Một ông già mù

Ông già mù đó chiều nào cũng ra ngồi trên cái gốc cây mù u bị cưa cụt. Ông đi một mình, con mắt không thấy ánh sáng mặt trời, chính trí nhớ của ông là thứ ánh sáng rõ ràng nhất và hữu dụng nhất lúc này, con đường vẫn mở ra trước ông không chút khó khăn gì. Cái vẻ tự tin đó, từ cái dáng lưng thẳng, hai vai dang rộng đánh cánh tay một cách khoan thai theo đôi chân bước, những bước phóng khoáng không chút do dự nào. Nhìn từ sau cái tấm lưng già đó, người ta khó biết ông bị mù. Chiều nay, ông lại vác cần câu cá và một mớ mồi ra bến Dốc Cái, buông dây cần từ chỗ cái gốc mù u cụt thân kia, cho đến khi lại hết một buổi chiều.

Minh họa | Đặng Tiến
Minh họa | Đặng Tiến

Ông già từ tốn ngồi xuống, cái cây mù u còn lại chỉ là một gốc trơ lên khỏi đất, khiêm tốn chừng hai tấc, một chồi nhỏ nhú ra từ thân cố sức như một hơi thở hấp hối của một người gần lìa đời. Mặt cắt nhẵn trụi, chỗ quen thuộc của ông già mù, cái lon đựng mồi giun ông để bên phải cho thuận tay móc, cái thùng nhỏ kẹp giữa hai đùi. Ông già đã ngồi vào chỗ cũ! Trời chiều chưa xuống thấp, nắng còn vàng dù đã bớt gay gắt hơn. Bóng nắng rọi ngược từ sau lưng, mặt nước sóng sánh làm cái dáng ông in trên sông lượn lờ như một tấm vải bị gió giũ.

Nước chảy vô, sông sắp đầy nên trôi thong thả, cho đến lúc nước đứng nghĩa là sông đã no đầy. Ông già biết được, hết sức chắc chắn, nhờ cảm giác truyền từ sợi dây câu dù tín hiệu đó rất khẽ. Những giác quan của ông nhạy bén một cách không ngờ, như được đánh đổi bằng ánh sáng của đôi mắt, da ông nhận biết được nhiều hơn là một cái chạm đơn thuần. Tuổi già, ông không muốn thấy nhiều nữa, cả đời thế là đủ. Người thay đổi, xóm làng thay đổi, thế giới thay đổi thì trong cơn mơ của ông, mọi thứ vẫn với mầu sắc cũ, những hình ảnh không đổi khác. Hôm nay, ông ra sông sớm hơn thường ngày.

Thỉnh thoảng dưới mặt sông Dốc Cái, những con cá lại quẫy đuôi chong chóc, rồi nhanh chóng lặn mình. Những con cá ốm vì đói, mình dài và cái đầu chơ vơ. Ông già ngồi trên gốc mù u, dáng vẻ đầy kiên nhẫn. Chẳng lẽ chạy đua cả đời sao? Phút giây này, những buổi chiều nắng sưởi lên tấm lưng của ông, cảm giác như sau lưng ông lúc nào cũng bạc hơn phía trước. Ông thong thả buông cần, chờ đợi. Những ngón tay xương xẩu, vết chai cứng ôm lấy nhánh tre mỏng cong. Sợi câu vô hình, lưỡi câu giấu sẵn trong mồi trùn cũng coi như vô hình. Chỉ có ông già ngồi trên bến, lũ cá đói thèm mồi. Cuộc ăn này có thể đánh đổi nhiều thứ!

Gió thổi từ bên sườn trái ông già sang, mặt nước đã tĩnh lại vừa gợn mấy lằn sóng. Sợi câu có run lên một chút, nhưng cái nắm tay của ông chưa cảm nhận được chút tín hiệu khả quan nào từ lũ cá. Chúng chưa thèm nếm thử dù là phần mùi hòa lẫn trong nước. Dĩ nhiên cần nhiều thời gian. Buổi chiều chưa xuống sâu.

Ông già đang đợi, một điều lớn lao hơn là chờ cá đớp mồi. Thằng con ông, trí nhớ chỉ kịp lưu lại hình ảnh của nó lúc năm hai mươi chín tuổi. Tuổi đó nông nổi và vội vàng, khó tránh dại dột. Ông thường tự an ủi mình bằng suy nghĩ đó. Ông già nhớ rõ mùi những nùi tóc của con mình, bụi cám phủ trắng sau mỗi lần đi từ nhà máy gạo về. Sức vóc đó ông tự hào nhất, nó đi vác lúa từ năm mười bảy, ăn lương như những người đàn ông khác. Mỗi chiều nó về, ông kịp mang cá câu từ sớm, đem kho kẹo nẹo rồi cha con ngồi ăn cùng. Ông nói chuyện nhiều, thằng con chỉ nghe và nuốt vội. Nhưng đó chỉ là chuyện của quá khứ. Đôi lúc, quên mình bị mù, trong mâm cơm ông thấy được thằng con ngồi đối diện. Vẫn cái điệu bộ đó và ít nói, ông thì càm ràm mãi. Chỉ những buổi đó, đầu óc ông già hơi lú lẫn. Mâm cơm chỉ có mỗi tiếng của ông, đến lưng chén thì giọng im bặt, tiếng đũa hình như cũng khẽ khàng hơn.

Cái cần câu vẫn không có chút động tĩnh gì. Ông cũng gần như chưa một lần nhúc nhích. Bây giờ, ông chỉ là một người giáo già chẳng đi đâu xa hơn gốc mù u cụt này. Về hưu đã được gần mười năm nay và sống bằng số tiền lương hưu ít ỏi. Mỗi chiều ông dành chút thời gian ra bến sông câu cá, thêm một món cho bữa cơm có chút vị ở đầu lưỡi. Cá rô mùa này không được béo lắm, ốm trơ mình.

Nhà ông cách chỗ này chỉ một đoạn ngắn, tai ông dõi được đến đó. Ngôi nhà nhỏ, rách nhiều chỗ và chắp vá rất trẻ con. Nhưng không mấy bận tâm, ông mù. Những vị trí của ghế, bàn, chai dầu gió hay mấy món đồ đạc quen thuộc... không được khác. Nó phải phụ họa cho cái trí nhớ hoàn hảo của ông. Ông ăn cơm ngày hai buổi, người em dâu của ông nấu từ bên nhà mang sang. Mỗi tháng tiền lương hưu của ông cũng do người em dâu đó giữ. Dù sao người mù giữ tiền không an toàn, hơn nữa ông lại già quá.

Một bóng cá vừa lặn xuống sau cái quẫy đuôi, nước động ngay sát chỗ thả câu. Có lẽ chúng đã phát hiện ra chỗ mồi trùn của ông già mù. Dù có chút dè chừng, nhưng chắc chắn miếng mồi ngon đó không thể nào kiềm lòng được. Chỉ chút nữa thôi, miệng cá đớp mồi, lưỡi câu vùng vẫy trong nước. Loài cá rất đơn thuần, dù đồng loại nó mới hôm qua cũng bằng cách thức đó mà lìa khỏi sông. Lìa khỏi sông cũng bằng như chết. Cá cần nước, tuổi già của ông cần nhiều hơn là thức ăn và cái nhà xập xệ kia.

Ông có một bà vợ, người cùng xóm quen nhau từ lúc nhỏ. Lớn lên làm đám cưới cũng không hẳn là yêu, họ gần tuổi nhau, vừa một đôi nên đến khi cần cưới là mang trầu cau sang rước về. Suốt mấy năm sống chung chưa bao giờ vợ chồng ông lớn tiếng cãi cọ. Vợ ông giỏi giang lại ít nói, luôn chăm sóc chu đáo đến những chuyện nhỏ nhất trong nhà. Ông làm nghề giáo, mỗi sáng chỉ cần chút tiền đủ để uống một ly cà-phê là được. Không có lý do nào để họ có thể lớn tiếng, cuộc sống bình thản, êm đềm. Năm vợ ông mất cũng là năm thằng con ông chào đời. Nó không biết mặt mẹ chứ đừng nói là nhớ, đẻ khó, vợ ông mất lúc đứa nhỏ còn đỏ hỏn trên tay, mắt nhắm tịt. Ông một mình nuôi con lớn, không có mẹ nên nó ít nói, chắc vậy, ông dạy học nhưng con ông học rất dốt. Năm mười bảy xin cha cho đi vác lúa đằng nhà máy gạo. Tuổi đó nhưng dáng người nó đã phổng phao, ngày lương đầu nó mua về một ký thịt heo. Tháng sau thêm nửa lít rượu trắng, hai cha con uống với nhau trong im lặng. Ông hối hận vì lần say đó, làm thầy giáo nhưng ông không dạy con được, nên bữa rượu uống đầy vị cay đắng...

Con cá vừa đớp mồi của ông một lần, còn rụt rè, ông nghe tiếng cái phao câu vừa lún xuống rất khẽ. Rồi lại nằm im như từ ban đầu vẫn vậy. Con cá này ranh! Nhưng ông biết, càng nhấm nháp thì càng không thể dứt ra được. Lần nhấm nháp đầu tiên đã báo hiệu cho những lần sau đó. Khi cơn thèm được kích thích thêm chút mùi vị, nó sẽ không dừng lại được.

Hôm nay có vẻ như chậm, con cá này làm tốn nhiều thời gian của ông. Thường ngày đến lúc này đã có mấy con cá trong cái thùng nhỏ, phải ít nhất cũng vài lần móc mồi. Cái kiểu dè chừng của con cá này như là đã biết được ông già từ trước, và miếng mồi lạnh ngắt vì cái móc kim loại giấu bên trong nó nhận ra được. Nó chần chừ, như người ta ngại ngùng đi xin một miếng bánh trong khi bụng đói cồn cào. Cái danh dự của một con người là quý lắm chứ, nhưng bụng đói thì cũng đành. Một lúc sau, con cá lại nhử mồi lần nữa. Ông già không gấp gáp gì, ông kiên nhẫn đợi. Cảm giác có chút thú vị khi ông nghĩ về con cá đang đắn đo dưới mặt nước kia. Ông nghĩ về con cá nhỏ, hình dung nó ốm hơn mọi con cá nào khác ông đã từng câu. Không biết, nhưng có lẽ ông cảm giác được như thế. Cả cái cách nhử mồi của nó nữa, nó làm ông liên tưởng nhiều. Lại một lần nữa, ông nói: “Con cá này ranh!”.

Ngày hôm qua, cũng chỗ gốc mù u cụt quen thuộc như mọi ngày nào khác, ông câu được nhiều. Ông có cái món giật cần xéo sang một bên, và canh rất chuẩn, bảo đảm không để vuột mất một con cá nào. Cứ mỗi lần câu được, ông lại giương tay trái dài ra, lần mò sợi dây câu cho đến khi chạm được con cá. Ông ghìm cơn giãy của nó trong lòng bàn tay mình, rồi dùng tay kia tháo lưỡi câu ra. Một cách thành thạo và lành nghề. Lại thêm một lần móc mồi, dây câu được thả xuống. Và chờ đợi... Ông cho rằng mình giỏi chờ đợi, ông đợi cả ngày để đến chiều ra gốc cây này ngồi, và đợi cả buổi chỗ đây để móc tiếp mồi câu... Ông chưa bao giờ nghĩ mình vô dụng, nhưng lúc câu cá ông già mù cảm thấy tự tin vào bản thân mình nhất. Mỗi chiều, ông mang số cá rô này sang nhà của người em dâu. Ngày nào cũng có món cá nhưng ông không chút phàn nàn. Ông nhấm nháp như đang thưởng thức thành quả của mình. Ông tự hào vì sự kiên nhẫn, chờ đợi không làm ông mệt mỏi. Phải, ông già này rất giỏi chờ đợi!

Nhưng thằng con ông thì khác, chẳng phải vì đó mà nó đã không ở chung với ông gần mười năm nay? Sự thất bại của một con người khi không có được kiên nhẫn, nó lại không bao giờ do dự. Ông già mù nghĩ, mình đã để vuột mất nó từ lúc nhấm nháp cái chung rượu với con mình. Như một sự thỏa hiệp, đứt khỏi dây câu của ông từ lúc đó. Và thằng con ông bơi một cách cuồng nhiệt, như trốn chạy.

Trong trí nhớ ông, hình ảnh đứa con rõ mồn một cái tuổi hai mươi chín sung sức, những bắp thịt của dân khuân vác nổi cộm. Nhìn cái mặt biết tính khó khăn, góc cạnh cứng như được thợ mộc đục những đường thô lên gỗ. Da nó chắc cũng cứng như gỗ, ông nghĩ. Ông là một ông giáo già, cũng khó tính, con ông học được cái đó nhiều nhất từ cha, dù không cần dạy. Rõ ràng không có mẹ là một mất mát lớn trong đời con người.

Ông lại nghĩ về con cá. Nó vờn mãi mồi, chỉ mỗi con cá đó. Nó ranh mãnh hơn ông nghĩ. Sau một quãng lâu, nó lại rỉa mồi, lần thứ ba. Vẫn cái kiểu dè chừng đó, như do dự. Đúng thật chiều nay là một buổi câu thất bại. Ông già mù không có ý định nhấc cần lên để xoay sang một vị trí thả cần khác. Ông quyết câu con cá đó bằng được, nhất định phải là con cá đó. Ông khó tính với chính bản thân mình, nhưng với đứa con thì mềm lòng. Đó là một sai lầm to lớn của ông!

Cái thằng con ông, nó ít nói. Ông không biết gì nhiều về nó dù là cha, càng lớn nó càng lặn sâu hơn trong cái thế giới riêng của mình. Ông già mù nằm ngoài, hoặc từ lúc đó đã mù rồi. Cái nhạy bén của một ông giáo nhiều năm không giúp gì được. Những câu chuyện luyên thuyên của ông bên mâm cơm không chạm đến được con mình, như cái dùi cố mãi không gõ tới mặt trống. Nó chỉ ngồi đó mà ăn cơm. Đến cả lúc thằng con ông bị còng tay bắt đi ngay trước mặt mà ông già còn không biết chuyện gì. Thất bại. Ông tự trách mình! Những tháng cuối cùng trước lúc về hưu, ông dạy đám học trò với một sự xấu hổ, không phải vì thằng con mà là vì chính bản thân ông. Khi không dạy được con mình làm sao có thể dạy được những đứa con của người khác? Mất niềm tin vào bản thân là một mất mát lớn. Ông trở về nhà, ngán ngẩm nhìn những chỗ dột nát. Gần hết đời ông không làm được cho nó khá hơn mấy. Chẳng vì thế mà con ông đã làm chuyện không đúng đó ư? Nó thiếu kiên nhẫn. Ông lại chần chừ, và chỉ biết ngồi đó mà chờ đợi.

Con mắt ông bắt đầu mờ đục, rồi mù hẳn. Nó đã mệt mỏi đến thế rồi. Ông dần dần làm quen không một chút phàn nàn hay đau khổ. Những giác quan khác bắt đầu nhạy cảm hơn lúc trước. Nhờ trí nhớ dẫn đường, nên ông già mù chỉ sống đúng một ngày duy nhất. Lặp đi lặp lại như tua một đoạn đĩa, biết trước được đến đoạn đó sẽ xảy ra chuyện gì. Những buổi câu là lúc ông cảm thấy thanh thản nhất, chờ cá đớp mồi là một cảm xúc không nhàm chán... Con cá kia lại đớp mồi một lần nữa. Lần này, nó mạnh dạn hơn, nhưng chưa đủ. Ông già không vội giật cần.

Nó phải là một con cá đói lắm. Ông cho rằng con cá biết nhiều hơn là một miếng mồi ngon. Rõ ràng nó đã nhận ra cái bất thường, hoặc đã quan sát từ nhiều ngày trước. Khi chứng kiến những cuộc ra đi của đồng loại, ông nghĩ, con cá đó những ngày trước đã cười nhạo. Nó cho rằng mình khác biệt và chiêm ngưỡng những cuộc vượt mặt nước trong con mắt của kẻ khôn ranh. “Hôm nay sẽ tới lượt mày” - ông già nói. Nó đã nếm mồi lần thứ tư rồi, chắc chắn không thể kiềm lòng được nữa, dẫu có khôn cách mấy. Cơn đói sẽ giết chết nó. Đến con người cũng dễ dãi với mọi thứ khi đói thì cá có là gì.

Như thằng con ông đấy, nó muốn có tiền. Nghề khuân vác đó vất vả nhưng kiếm chẳng được bao nhiêu, lương của ông già mù cũng nghèo nàn quá không lo được mọi thứ trong nhà. Ông đến buổi xét xử con trai mình, chèn ép những dấu hỏi trong đầu. Chỉ những dấu hỏi. Người trong xóm, cả cô em dâu níu ông lại hỏi chuyện. Ông trả lời bằng con mắt già nhăn nheo ứa nước, miệng mếu xệ. Không nói được và cũng không biết nói gì. Đến ông cũng đang đặt những câu hỏi đó cho chính bản thân. Thằng con ông muốn có tiền, nhanh chóng và lén lút. Tòa tuyên án mười năm tù, tuổi trẻ nó gần như bị giết chết. Lúc người ta dẫn con ông ngang qua, nó nhìn ông. Nó thấy được cái già nua của cha mình, chắc chắn là vậy, lần đầu ông thấy đứa con mình khóc, dù giọt nước mắt đó rớt xuống không đọng lại chút gì, cả cái khuôn mặt không thay đổi biểu cảm.

Lần thứ năm, con cá đã đớp trọn mồi giun. Sợi dây truyền đến ông một lực giật vừa phải, không dữ dội. Như con cá đó không bất ngờ bởi cái lưỡi câu nằm sẵn. Nó cam chịu. Cái phao câu lún xuống, vẽ những vòng tròn chạy rộng ra mãi. Lần này, con cá đang cười nhạo chính mình. Hẳn vậy. Cơn đói đã làm nó ra tầm thường. Nó thà được đớp miếng mồi cuối để chết một cách tầm thường. Và cái kiêu hãnh trong nó cũng chết. Nó chỉ là một con cá, không hơn không kém.

Ông già giật cần. Con cá nhỏ tung mình lên không trung. Ông hình dung nó đang uốn cong đuôi, mắt nó đang nhìn mình. Vẫn những thao tác cũ, thuần thục, ông già gỡ cái lưỡi câu ra rồi bỏ con cá vô cái thùng nhỏ. Lại thêm một lần móc mồi...

Vài tháng nữa con ông sẽ được về nhờ cải tạo tốt. Ông già mù vẫn giỏi chờ đợi, mấy tháng đó không nhằm nhò gì. Ngày về, nó sẽ bắt đầu lại. Ông sẽ không để vuột mất con mình lần nữa, không phải bằng lưỡi câu giấu trong mồi. Ông tin giọt nước mắt ở phiên tòa đó không dễ dàng trôi đi. Ai cũng cần có cơ hội để làm lại, và niềm tin mãnh liệt của ông sẽ là một động lực lớn cho đứa con của mình.

Ông già vẫn ngồi đó, buông cần chờ đợi...

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Tôi là người đi câu suốt tuổi thơ của mình cho cả đến khi lớn lên. Nhưng lần đi câu nào cũng hồi hộp. Bởi dưới làn nước kia luôn chứa đựng những bí ẩn và bất ngờ. Và giờ đây, tôi thấy cuộc câu của ông già mù còn bí ẩn hơn và chứa đựng một bất ngờ lớn hơn bất ngờ của tất cả những con cá sẽ được kéo lên. Chính vì điều đó mà tôi đợi chờ cho đến phút cuối cùng của câu chuyện mà nhà văn đã kéo tôi vào giống như miếng mồi ngon mê dụ con cá. Người câu mù ấy cuối cùng đã câu được tôi, một bạn đọc. Con cá mắc lưỡi câu bị kéo ra khỏi thế giới nước của nó và sự sống của nó kết thúc. Còn tôi được kéo ra khỏi những câu hỏi của mình về người câu mù ấy. Tôi đã tìm thấy câu trả lời trong thông điệp về niềm tin bền bỉ vào cuộc đời nhiều buồn bã và bất hạnh đến tưởng như không có thật mà nhà văn đã mang tới cho tôi. Đến khi kết thúc câu chuyện thì người câu giỏi nhất mới xuất hiện: đó là nhà văn.