PGS, TS Đỗ Tú Lan

Từ mô hình đến giải pháp

Chắp vá và bất hợp lý, gây nên rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển chung cũng như đời sống của từng người dân ở các đô thị lớn, vấn đề quy hoạch đô thị càng bộc lộ rõ những yếu kém không dễ khắc phục, đặc biệt là trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh. PGS, TS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Phát triển đô thị, chuyên gia Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (ảnh nhỏ) chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần về những vấn đề cần phải nhìn nhận lại trong công tác quy hoạch đô thị.

Với thực tế tại Việt Nam, mô hình thành phố vệ tinh vẫn là duy ý chí.
Với thực tế tại Việt Nam, mô hình thành phố vệ tinh vẫn là duy ý chí.
Từ mô hình đến giải pháp -0

- Nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ hơn hết những bất cập trong quy hoạch của các đô thị lớn, nhất là hai đại đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với tình trạng nén dân cư, thiếu khoảng xanh, không gian công cộng và các tiện ích cho từng cộng đồng dân cư nhỏ. Ý kiến của bà về vấn đề này?

- Thực tế đại dịch Covid-19 đã và đang làm loài người phải nhìn nhận lại rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan đến phát triển đô thị, đặc biệt là những thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các đô thị đều được lập quy hoạch theo các giai đoạn khác nhau, tuy nhiên quá trình phát triển đô thị, có những khu vực hoặc hạng mục công trình được thực hiện theo quy hoạch, nhưng cũng rất nhiều khu vực không phát triển đúng theo quy hoạch với nhiều lý do khác nhau, dẫn đến thực trạng đô thị có nhiều bất cập, thiếu đồng bộ.

Về quy hoạch đô thị nén là lý thuyết đã và đang được áp dụng khá phổ biến đối với các thành phố lớn trên thế giới cũng như Việt Nam, nhằm giải quyết nhu cầu phát triển đối với những khu vực trung tâm, có quỹ đất hạn chế, và giá trị đất rất cao. Tuy nhiên, để có được mô hình đô thị nén tốt, đòi hỏi phải có thiết kế và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, bảo đảm môi trường sống tốt cho dân cư mật độ cao ở khu vực đó (Singapore, Hồng Công (Trung Quốc), New York (Mỹ)… đã rất thành công với mô hình đô thị nén). Thực tế quá trình đô thị hóa tích tụ của Hà Nội, cũng như TP Hồ Chí Minh có rất nhiều khu vực dân cư mật độ rất cao ở khu trung tâm, nhưng do quy hoạch chắp vá của nhiều thời kỳ, thiếu hạ tầng kỹ thuật, cũng như tiện ích xã hội và kỹ thuật không bảo đảm, dân số tăng lên, xây dựng xen cấy nhiều nhưng diện tích cây xanh cũng như các dịch vụ không tăng, thiếu không gian thông thoáng, do đó ảnh hưởng đến môi trường sống, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19, dịch bệnh dễ lan truyền, và rất khó để ngăn chặn. Việc rà soát quy hoạch cải tạo lại các khu dân cư có mật độ cao và có giải pháp kỹ thuật, cơ chế đầu tư hợp lý để cải thiện môi trường sống các khu vực này là rất cần thiết và cấp bách.

- Ở nhiều quốc gia, sau những khoảng thời gian thực hiện giãn cách do đại dịch, đã có những đề xuất về các mô hình cụm dân cư 10 phút, 15 phút. Đây có phải là gợi ý tốt đối với Việt Nam?

- Mô hình cụm dân cư hay khu dân cư 10 phút, 15 phút, đang được các chuyên gia đề cập đến. Đây là cách quy hoạch khác với các quy hoạch thông thường hiện nay, tuy nhiên đây cũng không phải là mô hình mới lạ, nó cũng gần với mô hình thành phố vườn của Abenezer Howard 1850-1928 (mỗi thành phố vườn đáp ứng khoảng 32.000 dân với diện tích khoảng 400 ha, còn vòng ngoài 2.000 ha nữa là khu cây xanh vĩnh cửu... mô hình đã được áp dụng khá phổ biến ở các nước châu Âu đầu thế kỷ 20), là các khu/cụm dân cư có quy mô vừa và nhỏ, bảo đảm 10 - 15 phút có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ thiết yếu. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, các khu dân cư có thể trở thành "Khu đô thị thông minh" nhiều bộ phận dân cư có thể làm việc tại nhà (online), đi bộ và xe đạp có thể 10 - 15 phút đến với những dịch vụ cần thiết cho đời sống hằng ngày... giảm thời gian giao thông đến các nơi làm việc. Mô hình này rất thuận lợi cho việc đề phòng và kiểm soát dịch bệnh cũng như nâng cao môi trường sống cho người dân. Tuy nhiên, các mô hình này có thể dễ áp dụng ở các khu vực mới xây dựng, còn các đô thị cũ là khó thực hiện. Các khu đô thị mới hiện nay ở vùng ven đô có thể gần tiếp cận mô hình khu dân cư 10 - 15 phút.

- Việc phát triển các đô thị vệ tinh vốn đã được đưa vào quy hoạch của hai đô thị lớn nhất nước là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng vẫn chưa được chú ý đúng tầm mức. Nhận định của bà về vấn đề này?

- Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng như một số thành phố lớn khác như Đà Nẵng, Hải Phòng… đều theo mô hình phát triển đô thị vệ tinh. Hai yếu tố tích cực nhất của mô hình này, một là làm giảm sự tập trung quá cao ở khu vực đô thị trung tâm, hai là tạo cơ hội cho các đô thị nhỏ (vệ tinh) phát triển. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, mô hình thành phố vệ tinh như quy hoạch vẫn thể hiện là mô hình duy ý chí, bởi muốn thực hiện được mô hình này đòi hỏi tiềm lực tài chính lớn và chủ động để xây dựng hạ tầng kết nối cũng như xây dựng nền tảng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thu hút dân cư, để bớt gánh nặng cho đô thị trung tâm. Qua 10 năm thực hiện quy hoạch, các đô thị vệ tinh cũng hầu như chưa được đầu tư thỏa đáng, hệ thống kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh cũng hạn chế, do đó lực hút ra đô thị vệ tinh còn rất yếu.

- Dư luận đang rất quan tâm việc Hà Nội đề xuất ba huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn thành thành phố. Trong đó, có nhiều lo ngại về những hệ lụy môi trường, vỡ quy hoạch và thiếu vùng xanh cho đô thị lõi. Quan điểm của bà về vấn đề này?

- Theo quy luật phát triển, nếu các địa phương đó đã đạt được các tiêu chí theo quy định hiện hành thì mới được xem xét nâng loại, nâng cấp, bảo đảm tương quan với đô thị trung tâm (đô thị lõi). Tuy nhiên, thực tế có thể các diễn biến của giới đầu tư bất động sản sẽ gây ra nhiều vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà quản lý đô thị. Đây mới là vấn đề cần phải quan tâm nhiều.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!