Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

“Tự soi, tự sửa”, nhìn từ vai trò cấp ủy

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn liền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, các cấp ủy đảng nhiều địa phương tập trung gợi ý kiểm điểm để từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sớm “tự soi, tự sửa ” khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Nhiều tổ chức đảng hướng mạnh vào mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Từ đó, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã tạo chuyển biến trong lãnh đạo, điều hành, củng cố niềm tin của nhân dân.

Bám sát vấn đề “nóng”

Huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương từng là địa bàn “nóng” về xây dựng lò gạch thủ công trái phép. Xác định đây là vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, Huyện ủy đề ra giải pháp, tập trung lãnh đạo giải quyết dứt điểm. Lãnh đạo huyện tìm hiểu, khoanh vùng các sai phạm, Huyện ủy chỉ đạo gợi ý kiểm điểm, quy rõ trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu. Đảng ủy từng xã tập trung tuyên truyền, vận động chủ các cơ sở dỡ bỏ lò gạch thủ công. Huyện có chính sách hỗ trợ, đưa mô hình sản xuất nông nghiệp vào thay thế. Năm 2018, Nam Sách là địa phương đi đầu của tỉnh trong việc hạn chế và xóa bỏ hẳn lò gạch nung thủ công từng tồn tại đã lâu.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hồ Ngọc Lâm trao đổi: Quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), Huyện ủy đã triển khai nhiều giải pháp. Nhưng để đạt hiệu quả, việc chọn nội dung để cấp ủy và người đứng đầu tự phê bình và phê bình là yếu tố quyết định. Theo đó, từng xã tập trung vào những vấn đề nổi cộm, hạn chế kéo dài, ảnh hưởng lớn đến thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm ở Nam Sách cho thấy, thay vì kiểm điểm những nội dung chung chung, cần đi vào từng việc cụ thể, có giải pháp phù hợp. Năm 2018, huyện Nam Sách được giao 18 nhiệm vụ, chỉ tiêu, đến nay đều đạt và vượt; trong đó có những chỉ tiêu quan trọng mang tính cấp bách như xây dựng nông thôn mới, giải quyết vấn đề môi trường…

Hải Dương là địa phương có nhiều chuyển biến qua triển khai, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) khi tập trung vào những vấn đề nóng thực tế đòi hỏi, người dân quan tâm. Chẳng hạn như việc ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép. Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm gây bức xúc trong nhân dân. Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm điểm các đơn vị liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Huyện ủy các địa phương Thanh Hà, Kinh Môn, Nam Sách… Sau khi được gợi ý kiểm điểm, các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp. Hiệu quả nhất là đề án phối hợp chống khai thác cát sỏi trái phép do Công an tỉnh chủ trì. Sau ba năm triển khai quyết liệt, hiện tượng này từng bước được ngăn chặn.

Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chọn nội dung phát huy vai trò của cấp ủy và hệ thống chính trị, hướng mạnh vào giải quyết các vấn đề từ cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Ba năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 215 hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức ba cuộc đối thoại trực tiếp với cán bộ, nhân dân tại ba địa phương là huyện Đại Từ, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình cùng với hàng nghìn công nhân lao động và người sử dụng lao động đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, nhiều vấn đề quần chúng quan tâm, kiến nghị được giải quyết từ cơ sở.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc trao đổi: Quá trình này giúp cấp ủy, chính quyền các cấp đi vào rà soát quy trình giải quyết công việc; hoàn thiện quy định để kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng công đoạn để ban hành chế tài xử lý vi phạm.

Nghiêm túc và gương mẫu quyết định hiệu quả

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương Vũ Văn Sơn chia sẻ, để kịp thời chỉ rõ hạn chế của từng tập thể, cá nhân, việc gợi ý kiểm điểm phải đi đôi với kiểm tra, giám sát mới mang lại hiệu quả. Thực tế, với nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn Hải Dương, Tỉnh ủy phải gợi ý kiểm điểm hai đến ba lần. Năm 2017, Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm đối với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc để xảy ra tình trạng khai thác cát sỏi trái phép và quản lý đất đai. Năm 2018, qua giám sát thấy có chuyển biến nhưng chưa rõ rệt, Tỉnh ủy tiếp tục gợi ý kiểm điểm. Hay đối với tiêu cực trong lĩnh vực quản lý giao thông, Tỉnh ủy gợi ý tập thể cấp ủy Công an tỉnh Hải Dương hai năm liên tục. Có những thời điểm các cấp ủy phải có quyết định “mạnh tay” như phê bình nhắc nhở, thay thế cán bộ, qua đó mới tạo chuyển biến. Không chỉ đối với Tỉnh ủy Hải Dương, công tác kiểm tra, giám sát gợi ý kiểm điểm và đưa ra những quy định nghiêm đối với tập thể, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị trong thực hiện kiểm điểm đang được nhiều cấp ủy, địa phương thực hiện quyết liệt.

Với TP Hải Phòng, do triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội cho nên việc giải phóng mặt bằng, bồi thường đất đai của nhân dân diễn ra liên tục, cùng đó là nhiều thắc mắc, kiến nghị, thậm chí là bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Cơ quan chức năng, có thời điểm do thiếu trách nhiệm giải quyết, xử lý dẫn đến tạo điểm nóng, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, làm giảm sút uy tín cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Điển hình là giải quyết tranh chấp đất đai tại huyện Tiên Lãng. Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, các cấp ủy của Thành ủy Hải Phòng tăng cường chỉ đạo và giám sát việc gợi ý kiểm điểm. Quận ủy Hồng Bàng đưa ra quy định “cứng” cho các đồng chí đứng đầu đơn vị, cấp ủy: Cứ một năm thực hiện việc gợi ý kiểm điểm của quận ủy mà không chuyển biến sẽ coi là không hoàn thành tốt nhiệm vụ; hai năm chuyển biến chậm sẽ chuyển vị trí công tác. Vừa qua, Quận ủy đã quyết định chuyển vị trí công tác đồng chí Chủ tịch UBND phường Sở Dầu do hai năm được gợi ý kiểm điểm công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án mở rộng giao thông nhưng chuyển biến chậm.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Trần Quang Tuấn cho biết: Việc giám sát kiểm tra thường xuyên của cấp ủy cấp trên và những quy định “cứng” không hề làm nhụt ý chí của các cấp ủy nơi đang thực hiện nhiệm vụ khó khăn. Ngược lại, nó thúc đẩy tinh thần, trách nhiệm của cán bộ nơi đó, nhất là người đứng đầu. Thực tế cho thấy, khối lượng công việc giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển đô thị của quận thời gian qua rất lớn, nhưng luôn hoàn thành đúng tiến độ.

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, gắn liền việc phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng Đảng. Từ đó, những tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo đã được cấp ủy cấp trên gợi ý kiểm điểm làm rõ, đề ra giải pháp sớm khắc phục. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm với các tập thể: Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Lương; Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Từ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đã gợi ý kiểm điểm các tập thể: Ban Thường vụ Đảng ủy xã Yên Lạc (huyện Phú Lương), các Đảng ủy xã Bình Sơn, Bách Quang, Lương Sơn (thành phố Sông Công) và 15 đảng viên... về phương pháp, tác phong lãnh đạo và lề lối làm việc khi có nhiều bất cập, yếu kém, bảo đảm có giải pháp khắc phục kịp thời. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp của tỉnh đã kiểm tra tiến hành giám sát đối với 1.265 tổ chức đảng; kiểm tra 23 tổ chức và 120 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết tố cáo đối với một tổ chức đảng và 99 đảng viên; tiếp nhận, xử lý 493 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh... Qua kết quả kiểm tra đã thi hành kỷ luật đối với tám tổ chức đảng và 214 đảng viên…

Kinh nghiệm từ nhiều cấp ủy, từ tỉnh đến cơ sở ở các địa phương nêu trên cho thấy, nơi nào năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng mạnh, đảng viên gương mẫu thì việc thực hiện kiểm điểm đạt hiệu quả; ngược lại tổ chức đảng còn yếu thì kết quả kiểm điểm kém. Để tiếp tục phát huy hiệu quả thực hiện kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) cần phải nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết, phải quán triệt vai trò, trách nhiệm trong thực hiện Nghị quyết. Từng cấp ủy cần tập trung nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ để tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa” .

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đòi hỏi cấp trên và người đứng đầu gương mẫu, tự giác để cấp dưới học tập, làm theo. Cần kết hợp kiểm điểm tự phê bình và phê bình với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Cấp ủy các cấp cần tập trung giao nhiệm vụ, đồng thời với kiểm tra, giám sát. Xem xét điều chuyển cán bộ nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời kiên quyết xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên để xảy ra vi phạm. Quá trình kiểm điểm và đề ra giải pháp cần hướng mạnh vào mục tiêu nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách đảm nhiệm.