Những ngày cuối năm

Thằng Tiến đang tha thủi góc sân, thấy bố về thì mừng quá hô hoán ầm lên. Chị Quỳnh ơi! Bố về là vế bồ rồi. Con bé Quỳnh phi từ nhà tắm ra, tóc còn ướt nhẹp, tay cầm khăn lau, tay sờ áo bố và trách. Sao bố về muộn thế. Ơ thì bây giờ bố mới xong việc. May mà bố không phải trực Tết đấy. Thế mẹ đâu?

MINH HỌA: PHẠM AN HẢI
MINH HỌA: PHẠM AN HẢI

Thằng Tiến nhìn ra đường và bảo mẹ đi làm tóc rồi bố ạ. Mẹ đi lâu chưa con? Con Quỳnh chun môi. Đi từ tám hoánh nào rồi. Quang nhìn khắp từ cửa vào nhà. Chao ôi là bừa bộn. Quang hối hai đứa trẻ con cùng dọn cho nhanh. Nhọ mặt người thì nhà sạch, sân sạch, phòng tắm sạch, bếp sạch. Quang mở tủ lạnh ra. Không tin ở mắt mình. Trong tủ lạnh có ba quả cà chua lăn lóc và mấy cọng hành héo úa. Ở ngăn kẹ có hai quả trứng gà. Hết. Hay vợ anh sắm Tết để đâu rồi nhỉ. Tìm khắp. Con Quỳnh hỏi bố tìm gì. Quang bảo tìm giò chả, thịt đông, bánh chưng, những thứ ăn Tết. Con gái Quang cũng ngạc nhiên. Làm gì có mà tìm. Mọi năm, Tết đến toàn bà nội nấu bố ạ. Với cả bố về mẹ mới nấu. Chứ bình thường mẹ có nấu ngon đâu mà. Thi thoảng là bác Ban nấu. Bác Ban nào? Bác Ban ngoài chợ, bác nấu chín rồi mang vào bố ạ. Quang ngây người.

Ừ thì Liên không nấu vì bận, thì cũng phải sắm về đây để anh nấu chứ. Đằng này, đến một mẩu xương cũng không có. Lấy gì cúng giao thừa đây.

Quang là bộ đội chuyên nghiệp, nhà mẹ vợ Quang là dân gốc ở đây. Ông bà có Liên là con gái duy nhất. Từ khi biết Liên yêu Quang, bà đã mặc cả nếu lấy nhau thì phải về nhà bà ở rể. Quang xét thấy mình út ít trong nhà và hai quê cách nhau chưa đầy trăm kilomet nên đồng ý. Mười năm cưới nhau, hai mặt con, đứa gái chín tuổi, đứa trai sáu tuổi, có đến sáu cái Tết ăn ở nhà nội dưới quê. Ba Tết ở thành phố chỉ có Tết này anh được nghỉ sớm. Mọi khi toàn trực, đến khi về nhà thì có gì ăn nấy, anh cũng không để ý, ăn một bữa rồi lại về quê.

Có lần chị gái Quang phàn nàn với Quang là “Mợ Liên về quê ăn Tết mà chả bao giờ sắm gì cho ông bà. Cũng chả bao giờ nấu nướng gì luôn, chỉ đến bữa sẵn ăn”. Quang gạt đi, chị khó nết, cứ soi em dâu. Em thấy vợ em có phải là người keo kiệt đâu. Rồi Quang tự nghĩ. Ừ nhỉ. Mỗi lần về quê, dù chợ ngay ở cổng nhà nhưng chưa bao giờ Liên mua sắm. Trong tủ có gì của bố mẹ chồng, Liên dọn ra, nấu bằng hết, còn không, thì kể cả một đĩa rau luộc Liên cũng bưng lên. Người phải liên tục chạy đi mua đồ ăn sẵn là Quang. Nói Liên không biết nấu ăn thì không đúng, bản thân Liên là cô giáo, rất thạo việc. Nhưng từ lần bị chị nói, chỉ sau Tết, Quang mới tranh thủ đưa vợ con về chơi một ngày rồi đi.

Nhọ mặt người thì Liên về. Tóc ép thẳng tắp. Ngó thấy nồi cơm sôi đang phì hơi, Liên hài lòng. Quang hỏi, Tết mà em không sắm gì à? Liên chỉ quả bưởi có cả lá trong cái rổ và bảo em mua mỗi quả bưởi của chị hàng rong từ hôm nọ, cứ mời mãi. Quang nói, vẻ rất nản, anh đưa em cả tháng lương sắm Tết mà em mua mỗi quả bưởi. Liên cười, bánh mứt kẹo, rượu cà phê thì anh đem về rồi, còn thức ăn thì ra chợ thiếu gì. Sao phải mua về chất vào tủ. Sáng mai mùng Một chợ mình đã bán đồ tươi ngon mà. Quang chỉ lên bàn thờ, vấn đề là bây giờ cúng tất niên. Không có gì thì cúng thế nào. Liên nhăn nhó, việc gì phải cúng tất niên, mọi khi em có cúng đâu. Đúng lúc ấy, mẹ vợ Quang từ trên lầu đi xuống. Bà hắng giọng: Năm nay anh Quang về ăn Tết sớm thế. Xưa giờ nhà tôi không cúng tất niên. Và thức ăn thì ăn ngày nào mua ngày ấy. Không nấu được thì mua sẵn. Vừa hôm nọ anh bảo anh trực Tết Ba Mươi, mùng Một, nay anh lại lù lù mò về, nó biết đằng nào mà lần. Đêm nay cúng giao thừa là được rồi. Quang không nói gì thêm nữa vội dọn cơm ra. Sáu con người quây quần bên mâm cơm sơ sài gồm một bát canh trứng, một bát muối lạc và đĩa nộm đu đủ. Đang xếp ban thờ thì thấy chuông cổng. Quang chạy ra thấy người ta đưa đến một con gà luộc nóng hổi, một đĩa xôi, cặp bánh chưng, nói là cô Liên đặt đồ cúng, đã trả tiền rồi, chú bưng vào.

Mười giờ đêm thì tất cả ba tầng nhà Quang đã yên như tờ. Quang mang ghế ra ban công ngồi chờ giao thừa trong một nỗi buồn khó tả. Biết thế, anh đã ở lại cơ quan trực Tết. Để thằng Tùng về. Nó náo nức vì năm nay vừa xây căn nhà mới cho bố mẹ và vợ nó vừa đẻ con trai. Còn Quang, cái thân đi ở rể cũng nhiều sự gò bó. Quang đã ki cóp được tiền mua được mảnh đất nho nhỏ ngoại thành. Bao lần bàn với vợ việc xây nhà ra ở riêng nhưng Liên từ chối. Liên bảo hoặc ở chung, hoặc bỏ nhau, anh đừng có nuốt lời. Cô ấy phải ở đây trông nom bố mẹ.

Gió từ sông Hồng thổi vào mang theo mùi bánh chưng, mùi dưa hành. Mang theo cả những tiếng hát từ một cuộc tất niên dai dẳng nào đó vọng lại. Quang nhớ mẹ anh, người đàn bà tần tảo, một đời lam lũ chiu chắt cho chồng con. Mẹ nấu những món ăn rất ngon. Từ miếng cá mẹ kho đến bát canh dưa sắn mẹ nấu, đến quả cà mẹ muối đều khiến Quang ngon miệng và no tròn bụng. Tuy nhiên, trước mặt vợ, không bao giờ Quang dám khen mẹ, sợ Liên tự ái… Quang nhớ bố, một quân nhân gương mẫu và chăm chỉ. Ông cũng cả đời lo lắng cho bốn anh chị em anh học hành đến đầu đến đũa, có công ăn việc làm.

Pháo hoa bung nổ từng chùm ở tượng đài trung tâm thành phố. Quang vội bưng đĩa xôi con gà ra chiếc bàn để giữa sân. Cả rượu, thuốc lá, trầu cau nữa. Anh lầm rầm khấn vái. Sau đó, anh vào nhà, gọi điện chúc tết bố mẹ. Bố Quang mừng lắm, tíu tít bảo cho bố gặp thông gia để chúc mừng. Quang bảo ông bà mệt ngủ rồi. Chứ chả nhẽ lại bảo ông bà không bao giờ thức đón giao thừa. Ông bảo gặp cháu thì Quang nói dối là bọn trẻ và mẹ nó lên chùa hái lộc. Mọi năm ở đơn vị, Quang gọi về nên bố anh không đòi gặp ai cả. Năm nay biết anh ở nhà ăn Tết nên ông mới thế. Có nhẽ, cũng chả bao giờ Liên gọi điện thoại hay chúc tết bố mẹ Quang. Nhưng hễ Quang nói là Liên bảo người nhà quê nặng lề thói, thành phố, Tết người ta toàn đi du lịch thôi kìa. Làm quanh năm, Tết nghỉ đi chơi chứ không phải để lao động nặng. Quang vừa tắt điện thoại thì thấy con bé Quỳnh đứng sau lưng. Bố ơi, sao bố lại nói dối ông? Ừ. May quá, con dậy cùng bố. Bố biết rồi, nói dối là xấu con nhỉ. Bố xin lỗi con. Chúc con gái bố năm mới xinh đẹp, học giỏi và mạnh khỏe.

Chiều mùng Một, bạn bè biết Quang ăn Tết ở thành phố thì kéo nhau đến. Quang giục vợ ra chợ vì trong bếp không có gì ngoài nửa cái bánh chưng. Liên ra chợ mua về được hai mớ rau và ít đồ đông lạnh. Một cậu bạn thấy thế bảo em có mấy con lóc cực ngon vẫn nhốt, để em về điều sang đây mình nướng làm mồi. Thậm chí còn nhanh hơn cả thời gian Liên đi chợ món cá lóc bỏ lò được làm xong. Quang lên lầu mời bố mẹ xuống ăn cơm nhưng ông kêu bố mệt lắm, còn bà xuống đến cầu thang thì bịt mũi. Bà chỉ tay. Này! Ai cho mùng Một đầu năm các anh mang cá mú tanh tưởi đến nhà tôi hả? Ai cho các anh sát sinh ở nhà tôi? Rồi bà ngoay ngoảy đi lên. Bạn bè Quang giơ cốc chạm nhau trong lặng lẽ rồi chào về. Quang buồn muốn khóc. Còn Liên thì im lặng.

Mùng Tám tháng Giêng, ông ngoại bọn trẻ nhập viện. Lần này bệnh suy thận mạn tính trở nặng hơn, chân sưng vù, ông phải nằm lại điều trị. Liên bảo Quang lấy phép đơn vị về chăm bố. Quang không thể thoái thác và anh cũng không có ý định thoái thác. Tám đêm nằm co ro trên cái giường gấp ngoài cửa phòng bệnh, râu tia tua tủa, mắt trũng sâu. Đồ ăn của hai bố con, Quang tự ra cổng mua, rảnh thì xoa bóp chân tay cho ông cụ. Quang nghĩ mình bộ đội, chịu đựng gian khổ quen rồi. Liên mà thức đêm thì hôm sau lên lớp chỉ ngáp. Sáng hôm cuối cùng của kỳ phép, Quang gọi điện báo cho Liên biết để Liên thu xếp nhờ người. Liên bảo, thế cũng phải hỏi. Anh đi làm thì cho bố về nhà, ở bệnh viện ai trông? Sao em không lấy phép? Em không nghỉ được. Anh có muốn em bị chuyển đi xa nhà không. Mà một năm bố nằm viện mấy lần, chứ có phải chỉ lần này đâu. Quang thật sự điên. Nhờ một cô đi trông người nhà để ý ông, anh phi về nhà. Liên chuẩn bị đi dạy, Quang bảo em cứ ngồi đây anh nói vài phút. Sau một hồi phân tích kèm dẫn chứng nọ kia, Liên trợn tròn mắt. Anh hay nhỉ. Chả phải từ khi về đây ở rể, bố đã bảo coi anh như con trai bố rồi là gì. Thì anh phải lo cho bố chu đáo khi bố ốm chứ. Em đi đây, chả muộn. Nói rồi Liên dắt xe ra cửa, hòa vào dòng người tấp nập. Quang giật mình. Mới rằm tháng Giêng thôi sao.

Mẹ vợ anh đi từ lầu xuống. Bà nhẩn nha, vừa nói vừa thở. Cũng nói để anh biết là ngày xưa, bố con Liên phải thuyết phục tôi ròng rã nửa năm trời, tôi mới đồng ý để anh làm rể nhà tôi. Chứ tôi là không thích nó lấy chồng bộ đội. Nhà tôi thì đã hiếm người rồi. Mà bộ đội như anh thì đi biền biệt. Chả đánh đấm gì anh cũng biền biệt. Tôi hỏi anh, một năm anh ăn ở nhà với vợ con anh được mấy bữa mà nó phải bày đặt nấu ngon với không ngon? Tôi ăn chay niệm Phật kiêng sát sinh. Bố anh vừa suy thận, cao huyết áp, tiểu đường, cũng ăn kiêng. Con anh thì ăn trưa ở trường, tối mới ăn nhà. Vợ anh thì đau dạ dày, ngày lại dạy hai buổi, tối kèm con cái. Nếu anh để ý, đến bữa, nó chỉ ăn một lưng cơm với muối vừng. Rồi đêm đến nó ngủ rất ít, ba giờ sáng đã đau không ngủ được. Anh bảo chúng tôi ở nhà mâm cao cỗ đầy gì mà khi anh về thì đối đãi với anh thế. Anh thích ăn gì thì mua về mà ăn hoặc bảo vợ anh nấu cho chứ. Tết tư, anh bảo bạn anh mang đồ đến góp để trả đũa vợ anh à? Tết của bộ đội thì phải khác với tết của dân thường à? Anh bảo vợ anh keo kiệt à, tiền lương anh đưa để đâu à? Lương anh đưa, nó tiết kiệm được một cục để đợi khi nào anh rời quân ngũ ra ngoài còn có vốn làm ăn đấy. Anh nhìn xem, con gái tôi khác gì con mõ mưa không?

Bà mẹ vợ nói một hồi rồi ngồi bệt xuống bậc thang mà thở. Quang bất giác nghĩ đến vợ. Đúng là, Liên gầy tong teo, chỉ độ bốn nhăm cân. Khi không trang điểm, mắt quầng thâm, da tái mét. Vừa hay lúc ấy có điện thoại, tiếng cái chị người nhà bệnh nhân: “Anh gì ơi, vào bệnh viện làm thủ tục cho ông cụ ra viện. Bác sỹ bảo cụ ổn rồi, ra viện được rồi”. Quang thở phào nhẹ nhõm. Anh lại vội vàng quay trở lại bệnh viện.

Từ đầu hành lang, Quang đã thấy ông cụ tóc trắng phơ, run rẩy đứng dựa cửa như ngóng đợi. Trông thấy anh, ông vội bảo, sao con về lâu thế, đi làm thủ tục cho bố ra viện. Một bà đi chăm con hỏi, con giai cụ đấy à? Anh ấy chịu khó quá, chăm bố rất khéo. Ông cụ phều phào đầy tự hào. Con rể tôi đấy. Nhưng tôi coi nó như con giai. Và nó cũng rất thương tôi.

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU

Càng đọc, tôi càng nóng hết người và muốn tìm đến người con rể kia để hét to lên rằng: Rời khỏi ngôi nhà ấy ngay. Hãy sống cuộc sống của mình đi! Một cô vợ như vô cảm, một bà mẹ vợ cay nghiệt, một gia đình không phải là tổ ấm... Cuộc sống của người đàn ông kia như chẳng có ai để sẻ chia và đồng cảm, chẳng còn ai hiểu được sự tử tế của mình. Nhưng đến cuối truyện thì mọi cảm tính của tôi đã tan biến.  Một người hiểu ta, yêu thương ta như ruột thịt hiện ra. Đó chính là nhân vật ông bố vợ. Niềm hy vọng vào một thế gian tốt đẹp lại hiện ra. Mà có lẽ đó chính là hiện thực của đời sống này.

Nhà văn Tống Ngọc Hân đã “lừa” được tôi, đã dẫn dụ tôi vào thế giới của chị. Một thế giới khiến cho tôi nếm mùi thất vọng. Nhưng đến khi sự thất vọng về con người tưởng rơi chạm đáy thì chị lại đặt tôi lên bến bờ của hy vọng về con người.