Từ khóa "dám làm"

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, từ phát huy nguồn lực đang nắm giữ đến hoạt động tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đang phụ thuộc rất lớn vào hệ thống cơ chế, chính sách dành cho khu vực này. Tuy nhiên, các quy định nhiều khi không rõ nét, khiến doanh nghiệp sợ sai, không muốn làm.

Từ khóa "dám làm"

BÁO cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện các dự án đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước cho thấy, 5 năm qua, rất ít dự án, công trình mới của doanh nghiệp nhà nước được khởi công. Tính riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel, con số này là bốn dự án nhóm A, nhưng trong số đó, chỉ có một dự án được khởi công trong năm 2016 và ba dự án được chuyển tiếp từ năm 2015. Đây là điểm rất khác biệt so với khu vực doanh nghiệp tư nhân tại cùng thời điểm.

"Hầu như doanh nghiệp nhà nước chỉ tiếp tục thực hiện các dự án dở dang hoặc xử lý các dự án tồn đọng từ giai đoạn trước. Việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả trong quá khứ cũng khiến một số doanh nghiệp nhà nước có tâm lý e ngại rủi ro, không muốn thực hiện các dự án đầu tư mới", báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư viết. Khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng không né tránh thực tế này.

Lời giải cho những thách thức mà doanh nghiệp nhà nước phải đối mặt đang dần thành hình. Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội đã được ban hành. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 360/2022/QĐ-TTg về Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025".

Một không gian mới để doanh nghiệp bứt phá đã được mở ra, tuy nhiên, như ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT chia sẻ, doanh nghiệp phải tuân thủ theo luật, chứ không thể căn cứ nghị quyết để thực thi. Để thúc đẩy sự phát triển của khối kinh tế nhà nước cần sự chuyển động của các cơ quan quản lý để đưa nghị quyết vào đời sống.

Có thể nhắc tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nhiệm vụ nghiên cứu, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành, cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh; xem xét cơ chế lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, vận hành doanh nghiệp nhà nước hoặc một phần tài sản, dự án của doanh nghiệp nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định; nghiên cứu cơ chế, chính sách quản lý và phát triển riêng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước...

Bộ Tài chính ngoài nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) để trình Quốc hội; phải phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, bảo đảm hiệu quả, nhất là trong một số lĩnh vực đặc thù như hạ tầng đường sắt, hạ tầng hàng không... Bộ Khoa học và Công nghệ phải trình Chính phủ Nghị định sửa đổi cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ...

Trong nhiều nhiệm vụ được giao, nhiều việc sẽ phải hoàn tất trong năm nay. Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rất chờ đợi những thay đổi cơ chế, chính sách, nhất là các vấn đề liên quan kiểm toán nhà nước, xác định giá trị quyền sử dụng đất... Và ông cũng chưa hết tâm tư: "Khi tiến hành sửa đổi, đề xuất văn bản, đề nghị các cơ quan hoạch định chính sách cần lấy ý kiến các doanh nghiệp, để có tiếng nói từ thực tiễn, bao quát hết các vấn đề của các doanh nghiệp, không để doanh nghiệp phải mò mẫm".

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, số lượng các doanh nghiệp nhà nước giảm nhiều, có sự khác biệt lớn về quy mô doanh nghiệp, nên cần có quy định phù hợp. Một doanh nghiệp vốn điều lệ vài nghìn tỷ đồng và một doanh nghiệp vài chục nghìn tỷ đồng không thể có chung thời gian xác định giá trị để tiến hành cổ phần hóa được, ông Nam dẫn chứng để tăng thêm sức thuyết phục. Đặc biệt, lúc này, các doanh nghiệp nhà nước chờ đợi những thay đổi liên quan đến tuyển dụng nhân sự, tiền lương của khu vực này, gỡ nút thắt trong không chỉ thu hút mà còn giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao ở lại doanh nghiệp nhà nước.