PGS, TS BÙI HOÀI SƠN:

Ứng xử trách nhiệm trong hoàn cảnh đặc biệt

Sự quá tải lượng du khách đổ về một số di tích, lễ hội ngay khi các quy định giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 được nới lỏng đang gây nên những lo ngại, bất an và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch với quy mô lớn. Một lần nữa, câu chuyện về nhận thức và bổn phận của cộng đồng, về các giá trị tâm linh, truyền thống cần được nhìn nhận lại một cách thấu đáo, nhất là trong bối cảnh đại dịch bất thường này. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS, TS Bùi Hoài Sơn (ảnh nhỏ), Viện trưởng Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam quanh vấn đề này.

Chùa Thầy (Hà Nội) vào mùa hoa gạo. Ảnh: HÀ TRẦN
Chùa Thầy (Hà Nội) vào mùa hoa gạo. Ảnh: HÀ TRẦN

Nhu cầu chính đáng và sự phù hợp

Ứng xử trách nhiệm trong hoàn cảnh đặc biệt -0
 

- Sau một tháng Giêng “an bình” do yêu cầu phòng dịch, tại một số địa điểm có lễ hội nổi tiếng như chùa Tam Chúc, chùa Hương... đã ghi nhận trở lại cảnh người dân tập trung đông đúc, chen chúc. Ông nhìn nhận, đánh giá gì về hiện tượng này?

- Hiện tượng người dân đi lễ chùa quá đông sau khi chỉ thị giãn cách xã hội được nới lỏng cho thấy nhu cầu rất lớn trong việc đi du lịch, và đặc biệt là tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng tâm linh. Đây là những nhu cầu rất dễ hiểu khi mà thời gian giãn cách xã hội đã khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái với những không gian hẹp, có nhu cầu xả căng thẳng, mệt mỏi khi xã hội trở lại bình thường, kết hợp với nhu cầu tâm linh gia tăng vào dịp đầu năm để tạo tâm lý tốt, biện pháp trấn an tinh thần, đã dẫn đến tình trạng quá tải ở các chùa như chúng ta đã thấy. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là những điều chúng ta mong muốn thấy trong giai đoạn hiện nay, khi mà nguy cơ dịch Covid-19 ngay tại cộng đồng vẫn chưa được kiểm soát.

Hành vi đi lễ của người dân để cầu mong một năm mới an lành, mạnh khỏe, tuy là nhu cầu chính đáng nhưng mỗi người chỉ có thể an lành và mạnh khỏe, có niềm vui khi những người chung quanh chúng ta cũng đạt được điều đó. Khi Thủ tướng Chính phủ đã nêu quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, hay trong một số hoàn cảnh “ở nhà là yêu nước” thì hơn lúc nào hết câu nói “mình vì mọi người” cần trở thành một triết lý sống phù hợp. 

- Nhiều ý kiến cho rằng, tâm lý người dân hướng về các hoạt động tâm linh có căn nguyên từ việc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội theo hình thức “sự kiện” ở nhiều địa phương, cơ sở thờ tự, khiến cho một bộ phận khá đông người dân nhận thức có phần sai lệch về ý nghĩa tốt đẹp, truyền thống của lễ hội. Trong khi, các hoạt động truyền thông, tăng cường nhận thức cho đại bộ phận dân chúng lại chưa được chú trọng đúng mức?

- Thật ra, chúng ta cần nhìn thấy bản chất của lễ hội để giải thích các hiện tượng này một cách cặn kẽ, tránh tình trạng giải thích theo kiểu liệt kê, mô tả sự việc. Về bản chất lễ hội là cuộc vui đông người dựa trên cơ sở niềm tin tín ngưỡng, nhân vật phụng thờ nhất định nào đó, vì thế, chúng ta vẫn coi lễ hội truyền thống là sự kiện cộng đồng, cộng mệnh, cộng cảm. Nên chúng ta không nên quy câu chuyện đông người để phê phán lễ hội vì bản chất nó đã là như vậy. Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác là lễ hội truyền thống ngày hôm nay đã khác lễ hội ngày xưa khá nhiều. Lý do quan trọng nhất là tính thiêng trong lễ hội không còn như xưa khiến những điều trần tục, lợi ích vật chất, cá nhân đã len lỏi, chi phối việc tổ chức và tham dự lễ hội. Thêm vào đó, không gian mở hội thu hẹp, số người tham gia lễ hội đông hơn... đã khiến cho lễ hội truyền thống ngày hôm nay có nhiều lộn xộn hơn xưa, trở thành vấn đề nóng mà cứ xuân thu nhị kỳ, đến dịp lễ hội chúng ta lại phải lên tiếng. 

Nhận thức đúng là yếu tố quan trọng gây ra những bất cập như chúng ta đang nói đến, vì nhận thức quy định hành vi đi lễ hội của người dân, hay chúng ta hay nói chung là ảnh hưởng đến văn hóa đi lễ hội của nhân dân. Nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa của việc đi lễ hội, giá trị của các di tích, tín ngưỡng sẽ giúp cho chúng ta không chỉ hình thành văn hóa đi lễ hội mà còn tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giáo dục đạo đức cho mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Nhận thức và hành vi

- Đức tin và bổn phận của mỗi cá nhân luôn là hai khái niệm đồng hành trong thực hành tín ngưỡng, các hoạt động mang tính tâm linh. Vậy nhưng, với thực trạng mà chúng ta đang được chứng kiến, dường như hai khái niệm này đang được hiểu theo những cách khác nhau, và chưa thật sự được nhìn nhận một cách đầy đủ, chính xác, nhất là trong bối cảnh xã hội có những biến động bất thường như đại dịch này?

- Đức tin có giá trị rất lớn đối với việc giáo dục đạo đức của cá nhân cũng như giúp hình thành những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Những năm vừa qua, chúng ta có thể trực tiếp cảm nhận thấy nhu cầu tâm linh rất lớn của người dân qua việc công đức, cung tiến xây dựng đình, đền, chùa, tham gia các hoạt động có liên quan đến các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng này. Thực tế, điều gì cũng có mặt tích cực, tiêu cực của nó. Điểm tích cực mà chúng ta thấy ở đây chính là ở chỗ, khi người dân thực hành tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời cũng là lúc tâm hồn, tinh thần của họ hướng thiện, mong muốn làm điều tốt cho không chỉ bản thân, mà còn cho cả gia đình, cộng đồng và xã hội. Về cơ bản, một xã hội sẽ trở nên nhân văn khi mọi người dân hướng thiện. Ý nghĩa của việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của người dân là ở chỗ đó. Đảng và Nhà nước cũng chủ trương ủng hộ tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân một phần bởi những ý nghĩa tốt đẹp mà hành vi đi lễ của người dân đem lại đối với xã hội. 

Tuy vậy, không phải lúc nào mong muốn điều tốt cho bản thân cũng đồng thời là thực hiện điều tốt cho xã hội. Chúng ta có thể thấy khá nhiều lệch lạc trong văn hóa đi lễ chùa, đi lễ hội của người dân ở những hiện tượng như rải tiền lẻ, đốt vàng mã quá nhiều, thương mại hóa thái quá, hay các hiện tượng mê tín dị đoan khác. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi dịch Covid-19 là nỗi lo của cả cộng đồng thì một hành vi bất cẩn, gây lây nhiễm trong một sự kiện đông người có thể ảnh hưởng đến cả xã hội, thì chúng ta cũng cần có cách đi lễ một cách đặc biệt như chính hoàn cảnh đặc biệt của chúng ta đang đối mặt. Trách nhiệm của cá nhân trước cộng đồng cần phải được xem là trách nhiệm đạo đức.

- Có một thực tế là, đại dịch đang tạo nên một trạng thái xã hội chưa từng có, tác động lớn đến tâm lý của từng cá nhân. Chưa kể, những tác động ở khía cạnh kinh tế cũng đang tạo nên nhiều hệ lụy đáng lo ngại cho nhiều phận người. Vì vậy, nhu cầu tâm linh, vốn đã phát triển trong những năm gần đây, càng trở nên bức thiết. Trong bối cảnh đó, những lời khuyến cáo, kêu gọi chắc chắn là chưa đủ. Vậy đâu là giải pháp cần có để cân bằng các nhu cầu này, với yêu cầu phòng dịch?

- Những gì chúng ta chứng kiến cho thấy nhu cầu tâm linh là có thật và rất lớn. Đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân cũng là một trong những trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng chúng ta đang trong giai đoạn hết sức đặc biệt và nhạy cảm. Dù Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực, được cả thế giới ghi nhận và khen ngợi, chúng ta không chắc chắn được là ngoài cộng đồng có còn ca nhiễm nào mà chúng ta chưa phát hiện ra hay không? Những sự kiện “siêu lây nhiễm” rất có thể xảy ra và hậu quả khi đó thì sẽ vô cùng tai hại. Như vậy, để cuộc sống sớm trở lại bình thường, mỗi người dân cần trở thành công dân gương mẫu, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Nhu cầu tâm linh rất lớn và cần thiết để giúp chúng ta có tâm an, niềm tin để thực hiện những kế hoạch mà chúng ta đặt ra từ đầu năm mới, song mỗi chúng ta cũng cần thực hiện điều này trên tinh thần tôn trọng cộng đồng, bảo đảm, giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng. “Phật tại tâm”, vì thế, hành vi đi lễ có trách nhiệm của chúng ta chính là một cách chúng ta thực hiện đúng giáo lý nhà Phật. Nếu nhất thiết phải đến chùa, chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc 5K; nếu không, chúng ta có thể “đến chùa” bằng cách hướng tâm đến Phật, thực hành online để xã hội sớm trở lại bình thường, khi đó, những nhu cầu hành lễ của chúng ta sẽ lại được thực hiện như cũ, trong một môi trường an toàn hơn, đặc biệt là với sự chung tay, góp sức trực tiếp của mỗi chúng ta. Điều đó vô cùng có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay!

- Xin trân trọng cảm ơn ông!