Kiến trúc sư Trần Thị Ngụ Ngôn:

Tinh thần truyền thống truyền cảm hứng cho hiện đại

Quá trình đô thị hóa và đời sống kinh tế ngày một khá giả khiến cho kiến trúc nhà ở nông thôn Việt Nam nói chung đã và đang có nhiều thay đổi, phần nhiều, có xu hướng tiêu cực, và làm dấy lên lo ngại về tình trạng "mất bản sắc". Chúng tôi có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Trần Thị Ngụ Ngôn, đồng sáng lập Tropical Space, quanh chủ đề rất đáng được quan tâm này.

Kiến trúc sư Trần Thị Ngụ Ngôn, đồng sáng lập Tropical Space.
Kiến trúc sư Trần Thị Ngụ Ngôn, đồng sáng lập Tropical Space.

Rất nhiều câu hỏi…

- Có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện từ ngôi nhà ở Long An mà công ty chị thiết kế, nó được đặt ở một vùng nông thôn nhưng chủ nhân của nó có phải là người nơi đây không, thưa chị?

- Tôi hiểu là chúng ta ngay lập tức mở ra một chủ đề rộng rồi. Đúng là ngôi nhà đó ở nông thôn nhưng chủ nhân của nó không phải người bản địa, mà là người từ TP Hồ Chí Minh về và còn một điều nữa, bác ấy lại là người gốc bắc, muốn có một nơi chốn gợi nhớ lại những câu chuyện xa xưa trong ký ức về ngôi nhà ba gian hai chái dung dị của gia đình.

- Ở nhiều vùng nông thôn hiện nay, có việc đan xen dân ngụ cư và bản địa. Thực tế này chi phối như thế nào đến hiện trạng mất mát nét đặc trưng truyền thống trong kiến trúc nhà ở nông thôn, theo góc nhìn của chị?

- Sẽ không thể nào còn những "hàng rào chè tàu" hay "giậu mùng tơi" ngăn giữa "nhà tôi với nhà nàng" nữa (cười). Sự nhập cư đan xen dẫn đến một tâm lý là tính cố kết cộng đồng làng xã không như trước, niềm tin trong một cộng đồng gắn bó chặt chẽ như trong truyền thống phần nào bị suy giảm, trong khi đời sống kinh tế đã khác xưa và cùng với nhiều yếu tố tự nhiên-xã hội khác khiến cho ngôi nhà ở nông thôn đã được thay đổi theo chiều hướng kiên cố hơn, tách biệt với hàng xóm hơn. Bên cạnh đó, tâm lý chung của con người có lẽ là sẽ theo phía mạnh, phía sáng, thế nên ở nông thôn, nhiều người cũng thích có nhà làm sao mà "trông giống như ở thành phố".

- Ngôi nhà Long An có phải là một ngôi nhà "trông giống như ở thành phố" không?

- Ngôi nhà có tường bao cao kín, không phải là hàng rào thưa...

Tinh thần truyền thống truyền cảm hứng cho hiện đại -0
Một góc giếng trời bên trong ngôi nhà ở Long An, xây dựng năm 2017. 

- Yếu tố ngôi nhà ba gian hai chái dung dị theo mong muốn của chủ nhân đã được đáp ứng như thế nào bên trong một không gian khép kín như vậy?

- Chúng tôi đã có sự xoay chuyển không gian tương ứng với hoàn cảnh, nhu cầu sinh hoạt thường nhật của gia đình chủ nhân. Giếng trời được đưa vào vị trí trung tâm bên trong ngôi nhà, phía trên hoàn toàn mở, để mưa, nắng trực tiếp đi vào bên trong không gian gia đình, giếng trời này cũng chính là cái hồ nước nhỏ điều hòa độ ẩm trong nhà, góp phần hạn chế việc sử dụng năng lượng như điện cho quạt và điều hòa. Quanh giếng trời là vùng đệm-nối giữa nhà và sân như là mái hiên, nơi ta có thể ngồi lâu hóng nắng gió, đợi người thân về hoặc đơn giản là tĩnh lặng giữa thiên nhiên để nghỉ ngơi. Vùng đệm này đủ để nếu có gió mưa cũng không gây ảnh hưởng đến các không gian sinh hoạt riêng-chung bên trong, cũng như không ảnh hưởng đến cấu kiện ngôi nhà về lâu dài. Phải nói thêm là nhìn các công trình xây gạch trần, nhiều khoảng mở ra với thiên nhiên của chúng tôi như vậy, ai cũng dễ đặt câu hỏi vậy mưa nắng, gió bão thì sao... Một số chủ đầu tư cũng bị nhà thầu xây dựng tác động và lại thành ra băn khoăn, nhưng câu trả lời cho tất cả các vấn đề đó đương nhiên là của kiến trúc sư ngay từ đầu bản thiết kế rồi. Nói gọn lại là chúng trông đơn giản thế thôi song lại chứa đựng/là kết quả của rất nhiều sự phức tạp.

"Ba gian hai chái" đã được giải quyết theo các quan điểm kết cấu hình học hiện đại và khoa học hơn: hai chái là khu phụ được giải quyết để làm cầu thang, hành lang, nhà kho, cân đối theo trục ngang; ba gian chính sẽ được xoay chuyển để kết nối với không gian đón thiên nhiên là sân trời, theo trục dọc của diện tích đất; đứng đâu cũng có thể nhìn thấy bóng dáng người thân, nghe thấy tiếng nói người thân... Bạn còn nhớ những tấm liếp tre ở phía ngoài mái hiên nhà nông thôn miền bắc xưa không? Che nắng, chắn gió mà vẫn hứng được nắng nhờ các khoảng hở, rất đẹp và đó là nguồn cảm hứng để chúng tôi tạo nên các bức tường hở giữa các không gian hoặc tường bao quanh nhà.

Cần một "điểm tựa"

- Ngôi nhà có thiết kế riêng ở vùng nông thôn như nhà ở Long An hẳn là một ngoại lệ. Thực tế lâu nay, người nông thôn làm nhà theo mô hình được nhân bản bởi các phường thợ xây, có lắp ghép, gom nhặt theo ý thích chủ quan của chủ nhà. Điều này phải chăng cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến điều mà ta hay nói là mất bản sắc trong kiến trúc nhà ở nông thôn?

- Xưa kia, người nông thôn không có lựa chọn nào khác ngoài việc nương theo hoàn cảnh tự nhiên để làm nhà nên có thể, những thứ mà ta gọi là truyền thống phần nào còn do hoàn cảnh bắt buộc. Có thể coi đó là điểm tựa cho họ nương theo và tạo nên bản sắc của ngôi nhà ở truyền thống. Ngày nay thì người nông thôn có nhiều lựa chọn hơn hẳn, vả lại phía nào sáng, mạnh thì họ sẽ nương theo, như tôi đã nói ở trên. Thế nên bây giờ đi tìm một điểm tựa mạnh mẽ cho người nông thôn trong câu chuyện giữ bản sắc kiến trúc nhà ở nông thôn thật khó khăn. Liệu điểm tựa ấy có thể là truyền thông, bao gồm cả báo chí và truyền thông xã hội được không? Đem tới một sự lan tỏa, một nguồn ảnh hưởng về nhận thức một cách tích cực cho họ?

- Vậy còn phía quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc, chị có ý kiến gì về thực trạng hoạt động của lĩnh vực này từ chính các khảo nghiệm thực tiễn nhà ở nông thôn của chị?

- Đúng là việc quản lý và quy hoạch cụ thể chưa có, người dân ở nông thôn xây dựng nhà theo kiểu ai thích gì làm đó, hoàn toàn tự phát. Nên mới có thực tế là giữa cánh đồng, lũy tre xanh ngát mọc lên một tòa lâu đài áp chế cả cảnh quan chung, vàng son lộng lẫy mà bên trong vẫn dùng đồ nội thất từ nhựa, inox khá khập khiễng về thẩm mỹ, khác hẳn sự hài hòa với cảnh quan, tương đồng về nội ngoại thất của các cụ ta xưa.

- Cũng từ các khảo nghiệm thực tế của chị về nhà ở nông thôn, chị hình dung như thế nào về mẫu nhà ở tương lai phổ biến cho nông thôn Việt Nam, có thể chia theo từng vùng miền?

- Thật khó khăn nhưng tôi vẫn thích thú nhất và cảm thấy được truyền cảm hứng nhiều nhất từ tinh thần hài hòa sống cùng với thiên nhiên, "tất cả trong một" của những mẫu nhà ở truyền thống từ nông thôn miền bắc cho đến vùng đồng bào miền núi, Tây Nguyên. Tinh thần ấy có thể không nhất thiết cứ phải hiển lộ rõ ràng quá, mà có thể như phép ẩn dụ, là âm bản, là cảm hứng cho thiết kế hiện đại, khoa học hơn, đáp ứng nhu cầu của con người hôm nay.

- Chân thành cảm ơn chị!

Tropical Space (do hai vợ chồng kiến trúc sư Trần Thị Ngụ Ngôn và Nguyễn Hải Long sáng lập) nổi lên là một văn phòng thiết kế nhà ở dân dụng và các kiến trúc khác gắn liền với vật liệu gạch đỏ, xây trần, thiết kế tập trung vào việc kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và tự nhiên, nắng, mưa, gió, ánh sáng, bóng đổ để đưa thiên nhiên đến gần nhất với đời sống con người. Cho đến nay, Tropical Space đã giành được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, như: Giải vàng của Hội đồng kiến trúc sư châu Á (ARCASIA Award for Architecture) năm 2019 cho Nhà ở Long An và năm 2018 cho Xưởng gốm; Giải vàng (Fritz Hoger Award, CHLB Đức) cho Nhà tổ mối. Mới đây, Giải Spotlight Award 2022 của Rice Design Alliance (Liên minh thiết kế Rice), thuộc Trường Kiến trúc của Trường đại học Tổng hợp Rice (Rice School of Architecture, Rice University, Houston, Texas, Hoa Kỳ) đã được thông báo sẽ thuộc về hai kiến trúc sư Nguyễn Hải Long và Trần Thị Ngụ Ngôn vào ngày 23/2/2022.