BÍ THƯ CẤP ỦY CẤP HUYỆN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI ĐỊA PHƯƠNG

Từ chủ trương đến thực tiễn

Triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, gắn kết giữa quy hoạch của cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương, bộ, ban, ngành, giữa cán bộ đảng, đoàn thể với cán bộ nhà nước..., nhiều địa phương tích cực, chủ động bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương. Quá trình này ở nhiều tỉnh, thành phố khẳng định sự đúng đắn, tính hiệu quả, tuy nhiên cũng đặt ra những vấn đề cần tiếp tục giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng tiếp xúc, đối thoại với nhân dân thôn Nấm Ọoc, Xã Nấm Lư.
Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng tiếp xúc, đối thoại với nhân dân thôn Nấm Ọoc, Xã Nấm Lư.

Những “ đầu kéo” miền biên viễn

Là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lào Cai, Mường Khương trở thành vùng du lịch mới mẻ miền Tây Bắc, bản làng trù phú, núi đồi hùng vĩ ngát xanh. Cách đây chưa lâu, Mường Khương còn nằm trong danh mục những huyện nghèo nhất toàn quốc, trình độ canh tác lạc hậu, tài nguyên rừng cạn kiệt... Những bước đột phá gắn liền quá trình đầu tư phát triển, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đều là cán bộ trẻ, không phải là người địa phương được luân chuyển về. Nhiệm kỳ này, nhiều tồn tại và thách thức như nạn phá rừng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển giáo dục được Ban Thường vụ Huyện ủy xác định trúng “nút thắt” và lộ trình, giải pháp tháo gỡ cùng các chương trình, đề án phát triển được dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo trên tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Hướng về cơ sở, giải quyết thấu đáo các vấn đề thông qua các cuộc làm việc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại các xã đã tạo hiệu quả trong lãnh đạo, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Tại xã Nấm Lư, sau cuộc đối thoại với Tiến sĩ Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy, bà con hiểu rõ về chủ trương, chính sách phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp như cây chè, lợn đen, gà bản địa và hào hứng thực hiện. Với bước đi đột phá, Mường Khương dồn sức chuyển đổi gần 2.000 ha đất trồng cây kém hiệm quả sang phát triển các ngành hàng chủ lực, bứt phá nhanh từ vùng đất nông nghiệp tự cung, tự cấp, thuận theo tự nhiên, hiện nằm trong “top” đầu của Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa; giảm nghèo nhanh, bền vững.

Những yếu kém, bất cập, nhất là về cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ cơ sở, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh... là những lực cản trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Vũ Quang. Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bối cảnh thực hiện “mục tiêu kép”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Hà Tân vừa được luân chuyển cùng Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung vào các đột phá: phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển rừng và đất vườn đồi; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bền vững. Kế thừa kinh nghiệm, thành quả các nhiệm kỳ trước, cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy tiềm năng, thế mạnh tại chỗ gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Sự phát triển toàn diện tạo nên diện mạo mới cho huyện nhà với 100% xã đã về đích NTM, trong đó 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1.277 vườn mẫu và 60 khu dân cư kiểu mẫu đạt chuẩn; 1.845 mô hình kinh tế cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Chia sẻ về bí quyết triển khai lộ trình xây dựng “nông nghiệp an toàn, nông dân thông thái, nông thôn yên bình”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Hà Tân bộc bạch, đó là mọi chủ trương, hành động của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu đều vì dân, dựa vào dân.

Từ chủ trương đến thực tiễn ảnh 1

Huyện Mường Khương nằm trong “top” đầu của tỉnh Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa từ chủ trương phát triển cây trồng phù hợp.

Ghi nhận ở vùng đô thị...

Nghệ An là tỉnh sớm triển khai Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương với cả địa bàn đô thị, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ huyện phát triển thành thị xã và về đích NTM vào năm 2020, Đại hội Đảng bộ thị xã Hoàng Mai nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III trước năm 2025 theo hướng văn minh, hiện đại... Được tỉnh luân chuyển về, Bí thư Thị ủy Hoàng Mai Lê Trường Giang cùng tập thể Ban Thường vụ tập trung trí tuệ, xác định đồng bộ các giải pháp biến các giá trị tiềm năng trên địa bàn trở thành hiệu quả thiết thực. Theo đó, thị xã đã hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thu hút nguồn lực cao cho phát triển, chú trọng đầu tư tạo nên vùng du lịch đa dạng, đặc sắc. Ba năm qua, kinh tế-xã hội tăng trưởng khá, tốc độ đô thị hóa nhanh, ngành nghề phát triển đa dạng.

Hưng Yên hiện có 9/10 đơn vị cấp huyện, bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ, trước yêu cầu, thách thức phát triển khi huyện Mỹ Hào trở thành thị xã; Ban Thường vụ Tỉnh ủy luân chuyển một ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đảm nhiệm cương vị Bí thư Thị ủy. Dưới sự chỉ đạo của tân Bí thư Trần Thị Thanh Thủy, Ban Thường vụ Thị ủy duy trì nghiêm các chế độ, quy định của Ðảng, ban hành, bổ sung quy chế làm việc, phối hợp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy hiệu quả hoạt động các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị. Toàn Ðảng bộ thị xã dồn sức cho hai khâu đột phá và năm giải pháp trọng tâm, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, có năng lực, uy tín, tính chuyên nghiệp cao. Do đó, cấp ủy, bộ máy chính quyền các cấp đủ sức giải quyết những vấn đề “nóng”, phát sinh và thách thức đặt ra. Trên địa bàn hiện có 258 dự án được triển khai đầu tư, sáu tháng đầu năm tổng giá trị sản xuất toàn thị xã đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Từ mục tiêu, yêu cầu phát triển

Trò chuyện với các bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương chúng tôi ghi nhận được những bài học kinh nghiệm quý cùng không ít trăn trở. Thực tế, sự phát triển mỗi địa phương qua mỗi nhiệm kỳ đều mang dấu ấn của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thể hiện càng rõ nét khi bí thư cấp ủy hội đủ “3 cao” về “tính Đảng; trí tuệ; khát vọng cống hiến”. Với những phẩm chất đó, đội ngũ này thật sự tạo bức tranh sinh động về đổi mới, phát triển của địa phương.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công tác cán bộ phải đi trước một bước. Với những địa bàn bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương, nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực; nhiều vấn đề khó, phức tạp tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ được xử lý, giải quyết; khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, “một người làm quan cả họ được nhờ”; tác phong, lề lối làm việc được cải tiến, phát huy tính sáng tạo, năng động, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn; góp phần quan trọng trong xây dựng và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...

Nghị quyết số 26 (khóa XII) “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đặt ra yêu cầu đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác... Tuy nhiên, khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố cho thấy cả về số lượng và chất lượng bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Quá trình tổ chức triển khai bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, trong đó cơ chế, chính sách, quy định liên quan còn nhiều bất cập. Còn tình trạng, bố trí cán bộ “cánh hẩu”, chưa đủ “tầm” về những địa bàn có sẵn tiềm năng, nền tảng, thời cơ phát triển nhằm “ghi điểm” để bổ nhiệm vào vị trí cao hơn; cán bộ diện này về địa phương “dĩ hòa vi quý”, giữ mình hoặc lạm dụng quyền lực, độc đoán, chuyên quyền khi giữ cương vị bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26. Theo đó, trước hết các cấp ủy cần đánh giá, lựa chọn người thật sự có năng lực, phẩm chất tốt, đã khẳng định hiệu quả lãnh đạo, công tác qua thực tiễn đưa vào “nguồn” bí thư cấp ủy cấp huyện. Để cán bộ thuộc diện nêu trên được luân chuyển phát huy năng lực và làm việc hiệu quả, cần có cơ chế ưu tiên bảo vệ người tài, tạo điều kiện bảo đảm cho họ bộc lộ trình độ, năng lực lãnh đạo, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, không để rơi vào tình trạng bị cô lập, bị tập thể cấp ủy hoặc chức danh chủ chốt khác vô hiệu hóa. Cấp ủy cấp trên và ngang cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực đối với người đứng đầu; có cơ chế và nhiều kênh khách quan để giám sát, đánh giá, xử lý, kiên quyết ngăn chặn “lợi ích nhóm”, “bè phái”, “cánh hẩu”...; đồng thời sớm hoàn thiện cơ chế, chế độ, chính sách liên quan đến thực hiện chủ trương này.