Tựu trường online, học chính thức trực tuyến ngày qua ngày… Và một mùa Trung thu không có tiếng trống múa lân, không có lấp lánh đèn lồng, cũng thiếu vắng tiếng cười thơ trẻ. Dịch Covid-19 tạo nên những điều chưa từng có trong thế giới tuổi thơ mà mức độ tác động của nó không chỉ đo lường bằng ngày tháng trước mắt. Trẻ em trong đại dịch hôm nay đang rất cần sự chăm sóc, bảo vệ, cảm thông, chia sẻ nhiều hơn nữa. Tất cả vì một thế giới ngày mai. 

TẾT CỦA TRỜI
TẾT CỦA NGƯỜI

Trung thu là một Tết trọng đại trong năm, có lẽ chỉ kém Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng. Đó là khi thời khí chín muồi của mùa màng, thu hoạch, no đủ mà người ta vẫn gọi là “Thu tàng” tức thu hái, tàng trữ mọi thứ để chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt sắp đến. 

Trung thu, thời khắc nhân quần, gia đình, họ hàng sum họp để chia sẻ thành quả lao động, tận hưởng sự an bình đẹp đẽ sau một quãng thời gian lao động, vất vả. Rằm Trung thu cứ bảo là Tết của con trẻ, nhưng thật ra, tiếng cười và niềm vui của con trẻ là đại diện cho ước mơ, khát vọng của mỗi người. Ai ai cũng ngẩng mặt trông trăng để hy vọng vào sự viên mãn, tròn đầy với niềm tin tuyệt đối của trẻ thơ.

Rằm Trung thu, khi thời tiết ôn hoà, nhu nhuận, mát mẻ, phong quang,  nhân tâm lại hướng đến trời đất, thần phật, tổ tiên,… để cảm tạ sự phù hộ độ trì, giúp con người có được thành quả bội thu trong lao động, trong cuộc sống. Những mâm lễ thanh bạch mà thành kính, trang nhã mà rực rỡ sắc màu khéo được sắp xếp để dâng lên ban thờ. Những món quà, Trung thu truyền thống được dành để gửi biếu, tri ân bậc bề trên như ông bà, cha mẹ, thầy, cô giáo. 

Người có mâm cỗ trông trăng, trời đất có mâm lễ kính thành, tưởng như vạn vật giao hòa, quần tụ để cùng hưởng cái Tết trăng tròn tiêu sái. Ấy là giá trị cốt lõi, đẹp đẽ của Trung thu, giúp bồi bổ quả phúc thêm tròn đầy, lại gia hộ sức mạnh để bước vào thời kỳ “Đông liễm”. Vì thế, Trung thu với mâm cỗ trông trăng luôn là sự kiện không chỉ trẻ con mà người lớn cũng háo hức mong đợi.

Mỗi năm, cứ đến độ cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch là lòng người đã hướng đến mùa trăng, phố xá đã khoác cho mình vẻ lung linh của đèn mầu, của biết bao sắc vẻ những món đồ chơi khiến cho thế giới trẻ thơ thêm phần rực rỡ. Dưới mỗi mái nhà thơm phức và ấm sực mùi vị bánh trung thu… Từ gia đình, khu phố đến nhà trường, các không gian văn hóa chung, đâu đâu cũng khéo léo thu vén để có chương trình “phá cỗ, trông trăng” thật ý nghĩa cho các bé. 

Dường như, ai trong chúng ta cũng đều có những kỷ niệm mùa trăng cho riêng mình, mà có thể chỉ một chút tinh dầu bưởi từ vỏ bưởi già đã khiến người ta nhớ đến tuổi thơ kết hạt bưởi đốt lên tí tách. Hay tiếng trống múa lân có thể đánh thức cả một vùng kỷ niệm nghịch ngợm thuở nào… Rằm Trung thu trong tâm tưởng, theo người ta từ khi là một đứa trẻ cho đến khi tóc đã phong sương, gối mỏi chân chùn, ngồi lại mỉm cười ngắm cháu chắt mình phá cỗ. Chỉ vậy thôi, cũng đủ xóa đi muộn phiền năm tháng…

 Và có lẽ, hạnh phúc của đêm trăng không chỉ lung linh trong đôi mắt trẻ thơ. Với những ai không thể trở về sum vầy, không còn được ùa vào lòng mẹ cha, ngắm trăng tròn mà rưng rưng đáy mắt, hoài niệm khiến người ta ấm lòng hơn mong mỏi mùa Trung thu tới!

Item 1 of 3

TRONG VÒNG XOÁY ĐẠI DỊCH

Bước sang năm thứ hai, đất nước chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, trăng vẫn vằng vặc sáng, tròn đầy, nhưng mùa Trung thu chưa  thể trọn vẹn. Giãn cách kéo dài cũng khiến cho trẻ cảm thấy tù túng, không được giao lưu với bạn bè, không được ra ngoài khám phá thế giới chung quanh. Dù thế nào đi nữa, bối cảnh đại dịch vẫn phủ bóng đen, len lỏi vào từng gia đình, càng khiến trẻ thấy căng thẳng, áp lực. 

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư ập đến như cơn lốc, khiến cho không ít trẻ em rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã, không còn chốn nương thân. Các chuyên gia nhận định, đại dịch Covid-19 tác động lớn tới tâm lý, tâm thần của trẻ cả trong hiện tại và tương lai. Điều lo ngại khi phải tập trung vào chống dịch, nhiều nơi có thể đã quên rằng trẻ em mồ côi bởi Covid-19 cũng là một “đại dịch ẩn” bởi phải đột ngột gánh chịu nỗi đau quá lớn. Nguy cơ khủng hoảng tâm lý xảy ra sâu sắc trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, các em còn phải đối mặt với một tương lai không còn nơi nương tựa cả về tinh thần lẫn vật chất. 

Hoạt động tổ chức Tết Trung thu năm nay bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy vậy, những chương trình thăm hỏi, tặng quà như bánh kẹo, đồ chơi… tại các vùng xanh, vùng an toàn không có dịch vẫn diễn ra để các em cảm nhận được không khí Trung thu. Đoàn thanh niên và các địa phương sẽ phối hợp xây dựng các sân chơi văn hóa, nghệ thuật dưới hình thức trực tuyến (online) hoặc tặng quà động viên nếu điều kiện cho phép cho trẻ em tại nơi áp dụng Chỉ thị 16, khu cách ly."
Đặng Hoa Nam
Cục trưởng Trẻ em
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Ngày chào đời của bé Bùi Khải Nguyên tại Bệnh viện Từ Dũ cũng chính là ngày em mất mẹ. Ở tuần mang thai thứ 32, tình trạng của chị Lê Ngọc Ánh Huệ, bệnh nhân Covid-19 trở nên nguy kịch, bác sĩ đành phải chỉ định mổ để cứu thai nhi. Cho đến giờ, anh Bùi Tấn Nghiệp, chồng của chị Huệ vẫn chưa thể tin được thời khắc đón bé Nguyên từ viện về cũng là lúc tro cốt vợ mình được các chiến sĩ bộ đội đưa tới nhà. 

Quấn quýt bên cậu em bé bỏng, cô chị Phạm Hoài Ngọc, con riêng của chị Huệ, dù mới bảy tuổi ngậm ngùi: “Cả nhà không muốn cho con biết, nhưng con cảm nhận được, con mất mẹ rồi”…  

Trong một ngôi nhà ở Khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, mới chỉ 14 tuổi, nhưng vỏn vẹn 30 ngày, em Nguyễn Thị Mai Khanh mất đi người cha, sau đó là bà ngoại, mẹ và ông ngoại, đều mất vì dịch bệnh. Ngày ngày cô bé cứ thẫn thờ, quẩn quanh trong nhà có bàn thờ vọng và hũ tro cốt của bốn người ruột thịt. Vốn đã nghỉ học từ sớm, giờ mong mỏi học được cái nghề kiếm cơm với Mai Khanh cũng thành xa lắc… 

Bé Bùi Khải Nguyên, Phạm Hoài Ngọc, Nguyễn Thị Mai Khanh… là ba câu chuyện chúng tôi ghi lại được trong những ngày TP Hồ Chí Minh giãn cách cao điểm. Con số những đứa trẻ chung thân phận “Mồ côi tội lắm ai ơi” đã lên đến cả 1.500 em, chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh. 

Con số không chỉ là con số. Sau mỗi con số làm một phận người làm chúng ta nhói lòng và càng thêm trăn trở khi nhìn về tương lai các em, về chặng đường phía trước! 

Tính tới đầu tháng 9/2021 cả nước ghi nhận 11.822 trẻ em là F0, 27.334 trẻ em là F1. Tại Hà Nội, 5% số ca nhiễm trong tháng 7 là trẻ em từ 0 đến 5 tuổi. Tại các địa phương khác đang phải giãn cách xã hội, nhiều tháng liền trẻ em không được ra khỏi nhà, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần. Với TP Hồ Chí Minh, ngày 14/9, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP thông tin con số chấn động: Thành phố có khoảng 1.500 học sinh mồ côi cha hoặc mẹ vì Covid-19, trong đó hơn 490 em học sinh tiểu học, 580 em THCS, còn lại là THPT, giáo dục thường xuyên.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

PHÉP MẦU
MÙA TRĂNG

Chiều tối 16/9/2021, cộng đồng mạng lan tỏa rộng rãi thông tin “Tập đoàn FPT vừa quyết định mở trường nuôi dạy trẻ nhỏ mất cha mẹ bởi dịch Covid-19 đến khi khôn lớn”. Có những người vỡ òa cảm xúc gọi đó là phép mầu của mùa trăng. Có người chia sẻ, đã chờ đợi sự góp mặt của những thương hiệu quốc gia trong thực thi trách nhiệm xã hội theo cách ấy từ lâu…

Hiện nay, đã hình thành mạng lưới các giảng viên, các chuyên gia công tác xã hội và sức khỏe tâm thần tình nguyện tư vấn, chăm sóc cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em (111) là đầu mối, tiếp nhận các yêu cầu từ phía người dân và trẻ em để kết nối, chuyển tuyến đến các chuyên gia và các cơ sở cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, trước đại dịch ẩn đòi hỏi phải có được sự vào cuộc hỗ trợ đồng bộ của nhiều cấp ngành, của cả cộng đồng"
Đặng Hoa Nam
Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)

Nói về lý do mở ngôi trường đặc biệt này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT chia sẻ: “Chúng tôi cam kết nhận một nghìn em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng. Trong 24 giờ, kể từ khi lên ý tưởng, chúng tôi đã cấp tập bàn thảo từ cách thức triển khai, hoạt động, chương trình giảng dạy. Chúng tôi cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng. Trong quá trình đào tạo đó, chúng tôi muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình”.

Dĩ nhiên để hỗ trợ được các em, ngoài những nỗ lực của cộng đồng còn cần đến vai trò của tấm lưới an sinh xã hội, đủ độ rộng để bao phủ lên các thân phận thiệt thòi, đủ sự chắc chắn để các em được nương tựa, hồi sinh và lớn lên sau đại dịch. Chỉ có con đường kết nối, trao cho các em cơ hội học tập là sự giúp đỡ căn cơ nhất. Bên cạnh đó, an sinh còn phải tính đến việc hỗ trợ sinh kế để người lớn trong gia đình sớm ổn định cuộc sống, chăm sóc được cho các em.  

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nói rằng, Tết Trung thu sống trong tâm thức bởi mang đến những giá trị tinh thần to lớn. Nhắc người ta đến những giá trị của yêu thương, chia sẻ và kết nối giữa các thế hệ. 

Trung thu thời đại dịch, có thể vắng bóng đèn lồng, nhưng giá trị của  một Tết Trung thu truyền thống sẽ vẫn được lan tỏa, vẫn thấm đẫm ở ngay cả những khu vực “vùng đỏ”. Chia sẻ với chúng tôi, nhà văn Nguyễn Một, nhà báo Vĩnh Quyên, nhà văn Hà Nguyên Huyến, Á hậu Vũ Hoàng My… mỗi người mỗi tâm trạng, mỗi hoài niệm, nhưng với họ, điều nguyện cầu lớn nhất vào lúc này, không gì hơn Việt Nam chóng khỏe mạnh trở lại. Từ mỗi người, mỗi gia đình nếu hạt giống hồi sinh được vun bồi, Việt Nam sẽ tái sinh. Đó cũng là điều mà không chỉ Chủ tịch FPT Trương Gia Bình mong muốn mỗi người FPT đảm nhận “sứ mệnh tái sinh”, mà còn là tâm nguyện của nhiều người, bắt đầu từ việc hỗ trợ cho những đứa trẻ được có một mùa Trung thu hy vọng. 


Tổ chức sản xuất: NGỌC THANH, VŨ MAI HOÀNG
Thực hiện: LƯU HƯƠNG GIANG, LÊ ĐỨC NGHĨA, NGUYỄN HÀ
Ảnh: Huỳnh Hà, Khiếu Minh, Hồng Vĩnh, Nguyễn Vũ Xuân Lan, Mỹ Hà, Vĩnh Quyên, Nguyễn Một
Trình bày: Minh Thu, Ngô Hương, Phan Anh