Nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền:

“Số phận tôi như dòng Mê Công, cũng bao thăng trầm”

Sau một lần thoát chết khi làm phóng viên chiến trường ở Iraq, ngẫm ngợi về những điều đã qua, Lâm Đức Hiền đã quyết định quay về, ngược dòng Mê Công 4.200 km và thực hiện dự án ảnh của đời mình. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông, khi Triển lãm “Mê Kông - Chuyện đôi bờ” của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền được tổ chức trưng bày tại Viện Pháp (24 Tràng Tiền - Hà Nội), đến hết ngày 12/9. 

Một tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền.
Một tác phẩm của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền.

Về Ðông Nam Á như về nhà

- Ý định chụp về dòng sông Mê Công - nơi gắn bó với cuộc đời ông - đến như thế nào?

- Dự án Mê Công là một kế hoạch dài hơi, trải qua hai giai đoạn. Hồi còn ở Lào, gia đình tôi sống bên bờ sông. Chính vì vậy, đối với tôi, dòng Mê Công đã trở thành một phần máu thịt. Sau 10 năm xa xứ, đến năm 1988, tôi trở lại Lào thăm người thân. Lúc đó tôi hãy còn là cậu sinh viên Trường Mỹ thuật Beaux Arts ở Pháp, mang theo chiếc máy ảnh để chụp lại, lưu giữ những kỷ niệm gia đình, và cũng để tìm hiểu, lý giải quá khứ, chứ không có dự án nhiếp ảnh gì cả.

Năm 2003, tôi làm phóng viên chiến trường ở Thủ đô Baghdad, Iraq và thoát chết trong một cuộc giao tranh ác liệt. Lần đầu tiên tôi thấy sợ. Khi về Pháp, tôi tự vấn về nghề nghiệp của mình, không biết, liệu tôi có thể chụp được điều gì có thể khiến bản thân vui không? Sông Mê Công, với mỗi dân tộc sống bên bờ dòng chảy của nó, như người Việt, người Campuchia, người Lào..., họ chỉ biết một khúc sông nơi họ cư ngụ, chứ không ngắm được toàn bộ dòng chảy. Dự án ngược dòng Mê Công, từ đồng bằng Cửu Long của Việt Nam đến tận mạch nguồn, đã bắt đầu như thế.

Dự án này nhận được rất nhiều tiền tài trợ, tôi có thể tự do làm việc theo ý mình, bỏ ra nhiều tháng, nhiều năm ròng để hoàn thiện nó. Sau đó, tôi tổ chức triển lãm ảnh Mê Công ở Vườn Luxembourg (Pháp). Cuộc triển lãm ấy ngay lập tức thành công, vì nó gợi cho người dân Pháp rất nhiều hoài nhớ đượm buồn gắn với một quá khứ Ðông Dương thời thuộc địa. Cứ thế, những dự án gây được tiếng vang lớn, mang tôi nhiều lần trở lại bên bờ Mê Công.

“Số phận tôi như dòng Mê Công, cũng bao thăng trầm” -0

Nhiếp ảnh gia Lâm Ðức Hiền sinh ra trong một gia đình bố là người Việt, mẹ là người Lào, bên bờ sông Mê Công, đoạn chảy qua thị trấn Paksé phía nam Lào. Ông cùng gia đình vượt sông để tới Thái Lan, sống suốt hai năm trong trại tị nạn và trốn hai lần trước khi đến Pháp năm 1977. Ông là nhân chứng của các cuộc xung đột lớn ở thế kỷ 20 và 21 tại Romania, Nga, Bosnia, Chechnya, Rwanda, Nam Sudan; đặc biệt là Iraq - nơi ông làm phóng viên chiến trường tại đó trong 25 năm. Ông đã giành nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quan trọng như Leica Award, Great European Award của thành phố Vevey,... và giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới (WPP) cho những tấm chân dung "Người Iraq". Ông là thành viên của hãng ảnh Agence VU’.

- Ông từng ra mắt sách ảnh gồm hơn 100 bức chụp về sông Mê Công với tựa là "Mékong, histoires d’hommes" (Mê Công, chuyện con người); đồng thời, phát hành bộ phim tài liệu "Le Mékong et le photographe" (Mê Công và nhiếp ảnh gia). Những suy nghĩ về sông Mê Công và các dân tộc sống hai bên bờ sông này đã đi theo nhiếp ảnh gia Lâm Ðức Hiền như thế nào trong cuộc đời bôn ba, náo động và cũng đầy tĩnh lặng?

- Tôi từng ra mắt cuốn sách ảnh có tên "Mê Công, chuyện con người", có nghĩa là thong dong ngày tháng, chẳng vội vàng gì, chụp ảnh người dân, sống với họ, lắng nghe câu chuyện của họ, tạo mối dây kết nối với họ, thật gần, thật gần. Ðể có được sự thân thiết gần gũi như thế cũng bởi ở mỗi nơi chốn tôi đều có thể nói ngôn ngữ xứ sở ấy.

Những bức ảnh Mê Công thật ra hơi đối lập với đề tài nhiếp ảnh tôi thường xử lý, như ở các vùng chiến tranh liên miên tại Iraq, Bosnia, hay Chechnya... Ðối với tôi, Mê Công giống như một suối nguồn năng lượng. Tôi có nhu cầu được trầm mình, bơi lội nơi bờ bến ấy. Vì thế, mỗi lần cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi về thể xác và tinh thần bởi những phóng sự ảnh ở Iraq, hay thỉnh thoảng bị ốm đau tại châu Phi, tôi lại trở về Ðông Nam Á, như về nhà, và ngay lập tức có cảm giác mình được nạp pin.

Năm 2003, tôi quyết định thực hiện dự án ảnh đi ngược hơn 4.000 km dòng Mê Công. Sau khi hoàn thành nó, xuất bản cuốn sách "Mékong, histoires d’hommes", tôi cảm thấy tinh thần phấn khởi, tràn trề năng lượng. Dòng sông đã giải phóng tôi khỏi tất cả muộn phiền, căng thẳng, để tôi lại có thể tiếp tục đến Iraq, sau 10 năm gián đoạn (từ năm 2003 đến 2013), và trở về với công việc phóng viên chiến trường.

"Việt Nam đối với tôi là gương mặt ông bà"

- Lần đầu trở lại Lào, dù có mang theo máy ảnh nhưng không thể nào chụp được bất cứ thứ gì ngoài việc tìm lại những bức ảnh cũ của gia đình. Vì sao vậy?

- Mục đích trở về của tôi lúc đó chỉ là để gặp gia đình, chứ không ấp ủ bất kỳ dự án ảnh nghệ thuật nào cả. Hoàn toàn bị đắm chìm trong nỗi xúc động lớn. Suốt một tháng ròng, tất cả những gì tôi làm là tìm lại những kỷ vật, chụp chúng để có thể lưu giữ chúng mãi mãi.

Trước mặt tôi là con sông đã chứng kiến ngày tôi được sinh ra, sau đó thành một người lưu vong rồi bôn ba khắp thế giới. Cảm xúc ùa về như những cơn mưa nhiệt đới, hấp dẫn và mạnh mẽ. Ở đó, tôi thấy lại những bóng hình thân thuộc của tuổi thơ, bà tôi... Trong sự bối rối của cảm xúc, hạnh phúc lẫn buồn đau của thân phận lưu vong hòa trộn, tôi nhận ra, quê hương sẽ không bao giờ rời bỏ mình. Ðó có phải là ngày mà khát khao về dự án này đã nảy mầm trong tôi? Ngược dòng Mê Công, đi trên phù sa để hàn gắn tâm hồn bầm dập, đối diện với những cảm xúc âm ỉ thổn thức trong lòng. Sau đó, dọc theo con nước, gặp số phận của lưu dân trên bờ sông. Ngoài lời khai mở thân mật, hôm nay tôi hy vọng rằng, dự án này nói với bạn về những dòng sông của bạn, cũng giống như nói về tôi vậy.

Trải qua rất nhiều chuyện, tôi nhận thấy, số phận mình cũng giống dòng Mê Công, cũng kinh qua biết bao thăng trầm. Khi kể câu chuyện của dòng sông, tôi đồng thời cũng kể ra câu chuyện của chính mình thông qua chuyện những người sống bên bờ sông ấy. Nghĩa là, ở đây, tôi không bàn đến yếu tố khách quan, mà tràn đầy nhân tố chủ quan, ấy là tôi, dòng sông Mê Công qua mắt nhìn của tôi, chiêm nghiệm sống của tôi.

- Khi đó, ông nghĩ mình là người Việt, người Lào, hay người Pháp?

- Lúc đầu, khi miên man chìm đắm trong những khung hình, tôi chưa hề có ý thức sâu sắc về căn cước như thế. Chỉ là sau đó, tôi khám phá ra rằng bản thân không muốn buộc phải lựa chọn một trong số ấy. Mà hơn nữa còn không ngừng tìm kiếm nó, để thấu hiểu điều gì đã xảy ra.

Giờ đây, tôi hoàn toàn thoải mái với bộ sưu tập căn cước công dân của mình. Tôi là người Việt, là người Lào, là người Pháp, thậm chí còn hơn thế nữa. Tôi còn đánh giá đó là một điểm mạnh của bản thân; bởi mỗi lần đến một quốc gia, thí dụ đất nước hồi giáo Iraq, tôi cảm thấy mình giống người Iraq... Tôi cố gắng trở thành một công dân toàn cầu, có nghĩa là tự do trong suy nghĩ, có thể lang thang đến bất kỳ đâu, có thể thấu hiểu người dân mọi quốc gia, ngụ trong bản thân họ.

- Hai chữ "Việt Nam" có ấn tượng gì với ông?

- Tôi sinh ra trong một gia đình gốc Việt. Việt Nam đối với tôi là gương mặt ông bà, là tất cả những gì tôi đã trải nghiệm với ông bà gốc Việt của mình, quê hương ông bà ở Hoa Lư, Ninh Bình. Mỗi lần có dịp trở về, tôi tìm đến những món ăn gợi nhắc về những ngày thơ bé. Không uống được rượu nhưng tôi rất yêu thích món nếp cẩm bà nội tôi hay làm. Mỗi lần tới Hà Nội, bạn bè tôi lại dẫn đi ăn nếp cẩm làm cho tôi thấy rất nhớ bà mình...

- Ngược dòng Mê Công 4.200 km để chụp những bức ảnh đời người của cá nhân, nhiếp ảnh gia Lâm Ðức Hiền muốn gửi một thông điệp gì?

- Trả lời báo chí, tôi từng nói, dòng Mê Công ở trong máu của tôi. Những suy nghĩ về sông Mê Công và các dân tộc sống bên bờ của nó đã đi cùng tôi suốt cuộc đời, thường là sóng gió, đôi khi thanh thản - giống như chính dòng sông vậy. Ngày nay, các dự án kỹ thuật lớn nhân danh sự tiến bộ đang làm thay đổi dòng chảy của con sông. Nhưng Mê Công vẫn ở đó, vẫn chưa muộn để chúng ta cứu rỗi vẻ đẹp của nó.

- Cảm ơn nhiếp ảnh gia Lâm Ðức Hiền! ■