bên trái) trong lễ ra quân huấn luyện năm 2023.

Đến quân cảng Cam Ranh những ngày hè nắng tháng 7/2023, được tận mắt chứng kiến những bài huấn luyện đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật cao của cán bộ, chiến sĩ hải quân khiến chúng tôi đều trầm trồ thán phục. Các chàng trai khỏe khoắn, cao lớn, nước da sạm màu sóng gió biển khơi, những giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo dưới cái nắng nóng ngoài trời gần 400C, nhưng trên gương mặt họ luôn thể hiện ý chí, nghị lực và khí chất tinh nhuệ của những người lính. Họ hăng say luyện tập các tình huống chiến thuật hiệp đồng biên đội; những hành động nhanh gọn, chính xác; sự phối hợp nhịp nhàng, thuần thục, hợp thành chất thép rắn rỏi, mạnh mẽ, khẳng định sức mạnh, trình độ, sự tự tin, tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ và tác chiến có những nét đặc thù, nhất là tác chiến độc lập, dài ngày trên biển, phải đối mặt trực tiếp với hiểm nguy, cho nên các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 luôn được rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao; bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào phải luôn là một khối đoàn kết thống nhất. Mỗi cá nhân đều cần nhận thức đúng chức trách, nhiệm vụ; trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền biển, đảo quê hương.
Thượng tá Phạm Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162

Là đơn vị tàu chiến đấu hiện đại nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam, giữ vị thế là lực lượng nòng cốt của Vùng 4, Quân chủng Hải quân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Lữ đoàn 162 được biên chế vũ khí, trang bị tàu thuyền, cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại.

Tiếp nhận vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại đòi hỏi cần có những con người hiện đại. Điều này đặt ra áp lực không nhỏ cho Lữ đoàn 162 để luôn phải đưa ra những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, toàn diện để tổ chức huấn luyện tiếp nhận, làm chủ. Với sự nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng học tập, nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao năng lực, tập luyện sức khỏe, trau rèn tri thức không ngừng để có thể làm chủ, khai thác, sử dụng thuần thục các vũ khí trang bị hiện đại.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, chỉ huy lữ đoàn rất chú trọng quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại cũng như vai trò của vũ khí trang bị đối với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đảng ủy Lữ đoàn đã phân công các đồng chí đảng ủy viên, là cán bộ lữ đoàn trực tiếp chỉ đạo công tác huấn luyện ở từng dạng tàu. Hằng tháng, trong phiên họp Đảng ủy, các đảng ủy viên được phân công và đồng chí chủ nhiệm kỹ thuật sẽ báo cáo về kết quả huấn luyện tiếp nhận, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật của đơn vị mình phụ trách.

Luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, tích cực nghiên cứu đổi mới tổ chức, phương pháp huấn luyện, thực hiện huấn luyện toàn diện nhưng chuyên sâu, lấy huấn luyện kỹ thuật là cơ bản, chiến thuật là trọng tâm, Lữ đoàn đã đẩy mạnh phân cấp huấn luyện phù hợp với khả năng của từng cấp; trong đó, tăng cường huấn luyện thực hành, lấy thực hành là chính theo cách cầm tay chỉ việc, cấp trên dạy cấp dưới, chỉ huy huấn luyện cho đơn vị.

Đơn vị luôn coi trọng phát huy dân chủ quân sự sâu rộng để cán bộ, chiến sĩ được tham gia bàn bạc, tìm biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị, từng bước hoàn thiện tổ chức, phương pháp huấn luyện của cán bộ, giáo viên và phương pháp tập của từng vị trí, các ngành và toàn tàu. Bằng cách làm đó, nhiệm vụ huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại của Lữ đoàn 162 luôn được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lữ đoàn nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ, có trách nhiệm cao, tích cực, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện.

Thượng tá Phạm Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 (đi đầu) trong lễ ra quân huấn luyện năm 2023.

Thượng tá Phạm Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 (đi đầu) trong lễ ra quân huấn luyện năm 2023.

Thượng tá Phạm Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 (ngoài cùng bên trái) trong lễ ra quân huấn luyện năm 2023.

Thượng tá Phạm Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 (ngoài cùng bên trái) trong lễ ra quân huấn luyện năm 2023.

LÀM CHỦ VŨ KHÍ, TRANG BỊ KỸ THUẬT MỚI

Kết hợp huấn luyện lý thuyết với thực hành và truyền thụ kinh nghiệm rút ra từ thực tế luyện tập trong quá trình tiếp nhận ở nước ngoài, chỉ huy các bộ phận sẽ xây dựng chỉ tiêu, định mức cụ thể cho từng đối tượng trong huấn luyện để phấn đấu thực hiện. Kết thúc mỗi bài học, khoa mục huấn luyện, giáo viên sẽ kiểm tra đánh giá kết quả nhận thức và kỹ năng của chiến sĩ, khi đạt từ mức khá trở lên mới tiếp tục chuyển nội dung. Sau kiểm tra huấn luyện, chỉ huy tàu cùng tổ giáo viên chủ động phân nhóm các đối tượng học tập; tổ chức huấn luyện bổ sung, cử các đồng chí có kiến thức tốt kèm cặp cho các chiến sĩ nắm chưa tốt nội dung huấn luyện; đặt ra các chỉ tiêu cần đạt được trong từng tuần và áp dụng các biện pháp hành chính kết hợp động viên tư tưởng để yêu cầu tất cả quân nhân hoàn thành nội dung học tập theo kế hoạch.

Để góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị mới, vấn đề ngoại ngữ rất quan trọng. Lữ đoàn đã tổ chức các lớp học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ. Đội ngũ cán bộ đã được đào tạo, huấn luyện ở nước ngoài hoặc giỏi ngoại ngữ sẽ chịu trách nhiệm biên dịch, biên soạn tài liệu, từ điển chuyên ngành, chủ động chuẩn bị giáo án, bài giảng để dạy cho các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Nhờ đó, học ngoại ngữ đã trở thành phong trào sôi nổi, hoạt động tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lữ đoàn. Câu lạc bộ Con tàu ngoại ngữ 162 được hình thành, hoạt động nền nếp, hiệu quả nhiều năm qua với các ngôn ngữ: Tiếng Anh và tiếng Nga. Đây là cơ sở quan trọng để cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn nâng cao trình độ ngoại ngữ, phục vụ khai thác, làm chủ khí tài, trang bị kỹ thuật hiện đại và đối ngoại quốc phòng.

Ngoài việc tổ chức thường xuyên các lớp học ngoại ngữ để cán bộ, chiến sĩ tiếp thu nhanh công nghệ từ các chuyên gia, Lữ đoàn còn phát huy vai trò đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp, đội ngũ xương sống của con tàu; tổ chức hiệu quả các hội thi chuyên ngành để nâng cao khả năng làm chủ trang bị mới. Đơn vị đã hoàn thành nhiều đợt diễn tập hiệp đồng quân binh chủng hay độc lập tác chiến trên biển xa. Các chuyến tuần tra chung, diễn tập, thăm, giao lưu đối ngoại quốc phòng, tuần tra chung với các nước trong khu vực những năm gần đây cũng được thủ trưởng các cấp cũng như các chuyên gia tỏ rõ sự khâm phục về khả năng bền bỉ, dẻo dai, tính kỷ luật, ý chí quyết tâm cao, lòng say mê, nhiệt huyết và sự thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn.
Thượng tá Vũ Viết Bằng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 162

Đến nay, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã làm chủ, khai thác thành thạo vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại được biên chế. Với nhiều cách làm hay, phương pháp tổ chức huấn luyện sáng tạo, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 162 qua nhiều thế hệ vẫn giữ vững, phát huy được sức mạnh đoàn kết, giữ vững ý chí quyết tâm của toàn đơn vị trong xây dựng và trưởng thành.

Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lữ đoàn 162 đã và đang tiếp nối để xây đắp nên truyền thống vẻ vang của đơn vị. Đó là sự kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, của quân đội, của quân chủng trong điều kiện mới, là biểu hiện nổi bật của lòng yêu nước, yêu biển, yêu những con tàu thân yêu và ý chí vươn lên của mỗi người lính. Đó cũng chính là lòng say mê học tập, nghiên cứu, trui rèn, nâng cao trình độ, làm chủ vững chắc vũ khí trang bị, làm chủ những con tàu hiện đại, không chịu lùi bước trước mọi khó khăn; là tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như trong công tác của mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Thượng úy Vũ Trung Kiên, Trưởng ngành vũ khí dưới nước của Tàu 015-Trần Hưng Đạo 1 đang cùng đồng đội đo điện trở cách điện.

Thượng úy Vũ Trung Kiên, Trưởng ngành vũ khí dưới nước của Tàu 015-Trần Hưng Đạo 1 đang cùng đồng đội đo điện trở cách điện.

Trung tá Hoàng Ngọc Long-Phó Chủ nhiệm kỹ thuật của Lữ đoàn 162 (ngoài cùng bên phải)

Trung tá Hoàng Ngọc Long-Phó Chủ nhiệm kỹ thuật của Lữ đoàn 162 (ngoài cùng bên phải)

Mỗi cá nhân luôn phấn đấu có chuyên môn giỏi, ngoại ngữ ngày càng tiến bộ và thể lực tốt. Đó chính là ba yếu tố quan trọng làm nên thành công trong việc làm chủ những con tàu mặt nước hiện đại vươn ra biển lớn. Quán triệt, nắm vững nhiệm vụ được giao, huấn luyện, sáng tạo để làm chủ chuyên sâu vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại để trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, toàn lữ đoàn cũng luôn sẵn sàng chiến đấu. Tất cả những điều đó đã tạo thành sức mạnh của lữ đoàn thép, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.