Đạo diễn Xuân Phượng:

Tôi là người rất yêu nghề

Nổi danh với những thước phim tài liệu chân thực về chiến tranh, từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá cả trong nước và quốc tế, ở tuổi 91, đạo diễn Xuân Phượng khiến không ít người bất ngờ khi liên tiếp được xướng tên tại giải thưởng văn chương năm 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho tập hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành. Khi được gọi là nhà văn, bà cười hiền hậu: "Tôi vẫn chưa quen với danh xưng này".

Trước khi được chỉnh sửa và tái bản, Gánh gánh.. gồng gồng… có tên là Áo dài, và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Trước khi được chỉnh sửa và tái bản, Gánh gánh.. gồng gồng… có tên là Áo dài, và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Tôi muốn chia sẻ về cuộc đời mình

- Được biết, tiền thân của Gánh gánh… gồng gồng… là Áo dài. Hai phiên bản đều kể câu chuyện cuộc đời của bà nhưng vì sao lại có hai cái tên khác nhau, thưa bà?

- Thập niên 40 nửa đầu thế kỷ 20, hầu hết đàn bà Việt Nam - nhất là người đàn bà Huế, từ những người bán tàu hũ, bán xôi ngoài chợ, đến viên chức… bước ra khỏi cổng cũng đều mặc áo dài. Áo dài là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Đến năm 1945, chiến tranh nổ ra, áo dài lập tức được cất trong kho. Thời kháng chiến, phụ nữ chỉ mặc quần dài, áo sơ-mi và nghĩ rằng không bao giờ được mặc lại áo dài. Mãi đến khi nước nhà thống nhất, áo dài lại được phụ nữ Việt Nam mang ra mặc.

Vào năm 2001 theo đề nghị của NXB Plon (Pháp), tôi viết hồi ký và chọn tên sách là Áo dài, không phải mang ý nghĩa kể về sự tích áo dài mà tôi muốn nói rằng, không ai có thể tiêu diệt được cái đẹp. Cái đẹp dầu gặp hoàn cảnh bắt buộc, phải đi vào kín đáo nhưng bao giờ cái đẹp trên cuộc đời cũng thắng cái xấu. Khi lấy tên sách Áo dài, tôi muốn chia sẻ về ý nghĩa của vẻ đẹp ấy.

Năm 2019, sau 19 năm, khi viết lại hồi ký bằng tiếng Việt, tôi nghĩ rằng người Việt Nam không cần giải thích cũng biết về vẻ đẹp của áo dài; tôi muốn tập trung chia sẻ về cuộc đời của mình. Tôi rất thích bài đồng dao, nói về sự lo toan của người đàn bà cho gia đình, cho xã hội. Nó rất giống với nghĩa gánh gồng. Chính vì vậy, lúc này tôi đổi tên thành Gánh gánh… gồng gồng

- Ở cuối hồi ký, bà viết: "Sẽ có người thích, người chê bai". Là bà đã dự báo được những hệ lụy có thể xảy ra với cuốn hồi ký của mình?

- Không phải. Bởi vì tôi liên hệ từ bản thân mình, đọc hồi ký của ai tôi cũng có cảm giác ấy, hoặc là đọc một mạch hoặc đọc mấy trang rồi bỏ. Ai cũng có cảm giác như vậy, rất say mê hoặc không thích vì nó không đúng với tạng của mình. Nhờ biết tiếng Anh, tiếng Pháp nên tôi đọc hồi ký nhiều lắm, cả trong nước lẫn nước ngoài. Thêm nữa, không cứ là hồi ký, có những cuốn mình nghe đến thì thích lắm nhưng đọc vài trang cũng thôi. Có những tác phẩm tôi thấy nhiều người khen nhưng khi đọc, cảm thấy bóng bẩy, son phấn nhiều quá thì tôi bỏ. Từ cảm giác ấy, tôi nghĩ sách mình cũng thế, không phải ai cũng thích.

- Khi chuyển sang làm phim tài liệu, với bà hoàn toàn là một cuộc rẽ ngang mà không được đào tạo. Mọi việc có thuận lợi với bà không, nhất là bà lại được làm việc cùng với ông Joris Ivens - nhà làm phim tài liệu nổi tiếng về các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới?

- Không hề thuận lợi một chút nào. Nhưng đúng là tôi may mắn khi được làm việc với đạo diễn Joris Ivens. Trước đó, trong hai năm Joris Ivens thường qua lại Việt Nam để giảng bài cho các lớp điện ảnh. Trong quá trình phiên dịch, vô tình tôi cũng học được những kiến thức mà ông ấy giảng dạy ở lớp. Tôi đã ghi chép những kiến thức đó thành tài liệu về phim cũng như cách làm phim.

Ngoài ra, cũng phải nói là nhờ mình rất yêu nghề nữa. Cho nên, khi làm phim, gặp khó khăn tôi không ngại mà đi gặp những người lớn hơn, giỏi hơn như Bùi Đình Hạc, hoặc những người đã được đào tạo bài bản ở Nga về, để nhờ hỗ trợ, họ góp ý thì mình tiếp thu rồi làm thôi. Tôi không ngại, không giấu dốt gì hết! Khi viết lời bình cho phim, nhiều khi khó quá tôi lại tìm đến anh Chế Lan Viên, anh Nguyễn Mạnh Tuấn, rồi nhạc sĩ Hoàng Vân, Hồng Đăng để nhờ viết nhạc phim. Có lẽ, họ thấy được sự chân thành, thấy được tinh thần cầu thị, ham học hỏi ở tôi nên sẵn sàng giúp đỡ.

 - Bà may mắn gặp được một người thầy giỏi; nhưng khi người thầy ấy đi rồi thì ở trong nước, bà đã làm phim và liên tục có những bộ phim gây tiếng vang. Liệu bà có bí quyết gì mà các bạn trẻ ngày nay có thể học hỏi được?

- Thỉnh thoảng có một số bạn trẻ đến gặp, trò chuyện và tôi cũng được hỏi câu này. Theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là sự yêu nghề. Làm phim tài liệu là một nghề cực kỳ khó khăn. Cái khó khăn của thế hệ chúng tôi là làm phim giữa lằn ranh sống và chết. Ngoài ra, phải đọc thật nhiều, phải có kiến thức cơ bản thật rộng mới làm được phim tài liệu hay. Chính vì vậy, khi làm phim tài liệu, tôi vẫn thường khuyên các bạn trẻ không ngừng đọc sách.

Tôi là người rất yêu nghề -0
Đạo diễn Xuân Phượng sinh năm 1929 tại Nham Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà là đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm giành giải thưởng tại nhiều liên hoan phim quốc tế và trong nước, cùng nhiều phim hợp tác với các nhà đạo diễn phim tài liệu Pháp, Mỹ, Nhật Bản từ năm 1968 đến 2000.

Những điều khó gọi thành tên

- Cuộc đời bà bị cuốn đi bởi chiến tranh, bởi công việc rồi gia đình riêng. Trong khoảng thời gian đó, có lúc nào bà nhớ về gia đình, về ba má của mình. Cảm xúc của bà lúc đó là gì?

- Năm 1975, tôi trở về Huế thăm nhà xưa cùng hai người quay phim. Từng là phóng viên chiến trường nên bom đạn là thứ mà tôi đã quen; thế nhưng, khi bước chân lên bậc tam cấp để vào nhà, tự nhiên hương hoa bưởi, hương trái chín dậy lên trong vườn khiến tôi bủn rủn, không đi được nữa. Hai người quay phim phải đỡ để tôi khỏi bị té. Tôi không tưởng tượng được sau những gì mình đã trải qua trong cuộc đời, mùi hương trái chín lại là thứ kỷ niệm vô cùng lớn, không dễ gì quên được. Hay khi sống dưới lòng đất sâu chín thước ở địa đạo Vĩnh Linh (Quảng Trị), có những đêm ngột ngạt, trong đầu tôi lại gợi nên những kỷ niệm thời sống trong vườn bà. Những kỷ niệm ấy giúp tôi bỗng nhiên tỉnh táo lạ kỳ.

Trong thời gian ở Việt Bắc, có một câu rất đúng để nói về tình trạng của tôi và nhiều người khác khi đó là "Ngày Bắc đêm Nam". Ban ngày, chúng tôi tập trung cho công việc và nhiệm vụ được giao; nhưng đêm xuống, tâm hồn từng bước từng bước lần ngược về quê nhà. Nhớ về gia đình, không có một cái gì cụ thể, mọi thứ nó mông lung lắm nhưng vẫn khiến lòng mình quay quắt. Chính vì vậy, sau này càng đi xa tôi càng thông cảm với những người sống ở nước ngoài, họ có những nỗi nhớ dai dẳng mà đôi khi thật khó gọi thành tên.

- Đi qua rất nhiều biến động, nguy hiểm cận kề, bà vẫn giữ được cho mình một trí tuệ minh mẫn và tinh thần sống lạc quan, tích cực, điều gì làm nên bí quyết riêng của bà?

- Bạn bè tôi chết nhiều lắm, bản thân tôi cũng bị đất cát vùi lên dập xuống nhiều lần. Thời gian đi thực hiện bộ phim Vĩ tuyến 17 - chiến tranh nhân dân, phải sống dưới đất sâu, tôi như chết đi sống lại. Rõ ràng đó là một may mắn mà không phải ai cũng có.

Sau năm 1954, lúc về Hà Nội tôi bị lao thận, đi tiểu ra máu, đau lắm. Khi đi khám ở Bệnh viện Việt Đức, anh Vũ Triều - bác sĩ về tiết niệu bảo thận của chị bị tổn thương nặng rồi, thuốc cũng chỉ để cầm chừng thôi, chứ chắc khó sống lắm. Thời đó nghèo lắm, ăn không đủ, toàn ăn cháo trừ cơm thì tiền đâu mà thuốc thang. Tôi cứ để mặc như vậy mãi đến năm 1965, nhờ viết bài cho một tờ báo tiếng Pháp, tôi có cơ hội làm cùng nhà bác học Nguyễn Khắc Viện. Ông ấy là Việt kiều Pháp về Việt Nam, đề xướng tập yoga. Tôi tập từ đó đến giờ. Ngày nào tôi cũng thức dậy lúc 6 giờ sáng, đến 6 giờ 30 phút thì ra bờ sông tập yoga. Tôi tập trong vòng một giờ rồi về nhà ăn sáng trước khi bắt đầu công việc. Nhờ tập luyện đều đặn như vậy mà tôi có một sức khỏe và sự minh mẫn như bây giờ.

- Chân thành cảm ơn những chia sẻ của bà!