NSND Trung Anh:

Nỗ lực để luôn là mình nhưng không lặp lại chính mình

Không chỉ thành công với những vai diễn trên sân khấu, NSND Trung Anh (ảnh nhỏ) còn là một gương mặt của phim truyền hình với những bộ phim gây “bão” dư luận Người phán xử, Về nhà đi con... Anh chia sẻ về những cơ hội để phim truyền hình lấy lại thị phần khán giả và những trăn trở của một người làm nghề đầy trách nhiệm, mà như anh nói, càng có tuổi, càng cẩn trọng.

Nỗ lực để luôn là mình nhưng không lặp lại chính mình

Tiêu chí “hay” đã được đặt lên hàng đầu

- Thời gian qua, anh trở lại tham gia khá nhiều phim truyền hình và được khán giả đón nhận. Có vẻ như phim truyền hình Việt đang ngày càng được lòng khán giả nhà?

- Trong vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam đã có những khởi sắc đáng kể. Trước hết là kịch bản ổn, kể cả những kịch bản chuyển thể từ nước ngoài như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, mới đây là “Hương vị tình thân” cũng được làm khá sạch sẽ...  Các bộ phim do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) viết kịch bản chất lượng tốt hơn. Phim được nâng cao chất lượng về mọi mặt, làm kỹ càng chứ không ào ào như trước, đội ngũ kỹ thuật được học hỏi từ các dự án hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc nên rất giỏi nghề. Các khâu đang dần chuyên nghiệp hơn. Nếu như trước đây họ đặt tiêu chí làm càng nhanh càng tốt thì bây giờ tiêu chí hay được đặt lên hàng đầu. Rồi áp lực cạnh tranh so sánh giữa các đạo diễn, các phim với nhau cũng là một động lực quan trọng. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải là một trong những người làm nghề kỹ lưỡng, anh duyệt từng phim một. Có thể nói, anh là người có công đưa phim truyền hình trở lại. Dư luận, báo chí và khán giả bắt đầu quan tâm đến phim truyền hình Việt Nam nhiều hơn. Đó là những tín hiệu mừng.

- Tôi nhớ, trong một cuộc trò chuyện với đạo diễn Lưu Trọng Ninh, anh có chia sẻ rằng, phim truyền hình Việt Nam không có gì hấp dẫn khán giả bằng chính những câu chuyện của người Việt, về văn hóa Việt. Theo anh, phim truyền hình hiện nay đã thể hiện được điều đó chưa?

- Những câu chuyện của người Việt luôn gần gũi, vì thế, nếu làm tốt sẽ hấp dẫn khán giả. Độ phủ sóng của phim truyền hình rất rộng. Vấn đề là chúng ta đã làm được điều đó chưa. Tôi nghĩ, mảnh đất này vẫn còn quá nhiều khoảng trống chưa được khai phá. Chúng ta mới chỉ loanh quanh một số đề tài chứ chưa thật sự nhập cuộc được vào đời sống đương đại. Kịch bản tốt hơn trước nhưng vẫn chưa có nhiều lựa chọn. Tôi muốn những câu chuyện thật gần gũi hơn nữa với đời sống của người dân để tìm được sự sẻ chia, đồng cảm của họ.

- Anh đã đi qua những giai đoạn rực rỡ của phim truyền hình thập niên 90, rồi đến giai đoạn thoái trào và bây giờ, phim bắt đầu khởi sắc trở lại. Anh có nhìn nhận gì về sự trở lại của phim truyền hình hiện nay?

- Ngày xưa có rất ít phim, làm ít và làm kỹ nên phim hay. Sau này, có một giai đoạn phim truyền hình trở nên xô bồ, ăn xổi, chất lượng đi xuống, thậm chí còn bị khán giả quay lưng. Nhiều đơn vị tư nhân nhảy vào làm phim truyền hình vì nghĩ rằng đó là mảnh đất màu mỡ, nhưng không hề đơn giản. Phim kém chất lượng, các đơn vị tư nhân bị đào thải hết, giờ ở miền bắc chỉ còn lại VFC và một đơn vị mới tham gia đầu tư phim truyền hình là Viettel. Khán giả bây giờ đông hơn trước, ngày xưa phim làm tốt về mặt nghệ thuật nhưng ít để ý đến khán giả, đề tài phim cũ, hay ôn nghèo kể khổ, na ná nhau, bây giờ phim truyền hình dung hòa được giữa chất lượng và khán giả. Điều quan trọng là truyền thông làm tốt hơn, gây hiệu ứng mạnh mẽ đối với khán giả. Tôi nghĩ, phim truyền hình đang là điểm nóng để phát triển, rất có lợi cho diễn viên, mang đến cho họ một sân chơi tốt không chỉ để kiếm sống mà còn được làm nghề. 

- Anh có đề cập đến vấn đề nội dung của phim truyền hình. Nhiều năm qua chúng ta cứ quẩn quanh với các đề tài quen thuộc như nông thôn, chiến tranh. Vậy theo anh, phim truyền hình hiện nay đã phản ánh được hơi thở của đời sống hay chưa? 

- Tôi nghĩ chúng ta đang dần tiệm cận đời sống, tuy nhiên, chưa bao quát hết được. Chúng ta cũng cần đổi mới tư duy làm phim, học hỏi cách làm của các nước rất thành công về phim truyền hình như Hàn Quốc, Nhật Bản. Phim truyền hình là mảnh đất màu mỡ và cơ hội vẫn còn ở phía trước. Phải mạnh dạn thay đổi để theo kịp đời sống. Như tôi đã nói, còn quá nhiều khoảng trống của đời sống mà phim chưa chạm tới, chúng ta mới chỉ loanh quanh một số đề tài, đôi khi hơi xa lạ với số đông.

Thế hệ trẻ đã toàn tâm, toàn ý với nghề

 - Có ý kiến cho rằng, thời điểm dịch bệnh này, phim truyền hình sẽ lên ngôi do các loại hình nghệ thuật biểu diễn bị “đóng băng”. Đây là cơ hội cho phim truyền hình lấy lại thị phần khán giả. Anh nghĩ sao?

 - Tôi không nghĩ chỉ giai đoạn này mà phim truyền hình làm tốt vẫn luôn có cơ hội thu hút khán giả. Vì tiềm năng khán giả của phim truyền hình rất lớn. Điều chúng ta cần làm là cho ra đời những tác phẩm tử tế, chất lượng cao mà thôi. Trong dịch bệnh, các nghệ sĩ vẫn phải quay mới để có phim phát sóng liên tục, đó cũng là một nỗ lực không nhỏ. 
 
- Vậy theo anh, để phát triển lâu dài và để phim truyền hình Việt trở thành một thương hiệu không chỉ trong nước, chúng ta nên làm gì?

- Nói về trong nước, độ phủ sóng của phim truyền hình quá kinh khủng đến mức có nhiều diễn viên từ chối phim nhựa vì làm phim truyền hình nổi tiếng hơn dù làm phim nhựa là làm nghệ thuật. Họ cho rằng, phim nhựa ít người xem. Phim truyền hình nhiều người xem nên đó là phương tiện tác động sâu xa nhất đến khán giả, từ giáo dục, thẩm mỹ... Vậy mấu chốt là chúng ta cần chuyên nghiệp hóa các bộ phận. Chúng ta làm chỉn chu, nghiêm ngắn từ quay phim, hóa trang đến diễn viên, đầu tư kỹ lưỡng cho từng vai diễn... Ngay hình thức làm phim vừa phát sóng vừa quay cũng có mặt tốt, chúng ta biết phản hồi của khán giả để có thể điều chỉnh. Chính bộ phim “Về nhà đi con” là phim đầu tiên vừa làm vừa quay, phát sóng phần 1 thì phần 2 mới quay nên rút được nhiều kinh nghiệm. Tất nhiên nếu phim dở mà vừa làm vừa quay sẽ tạo áp lực cho diễn viên và đạo diễn. Chúng ta bắt đầu có một thế hệ làm phim có thể toàn tâm, toàn ý với nghề vì nghề có thể nuôi sống được các bạn. Điều này rất quan trọng. Còn giấc mơ xuất ngoại có lẽ vẫn phải chờ, theo tôi, trước mắt chúng ta cứ làm thật tốt thị trường trong nước đã.

- Nhưng hào quang của phim truyền hình với các nghệ sĩ cũng rất lớn. Anh từng chạm tới những hào quang đó, làm sao giữ được sự điềm tĩnh để đi qua những hào quang và làm nghề một cách chỉn chu nhất?

- Tôi thấy điều đó bình thường. Trong cuộc đời làm nghệ thuật, cũng có nhiều vai thất bại, thậm chí thất bại nhiều hơn thành công. Vấn đề là có những người đóng một phim thành công, họ cứ mặc định những phim khác cũng sẽ hay, và họ đặt “cái tôi” của mình lên cao quá, cho mình là giỏi mà không lắng nghe, học hỏi, thậm chí còn tranh cãi với đạo diễn. Tôi nghĩ, điều quan trọng là luôn phải biết mình là ai và không bị áp lực, bị ảnh hưởng bởi ai. Nghệ sĩ phải tin vào việc mình làm và không ngừng học hỏi, hoàn thiện mình trong mỗi vai diễn. Tâm thế tôi khi nhận một vai diễn rất thận trọng. Càng có tuổi tôi càng thận trọng hơn với những vai diễn của mình. Có những bạn trẻ dễ bị lôi kéo bởi ánh hào quang. Nhiều bạn trẻ khi ra trường nhận ngay được một vai diễn hợp vai và thành công ngay. Đó là hào quang ban đầu nhưng cũng là con dao hai lưỡi nên các bạn cần cảnh giác, nếu không sẽ bị “chết” ở vai diễn đầu tiên đó. Nghề diễn là sự nỗ lực học hỏi không ngừng để luôn là mình nhưng không lặp lại chính mình.

- Anh có kỳ vọng vào thế hệ trẻ?

- Hiện nay có nhiều diễn viên trẻ triển vọng, họ đang làm rất tốt. Họ đang đi song song với thế hệ trước. Có những gương mặt xuất hiện liên tục trên truyền hình, diễn viên nam có Việt Anh, Hồng Đăng, diễn viên nữ có Bảo Thanh, Thu Quỳnh... Tôi nghĩ rằng, những gương mặt ấy sẽ bảo đảm lượng khách của phim truyền hình hiện nay. Chúng ta có quyền hy vọng. 
 
- Xin cảm ơn anh!

14_1-1626969634631.jpg
Phim truyền hình Việt Nam đang được nâng cao chất lượng về mọi mặt. Trong ảnh: Cảnh trong phim Hương vị tình thân.