Nhạc sĩ Sa Huỳnh:

Trải nghiệm để cảm nhận và thấu hiểu

Công bố trước khán giả và truyền thông dự án âm nhạc lớn nhất trong năm 2017 của mình với ca sĩ Tùng Dương là “Rễ cây”. Nhưng trong cuộc trò chuyện đầu năm với chúng tôi, nhạc sĩ trẻ Sa Huỳnh tiết lộ rằng, tên ca khúc “Mang thai” vừa được chọn lại, để làm tên chủ đề của dự án đặc biệt này.

Ca sĩ Tùng Dương biểu diễn một phần dự án Rễ cây trong Monsoons 2016.
Ca sĩ Tùng Dương biểu diễn một phần dự án Rễ cây trong Monsoons 2016.
Trải nghiệm để cảm nhận và thấu hiểu ảnh 1

Tôi thích chờ đợi

- Ở Lễ hội âm nhạc quốc tế gió mùa 2016, nhạc sĩ Quốc Trung và nam ca sĩ Tùng Dương công bố tên dự án âm nhạc là “Rễ cây”. Nhưng Sa Huỳnh lại vừa mới nói rằng tên dự án là “Mang thai”?

- Thật ra “Mang thai” là cái tên lúc đầu mình đặt cho dự án. Nhưng sau đó, anh Tùng Dương thích “Rễ cây” hơn nên mới lấy cái tên đó. Sa Huỳnh nghĩ, lúc đó anh Dương chưa thấu hiểu điều mình muốn gửi gắm trong âm nhạc của mình. Sau này, khi Tùng Dương làm cha rồi, trải qua cảm giác của người cha, chứng kiến quá trình nhìn vợ mình mang thai, anh ấy bắt đầu cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa của “Mang thai”, càng ngày ca khúc càng thấm vào con người anh ấy hơn. Mình rất vui vì anh ấy đã suy nghĩ lại, chấp nhận bài “Mang thai” ở tư thế là một người đàn ông và chấp nhận tên ban đầu của dự án.

Với lại, Sa Huỳnh nghĩ, nếu người hát “Mang thai” không phải là một người phụ nữ, mà là một người đàn ông, lại là Tùng Dương - đặc biệt chứ. Sự tôn vinh thiên chức người phụ nữ, qua tiếng hát của một người nam, đáng để suy nghĩ.

- Sao lúc đó, Sa Huỳnh không bảo vệ quan điểm của mình?

- Mình thích đợi chờ hơn. Mình không thể áp đặt điều gì đó lên người khác được. Mình nghĩ, để một điều gì thẩm thấu, phải chờ đợi. Có thể, sự chờ đợi đó đi vòng vòng… Nhưng mình tin, khi “vỡ” ra rồi thì cảm xúc lúc đó thật sự đáng quý.

Khi Tùng Dương thể hiện “Mang thai” trên sân khấu Gió mùa, anh như ngụ ý nói với khán giả về hai mặt đối lập. Một người dù có vẻ to lớn, vạm vỡ, thì trong họ cũng có mặt bé nhỏ. Ở đây, hai điều đó hòa quyện vào nhau. Nâng nhau lên.

Nói đến đây, mình nhớ rằng, khi Tùng Dương hát “Mang thai”, anh ấy đã quay lưng lại và khóc. Từ khi quen Tùng Dương đến nay, đó là lần đầu tiên mình thấy anh ấy rơi nước mắt. Mình nghĩ, đó là khoảnh khắc yếu đuối của người nghệ sĩ. Khoảnh khắc đẹp nhất. Lúc chứng kiến giây phút đó, mình thấy mình cũng lớn thêm, trải nghiệm hơn. Mình nghĩ, anh Tùng Dương cũng thế thôi. Trưởng thành hơn.

- Tôi đang nhớ tới cái dáng điệu của Tùng Dương trên sân khấu. Một ca sĩ cá tính như Tùng Dương sẽ hiện lên trong dự án này ra sao đây?

- Thực ra, Sa Huỳnh nghĩ, anh Tùng Dương càng ngày càng để ý cảm nhận nhiều người hơn. Anh không đánh mất bản chất của mình. Có điều, “cái tôi” của anh giờ đây thích ứng với hai chiều. Có hai con người trong Tùng Dương: một rất nổi loạn, hai là rất lịch lãm.

- Nghe Sa Huỳnh nói, tôi cảm giác rằng, đây là dự án đi theo đường vòng, gắn với quá trình trưởng thành của cả hai đấy?

- Chắc vậy. (Cười)

“Gạch đầu dòng” lớn nhất

- Tiến độ của “Mang thai” đến đâu rồi? Dự án này rục rịch từ năm ngoái?

- Dự án sẽ công bố trọn vẹn trong năm nay. Còn thời gian chính xác ra sao, Sa Huỳnh xin giữ đến phút cuối. Trước đó, anh Dương đã giới thiệu một số ca khúc thuộc dự án này trong các chương trình anh ấy tham gia từ cuối năm ngoái sang năm nay rồi. Hiện, nhạc sĩ Quốc Trung đã “làm khung” gần như xong. Album sẽ có khoảng 10 ca khúc và vài track hoặc version bài hát nào đó từng hit để tặng khán giả (như “Trời cho”, “Thể đơn bào”… được phối mới chẳng hạn).

- Tôi tự hỏi vai trò của nhạc sĩ Quốc Trung trong dự án này là gì đấy? Nếu tôi nhớ không nhầm, lúc đầu, chỉ là dự án của Sa Huỳnh và Tùng Dương mà thôi…

- Đúng là lúc đầu, chỉ có mình và anh Tùng Dương thôi. Song, sau Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, có thêm anh Quốc Trung. “Mang thai” sẽ là câu chuyện giao hòa giữa nhạc sĩ - ca sĩ - hòa âm, phối khí.

Về anh Quốc Trung thì ngay từ khi Sa Huỳnh mới bước chân vào con đường âm nhạc, thời “Li ti”, anh ấy đã hiểu tác phẩm của mình, hiểu âm nhạc của mình rồi. Ở sân khấu “Gió mùa”, anh ấy phối bài “Thể đơn bào” mình cũng thích. Có thể nói, đó là người hiểu mình ngay từ đầu và ủng hộ mình đầu tiên. Đến bây giờ, anh Trung vẫn lặng lẽ ủng hộ mình.

- Khi hỏi Tùng Dương về Sa Huỳnh, anh ấy khen Sa Huỳnh đang đằm thắm hơn, trưởng thành hơn, có tư tưởng hơn đấy?

- Có chuyện như vậy ư? Mình thấy toàn chê thôi! Mỗi lần sửa bài nhức đầu lắm. Song, thấy cũng được. Ít nhất, mình thấy mình không bị chây ỳ. Nhưng mình thích vậy. Càng sống, càng đủ chín chắn để thích nghe chửi. Chửi nhiều thì càng thích. Hơi ngược đời.

Thật ra lúc đầu, mình định làm một album tác giả, mời một số ca sĩ hát. Nhưng rồi, nhận thấy các bạn ấy cũng chưa hiểu mình. Mình vốn thích giọng hát của Tùng Dương. Trong lòng chỉ nghĩ về giọng hát đó thôi nên khi gửi một số ca khúc, anh Dương gật đầu và muốn làm chung dự án, mình nhận lời luôn.

Có một điều mình cảm nhận rất rõ, đó là trong đời sống, mình chịu đựng tốt hơn. Bây giờ, khó khăn hay cái gì đó tới, mình không mất bình tĩnh và mất kiểm soát như trước. Điều đó cũng đi vào âm nhạc. Mình thấy mình “thở” tốt hơn. Mình “thở”, hiểu, vận dụng được điều đó vào trong từng câu nhạc.

Nếu ngày xưa, mình chỉ viết câu chuyện cá nhân, câu chuyện riêng tư, thì bây giờ, khi viết, mình nghĩ tới người khác, về những điều chung quanh nhiều hơn. Bây giờ, hơi thở, suy nghĩ, tư tưởng, thích nghi được với người đồng hành trong âm nhạc với mình. Đó là quá trình hòa hợp và tự chuyển hóa.

Mình sẽ là gạch đầu dòng trong sự nghiệp của anh ấy. Anh ấy cũng sẽ là gạch đầu tiên của mình. Là gạch đầu dòng lớn nhất cho đến nay. Mình rất quý năng lượng của anh ấy. Nhiều khi cháy hết mình. Không kiểm soát được. Như muốn đốt người ta. Tùng Dương không phải là gió. Dương là lửa.

- “Điều gì quá cũng làm ta đau”, “Người đẹp vì lụa, lòng đẹp vì yêu thương”, “Một mầm cây mang thai khu rừng/Một dòng suối mang thai biển khơi”… Trong các ca khúc của Sa Huỳnh, dễ dàng bắt gặp những câu mang màu sắc triết lý như thế. Nhưng khi tiếp xúc với bạn rồi, tôi không nghĩ một người có khuôn mặt “trẻ con” lại viết ra những câu nhạc có vẻ “già” như thế?

- Ô vậy à? Chắc những điều đó là vốn tự có của mình rồi. Chứ cái mặt mình mà giống nhạc của mình nữa thì khổ lắm. Thí dụ như Thúy Kiều, cuộc đời bên ngoài sao thì bên trong vậy. Như ca khúc “Che” mình viết, mình nghĩ rằng có những thứ mình cũng phải che lấp đi. Không phải kiểu giả tạo nhưng mình muốn che đi những cái mình có. Tất nhiên, mình cũng chẳng muốn gồng lên để gánh suy nghĩ trong đầu mà làm gì; bởi lẽ, cuộc sống này vốn đã mệt mỏi rồi. Mình chỉ muốn hai trạng thái đó dung hòa lại. Mình cũng không muốn thay đổi điều đó. Nếu muốn nhìn thấu mình, mình tập trung lại. Còn bình thường thì “xõa” đi. Dù có chuyện gì đi chăng nữa, cũng “xõa” cho bình thường trở lại.

- Cảm ơn nhạc sĩ Sa Huỳnh! Chúc dự án “Mang thai” thành công.