Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn:

Tôi sẽ làm phim với niềm tự hào và tự tin Việt Nam

Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến, và đã nhận được khá nhiều đóng góp từ giới chuyên môn, với mong muốn văn bản pháp luật quan trọng này sẽ tạo hành lang pháp lý khuyến khích sự sáng tạo của nghệ sĩ và phát triển mạnh mẽ của cả nền điện ảnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn (ảnh nhỏ) - một người rất tâm huyết và có nhiều đóng góp sâu, sát cho nội dung luật.

Nếu làm tốt, điện ảnh sẽ là một kênh quảng bá hiệu quả cho những giá trị đặc sắc của đất nước Việt Nam. Trong ảnh: Cảnh phim Mắt biếc.
Nếu làm tốt, điện ảnh sẽ là một kênh quảng bá hiệu quả cho những giá trị đặc sắc của đất nước Việt Nam. Trong ảnh: Cảnh phim Mắt biếc.
Tôi sẽ làm phim với niềm tự hào và tự tin Việt Nam -0
 

Cơ hội chinh phục những hướng đi mới

- Khởi đầu từ con đường của một nhà làm phim độc lập và bây giờ là một nhà sản xuất, tham gia nhiều dự án phim thương mại và có nhiều hợp tác với nước ngoài, anh có thể chia sẻ về những cơ hội của mình?

- Năm 2019, tôi có vinh dự được Ủy ban phim Busan (Hàn Quốc) đài thọ kinh phí để tham gia chương trình kinh doanh phim quốc tế tại Trường điện ảnh châu Á Busan. Trong khuôn khổ chương trình, và tại Hội chợ phim châu Á 2019, tôi đã giới thiệu một dự án phim thuộc thể loại tâm lý rùng rợn (psychological thriller) có tựa đề tạm đặt là Cuộc săn tàn nhẫn. Kịch bản phim này cũng đã lọt vào vòng tứ kết của một trong những cuộc thi kịch bản uy tín của Mỹ là BlueCat Screenplay Competition, cũng như một số cuộc thi khác. Tôi cũng may mắn nhận được sự hợp tác của hãng phim mm2 Entertainment, là một hãng phim lớn trong khu vực, để xin tài trợ từ quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Đông Nam Á của Chính phủ Singapore. Lẽ ra bộ phim đã được xúc tiến để sản xuất trong năm 2020, tuy nhiên dịch bệnh đã làm việc sản xuất phim trở nên quá rủi ro nên tôi đành phải tạm thời dừng lại. Trước mắt, tôi sử dụng những loại hình nghệ thuật khác để khai thác kinh doanh kịch bản này, cùng với một vài kịch bản khác mà tôi đã và đang phát triển trong những năm qua. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, tất cả các doanh nghiệp đều phải tìm cách chuyển mình để tồn tại và các doanh nghiệp điện ảnh cũng không ngoại lệ. Đối với tôi, đây cũng là cơ hội để chinh phục những hướng đi mới mà trước đây tôi chưa nghĩ tới.

- Điều gì khiến anh đắm đuối với điện ảnh đến thế, dù con đường thật nhiều chông gai?

- Sau hơn 10 năm gắn bó với điện ảnh, có những điều tôi đã làm được và cả những tiếc nuối, nhưng suy nghĩ đã rõ ràng hơn rất nhiều. Trước kia, phần nào đó, với tôi, làm phim vẫn là một công việc để kiếm sống. Hiện nay, tôi tin rằng làm phim có nhiều ý nghĩa lớn hơn thế. Điện ảnh là một ngành công nghiệp nhỏ, có rất nhiều nhân lực kỹ thuật đang sống dựa vào nó với thù lao còn rất ít ỏi. Nhiều năm qua họ cống hiến rất vất vả, nhưng khi dịch bệnh xảy ra, họ ngay lập tức bị mất thu nhập, gặp khó khăn rất nhiều. Tháng 7/2021, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đứng ra kêu gọi được một quỹ hỗ trợ cho những anh chị em trong nghề bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Có nhiều người tìm đến, có rất nhiều hoàn cảnh làm chúng tôi đau xót, nhưng không thể hỗ trợ được cho tất cả. Ở cương vị của một nhà sản xuất, một đạo diễn, tôi cho rằng cần phải làm ra nhiều hơn những bộ phim chất lượng, có khả năng sinh lợi nhuận. Chỉ có như vậy, ngành điện ảnh mới thật sự trưởng thành để phát triển bền vững, theo đó, đời sống của người lao động sẽ được cải thiện tích cực hơn. Nếu không được như thế, ít nhất cũng trao cho họ niềm tự hào được đóng góp cho những tác phẩm điện ảnh chất lượng. Cao hơn nữa, tôi tin rằng ngành điện ảnh nói riêng, và ngành sáng tạo nội dung nói chung, phải đóng góp được vào sự phát triển mạnh mẽ của nền văn hóa Việt Nam. Những sản phẩm mà ngành điện ảnh tạo ra phải là một phần giá trị văn hóa Việt Nam, có thể quảng bá, gây ấn tượng mạnh mẽ về con người và đất nước Việt Nam thế kỷ 21 ra bên ngoài. Nếu cứ tiếp tục làm “phim rác” thì chúng ta sẽ mãi mãi chẳng dám khoe ra với ai cả. Vì vậy, nếu có cơ hội, tôi sẽ làm phim với niềm tự hào Việt Nam và làm phim để chứng minh giá trị sáng tạo của người Việt Nam cho bạn bè quốc tế thấy.

Mong chờ khung pháp lý thông thoáng, cởi mở

- Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, trong đó, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề thẩm định phim. Anh có thể chia sẻ góc nhìn về vấn đề này?

- Tôi tin rằng, việc Nhà nước đề ra những quy định cho nội dung phim là cần thiết, cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều làm. Tuy nhiên, các quy định phải hết sức rõ ràng và cụ thể. Bản chất sự sáng tạo của điện ảnh là phong phú không có giới hạn, bởi vậy những quy định cho nó không thể nào sơ lược và mơ hồ được. Đây chính là những điểm yếu đã tồn tại trong Luật Điện ảnh kể từ năm 2006 và cũng là những vấn đề mà những người đã và đang trực tiếp làm phim kiến nghị rất nhiều lần. Bởi sự mơ hồ, thiếu cụ thể trong các quy định sẽ khiến cho thành viên các Hội đồng thẩm định buộc phải diễn giải nội dung đó theo thiên kiến chủ quan của cá nhân mình, mà chủ quan sẽ rất dễ dẫn đến cảm tính.

Tôi cho rằng, để loại bỏ những trường hợp thiếu công bằng trong thẩm định, không có gì tốt hơn là chúng ta phải xây dựng được một bộ quy định phân loại phim theo độ tuổi cực kỳ cụ thể, chi tiết. Bộ quy định này cũng phải được cập nhật thường xuyên để ngày càng kiện toàn, hữu ích nhất cho thực tiễn sản xuất phim. Đồng thời, cũng giúp cho các Hội đồng thẩm định có cơ sở vững chắc để thực hiện công việc của mình, giảm sự cảm tính, tăng cao sự xác đáng. Đồng thời, chính người làm phim cũng hiểu rõ được mình phải làm những gì nếu muốn phim được xếp loại vào một hạng độ tuổi phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ. Đương nhiên, để có được một bộ quy định như thế đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng sự tồn tại của nó tốt cho cả Nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động điện ảnh, đó là những điều mà người làm phim chúng tôi mong mỏi đã rất lâu rồi.

- Với tư cách là một nhà làm phim, điều mong muốn lớn nhất của anh đối với Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này là gì?

- Tôi mong rằng Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ là một văn bản pháp lý có tính lịch sử. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, ngành điện ảnh bao gồm cả sản xuất và trình chiếu phim bị ảnh hưởng nặng nề, tương lai về sự tồn vong của nền điện ảnh Việt Nam đang hết sức bi quan. Chúng tôi hiểu rằng, điện ảnh chưa phải là một ngành thiết yếu, nguồn lực tái thiết sau đại dịch cần phải được rót vào những khu vực, ngành nghề quan trọng hơn. Tuy nhiên, dù không dám đòi hỏi được hỗ trợ về tài chính, ngành điện ảnh cũng xin được lắng nghe, được thấu hiểu. Tôi mong Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp điện ảnh được hoạt động bằng những khung pháp lý thông thoáng, cởi mở, thấu tình đạt lý.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh