Từ điểm tựa của niềm tin

Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2021 được gỡ xuống, chúng ta đã đi qua 365 ngày thật đặc biệt, có lẽ nằm ngoài tất cả những dự tính, dự liệu trước đó. Đến lúc này, điều ám ảnh nhất vẫn là những con số liên quan dịch bệnh hiển hiện mỗi ngày cho thấy cuộc chiến với thứ virus nguy hiểm vẫn chưa ngừng và chưa ai được phép ngơi nghỉ.

Một năm mất mát mà nỗi đau vẫn còn chất chứa từ Lễ tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ mất trong đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử đất nước. Nhiều thách thức khó khăn vẫn còn đó. Chỉ mới đây thôi, từng đoàn y, bác sĩ lại đã lên đường tiếp sức cho miền nam… chống dịch. Ở cửa khẩu, những đoàn xe đang nối dài chờ thông thương cho thấy một góc độ khó khăn khác của nền kinh tế vốn đã bị tổn thương đang tìm cách gượng dậy. Và còn biết bao tổn thất về tinh thần khi không ít người trải qua những bất an, lo âu, căng thẳng…

Trải qua một năm, đặc biệt ở những thời điểm căng thẳng của đại dịch, ở bất cứ nơi nào, từ thành phố lớn đến miền quê, điều đọng lại với mỗi người hẳn vẫn là những hình ảnh chan chứa tình người, có thể là tiếng kèn saxophone da diết của người nghệ sĩ tài hoa: "Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi…", là các y, bác sĩ cạo trọc đầu đi vào phục vụ vùng tâm dịch, chuyện về những bếp ăn tình thương, cây ATM gạo, ATM oxy, trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp với cộng đồng, là sự chăm lo người dân, là nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động đi vào cuộc sống…

Sự đùm bọc, sẻ chia, cố kết cộng đồng, tinh thần cống hiến - những giá trị văn hóa của con người, của dân tộc Việt Nam được hun đúc tự bao đời nay, đến thời điểm đất nước hoạn nạn, khó khăn lại bừng dậy, lan tỏa. Cách chúng ta ứng phó đại dịch Covid-19 năm qua càng khẳng định lòng nhân ái đã và đang là phẩm chất quý giá được khơi dậy kịp thời, đúng lúc để gắn kết toàn dân tộc, tổng hợp thành sức mạnh Việt Nam.

Từ trong đại dịch, những chiến lược, phương thức, sáng kiến được hình thành, ứng dụng, triển khai. Vào giữa tháng 12 này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình kêu gọi đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức, người lao động cả nước đóng góp một triệu sáng kiến trong phòng, chống dịch, phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng thực tế, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương, cá nhân, tập thể triển khai không ít sáng kiến để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Sự ra đời của Quỹ Vaccine phòng Covid-19 là sáng kiến đúng đắn trong việc huy động mọi nguồn lực tham gia. Tương tự, việc Trung ương chỉ đạo thay đổi phương châm phòng, chống dịch từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội là bước ngoặt về nhận thức và sự đúc rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kép, cũng là sáng tạo kịp thời. Qua thử thách, con người Việt Nam ta, đất nước ta ngày một linh hoạt hơn, sáng tạo hơn, thể hiện rõ qua nhiều mô hình, phương thức làm việc mới, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ, hay thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số…

Và điều thứ ba nữa, đúc kết từ phẩm chất nhân ái và sự linh hoạt, sáng tạo, đó là đất nước Việt Nam, con người Việt Nam đầy bản lĩnh, mạnh mẽ, kiên cường được trui rèn từ khó khăn, thử thách, cam go, đau thương, mất mát đang vươn lên mạnh mẽ để tiếp tục khẳng định sức sống, vị thế và tầm ảnh hưởng của mình. Khép lại năm 2021, có thể khẳng định đó là những giá trị mà chúng ta chú trọng tôn bồi và phát huy hiệu quả để vững tin bước tiếp trên chặng đường mới.