NSND Lê Khanh:

Tôi thấy mình luôn ở điểm bắt đầu

Vai diễn Lý Lệ Hà trong phim "Gái già lắm chiêu" đã mang về cho NSND Lê Khanh giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, sau 20 năm chị quay lại với
điện ảnh. Với chị, tuổi tác và thời gian không bao giờ là giới hạn.

NSND Lê Khanh trong vai Lý Lệ Hà (phim Gái già lắm chiêu).
NSND Lê Khanh trong vai Lý Lệ Hà (phim Gái già lắm chiêu).

Luôn háo hức với sự sống, với nghệ thuật

- Làm phim với giới trẻ, đóng kịch ước lệ, đọc thơ với dàn nhạc giao hưởng... Có vẻ như thời gian không bao giờ là giới hạn với chị?

- Tôi không thấy mình già đi và lúc nào cũng ở điểm bắt đầu, mọi người cứ hay mặc định mình đang ở một khoảng thời gian nào đó của cuộc đời, đơn giản như ở tuổi này mà còn ăn mặc thế này, tuổi này rồi còn đi thế nọ, tự giới hạn cho mình. Nhưng tôi thì không. Rất lạ là thể lực tôi rất hạn chế, thuộc mệnh mong manh dễ vỡ, nhưng khi vào làm việc tôi không biết mệt, thậm chí có lúc mệt lả ra nhưng hôm sau mặt trời mọc lên lại đầy năng lượng như thường. Có thể là do tinh thần của tôi lúc nào cũng háo hức với sự sống, với nghệ thuật.

- Khi làm việc với các bạn trẻ trong bộ phim "Gái già lắm chiêu" chị có cảm nhận thế nào?

- Tôi tin tưởng tuyệt đối nên làm việc nhẹ tênh. Thật ra quan niệm về tuổi trẻ của Việt Nam và thế giới khác nhau nhiều lắm, chúng ta thiếu tin tưởng giới trẻ, hoặc ngược lại tự mặc định cho mình về hưu rồi là hết. Chúng ta phải thay đổi quan niệm, cách nhìn, tuổi trẻ bây giờ giỏi giang hơn chúng tôi nhiều, họ giỏi công nghệ, giao thoa với quốc tế, các bạn được học rất nhiều, quan niệm về làm phim rất khác. Đầu tiên là rất chuyên nghiệp và sòng phẳng, ở quan điểm, phải làm hàng thật tốt mới bán được vé, phải trân trọng cái nghe, nhìn của khán giả, phải thú vị vì vẫn là giải trí. Thú vị mới cuốn hút. Sau đó, là có đem lại giá trị cho ngày hôm nay. Các bạn luôn ý thức rõ ràng, cụ thể, ta làm sản phẩm này cho ai xem? Âm thanh trong nước chưa đủ phải ra nước ngoài làm hậu kỳ. Chuyên nghiệp thế nên thế hệ tôi chẳng có gì phải lo. Trước đây ta ít lựa chọn, làm phim theo tinh thần phục vụ nhân dân đồng bào là chính, không khuyến khích nghệ thuật phát triển. Người làm nghệ thuật công không chịu trách nhiệm nếu sản phẩm không đem lại hiệu quả. Ngày hôm nay kể cả phục vụ nhưng không hay người ta không xem. Ngày xưa, tôi cứ mơ ước được làm phim với nước ngoài, ước chỉ đi lướt qua ống kính của họ thôi cũng được để trải nghiệm quy trình làm phim của Mỹ, Pháp ra sao. Cách đây 20 năm tôi cũng được trải nghiệm làm phim với nước ngoài, vai Jeanne D’Arc- Nữ anh hùng người Pháp, là một vai diễn thành công của tôi vào năm 1986. Sau đó tôi còn làm "Mùa hè chiều thẳng đứng" với anh Trần Anh Hùng. Đó là những cơ hội tuyệt vời trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi.

Chìa khóa cho phát triển là Niềm tin

- Tôi tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ thế hệ chị, thấy họ vẫn mang nặng một nỗi hoài niệm về những dấu son của quá khứ hơn là cái nhìn tích cực về tương lai. Còn chị, gần như ngược lại?

- Có thể vì mọi người cho rằng chỉ mình mới quên mình về nghệ thuật, họ quên mất thời tuổi trẻ chăng?; thầy cô chắc cũng lo bọn này xây hay phá nghệ thuật đây. Tôi đối diện với lớp trẻ không có sự đố kỵ thế hệ, hoàn toàn tin tưởng. Nếu luôn nghi ngại làm sao chúng tôi có một thời kỳ oanh liệt. Khóa 1 diễn viên kịch của Nhà hát Tuổi trẻ, sau sáu tháng học, đã bắt đầu vào cuộc. Chúng tôi học rất nhanh và cứ thế trộn diễn viên trẻ với diễn viên lớn. Không ai che chắn đằng trước, cứ thế là đi, con đường thênh thang, rộng mở, lớp đó làm nên trang sử vàng của sân khấu mà nói đến mình không ngại. Cũng có thể xuất phát từ truyền thống nhà hát như thế, không lăn tăn về thế hệ mới và cũ. Rồi trong gia đình tôi, một gia đình có truyền thống nghệ thuật, mỗi người một lĩnh vực đều tự đứng trên đôi chân của mình. Chìa khóa đó chính là quan niệm, phải tin nhau, nhất là thời buổi này, cực kỳ thực dụng, con người không còn trên mây trên gió nữa, họ thấy ngay một điều, không dễ nổi tiếng, không dễ thành sao, càng không dễ giàu có. Nên bạn nào chọn ngành này tôi xúc động vô cùng, bởi để nổi tiếng bằng tài năng từ tâm huyết của mình là một con đường chông gai, gian nan lắm.

- Vì thế, có người cho rằng, điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung của chúng ta đang đi lùi và không có những đỉnh cao như trong quá khứ. Còn chị nghĩ sao?

- Các bạn trẻ đang làm hồi sinh chứ không đi lùi. Chúng ta từng có một thời kỳ không phải là ngắn, nghệ thuật, điện ảnh đã chinh phục quốc tế, tất nhiên chỉ là một vùng thôi, ở một số nước xã hội chủ nghĩa lúc đó, mình đã tạo được những tượng đài, những tháp pha lê cao vút và trong trẻo về xúc cảm với cộng đồng quốc tế, những nước yêu quý Việt Nam- một đất nước nhỏ bé triền miên bị xâm lược, thôn tính mà vẫn tồn tại, vẫn sản xuất ra những bộ phim lay động lòng người. Vai trò lịch sử ấy xong rồi. Bây giờ thế giới là toàn cầu, không chỉ mấy nước gần mình, và khi mở cửa, với danh xưng Việt Nam độc lập tự cường, là công bằng rồi, họ đánh giá chúng ta không còn châm chước nữa mà trên tiêu chuẩn chung về một sản phẩm nghệ thuật. Phải có cái nhìn công bằng.

Chúng ta phải nghiêm túc đầu tư, chỉnh đốn lại thì ngành công nghiệp điện ảnh mới thu hút khán giả và phát triển. Đấy là cả một lĩnh vực kinh tế, cho thấy vai trò quan trọng của văn hóa, không chỉ giúp chúng ta hiểu mình mà còn hòa được vào thế giới. Yếu tố quan trọng nữa và là yếu tố tiên quyết là lĩnh vực đào tạo, phải có những giáo trình tiên tiến, cập nhật và thay đổi theo thời cuộc. Hiện tại giáo trình quá cũ, lạc hậu nhưng rất tiếc nhà nước chưa tính đến trong khi muốn phát triển.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!