Trở lại vị thế đầu tàu

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là năm phục hồi kinh tế-xã hội sau tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, kiến tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch tham quan Củ Chi.
Khách du lịch tham quan Củ Chi.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, thành phố từng bước thoát khỏi vùng khó khăn, phục hồi mạnh mẽ về mọi mặt để tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu của cả nước trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tại hội nghị liên kết du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ vừa diễn ra tại tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết: Thành phố là cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế trên tất cả các phương tiện gồm đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt.

Do đó, nếu thực hiện tốt liên kết này, thành phố và các tỉnh trong vùng sẽ hình thành “Con đường du lịch Đông Nam Bộ” nhiều tiềm năng, “giữ chân” cũng như tăng chi tiêu của du khách, phát triển tương xứng với tiềm năng của một vùng đất giàu văn hóa-lịch sử, đa dạng về tài nguyên du lịch và nguồn nhân lực dồi dào. Hội nghị đã diễn ra thành công với nhiều kế hoạch hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông, qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm, kết nối du lịch với các vùng trên cả nước của Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2022 là năm ngành du lịch thành phố phát triển vượt bậc; nhiều sản phẩm mới hình thành, nhiều tua du lịch kết nối với các quận, huyện nội thành, các điểm đến “quen mà lạ” trên địa bàn thành phố đã mang lại sức hấp dẫn mới cho du khách khi đến Thành phố Hồ Chí Minh. Ước tính, doanh thu của ngành trong năm 2022 đạt khoảng 120 nghìn tỷ đồng, đóng góp tích cực vào ngân sách của thành phố.

Năm 2022, với quyết tâm của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; với sự sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tình hình kinh tế-xã hội thành phố đã phục hồi nhanh và khá toàn diện. Dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng trên 9%; 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; hai chỉ tiêu dự kiến không đạt và ba chỉ tiêu chưa đủ cơ sở đánh giá.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 30,6% so với năm 2021; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tăng 20,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước năm 2022 ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm, thành phố đã đón tiếp và làm việc với 97 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh, trao đổi về các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Thành phố đã tổ chức 102 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong bối cảnh kiểm soát được dịch Covid-19 và phục hồi phát triển thị trường giao thương thông qua các sự kiện hội chợ, triển lãm thương mại và đầu tư kết nối doanh nghiệp.

Năm 2022, ước tính số doanh nghiệp thành lập mới đạt 43.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới đạt 500 nghìn tỷ đồng; vốn đăng ký bổ sung ước đạt 550 nghìn tỷ đồng. Tại buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh chiều 27/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao tốc độ phục hồi, phát triển của thành phố. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần rất quan trọng vào thành quả chung của cả nước, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thành phố đã, đang và sẽ đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức. Tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều chủ trương, nhiệm vụ đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả vẫn đạt thấp, nhất là giải ngân vốn đầu tư công, công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch.

Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân dù có nhiều nỗ lực nhưng còn nhiều vướng mắc. Nhiều vấn đề mới phát sinh liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, cung ứng xăng, dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, thị trường xuất khẩu đang đối diện với không ít khó khăn. Công tác xây dựng chính quyền đô thị, chất lượng hoạt động công vụ chưa cao, thiếu sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các sở, ngành, cơ quan nhà nước.

Năm 2022, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền và công tác dân vận đạt được nhiều kết quả rõ nét và khá toàn diện. “Tinh thần làm đúng và làm tốt tạo được chuyển biến sâu rộng.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vẫn còn một số mặt chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; sự vận hành của bộ máy hệ thống chính trị có lúc, có nơi, có lĩnh vực còn chậm trễ, thậm chí trì trệ, làm ảnh hưởng không nhỏ sự phát triển của thành phố. Việc triển khai thực hiện chủ đề: “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên” vẫn còn những khó khăn, vướng mắc”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nêu rõ.

Tại cuộc họp về kinh tế-xã hội thành phố 10 tháng năm 2022, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Trước những thách thức khách quan, năm 2023, kinh tế thành phố sẽ khó tăng trưởng cao hơn năm 2022. Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để phát huy tốt nội lực.

Cụ thể, các sở, ngành cần sớm hoàn thiện các đề án huy động đầu tư xã hội, hoàn thiện bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài; thực hiện các giải pháp, lộ trình để giải ngân đầu tư công gắn với đẩy nhanh phục hồi kinh tế, kết nối ngân hàng tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố phải tập trung cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ, tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch để hiện thực hóa các dự án thu hút đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Hiện thành phố đang tập trung tháo gỡ nhanh những vướng mắc về cơ chế, thủ tục của các dự án để đưa đồng vốn lưu thông trong hoạt động sản xuất; đang xây dựng, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: hỗ trợ chuyển đổi, đầu tư công nghệ để gia tăng năng suất, giảm thâm dụng lao động, chuyển đổi số để tạo động lực tăng trưởng…