PGS, TS Bùi Hoài Sơn:

Từ hiểu đến yêu và quyết tâm hành động

Sự quan tâm của dư luận xã hội đến một số hiện tượng ứng xử phản cảm nơi công cộng thời gian gần đây cho thấy, đang có những quan niệm và góc nhìn khác nhau về văn hóa ứng xử nơi công cộng, nhất là những yếu tố văn hóa có nguồn gốc ngoại lai. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Bùi Hoài Sơn,  Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, quanh vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Từ hiểu đến yêu và quyết tâm hành động

Lo lắng và kỳ vọng

- Liên tiếp những vụ việc ứng xử phản cảm, thậm chí vi phạm pháp luật xảy ra ở nơi công cộng, khiến dư luận bức xúc và lên án. Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng về văn hóa ứng xử của người Việt. Ông nhìn nhận thực tế này như thế nào?

- Tôi rất đồng cảm với những lo lắng này. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã làm được rất nhiều điều cho văn hóa. Chúng ta thấy rất nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa của nhân dân, từ việc có thêm nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo, phim ảnh, ca nhạc, truyện,… kể những câu chuyện tốt, hình ảnh đẹp về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của những người yêu văn hóa đất nước, chúng ta còn có rất nhiều điều lo lắng, trong đó có ý thức thượng tôn pháp luật thể hiện trong văn hóa ứng xử ở mọi hoạt động xã hội, từ tham gia giao thông đến hành vi nơi công cộng. Vì văn hóa có chức năng điều tiết cho hành vi ứng xử của con người nên khi yếu tố văn hóa không được đề cao trong hành vi giao thông, ở nơi công cộng, trong gia đình, nhà trường hay ở bất kỳ một lĩnh vực hay không gian nào thì những điều bất ổn sẽ xảy ra ở trong lĩnh vực hay không gian đó. Điều này sẽ ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến văn hóa chung của xã hội khi chúng ta nhìn thấy nhiều sự lộn xộn, thậm chí nhiều khi khá hỗn loạn trong hành vi ứng xử mà thiếu đi tính định hướng, chuẩn mực của văn hóa, khiến sự phát triển đạo đức của cá nhân và xã hội gặp nhiều khó khăn.

- Sự phát triển của mạng xã hội, sự hội nhập văn hóa tạo cơ hội cho người Việt nhanh chóng tiếp cận các trào lưu văn hóa thế giới, trong đó, có những trào lưu khác biệt với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Ứng xử với thực tế đó như thế nào? Và làm thế nào để hình thành "ngưỡng văn hóa" cho người Việt, theo ông?

-Trong số các lý do khiến văn hóa ứng xử của chúng ta gặp vấn đề là do tác động của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là các mạng xã hội, và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng khiến những lối sống, giá trị nước ngoài ảnh hưởng đến trong nước. Đây là một hiện tượng tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa, ở đó, những vấn đề văn hóa nghệ thuật, ứng xử mới thường được tiếp biến bằng quy luật bắt chước, cải biến, Việt hóa. Cụ thể, đầu tiên chúng ta sẽ bắt chước một cách máy móc, bê nguyên xi những gì chúng ta biết, hình dung về việc tổ chức sự kiện đó ở nước ngoài. Điều này rất dễ gây ra những dư luận phản đối, phản cảm đối với nhiều người trong nước. Sau thời gian, những sự kiện như vậy sẽ được điều chỉnh theo hướng Việt hóa về nội dung và hình thức, phù hợp hơn với văn hóa Việt Nam. Chúng ta thấy hiện tượng này ở rất nhiều các sự kiện khác nhau như sinh nhật, valentine, festival hay carnaval đang tổ chức khá thường xuyên gần đây. Chính vì thế, chúng ta cần phải hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc, lấy đây làm thước đo và hệ điều tiết cho các tiếp nhận văn hóa nước ngoài. Đó cũng là cách mà cha ông ta đã thực hành để văn hóa của chúng ta trường tồn, hội nhập mà không bị hòa tan.

Từ hiểu đến yêu và quyết tâm hành động ảnh 1
Các giá trị truyền thống đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành nên bản lĩnh và sự tự tin văn hóa Việt Nam. Ảnh: THÀNH ĐẠT

"Văn hóa còn thì dân tộc còn"

- Ở một số vụ việc vi phạm vừa qua, hệ thống quy định pháp luật hiện hành chưa đủ chi tiết, và cũng chưa đủ mạnh để có tính răn đe. Ông có thể cho biết ý kiến về những phân tích này?

- Tôi thấy có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan liên quan đến câu chuyện này. Về phía khách quan, bối cảnh xã hội hiện nay rất phức tạp, thay đổi nhanh nên các quy định của pháp luật không thể bao quát hết được thực tế xã hội và thường phải điều chỉnh. Có rất nhiều vấn đề mới nảy sinh mà trước kia chúng ta chưa từng đối mặt như bắt nạt trên mạng, tung tin giả,… Kể cả có những vấn đề cũ nhưng cần phải giải quyết theo cách mới, với tư duy mới. Về phía chủ quan thì đúng là nhiều điều khoản luật lạc hậu so với thực tế xã hội đã khiến nó thiếu tính chế tài, hoặc chế tài quá nhẹ khiến cho việc thực hành luật pháp đôi khi trở nên "hài hước" giống như chuyện chúng ta đã chứng kiến về mức xử phạt 200 nghìn đồng đối với hành vi sàm sỡ phụ nữ nơi công cộng… Ý thức của người dân cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc thực thi pháp luật. Nếu người dân có ý thức tốt hơn về luật pháp, có trách nhiệm nhiều hơn trong ứng xử của mình nơi công cộng thì chắc chắn những vi phạm nêu trên sẽ giảm đi rất nhiều.

- Nhìn từ một phía khác, sự hào hứng tiếp nhận cái mới của cộng đồng phần nào lại cho thấy sự thiếu hụt các giá trị văn hóa "nội", chưa theo kịp đòi hỏi của cuộc sống. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Quá trình hội nhập quốc tế giúp chúng ta mở rộng tầm mắt, trải nghiệm nhiều hơn với những hiện tượng văn hóa nước ngoài. Điều này, về mặt tích cực, giúp chúng ta đánh giá rõ ràng hơn về giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu được tinh hoa văn hóa thế giới; nhưng về mặt tiêu cực, khiến chúng ta dễ tiếp nhận cả những hiện tượng văn hóa không phù hợp với đất nước, con người Việt Nam, thậm chí xa rời văn hóa dân tộc vì mải mê với những nét hào nhoáng, bắt mắt, đáp ứng nhu cầu giải trí trước mắt của rất nhiều người. Tất nhiên, quá trình mở cửa đất nước giúp chúng ta có được những làn gió lành nhưng cũng phải đương đầu những cơn gió độc. Quan trọng là chúng ta cần hình thành được bản lĩnh để tiếp thu những điều tốt đẹp và loại bỏ những gì không phù hợp. Chắc chắn kho tàng văn hóa truyền thống đóng vai trò hết sức thiết yếu trong việc hình thành nên bản lĩnh và sự tự tin văn hóa Việt Nam để từ đó chúng ta có thể điều tiết sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài. Khi chúng ta hiểu rõ giá trị văn hóa dân tộc mình, lợi ích trong việc bảo vệ giá trị văn hóa ấy, chúng ta mới có thêm quyết tâm và hành động để bảo vệ văn hóa. Từ hiểu đến yêu, từ yêu đến hiểu sẽ giúp chúng ta có được những sản phẩm văn hóa như không gian sáng tạo, sự kiện lễ hội, trang phục, ẩm thực... mang đậm nét văn hóa Việt Nam, thật sự cho người Việt Nam và vì người Việt Nam. Điều này không khiến chúng ta khép kín mà thực tế là giúp chúng ta khẳng định sức mạnh văn hóa của mình, nhờ đó xác định chỗ đứng của mình tốt hơn trong thế giới đương đại đầy cạnh tranh. Đó là nội dung cốt lõi trong thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: "…văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn!".

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.