NSƯT Ánh Tuyết:

Tôi muốn mang tình yêu vào các vở diễn

Sau thành công của vở nhạc kịch “Trại hoa vàng”, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Ánh Tuyết (ảnh nhỏ) tiếp tục hành trình của mình với “Bầy chim thiên nga”. Chị nói, sân khấu nhạc kịch cho thiếu nhi đang là một khoảng trống thách thức sáng tạo của người nghệ sĩ và chị muốn dấn thân trên con đường đó.

Tôi muốn mang tình yêu vào các vở diễn

Con đường thênh thang

- Chúc mừng chị với sản phẩm nhạc kịch thứ hai - “Bầy chim thiên nga”, chắc chắn sẽ là một vở hấp dẫn thiếu nhi trong mùa hè. Vì sao chị chọn tác phẩm này?

- “Bầy chim thiên nga” là một câu chuyện cổ tích có tính nhân văn, gợi trí tưởng tượng phong phú cho khán giả và đưa ra những bài học trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi các em nhỏ. Đó là tình yêu, sự hy sinh của nàng công chúa xinh đẹp Lisa dành cho các anh trai và gia đình của mình. Đây cũng là một câu chuyện có rất nhiều “đất diễn” cho các loại hình nghệ thuật như: diễn xuất, nhảy hiện đại, múa ballet, hát… tạo nên một khu rừng cổ tích mang màu thần thoại. Khán giả nhí đến với “Bầy chim thiên nga” không chỉ được đắm mình trong không gian cổ tích, được gặp những nhân vật mà mình yêu thích, mà còn được vui, buồn cùng nàng công chúa Lisa và các người anh của nàng. Từ những tình huống của câu chuyện, các em nhỏ sẽ biết phân biệt việc tốt, việc xấu, thêm yêu thương những người thân trong gia đình.

- Đây là một tác phẩm khá quen thuộc đối với các bạn nhỏ, vậy chị đã làm mới “Bầy chim thiên nga” như thế nào để vở diễn không bị cũ?
 
- Tôi đã có một ê-kíp tài năng cùng đồng hành ngay từ khi lên ý tưởng, đặc biệt là dàn diễn viên sáng giá như Ngô Lệ Quyên, Quang Trọng, Phạm Trung Thạch, Thu Nga… Chúng tôi đã làm mới “Bầy chim thiên nga” không giống hoàn toàn với nguyên bản. Bằng hình thức nhạc kịch, kết hợp giữa thần thoại và hiện thực để các em có thể cảm nhận được câu chuyện tưởng như xưa cũ nhưng lại mang góc nhìn mới mẻ trong nghệ thuật, đồng thời cũng trao cho các em những bài học cuộc sống ý nghĩa. Tôi mạnh dạn đưa vào tác phẩm những điều mới mẻ, hiện đại. Thí dụ như, bên cạnh những ca khúc mang hơi thở thời đại như pop, rap… tôi đã đưa âm nhạc cổ điển từ vở ballet “Hồ Thiên Nga” của Tchaikovsky vào phân đoạn “Thiên nga bên bờ suối”, hoặc biến tấu âm nhạc cổ điển sang rock, làm mới ca khúc “Đội kèn tí hon” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bằng cách phối khí theo phong cách jazz. Cùng đó, tôi sử dụng ngôn ngữ hình thể qua nhảy, múa đương đại để làm nổi bật tính cách, tình tiết của nhân vật và câu chuyện. Tôi hy vọng, những sáng tạo này sẽ làm cho vở diễn trở nên gần gụi hơn với khán giả nhí hôm nay. 

- Dựng nhạc kịch cho đối tượng là thiếu nhi, chị gặp những khó khăn gì sau trải nghiệm với hai vở diễn vừa qua?

- Nhạc kịch vốn là một môn nghệ thuật khó, đòi hỏi người nghệ sĩ cần có kiến thức tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là làm nhạc kịch cho thiếu nhi. Ê-kíp sáng tạo và dàn diễn viên  của “Bầy chim thiên nga” phần lớn là các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm dàn dựng và biểu diễn cho thiếu nhi. Tuy nhiên, khi bắt tay làm nhạc kịch cũng gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt như nhân lực, vật lực… Không chỉ vậy, làm hài lòng khán giả nhí cũng là một thách thức với tôi và ê-kíp. Tôi muốn các em đi xem và được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: cười, khóc, nhận ra điều tốt thì nên làm, điều xấu thì tránh xa, đặc biệt là các em được sống cùng đời sống của nhân vật trong thánh đường sân khấu. Tôi chú trọng đầu tư các mảng miếng kết hợp các loại hình nghệ thuật đỉnh cao như ballet, múa đương đại, nhạc cổ điển để nâng cao chất nghệ thuật, cũng là nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật cho các khán giả nhí. Nhạc kịch tuy còn mới mẻ với các em, nhưng qua hai vở diễn, tôi nhận thấy khán giả của mình đã phản hồi tích cực. Nhiều khán giả đã mua vé xem lại. Đó thật sự là điều hạnh phúc với chúng tôi. 

- Từ trước đến nay chúng ta vẫn mặc định nhạc kịch kén khán giả, trong khi đó, “Trại hoa vàng” của chị đã liên tục cháy vé. Theo chị, vì sao có được thành công đó?

 - “Trại hoa vàng” đã thành công ngoài mong đợi của chúng tôi. Đây là một vở kịch xen lẫn một bữa tiệc âm nhạc. Điều này làm cho “Trại hoa vàng” đến gần với khán giả hơn. Những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh và các ca khúc đang được khán giả yêu thích cũng là yếu tố dẫn đến thành công của vở và tôi chỉ là người đặt chúng bên cạnh nhau thật hài hòa và đúng vị trí. Qua những đêm diễn, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn từ khán giả, họ có những bài viết trên trang cá nhân dành cho “Trại hoa vàng” những lời khen cũng như góp ý về những hạt sạn của vở. Con đường đưa nhạc kịch đến gần với khán giả trẻ còn thênh thang, và tôi tin, chúng tôi đã chạm được vào trái tim của khán giả.

Mong sân khấu sẽ là một phần ký ức tuổi thơ

- Rõ ràng, sân khấu cho thiếu nhi đang là một khoảng trống, nhạc kịch cho thiếu nhi, thanh thiếu niên lại vô cùng thiếu. Song, đó cũng là địa hạt chứa đựng những thách thức cả về nhân lực và khán giả. Điều gì thôi thúc chị dấn thân đi con đường khó này? 

- Thật ra sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ chúng tôi chẳng mấy khi “trống”. Hằng năm, nhà hát tổ chức hàng trăm buổi diễn và đón hàng chục nghìn khán giả nhí. Nhận thấy cần đổi mới và nâng cao chất lượng các vở diễn để phục vụ khán giả trẻ, nhà hát đã đặt ra những thách thức mới, cũng là cơ hội để các nghệ sĩ được sáng tạo, phát huy những thế mạnh của mình trong lao động nghệ thuật. Tôi đã chọn nhạc kịch để phát huy những sở trường của bản thân lẫn các nghệ sĩ trong nhà hát. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức trước mắt. Một đạo diễn hay diễn viên nhạc kịch cần có kiến thức tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật: kịch nói, thanh nhạc, nhảy múa. Hiện nay, chúng ta chưa có trường lớp nào đào tạo bộ môn nhạc kịch, bởi vậy nên nguồn nhân lực cho loại hình này gần như không có. Thật may là Nhà hát Tuổi trẻ có hai đoàn nghệ thuật: Kịch và Ca múa nhạc nên các nghệ sĩ đã quen với việc: Ca sĩ và diễn viên múa cũng biết diễn xuất, và diễn viên kịch cũng biết nhảy múa, biết hát. Chúng tôi có những nhạc sĩ có nhiều kinh nghiệm viết nhạc cho các vở diễn, đặc biệt là những vở dành cho thiếu nhi như nhạc sĩ Tuấn Nghĩa, Lưu Thiên Hương, Tường Văn, Hải Nam. Nhưng để đạt được yêu cầu của một nghệ sĩ nhạc kịch đỉnh cao thì chúng tôi còn phải đầu tư và luyện tập nhiều. Khi chọn nhạc kịch để dàn dựng, tôi cũng có rất nhiều lo lắng về việc khán giả sẽ đón nhận nhạc kịch như thế nào khi đây là một loại hình nghệ thuật ít được nhắc đến và khi nói đến nhạc kịch thì phần lớn đều nghĩ rằng sẽ khó xem, khó hiểu bởi tính hàn lâm của nó, nhất là với khán giả nhí. Chúng tôi cũng đã trải qua những thất bại khi thử làm nhạc kịch từ mấy năm trước. Nhưng với niềm tin và mong muốn mang lại những vở diễn mới và chất lượng nghệ thuật cho khán giả trẻ, chúng tôi đã không ngại dấn thân vào con đường đầy khó khăn và thách thức này. 

- Từ một ca sĩ, chị lấn sân sang con đường đạo diễn và đã thành công ngay với vở đầu tiên, “Trại hoa vàng”. Có vẻ như chị hợp duyên với “tuổi teen và thiếu nhi”?

- Tôi chưa bao giờ quên mình là một ca sĩ, âm nhạc luôn tràn đầy trong tôi, và tôi sẽ mang tình yêu ấy vào các vở diễn dành cho thiếu nhi và khán giả trẻ. Tôi và các đồng nghiệp của mình vẫn đang đồng hành trên con đường sáng tạo và lao động nghệ thuật dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Với tình yêu dành cho tuổi trẻ, tôi muốn sự nghiệp của mình gắn liền với các em. Và để nhạc kịch không còn xa lạ với khán giả, tôi nghĩ cần đầu tư ngay từ lớp khán giả nhí. Tôi vẫn mong sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ là một trong những ký ức tuổi thơ thật đẹp của các em. 

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

11_1-1622192606058.jpg
 Cảnh trong vở “Bầy chim thiên nga”.