Từ "ngôi trường đầu tiên"...

Với phương châm "tốt đời, đẹp đạo", Công giáo đã tham gia nhiều phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Trong đó, việc xây dựng gia đình văn hóa nhận được sự hưởng ứng cao của đồng bào Công giáo.
0:00 / 0:00
0:00
Lớp học giáo lý tại nhà mục vụ đặt tại Giáo họ Cửa Sông.
Lớp học giáo lý tại nhà mục vụ đặt tại Giáo họ Cửa Sông.

Nhiều mô hình đã được sáng tạo và triển khai trong cuộc sống, như "xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa", "Tiếng kẻng an ninh" hay các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, v.v. Trong nhiều năm qua, các mô hình này đã trở thành những phong trào thiết thực được các xứ đạo phát triển, góp phần tạo nền tảng giáo dục từ trong gia đình Công giáo.

Giáo dục gắn với tình yêu thương, trách nhiệm và bình đẳng

Tại xứ Hòa Loan (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) gia đình được ví như "ngôi trường đầu tiên" dạy trẻ về giá trị nhân bản và văn hóa. Hòa Loan là một giáo xứ nhỏ. Con cái các gia đình nơi đây luôn được dạy dỗ, chăm sóc bằng tình yêu thương, tình yêu thương được hun đúc từ khi đôi nam nữ tìm hiểu nhau đến khi quyết định gắn bó với nhau dưới một mái nhà. Trách nhiệm về một gia đình, giáo dục con cái được dạy trong các lớp giáo lý tiền hôn nhân "Các cặp đôi trước khi kết hôn đều được dạy về giáo lý hôn nhân, trong đó có các giáo lý về gia đình, về giáo dục con cái, về trách nhiệm của cha mẹ khi sinh con ra, nuôi con…" (Giáo lý viên, giáo xứ Hòa Loan). Trách nhiệm giáo dục con cái Công giáo gồm giáo dục về phần đời và phần đạo. Về phần đạo, ngay từ giai đoạn thai giáo những đứa trẻ Công giáo đã được nhận những phép lành, như lời một nữ giáo dân (40 tuổi), Giáo xứ Hòa Loan-Vĩnh Phúc cho biết: Khi mang thai, các thai phụ đều được cha làm phép, cầu mong cho thai nhi khỏe mạnh, phát triển tốt, tới khi sinh ra từ năm ngày đến một tháng tuổi, chúng sẽ được làm lễ Rửa tại nhà thờ, được nhận cha mẹ đỡ đầu với tiêu chuẩn "khôn ngoan, đạo đức hẳn hoi đỡ đầu". Khi đứa trẻ từ hai đến ba tuổi, chúng được dạy cầu nguyện ba thời điểm: sáng, tối, trước và sau mỗi bữa ăn để bày tỏ biết ơn với Chúa, đến khi trẻ được bốn đến sáu tuổi các gia đình sẽ cho trẻ tham gia học các lớp giáo lý, dần dần chúng sẽ được học cách xưng tội, chịu lễ lần đầu, làm bí tích Thêm Sức. Trong gia đình những đứa trẻ được làm quen với các kinh từ sớm như: Kinh làm dấu, kinh Chúa Thánh Thần, kinh Tin, kinh Kính Mừng, v.v. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Tôn giáo (năm 2019), trong gia đình Công giáo tỷ lệ cầu nguyện hằng ngày là 87,8% và làm dấu trước bữa ăn lên tới 97,3%. Lớp học giáo lý tại xứ Hòa Loan được chia làm bốn lớp: lớp Chiên (khoảng 4 đến 6 tuổi), lớp Ấu (7 đến 8 tuổi), lớp Thiếu (9 đến 10 tuổi), lớp Nghĩa (11-12 tuổi), mỗi buổi học kéo dài khoảng 30-40 phút, dạy các vấn đề đạo và có tới hơn 70% số gia đình cho con tham dự lớp giáo lý thường xuyên.

Sự bình đẳng giữa người nam và nữ không chỉ trong gia đình mà ngay từ khi những đứa trẻ được sinh ra, sinh con trai hay con gái tại giáo xứ không có sự phân biệt. Nhìn vào tỷ lệ sinh tại các thôn có nhiều giáo dân không thấy sự chênh lệch tỷ lệ nam/nữ lớn, chẳng hạn giáo họ Việt Xuân có tỷ lệ này là 101/98 hay thôn Đình (Bồ Sao) có tỷ lệ nam/nữ là 56/100 (năm 2019). Như vậy, đứa trẻ Công giáo xứ Hòa Loan từ khi còn nhỏ đã được đặt trong nền tảng giáo dục đạo đức tôn giáo mà cha mẹ là "người thầy" đầu tiên.

Giáo dục nhân cách xã hội và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống

Giáo dục con cái về phần đời là điều quan trọng trong việc hình thành các đức tính xã hội cho một đứa trẻ. Ngay từ khi còn nhỏ những đứa trẻ Công giáo xứ Hòa Loan đã được dạy những đức tính tốt đẹp không chỉ của tôn giáo mà cả truyền thống của thế hệ ông cha để lại. Người Việt thường có câu "dạy con từ thuở còn thơ" hay "khi măng không uốn thì tre trổ vồng". Tinh thần sẵn sàng và trách nhiệm, những đức tính về: Sự lễ phép, tính cần, tính kiệm, sự liêm chính, sự hiếu thảo, kính trên nhường dưới là điều mà mỗi gia đình nơi đây luôn chú trọng dạy con. Trong đó, sự hiếu kính luôn ẩn tàng trong lòng mỗi người giáo dân nơi đây, "thảo kính cha mẹ" là một trong những điều răn cơ bản của Công giáo và đó cũng là giá trị cơ bản trong mỗi gia đình Việt Nam. Theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Tôn giáo (năm 2019) có tới hơn 70% số giáo dân tin vào tổ tiên và hơn 60% số người khảo sát thờ phụng tổ tiên. Từ những giá trị hun đúc, sự dạy dỗ trong môi trường gia đình yêu thương và trách nhiệm, những đứa trẻ Công giáo lớn lên với đầy đủ những phẩm chất tôn giáo và xã hội cần thiết. Cán bộ văn hóa xã Lũng Ngoại (Vĩnh Phúc) chia sẻ nhận xét về cộng đồng Công giáo ở Hòa Loan, rằng "Đây là cộng đồng rất gắn kết, rất ít tệ nạn, đánh nhau, trộm cắp,… gần như không có".

Có thể nói, nuôi dạy con cái là nét tích cực của Công giáo trong việc kiến thiết gia đình văn hóa Việt Nam. Tại Đại hội XIII, Đảng đã xác định tôn giáo là nguồn lực xã hội; các giá trị tôn giáo trong đó giáo dục con cái Công giáo hoàn toàn có thể coi là nguồn lực trong chiến lược chung về xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay. Thay lời kết bài, tác giả xin mượn lời giảng của Giáo hoàng Phanxicô tại Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ X (Roma, tháng 6/2022) "Gia đình là nơi đầu tiên chúng ta học cách yêu thương".