Tiếng hót sổ lồng

Một mùa nắng đẹp trải trước sân nhà, lúa vàng đồng oằn bông trĩu hạt. Những ngọn gió lơ thơ chở theo vài cọng rơm vàng rơi trên nền gạch, con chim sẻ nâu từ đâu sà xuống lượm lấy rồi vút bay lên tán lá. Chút xíu nó lại nhả cho rơi mấy vỏ trấu trên sân. Ông già thấy lạ nên ngó lên, một cái tổ rơm treo lủng lẳng.

Tiếng hót sổ lồng

Ban đầu nghĩ rằng tụi chim này tha trúng lúa lép hoặc vỏ trấu nên nhả bỏ lại trên sân. Nhưng sau mấy lần, làm cho ông già nghĩ ngợi. Ông thấy thương tụi chim non mới nở trên tổ rơm hơn là muốn thử nghiệm tụi chim trưởng thành, nên bốc ra nắm lúa để trên sân, rồi ngồi trong nhà ngó coi tụi nó ăn hay tách vỏ?

Tụi chim sà xuống lần nữa, đông quá và nhanh quá nên ông nhìn không ra tụi chim làm những động tác gì. Khi lũ chim bay đi hết, bước ra sân ông mới giật mình ngó bụm lúa hóa trấu vương vãi trên sân. Vậy đúng là tụi nó tách vỏ trấu rồi…

Cảnh đó chỉ xảy ra khi ông già vừa mới nghỉ hưu, chứ trước đó ông không ưa tụi chim sẻ nâu này. Không ưa bởi những điềm báo kiểu như một con chim bay kề bên mặt lúc ông đang chạy xe ngoài đường, làm ông nghĩ ngay đến câu ông bà xưa dặn lại "chim sa cá nhảy". Thể nào cũng có chuyện không lành xảy ra. Ý nghĩ bay đi chưa quá xa thì ông vượt qua đèn đỏ ngã tư, đâm vào mấy chiếc xe đang đi, trầy chân rớm máu. Ông giận dỗi tụi chim và cái điềm báo ác nhơn, chứ thường ngày làm gì có chuyện ông vượt đèn đỏ…

Tụi chim lại thêm lần làm nỗi giận của ông nghi ngút lên. Một bữa buồn tênh, con chim sẻ già đâm đầu xuống sân nhà, chết toi ngay trước ngạch cửa. Sáng sớm vừa bước ra, ông thấy như ngày mới bắt đầu tối sầm và ảm đạm. Đem xác con chim cho vào thùng rác, trở vào nhà với mớ bùi nhùi ý nghĩ "chim sa"… Hôm đó ông cáo bệnh với cơ quan, kể cả cuộc nhậu liên hoan ban chiều. Nghĩ rằng ắt trong cuộc nhậu ấy, sẽ có thức ăn bị ngộ độc, hoặc có cái bếp ga tự dưng nổ phựt… Ông nằm võng lắc lư nghe ca cổ, vẫn không quên lấy một sợi dây dù buộc kèm dây võng, "cho chắc ăn!".

Tối đó cả bàn nhậu gào thét trong điện thoại: "Trúng số rồi đại ca ơi!". Ông già một tay đập lên trán, một tay nắm lại như đang siết chặt xác con sẻ tự tử trước nhà sáng nay. Rồi ông hét lên bằng tất cả uất hận, giận dỗi, căm hờn: "Mẹ bà… Chim sa cá nhảy!".

Mấy chuyện trên tưởng chừng ông đã quên từ lâu lắm rồi. Vì sau vụ "chim sa" đó, ông lấy ná bắn tụi chim quanh nhà. Nhưng chợt giật mình khi nghĩ, làm vậy hàng xóm sẽ rêu rao ông thất đức. Ủ mưu mấy hôm, ông mới quyết rằng sẽ làm một cái bẫy chim bằng keo, đính kèm với một máy phát ra âm thanh chim sẻ gọi bầy.

Để được mớ âm thanh làm mồi dụ dỗ, ông tốn nắm cơm nguội, dụ tụi chim sà xuống hót gọi nhau rồi thu thanh vào một cái máy. Lắng tai nghe thử máy, tiếng tụi nó gọi nhau đến mình nghe còn hứng khởi, nói chi tụi chim. Vậy là sáng bữa sau, ông gắn cái máy trên sân thượng. Hàng xóm đi qua khen, tụi chim bữa nay hót rộ nghe đã thiệt. Nhưng từ ba hôm sau đó trở đi, không còn nghe thấy tiếng chim sẻ nữa. Ông nằm võng ngó ra sân, nhịp nhịp chân và hát: "Có những tiếng hót đỉnh cao nghệ thuật, vút bay lên, bay lên một lần duy nhất trong đời". Lời giải thích rất hợp lý với những đứa trẻ trong nhà, cứ thắc mắc hoài sao sáng nay không thấy bầy chim?

Đã quên hơn một năm rồi, khi cái bẫy lâu lâu vẫn kêu, mà không con sẻ nào còn để dính. Nhiều lúc ông nghĩ, cũng có thể tụi chim đã biết được cái bẫy là cánh cửa mở vào địa ngục, qua những cuộc ra đi không bao giờ trở lại của anh em mấy đời nhà chim sẻ, nên không dám sà vào, cũng không dám lảng vảng quanh đây.

Từ lâu, không có tụi chim, ông đã quen cảm giác vắng lặng phăng phắc như ở một nơi không có thiên nhiên, mọi thứ đều được bao quanh kín mít. Vậy mà sáng nay ông giật mình thấy mấy con sẻ từ đâu bay sà xuống sân, vừa múa vừa lượm lúa rơi, rồi vút bay nhanh thiệt nhanh. Ban đầu nghĩ, chắc tụi chim sợ… Định sẽ lên sân thượng bật cái máy bẫy chim lâu rồi không kêu, nhưng ông dừng lại xem tí đã, coi tụi nó làm sao mà vẫn còn sống sót tại nơi này. Và ông bắt gặp cảnh con chim tách hạt lúa ra thành vỏ trấu, mớ gạo tụi nó tha đi, vừa bay vừa nhai ngạo nghễ…

Chuyện phát hiện con chim sẻ biết tách vỏ lúa được ông đem ra bàn cà-phê kể lể. Mấy ông bạn già vỗ đùi, phát hiện độc đáo, có thể sáng kiến ra máy xay lúa tự nhiên chăng? Có ông chắc nịch, có thể khi ăn gạo, con chim sẻ sẽ khôn hơn, hót hay hơn. Một ông trầm ngâm hồi lâu rồi nói, tụi chim rất nhạy cảm với vạn vật nên có những khả năng đặc biệt, như những điềm báo của chúng, rất chính xác. Nếu được nuôi dưỡng, có thể những điềm báo sẽ được cụ thể hơn để mình biết mà tránh. Riêng ông nghĩ rằng, nhốt bầy chim lại, có thể mang lại cho ông những lợi lộc rất cần…

Một khu vườn khép kín được làm ngay ở sau nhà. Những hòn non bộ rong rêu, suối róc rách chảy cùng bầy cá con con lội ngược, cây xanh um và có những bầy sâu… Khi rào xong mớ lưới kẽm bao quanh khu vườn, ông đắc chí: "Chim có chết trong đây cũng là chết vì già yếu, nên không thể nào mang điềm xấu cho mình được".

Ông ra sân Miễu Bà, nơi có hàng trăm lồng chim được người ta đem đến bán. Người đi cúng lễ, phần thì cảm động khi nhìn ánh mắt khẩn cầu của tụi chim; phần vì muốn gửi gắm cầu mong đến Trời Phật thông qua việc cứu những sinh linh sống sót. Người xóm Miễu đồn rằng, cứu vật thì vật trả ơn chứ không như cứu nhơn thì nhơn báo oán. Câu đó ông bà đúc kết dạy lại con cháu từ rất lâu, nên người ta không ngại tốn ít tiền thả vài chục, vài trăm con chim, ngó tụi nó tung bay về trời, lòng thấy nhẹ nhàng thanh thản lạ. Họ không biết, nhưng ông biết, tụi chim bị cắt đi lông cánh nên không bay được xa đâu, đôi ba hôm chim lại sa bẫy nữa, rồi được đem ra sân Miễu Bà để người đi lễ bái mua thả lại với thiên nhiên.

Ngó trăm lồng chim, lòng ông cũng nghe xôn xốn. Ông quyết định mua hết tất cả các lồng, đem về nhà chứ không thả cho bay.

Ông cầm từng con, âu yếm dặn dò rồi thả vào khu vườn tự nhiên mới được xây xong. Chỉ hai hôm là mớ cá, sâu cạn kiệt. Ông trố mắt nhìn cảnh đó, rồi cho trang bị ngay lại mớ thức ăn. Sao cho thật tự nhiên, sao cho thật sống động…

Sang tuần thì bầy chim bắt đầu rộn rã véo von. Những tiếng hót nhẹ nhàng thanh thoát. Sang tháng thì bắt đầu có con chim tước lá kết tổ. Cái tổ nho nhỏ nằm nép trên tán cây, vậy mà vẫn không khỏi nhiều lần bị mấy con chim to hơn quấy phá. Lúc ngó nhìn cái tổ lá xác xơ, ông chủ chợt thấy cần có sự công bằng hơn giữa chim lớn và chim nhỏ, tránh tình trạng sẽ tuyệt chủng một giống chim nào đó trong khu vườn.

Những tấm kính bắt đầu xuất hiện, ngăn tụi chim vào mùa sinh sản sang một bên, an toàn tuyệt đối. Bầy sẻ sẽ an tâm hót những bài ca trong một khung cảnh lý tưởng, công bình… Có con ngó ông gật gù, ông thổi thổi huýt sáo: "Hót đi con, hót vầy nè. Chuýp chuýp chuýp". Ông quay sang con sáo vừa lột lưỡi đang đứng trên nhánh cây, ông đưa nó miếng mồi, con chim vừa mổ vừa ngó ông, lắng tai nghe: "Con nói đi con, nói ông tốt nhất đời, ông đẹp rạng ngời, ông thọ tỉ nam sơn". Con sáo ngước cổ rặn từng chữ một trong niềm khoái chí của ông già…

Khu vườn còn đem lại niềm vui cho tụi nhỏ, đem lại sự an nhiên cho bà. Ông cảm thấy mớ tiền bỏ ra như đã nhen nhóm lên chút lời lãi ban đầu. Cứ bao nhiêu con chim lạ xuất hiện trong vùng, ông đều tìm cách đem vào khu vườn. Ông nghĩ, bằng cách ấy vừa đem lại sự an toàn cho chúng, vừa giúp ông khỏi phải nơm nớp lo chuyện "cá nhảy chim sa". Mỗi sáng nghe con sáo già nhứt bầy nói: "Ông thọ tỉ nam sơn", mấy con sáo trẻ nghe theo, bắt chước, "nam sơn, nam sơn" làm ông tươi lên phơi phới… Ông đút cho tụi sáo miếng mồi gọi là "hay có thưởng".

Khu vườn sung túc được hơn năm thì xảy ra biến cố bất ngờ, không một điềm báo trước. Ông đột ngột ngã bệnh, phải vào viện nằm suốt ba ngày. Ngày thứ tư về nhà, ông chỉ muốn bước ra khu vườn ngắm những tổ chim non và nghe chúng hót. Nhưng ông chết giấc khi thấy khu vườn xơ xác tanh hôi, những xác chim chết bên dòng suối, lũ kiến kéo đến hàng đàn phân xác đem đi. Những con chim sống sót vươn cổ hót như hét vào mặt ông những lời rủa sả. Ông vừa đau vừa giận, run run rồi ngất xỉu. Lần này trong giấc chập chờn ở bệnh viện, ông vẫn không quên dặn lại những đứa con phải chăm kỹ bầy chim…

Đêm. Ông mơ thấy mình đi lạc vào một nơi âm u, không rõ là ngày hay là đêm. Chỉ nghe đồng vọng lại rằng, "nuôi cũng là tù…" bằng tiếng hót khàn giọng của bầy chim. Sao tiếng hót chúng hôm nay lạ quá, không như ông nghe lúc bình thường. Tiếng hót vừa tuôn vừa vút bay lên như những giọt nước bốc hơi, lung linh đến lạ. Ông giật mình ú ớ. Muốn bước ra sân hỏi han nhưng bác sĩ đã dặn, không được đi nhiều trong lúc bệnh tình chưa thuyên giảm, nên an dưỡng nghỉ ngơi. Ông thấy căn phòng VIP của bệnh viện đầy đủ tiện nghi này không khác gì khu vườn nhà, mà nơi đó ông là con chim đang cố hát bài ca đau khổ của tâm can. Nhưng lúc này có ai bắt được tầng sóng âm của ông không, có ai hiểu được tiếng hót của ông mang một nỗi niềm gì?

Ông lặng lẽ trốn viện trong một bữa vắng. Nghĩ rằng mình còn có chút tự do hơn tụi chim, là còn tự trốn được. Ông về nhà mở cửa khu vườn, phóng thích cho cả trăm con chim còn sống sót. Tụi chim đập cánh bay đi trong đêm…

Ông nhẹ nhàng, sức khỏe có phần hồi phục sau đó ít hôm… Ngồi trước nhà ngó ra sân, cảnh rất quen. Nắng trải vàng, nhưng sao không có một tiếng chim. Tụi nhỏ chỉ ông xác mấy con chim se sẻ, mấy con chim dòng dọc chết trước sân nhà. Tụi nó đã mất đi những huyền năng thiên bẩm, chết trong cơn gió, cơn đói, cơn chờ đợi thức ăn và cả cơn lạc loài tiếng hót…

Ông già không tin, đeo kính vào ngó kỹ, những con chim nằm áp đất. Ông đau thắt lòng, nghe mắt mình xôn xốn. Ông tháo đôi kính lão ra khỏi gương mặt nhiều vết đồi mồi, lau hai giọt nước mắt nóng hổi rồi nhìn về phía xa. Kia kìa, hình như linh hồn của bầy chim vút bay cao, chúng ngó lại ông hót một bài ca. Bài ca đẹp nhất, hay nhất của đời chúng. Bài ca có mang những điềm báo tương lai? Ông cố gắng lắng nghe mà vẫn không cách nào hiểu được.