Xây dựng đạo đức cách mạng là vấn đề luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh là nhiệm vụ then chốt trong các giai đoạn cách mạng. Đảng chăm lo giáo dục và mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng chính là làm cho Đảng mạnh lên, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.

Vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xếp Tư cách một người cách mệnh là bài đầu tiên trong trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927) - cuốn “cẩm nang” huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu trong thời kỳ chuẩn bị các điều kiện để thành lập Đảng (1925-1927). Đường cách mệnh là 1 trong 5 tác phẩm của Hồ Chí Minh được công nhận là Bảo vật quốc gia (năm 2012).

Tư cách một người cách mệnh nhấn mạnh những tiêu chí phẩm chất của người cán bộ cách mạng đối với tự mình, ứng xử với đồng bào, đồng chí và với công việc. 

“TƯ CÁCH MỘT NGƯỜI CÁCH MỆNH

Tự mình phải:
Cần kiệm.
Hòa mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng tham muốn về vật chất.
Bí mật.
Đối người phải:
Với từng người thì khoan thứ.
Với đoàn thể thì nghiêm.
Có lòng bày vẽ cho người.
Trực mà không táo bạo.
Hay xem xét người.
Làm việc phải:
Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.
Quyết đoán.
Dũng cảm.
Phục tùng đoàn thể.”

(Đường cách mệnh - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, trang 280-281)

“Đường cách mệnh” được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2012. (Ảnh: TTXVN)

“Đường cách mệnh” được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2012. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ trong những dòng vắn tắt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khái quát những đức tính cần có của một “người cách mệnh”, không chỉ trong cuộc đấu tranh chống thực dân mà cả trong cách ứng xử với đồng bào, đồng chí, không chỉ gồm phẩm chất và năng lực mà còn cả tác phong sinh hoạt, công tác cá nhân và trong đời sống xã hội…

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập chủ đề rèn luyện đạo đức cách mạng và tác phong công tác, bổ sung, hoàn thiện tư tưởng đạo đức cách mạng của Người trong nhiều bài nói, bài viết.

Từ những năm đầu kháng chiến gian khổ, thấy rõ nguy cơ khuyết điểm và những hạn chế trong công tác của các cơ quan và việc tu dưỡng của cán bộ, đảng viên trong thực tế, Người đã viết Sửa đổi lối làm việc (10/1947) với mục đích nâng cao trình độ lý luận, nâng cao tư tưởng và tình cảm cách mạng, nâng cao phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của người cán bộ cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng nhằm đáp ứng các yêu cầu đang đặt ra của công cuộc Kháng chiếnKiến quốc trường kỳ. Trong tác phẩm nổi tiếng này, đạo đức cách mạng, cách tổ chức, cách công tác của các cơ quan, đoàn thể và mỗi cán bộ đã được Hồ Chí Minh trình bày khúc chiết, ngắn gọn mà bao quát.

“Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”

Hồ Chí Minh
(Sửa đổi lối làm việc - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 292-293)

Tháng 12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Đạo đức cách mạng trình bày những nhận thức mới và sự cần thiết thiết phải tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng trong Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Người đã xây dựng quan niệm đạo đức cách mạng là “đạo đức mới”, sự rèn luyện đạo đức cách mạng là vì sự nghiệp chung của Đảng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì lợi ích của dân tộc và giải phóng loài người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Pác Bó (Cao Bằng) ngày 20/02/1961. (Nguồn: pacbo.vn)

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Pác Bó (Cao Bằng) ngày 20/02/1961. (Nguồn: pacbo.vn)

"Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: 

Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. 

Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. 

Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. 

Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ".

Hồ Chí Minh
(Đạo đức cách mạng - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, trang 603)

Trong tác phẩm này, Người còn nhấn mạnh về tác phong công tác cũng thuộc phạm trù đạo đức: “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, trang 609).

Trước khi đi xa, Người còn để lại tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong kịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng lần thứ 39 (3/2/1969). Bài viết này ngắn gọn, cô đọng nhưng có giá trị nền tảng tư tưởng và định hướng cho công tác xây dựng Đảng về đạo đức cho đến hôm nay.

"Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ".

Hồ Chí Minh
(Nâng cao đạo đức cách mạng Quét sạch chủ nghĩa cá nhân - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, trang 547)

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hơn 3 vạn công nhân Khu công nghiệp Vysočina trong chuyến thăm hữu nghị Tiệp Khắc (17/7/1957). (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hơn 3 vạn công nhân Khu công nghiệp Vysočina trong chuyến thăm hữu nghị Tiệp Khắc (17/7/1957). (Ảnh: TTXVN)

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có đạo đức cách mạng thì nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Người khẳng định: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, trang 16). Người cho rằng, trước hết phải giáo dục bằng tấm gương của chính mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói để cảm hóa, giáo dục người khác theo phương châm “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, trang 284).

Không chỉ đề cao tầm quan trọng việc nêu gương của bản thân, Người còn yêu cầu mỗi cá nhân phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm. Đồng thời, phải hoan nghênh người khác phê bình mình; việc gì cũng thiết thực, nói được, làm được. Người yêu cầu: “Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ” và “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, trang 168).

Người dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (16/7/1960). (Nguồn: hochiminh.vn)

Người dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (16/7/1960). (Nguồn: hochiminh.vn)

Trong đời sống hàng ngày cái tốt và cái xấu, đạo đức và phi đạo đức luôn luôn đan xen. Chính vì vậy vừa phải xây dựng đạo đức mới, vừa phải chống những gì phi đạo đức. Muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích để xây. Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng: "Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, trang 547).

Tu dưỡng đạo đức là công việc phải làm bền bỉ suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ: Mỗi con người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày. Theo Người: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.612). "Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, trang 603).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền bắc (13/8/1962). (Nguồn: hochiminh.vn)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền bắc (13/8/1962). (Nguồn: hochiminh.vn)

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần trách nhiệm với công việc; yêu thương con người; tinh thần quốc tế trong sáng. Những phẩm chất đó có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng với nhau, thiếu một phẩm chất thì người cán bộ, đảng viên không thể làm tròn nhiệm vụ do Đảng và nhân dân giao phó.

Bác Hồ luôn dành tình yêu thương sâu sắc cho nhi đồng. (Nguồn: bqllang.gov.vn)

Bác Hồ luôn dành tình yêu thương sâu sắc cho nhi đồng. (Nguồn: bqllang.gov.vn)

“Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta.

Trải qua 39 năm đấu tranh oanh liệt, làm Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến lần thứ nhất thắng lợi và ngày nay vừa chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhân dân ta tin tưởng rằng: Đảng ta lãnh đạo rất sáng suốt đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta đã tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang.

Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác.

Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, trang 546)

Trong thực tiễn, Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát, lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và bằng việc thuyết phục, nêu gương. Nêu gương chính là nêu những gương về đạo đức để mọi người tin tưởng và noi theo. Đạo đức của Đảng phải tiêu biểu cho đạo đức xã hội. Những yêu cầu mới về đạo đức đối với Đảng cầm quyền trong tình hình mới đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.

Với yêu cầu đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là giải pháp quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh các yêu cầu về việc nêu gương, đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, coi trọng việc đấu tranh, phê phán các hành vi phi đạo đức, biểu dương gương sáng về đạo đức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, động viên các lực lượng trực Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. (Ảnh: Đăng Khoa)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, động viên các lực lượng trực Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. (Ảnh: Đăng Khoa)

“Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan toả, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương.

Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội”. (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 183-184)

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. (Ảnh: Duy Linh)

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. (Ảnh: Duy Linh)

Ngày 25/10/2021, Ban Chấp Trung ương khóa XIII đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định số 37-QĐ/TW kế thừa Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp Trung ương khóa XI, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp, bổ sung, cập nhật những quy định mới của Đảng, Nhà nước và những vấn đề đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực, tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu.

Quy định về những điều đảng viên không được làm là một trong những cơ sở, chuẩn mực cho đảng viên phấn đấu, rèn luyện, nâng cao ý thức, trách nhiệm, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của đảng viên, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây cũng là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân giám sát đảng viên. Việc giám sát trong nội bộ tổ chức đảng và giám sát của nhân dân đối với đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng Đảng về đạo đức gắn liền với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp và bản chất cách mạng, sức chiến đấu của Đảng.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là lời khen chân thành của nhân dân, cũng là phương châm coi trọng giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao trách nhiệm nêu gương mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn kiên trì thực hiện. Bởi thực tiễn cách mạng đã chứng minh, sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Niềm tin, sự ủng hộ và sự gắn bó mật thiết của nhân dân với Đảng bảo đảm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, công cuộc đổi mới và phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

“Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.

“Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn”.

“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức”.

“Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
(Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, các trang: 56, 97, 97, 262)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Ngày xuất bản: 02/02/2023
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH - PHƯƠNG QUYÊN
Nội dung: NGÔ VƯƠNG ANH